Tin thế giới sáng thứ Sáu: Amazon trở thành công ty đầu tiên bốc hơi 1 nghìn tỷ USD

Amazon trở thành công ty đại chúng đầu tiên bốc hơi 1 nghìn tỷ USD vốn hóa

Logo Amazon tại khu vực lối vào trung tâm kho hàng Amazon ở Lauwin-Planque, miền bắc nước Pháp, ngày 16/04/2020. (Ảnh: DENIS CHARLET / AFP qua Getty Images)

Amazon đã trở thành công ty đại chúng đầu tiên trong lịch sử mất 1 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường sau hơn 1 năm; nguyên nhân là nền kinh tế đầy biến động đã làm dấy lên một đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ trên diện rộng.

Amazon – được thành lập bởi tỷ phú Jeff Bezos – có trị giá gần 1,88 nghìn tỷ USD hồi tháng 07/2021. Cổ phiếu của công ty đã giảm 4,3% vào thứ 4 (09/11), đẩy giá trị thị trường của Amazon xuống 878 tỷ USD. Chỉ trong năm nay, cổ phiếu Amazon đã mất gần 50% giá trị.

Trước đó, vào ngày 01/11, giá trị thị trường của Amazon giảm xuống dưới 1 nghìn tỷ USD sau khi công ty công bố kết quả lợi nhuận quý III đáng thất vọng và đưa ra dự đoán doanh số bán hàng không mấy tươi sáng cho mùa mua sắm quan trọng sắp tới.

Amazon báo cáo doanh thu là 127,1 tỷ USD trong quý III/2022 – thấp hơn đôi chút so với dự báo của các nhà phân tích là 127,5 tỷ USD; trong khi lợi nhuận ròng giảm xuống còn 2,9 tỷ USD, tương đương 0,28 USD/cổ phiếu – giảm khoảng 9% so với quý III/2021.

Gã khổng lồ thương mại điện tử dự đoán rằng tăng trưởng quý IV sẽ ở mức chậm nhất từ ​​trước đến nay của công ty, đó là từ 2% đến 8% so với quý IV/2021.

Gia tăng sợ hãi về suy thoái kinh tế

Triển vọng về quý IV được Amazon đưa ra giữa lúc thị trường gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế khi lạm phát đang ở mức cao. Nhiều người tin rằng lạm phát cao sẽ khiến doanh số bán hàng thấp hơn do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và thắt chặt hầu bao.

Ông Andy Jassy, ​​Giám đốc điều hành của Amazon, cho biết: “Rõ ràng là có rất nhiều điều đang xảy ra trong môi trường kinh tế vĩ mô và chúng tôi sẽ cân đối các khoản đầu tư của mình sao cho hợp lý hơn mà không ảnh hưởng đến các bước đi chiến lược và dài hạn của chúng tôi”. “Điều sẽ không thay đổi là sự tập trung cao độ của chúng tôi vào trải nghiệm khách hàng; chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình đã sẵn sàng để mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng trong mùa mua sắm này”.

Hoạt động kinh doanh của Amazon từng bùng nổ trong đại dịch COVID-19 khi người dân chủ yếu mua sắm trực tuyến. Tuy vậy, hiện công ty đã gia nhập danh sách những gã khổng lồ công nghệ khác như Google và Microsoft, phải chứng kiến ​​giá cổ phiếu lao dốc trong năm nay trong bối cảnh thị trường chứng khoán bán tháo trên diện rộng.

Tổng hợp lại, 5 công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ tính theo doanh thu đã mất gần 4 nghìn tỷ USD giá trị thị trường trong năm nay, theo Bloomberg.

Ông Brian Olsavsky, Giám đốc tài chính của Amazon, cho biết công ty sẽ “thực hiện nhiều biện pháp để cắt giảm chi phí, bao gồm tạm dừng tuyển dụng trong một số mảng kinh doanh và dần ngừng cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ”.

