Tết sum vầy

Đặng Duy Hưng

Trên chuyến xe lửa một ngày đầu hè anh gặp ông Thúc, người đàn ông có những ý nghĩ khác biệt chưa từng nghe qua. Anh làm cho công ty xây dựng nhà cửa, đổ móng tráng nền bỏ bê tông lót gạch xây lên từ A đến Z. Thường thường công việc không xa nhà lắm. Sáng đi sớm nhưng chiều nào anh cũng về ăn cơm tối với vợ con. Hai vợ chồng anh, đứa nào cũng mồ côi cha từ nhỏ. Bởi vậy anh luôn cố gắng làm trọn bổn phận người cha mà hai vợ chồng anh không có.

Anh nhìn vợ, thằng Hùng và con bé Thúy mỗi đêm là niềm hạnh phúc đầy ắp. Hai tuần nay công ty nhận thầu cách nhà anh hơn 300 cây số. Công việc đòi hỏi anh phải ở lại đêm, một điều anh không muốn nhưng không có sự chọn lựa nào khác. Anh phải rời nhà mỗi sáng thứ hai, ngồi xe lửa chuyến sớm nhất. Cứ ba ngày anh sắp xếp công việc nhảy tàu về nhà buổi tối rồi sáng hôm sau đó đi sớm.

Ông Thúc khen: “Anh thật là người đàn ông gương mẫu. Không như tôi cả tuổi thanh xuân lao đầu vào xã hội cố làm cho giàu nhanh. Có lần hơn bảy tháng chẳng thấy vợ con khỏe bịnh ra sao!? Về nhà chưa kịp vui đoàn tụ đã phải tiếp tục lên đường.”

Anh hỏi: “Vậy ông có về nhà dịp Tết không?”

Mắt ông như sáng lên: “Chỉ có một lần bị thương trên tàu phải nằm bệnh viện. Còn lại lúc nào tôi cũng về vui bên vợ bên con.”

Ông hỏi anh mộng ước nhất trong đời là gì?

Anh thẳng thắn: “Cháu chỉ mong có căn nhà ấm cúng, làm việc gần đó không đi xa. Thế thôi!”

Ông cười: “Cuộc đời tôi lúc bắt đầu hơi căng một tý. Nhưng sau này thành công trong công việc, muốn gì được đó.”

Ông kể cho anh nghe mộng ước thành tựu nhất trong đời là xây dựng phía sân sau một đầu máy xe lửa cộng thêm b toa tàu.

“Tôi bỏ tiền nhờ công ty xe hỏa bán lại cái đầu máy cùng ba cái toa cũ. Nhờ thợ tiểu tu màu sơn mới, bỏ đường ray tàu sau nhà. Cả cuộc đời tôi sống trên xe lửa ngao du khắp nơi buôn bán làm ăn. Bây giờ về già , mỗi cuối tuần có con cháu về thăm được tổ chức tiệc trên những toa xe lửa này.”

Anh thầm nghĩ: “Đúng là nhà giàu muốn gì được đó. Ngay cả những ý nghĩ quái lạ nhất!”

Lúc xuống ga về chỗ làm, anh ngạc nhiên hơn khi ông là người chủ ngôi nhà anh đang xây dựng.

Ông tâm sự: “Xây dựng nhà này cho con gái út. Tôi có năm đứa con, đứa nào tôi cũng thương đồng đều nhưng nó là đứa tôi không có nhiều thời gian gần gũi.”

Ông ở đó xem xét công việc, lo lắng cho thầy thợ ăn uống đến tiệc nhậu buổi tối. Thấy anh ít uống ông diễu:
“Nhớ vợ con uống không vô hả?”

Anh lắc đầu: “Từ nhỏ đến giờ cháu ít uống, ngồi ‘phá mồi’ cho vui thôi.”

Ông vỗ vai khen: “Vợ cậu may mắn chọn đúng người.”

Một tháng trước Tết ngôi nhà đã xây dựng xong cùng đồ đạc trang trí phía trong, ngoài, trước và sau. Cúng nhà cùng đãi tiệc trả lương thưởng Tết tất cả cho thợ thầy xong, đến khi tan tiệc ngồi một mình giữa phòng khách ông đưa anh cuốn sổ đỏ:

“Cái nhà này tôi tặng cho hai vợ chồng cậu.”

Anh sửng sốt chẳng biết nói sao! Ngước mắt nhìn muốn hỏi tại sao?

Ông mở cuốn sổ chỉ: “Cậu nhìn tên vợ cậu và tên tôi cùng một họ. Nó là đứa con thiếu tình thương cha từ một người đàn ông ngày ấy chỉ muốn đạt được tất cả những gì theo ý thích. Ngày ấy còn trai trẻ muốn gì phải tìm cách đạt cho được, không nghĩ hậu quả về sau. Sau này biết hoàn cảnh mẹ con vợ cậu nhưng không làm gì được! Chỉ mong nó tha thứ cho lỗi lầm của người cha không trách nhiệm.”

Anh hỏi: “Tại sao hôm nay ông mới thực hiện?”

Ông giọng buồn: “Tôi già rồi đủ thứ bệnh, nặng nhẹ chưa biết rời xa lúc nào! Tôi đã thành thật thú nhận tội lỗi ngày xưa với vợ con.”

Ông cầm tay anh nước mắt chảy xuống hai bên má: “Đây là địa chỉ nhà tôi. Hy vọng Tết năm nay cậu dẫn vợ con về chơi. Tôi nài nỉ cậu hãy tìm đủ mọi cách nói chuyện với con gái tôi. Ngày Tết tôi hy vọng sẽ gặp đoàn tụ với tất cả con cháu. Tôi đã già rồi cậu hiểu không? Cả cuộc đời tôi đã làm lắm chuyện tốt nhưng cũng với bao chuyện tai tiếng. Hy vọng những ngày cuối cuộc đời khi xuôi tay tâm tư được nhẹ nhàng.”

Đặng Duy Hưng

Related posts