Chi Anh

Theo Katabella Roberts – The Epoch Times

Nhật Bản, Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận quân sự lớn trước mối đe dọa Trung Quốc

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ hôm thứ Năm (10/11) đã bắt đầu một cuộc tập trận chung quy mô lớn ở xung quanh các đảo phía tây nam của Nhật Bản, nhằm tăng cường khả năng hoạt động tại những khu vực đó, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động quân sự.

Cuộc tập trận mang tên “Keen Sword” dự kiến ​​sẽ kéo dài đến ngày 19/11 và sẽ có sự tham gia của khoảng 26.000 binh sĩ từ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Hàng hải và Trên không Nhật Bản cùng khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ, bao gồm cả những người từ Lực lượng Không gian, theo Bộ quốc phòng Nhật Bản, hãng Kyodo đưa tin.

Bộ cho biết các cuộc tập trận mô phỏng việc bảo vệ các hòn đảo xa sẽ được tập trung vào Đảo Tokunoshima ở tỉnh Kagoshima, phía tây nam của Nhật Bản, với việc các máy bay cánh quạt Osprey của Nhật Bản và Mỹ được triển khai tại đó.

Tổng cộng có bốn tàu chiến và hai máy bay từ Úc, Canada và Anh cũng sẽ tham gia cuộc tập trận thường được tổ chức hai năm một lần này. Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ đưa lần lượt khoảng 20 và 10 tàu và khoảng 250 và 120 máy bay tham gia.

Bộ cho biết các cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Mỹ trong việc đối phó với các tình huống bất thường, đồng thời hai bên phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Tokyo và Washington ngày càng lo ngại về sự gây hấn trên biển của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm cả việc tàu Trung Quốc xâm phạm nhiều lần vào lãnh hải Nhật Bản gần các đảo do Tokyo quản lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, được gọi là Điếu Ngư hay Senkaku.

Trung Quốc cũng đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà nước cộng sản coi là một tỉnh ly khai phải được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Các cuộc tập trận Nhật – Mỹ cũng sẽ liên quan đến việc đáp trả các tên lửa đạn đạo, cũng như các hoạt động trong các khu vực phòng thủ mới như không gian bên ngoài và không gian mạng, Bộ cho biết.

Lê Vy (theo Kyodo News) (Trí Thức VN)

Lạm phát tháng 10 tại Mỹ giảm nhẹ còn 7.7%

Bảo Nguyên

Một người phụ nữ tại một cửa hàng tạp hóa Manhattan vào ngày 26/10/2022 ở thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

Lạm phát hàng năm của Mỹ giảm nhẹ còn 7,7% vào tháng 10, thấp hơn so với ước tính chung của thị trường. Thị trường tài chính phản ứng tích cực với thông tin lạm phát, trong khi một chuyên gia cho rằng áp lực tăng lãi suất đối với Fed sẽ nhẹ bớt.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đã giảm xuống 7,7% vào tháng 10, giảm từ mức 8,2% vào tháng 9, theo dữ liệu mới từ Cục Thống kê Lao động (BLS). Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.

Tỷ lệ lạm phát lõi, loại bỏ các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, cũng giảm xuống 6,3% trong tháng trước, giảm từ mức 6,6% trong tháng 9.

Tính theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng lõi tăng 0,3%.

Ước tính chung của thị trường đối với lạm phát rơi vào mức 8% trong tháng 10. Nhưng một số ước tính đã gợi ý một con số cao hơn.

Ước tính Nowcast từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland đã dự đoán con số là 8,1%, trong khi Trading Economics cũng dự đoán con số là 8,1%.

Giá thực phẩm tiếp tục tăng trong tháng 10, khi chỉ số thực phẩm tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cửa hàng tạp hóa tăng 12,4%, trong khi thực phẩm xa nhà tăng 8,6%.

Các mặt hàng thực phẩm cũng có mức tăng đáng chú ý hàng tháng, bao gồm trứng (10,1%), rau diếp (3,3%), bột mì (2%), bánh mì trắng (1,7%), gạo (1,2%) và cà phê (1,2%).

Năng lượng tăng ở mức 17,6%, nhưng mức tăng là 1,8% khi tính theo tháng. Xăng tăng 19,3% so với cùng thời điểm năm trước và tăng 4% từ tháng 9 đến tháng 10. Dầu nhiên liệu tăng vọt 19,8% so với tháng trước, với mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 68%. Chi phí điện cũng tăng 14,1% so với năm ngoái.

Chi phí nơi ở cũng làm gia tăng áp lực lạm phát, tăng với tốc độ hàng năm là 6,9%.

Trong khi đó, chi phí xe mới, chi phí xe cũ & xe tải tăng lần lượt 8,4% và 2% so với cùng thời điểm năm trước. Quần áo tăng 4,1%. Dịch vụ vận chuyển và chăm sóc y tế tăng 15,2% và 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, một số mặt hàng khác ghi nhận mức tăng đáng kể hàng tháng, chẳng hạn như phòng khách sạn (4,9%), bưu phí (4,2%), dầu máy (4,4%) và thức ăn trẻ em (1,8%).

Thị trường tài chính hoạt động rầm rộ sau báo cáo về lạm phát suy giảm, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 800 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng khoảng 100 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng khoảng 400 điểm trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

Mặc dù lạm phát đã giảm, ông Peter Schiff, nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia toàn cầu tại Euro Pacific Capital, không cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang đạt được thành quả trong việc kiểm soát lạm phát.

“#Fed không đạt được tiến bộ nào trong việc giảm # lạm phát xuống 2%. #CPI tháng 10 đã tăng 0.4%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm theo đó là 5% [0.4*12], cao hơn gấp đôi so với mục tiêu của Fed. Lãi suất thực âm, thâm hụt ngân sách tăng vọt và đồng USD suy yếu sẽ đẩy mức tăng CPI theo năm lên mức cao mới”, ông tweet.

Lạm phát và Fed

Nhìn về tháng 11, Nowcast của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland dự kiến ​​chỉ số CPI sẽ chạm 8% và chỉ số CPI lõi sẽ tăng ở mức 6,6%.

Nhìn chung, các nhà kinh tế đang mong đợi mức tăng 75 điểm cơ bản lần thứ năm liên tiếp đối với lãi suất quỹ liên bang chuẩn tại cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trong khi đó, theo CME FedWatch Tool, nhiều nhà đầu tư hơn đang nghĩ rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ thông qua một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn ở mức nửa điểm vào tháng tới.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu khai mạc cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FMOC) tại trụ sở cơ quan vào ngày 02/11/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Ông Powell thông báo rằng Cục Dự trữ Liên bang đang tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm, lần tăng lãi suất thứ sáu trong năm nay và lần thứ tư liên tiếp ở mức tăng này. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Chủ tịch Ngân hàng Fed Richmond, Thomas Barkin, gần đây đã nói với Top of Virginia Chamber of Commerce tại Đại học Shenandoah rằng Ngân hàng Trung ương đã học được bài học từ những năm 1970, có nghĩa là nó không thể “để lạm phát trở nên nghiêm trọng và kỳ vọng tăng lên”.

“Chúng tôi đã được Quốc hội yêu cầu duy trì giá cả ổn định và chúng tôi đang làm những gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”, ông nói.

“Sau hai năm rưỡi bất ổn, chúng tôi đều đã sẵn sàng để trở lại bình thường”, ông Barkin nói thêm. “Nhưng thế nào là bình thường? Tôi muốn nói rằng bình thường là không trở lại vị trí mà chúng ta đã từng ở”.

Kỳ vọng lạm phát trong một và năm năm của Đại học Michigan đã tăng lên lần lượt là 5,1% và 2,9% vào tháng 10.

“Sự không chắc chắn về kỳ vọng lạm phát vẫn tăng cao, cho thấy kỳ vọng lạm phát có thể sẽ không ổn định trong những tháng tới”, Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng Joanne Hsu của Đại học Michigan cho biết trong một thông cáo báo chí.

Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc họp FOMC vào tháng này rằng cơ quan này có khả năng sẽ đẩy lãi suất quỹ liên bang lên trên phạm vi 4,5% và 4,7%, các nhà giao dịch vẫn đang thảo luận về khả năng của cái gọi là động thái xoay trục của Fed vào thời điểm nào đó vào năm sau.

“Chúng tôi vẫn còn con đường phải đi”, ông Powell nói. “Và dữ liệu nhận được kể từ cuộc họp gần đây nhất của chúng tôi cho thấy rằng mức lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn dự kiến ​​trước đây”.

Theo ông John Lynch, CIO tại Comerica Wealth Management, chiến dịch thắt chặt của Ngân hàng Trung ương Mỹ “tạo ra ảnh hưởng theo dự tính là làm nền kinh tế chậm lại, mặc dù không đủ để chấm dứt tín hiệu thắt chặt”.

“‘Cao hơn và lâu hơn’ trở thành câu thần chú cho một Fed quyết tâm khôi phục sự ổn định giá cả, đưa gia tăng lạm phát xuống phạm vi 2,0% như mong muốn của Ngân hàng Trung ương”, ông Lynch viết trong một ghi chú gần đây.

Nhưng một chuyên gia thị trường cho rằng thông tin lạm phát mới nhất làm giảm áp lực lên Fed trong việc đưa ra mức tăng ba phần tư điểm.

“Khó có thể tin rằng tỷ lệ lạm phát 7,7% tính theo năm là lý do để tổ chức ăn mừng, nhưng sự thay đổi 0,3% hàng tháng trong CPI lõi làm giảm áp lực buộc Fed phải tăng lãi suất thêm 0,75% một lần nữa vào cuộc họp tiếp theo của họ; vì vậy sẽ có một sự hồi phục mang tính giải tỏa đối với cả cổ phiếu và trái phiếu”, ông Bryce Doty, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Sit Fixed Income Advisors, đã viết trong một ghi chú.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers gợi ý rằng Ngân hàng Trung ương có thể cần phải tăng lãi suất lên trên 6% để ngăn chặn lạm phát giá tràn lan. Đây sẽ là mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Bảo Nguyên

Ukraine chỉ trích 50 thương hiệu phương Tây vẫn ở Nga: “Tài trợ cho nạn diệt chủng”

Ukraine hôm thứ Hai (7/11) đã nêu tên 50 thương hiệu quốc tế mà họ tuyên bố vẫn đang tiếp tục hoạt động ở Nga bất chấp cuộc chiến mà Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu vào tháng Hai.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi tẩy chay các công ty này, cáo buộc họ “tài trợ cho tội ác diệt chủng” bằng cách duy trì hoạt động ở Nga, theo một tweet của Bộ Ngoại giao Ukraine.

Ông Kuleba nói: “Các công ty quốc tế vẫn làm việc tại Nga đang tài trợ trực tiếp cho tội ác chiến tranh của Nga và tội ác diệt chủng người Ukraine. “Tôi nhắc lại lời kêu gọi khách hàng và đối tác của họ tẩy chay những thương hiệu này cho đến khi họ ngừng kiếm lợi nhuận bằng máu và rút khỏi Nga.”

Bộ ngoại giao Ukraine đã chia sẻ một hình ảnh có tiêu đề “50 thương hiệu hàng đầu từ châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục hoạt động ở Nga kể từ ngày 2 tháng 11 năm 2022.”

Hình ảnh chứa logo của các công ty bao gồm Nestle, P&G, Johnson & Johnson, Philips, Siemens, Bayer, Unilever, Danone, Kimberly-Clark, ING, UniCredit, Aegon, Merck, Lilly, Sanofi, Veolia, Cargill, ADM, Roche, Valeo , Schlumberger, Engie, Metro, Abbvie, Auchan, HSBC, Aviva, Pfizer và AstraZeneca, cùng những cái tên khác.

Tuy nhiên, một số công ty có trong hình cho biết họ không còn duy trì hoạt động ở Nga, bao gồm Engie, Aviva, Glencore và Aegon.

Engie, một công ty tiện ích đa quốc gia của Pháp, đã đưa ra tuyên bố vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu, trong đó lên án cuộc xung đột và nói rằng họ “không tham gia vào bất kỳ hoạt động công nghiệp nào ở Nga” và “không có dự án đầu tư nào đang được tiến hành trên lãnh thổ Nga.”

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24/2, một số công ty quốc tế đã tuyên bố không còn hoạt động tại quốc gia này. Hơn 1.000 công ty từ khắp nơi trên thế giới đã rời bỏ Nga ở những mức độ khác nhau kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Hình ảnh của Bộ Ngoại giao Ukraine dẫn nguồn từ Viện lãnh đạo điều hành Yale 2022 và các công ty hàng đầu được đưa vào danh sách dựa trên doanh thu theo báo cáo tài chính của họ.

James Darcy, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Airbus, nói với tờ Newsweek rằng họ đã đình chỉ việc giao hàng và các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng Nga, cũng như việc cung cấp phụ tùng thay thế cho quốc gia này, theo các lệnh trừng phạt quốc tế đang áp dụng.

Một đại diện của ING cho biết sau khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu, công ty đã làm việc để “tích cực giảm bớt” “sự tiếp xúc liên quan đến Nga.”

Trong suốt cuộc chiến, ông Kuleba đã cáo buộc Nga phạm tội diệt chủng ở Ukraine.

Trong một bài viết trên tờ The Hill vào tháng 8, Ngoại trưởng Ukraine đã chỉ ra việc Nga ép buộc trục xuất trẻ em Ukraine từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đến Nga, và vụ thảm sát ở Bucha.

Xuân Lan (theo Newsweek) (Trí thức VN)

FBI thu hồi 3.3 tỷ USD Bitcoin bị đánh cắp cách đây 10 năm

Bitcoin bị đánh cắp được tìm thấy trên thẻ nhớ. (Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ)

Ngày 7/11, công tố viên liên bang của quận phía Nam New York thông báo rằng họ đã thu giữ số Bitcoin trị giá hơn 3,36 tỷ USD từ James Zhong, một nhà phát triển bất động sản.

Tháng 11/2021, các nhà điều tra đã tìm thấy hơn 50.000 Bitcoin khi họ đột kích vào nhà của James, một cư dân Georgia. Vào thời điểm đó, 1 Bitcoin trị giá hơn 66.000 USD, hơn 50.000 Bitcoin trị giá hơn 3 tỷ USD.

James Zhong, sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính 32 tuổi, đã bị bắt vào ngày 4/11. Hôm đó, Zhong thừa nhận đã sử dụng các phương pháp gian lận ở tuổi 22, để đánh cắp 50.000 Bitcoin từ website chợ đen Silk Road cách đây 10 năm, và phạm tội gian lận chuyển khoản.

Silk Road là một trang web mua sắm chợ đen khét tiếng, bán các mặt hàng như ma túy, vũ khí, thẻ tín dụng bị đánh cắp, tài liệu giả mạo, và thậm chí cả những vụ giết người. Nó đã bị Chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa vào năm 2013 và người sáng lập Ross Ulbricht đã bị bắt.

Khi Ulbricht bị kết án vào năm 2015, tòa án cho Quận phía Nam New York đã ra phán quyết rằng tất cả 9,9 triệu Bitcoin được giao dịch thông qua nền tảng Silk Road đều bị tịch thu. Tuy nhiên, tại thời điểm tuyên án, Chính phủ không rõ chính xác tung tích của những đồng Bitcoin đã mất tích.

Hoạt động này là một phần của cuộc điều tra về tung tích của số Bitcoin bị mất tích, do Văn phòng luật sư Hoa Kỳ quận phía Nam Manhattan dẫn đầu.

Cũng như Bitcoin, cảnh sát tìm thấy 600.000 đô la tiền mặt trong một két sắt dưới sàn. (Ảnh Bộ Tư pháp Mỹ)

50.000 Bitcoin được giấu trong một lọ bắp rang trên một bảng mạch đơn

Theo cáo trạng, Zhong bắt đầu phạm tội từ năm 2012, khi thanh niên 22 tuổi này lừa đảo hơn 53.000 Bitcoin từ trang web đen. Zhong đã tạo 9 tài khoản Silk Road để che giấu danh tính và thực hiện 140 giao dịch liên tiếp, nhằm lừa nền tảng giải phóng Bitcoin vào tài khoản mình; sau đó chuyển số Bitcoin này sang các tài khoản khác dưới sự kiểm soát của Zhong.

Ví dụ: Ngày 19/9/2012, Zhong đã gửi 500 Bitcoin vào ví Silk Road. Chưa đầy 5 giây sau lần gửi tiền đầu tiên, Zhong đã thực hiện 5 lần rút 500 Bitcoin liên tiếp trong cùng 1 giây, với tổng cộng 2.500 Bitcoin. Một ví dụ khác, Zhong gửi vào một khoản tiền, và ngay lập tức rút 50 khoản, sau đó hủy tài khoản.

Nói về hơn 50.000 Bitcoin mà Zhong đánh cắp từ Silk Road hơn một thập kỷ trước, trong một tuyên bố, Luật sư Damian Williams của quận phía Nam New York, cho biết: “Tung tích của đống Bitcoin bị mất tích này đã trở thành một bí ẩn trị giá hơn 3,3 tỷ USD trong 10 năm qua.”

Quá trình điều tra vụ án Silk Road giống như một bộ phim cảnh sát truyền thống, ngoài công nghệ theo dõi tiền mã hóa tiên tiến, việc tìm kiếm những đồng tiền bị mất tích cũng dựa vào các phương pháp cổ điển của cảnh sát.

Ông Williams cho biết họ đã tìm thấy một bảng mạch (SBC) chứa 50.000 Bitcoin trong đáy một lọ bắp rang, bị phủ dưới đống chăn trong tủ phòng tắm của Zhong.

Luật sư của Zhong, ông Michael Bachner, trả lời phóng viên của Epoch Times rằng: “Zhong vô cùng hối hận về hành động của mình 10 năm trước khi chỉ mới 22 tuổi. Anh ấy đã hoàn trả gần như toàn bộ số tiền mua lại không đúng cách (hơn 50.000 Bitcoin).”

“Trớ trêu thay, với sự tăng trưởng về giá trị của Bitcoin trong thập kỷ qua, số Bitcoin anh ta trả có giá trị cao hơn theo cấp số nhân so với số Bitcoin anh ta đã lấy đi.”

Theo thỏa thuận nhận tội của Zhong, số Bitcoin anh đánh cắp có nguồn gốc từ tiền thu được của tội phạm Ulbricht, vì vậy Zhong không phải bồi thường cho nạn nhân.

Đến tháng 3/2022, James Zhong quyết định đầu thú, và nhận tội lừa đảo trên Silk Road trong phiên tòa ngày 4/11.

Ngày 4/11, Zhong đã được tại ngoại với 310.000 USD phí bảo lãnh. Tội danh lừa đảo qua mạng Internet có mức án tối đa là 20 năm tù, Zhong phải đối mặt với mức án 27 – 33 tháng tù sau khi nhận tội. Tòa án dự kiến ​​sẽ tuyên án Zhong vào ngày 22/2/2023.

Bộ Tư pháp Mỹ không công bố cụ thể quy trình thu giữ số Bitcoin này. Nhưng theo The Verge, một trong những nguyên nhân khiến Zhong bại lộ là anh đã từng báo cảnh sát vì gặp trộm vào năm 2019, trong đó, vật dụng bị mất có “một lượng lớn Bitcoin”.

Bình Minh (Trí Thức VN)

Related posts