COVID-19 có thể khiến não bộ già đi 2 thập kỷ – Làm thế nào để đảo ngược quá trình này?

Song Hoài

COVID-19 có thể làm tăng tốc ‘đồng hồ lão hóa biểu sinh’. (Ảnh: unsplash.com)

Một nghiên cứu mới của Anh đã phát hiện rằng chủng virus SARS-CoV-2 gốc (chủng virus đầu tiên phát hiện tại Vũ Hán) có thể làm suy giảm khả năng nhận thức tương đương với việc não bộ già đi hai thập kỷ.

Hiện tại, 67% dân số thế giới đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Liệu rằng việc tiêm những loại vaccine này có khiến não bộ gặp tình trạng thoái hóa tương tự không?

May mắn, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng lão hóa là một quá trình và vẫn có cách để đảo ngược quá trình này.

Bộ não của bệnh nhân bị lão hóa

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí EClinicalMedicine. Các chuyên gia từ Đại học Cambridge và Trường Y khoa Đại học Hoàng gia Luân Đôn đã đánh giá những tác động của COVID-19 lên chức năng nhận thức ở người.

Đối tượng nghiên cứu bao gồm các bệnh nhân COVID-19 nặng được nhập viện từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2020.

Sau khi những bệnh nhân này hồi phục, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tái khám và theo dõi trong thời gian trung bình khoảng sáu tháng để phân tích và đánh giá những biểu hiện lo âu, trầm cảm và stress sau sang chấn của họ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự suy giảm đáng kể khả năng chú ý, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, trí nhớ, độ chính xác và thời gian phản ứng kéo dài ở nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu.

Sự suy giảm nhận thức này tương tự với quá trình lão hóa của một người từ 50 tuổi đến 70 tuổi, đồng nghĩa với với việc già đi hai thập kỷ và mất đi 10 điểm IQ.

Ngoài ra, khả năng phục hồi chức năng nhận thức diễn ra rất chậm ở bệnh nhân từng nhiễm COVID-19.

COVID-19 có thể làm tăng tốc ‘đồng hồ lão hóa biểu sinh’

Tại sao nhiễm COVID-19 có thể gây ra hiện tượng lão hóa bất thường? Trước tiên chúng ta hãy xem xét một khái niệm.

Mối quan hệ giữa gen và biểu sinh giống như hạt giống và đất. Gen giống như hạt giống, trong khi biểu sinh giống như đất. Gen của cơ thể con người thường không thay đổi sau khi sinh. Chúng giống như những “hạt giống” nằm im trong đất. Một số “hạt giống” sẽ được mọc lên, còn một số khác thì không. Điều quyết định liệu những hạt giống này có được phát triển hay không là “công tắc” di truyền hay “di truyền biểu sinh”.

“Di truyền học biểu sinh” là chuyên ngành nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến việc hoạt hóa hoặc bất hoạt các gen trong cơ thể. Ví dụ, một loại “công tắc’ gen phổ biến là hiện tượng methyl hóa DNA. Hiện tượng này có thể làm thay đổi biểu hiện của gen, làm “tắt” các gen và khiến chúng không hoạt động. Methyl hóa là một quá trình sinh hóa phức tạp trong cơ thể. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng methyl hóa DNA là một trong những cách thức hoạt động của biểu sinh. Đó chính là quá trình bật và tắt gen.

Do quá trình methyl hóa DNA, các gen giống nhau sẽ được biểu hiện khác nhau ở các cơ quan khác nhau và ở các độ tuổi khác nhau cũng như mức độ biểu hiện cũng khác nhau.

Các tế bào sẽ lão hóa khi chúng ta già đi. Khi đó các tế bào sẽ dần ngừng phân chia và đi vào trạng thái ngưng trệ. Thay vì chết đi như bình thường, chúng vẫn tồn tại, nhưng thay đổi hình dạng và kích thước, đồng thời tiết ra các phân tử gây viêm khiến các tế bào lân cận cũng trở nên lão hóa.

Trong một bài báo được đăng trên tạp chí Nature Reviews Genetics, Steve Horvath, giáo sư di truyền học người, nhà thống kê sinh học tại Đại học California – Los Angeles, đã kết luận rằng khi con người già đi và có nhiều tế bào lão hóa hơn, thì sẽ có những thay đổi đặc trưng của hiện tượng methyl hóa DNA trong tế bào của chúng ta.

Cuộc đời mỗi con người đều phải trải qua sinh, lão, bệnh và tử. Hiện nay các nhà khoa học đã phát hiện rằng quá trình này được kiểm soát bởi đồng hồ biểu sinh bên trong cơ thể chúng ta. Hiện tượng này cũng tương tự với việc mọi vật trong vũ trụ đều có chu kỳ sinh, trụ, suy, diệt.

Cuộc đời mỗi con người đều phải trải qua sinh, lão, bệnh và tử. (Ảnh: unsplash.com)

Giáo sư Horvath đã tóm tắt những thông tin về hiện tượng methyl hóa DNA liên quan đến quá trình lão hóa trong “đồng hồ lão hóa biểu sinh”. Trong khi số năm chúng ta sống trên Trái đất là tuổi tính theo trình tự thời gian, thì cách chúng ta sống và các đặc điểm sinh học vốn có sẽ ảnh hưởng đến thời gian chúng ta thực sự sống. Đó chính là tuổi sinh học hay tuổi cơ thể của chúng ta.

Tuổi sinh học có thể được ước tính bằng cách xác định trạng thái methyl hóa của các gen liên quan đến quá trình lão hóa. Nói cách khác, các nhà khoa học có thể tập trung nghiên cứu các gen liên quan đến hiện tượng lão hóa và sau đó đánh giá các gen đó đang được methyl hóa như thế nào. Bằng cách này chúng ta có thể đánh giá quá trình thoái hóa hiện tại của cơ thể người

Các vùng gen nghiên cứu đã được các nhà khoa học lựa chọn cẩn thận. Những vùng gen này không phụ thuộc vào giới tính, bộ phận cơ thể, các bệnh lý đi kèm và những yếu tố khác. Kết quả thu được có độ chính xác cao, với độ chính xác trên 95 phần trăm trong việc xác định tuổi sinh học của một người.

Con người có một đường cong methyl hóa của quá trình lão hóa bình thường. Nếu quá trình methyl hóa DNA của một người ở phía trên đường cong này, người đó đang già đi nhanh hơn so với những người cùng lứa tuổi. Ngược lại nếu quá trình methyl hóa DNA nằm dưới đường cong, người đó sẽ trông trẻ hơn so với những người cùng lứa tuổi.

Như vậy, những yếu tố nào có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa hay làm tăng tốc đồng hồ lão hóa biểu sinh?

Một nghiên cứu được thực hiện ở Bỉ được công bố trên tạp chí Aging vào năm 2018 đã phát hiện ra những yếu tố đẩy nhanh quá trình lão hóa biểu sinh ở người gồm có:

  • Bệnh tật: nhiễm virus (ví dụ HIV và CMV), các bệnh thoái hóa thần kinh và ung thư.
  • Hội chứng chuyển hóa: chỉ số khối cơ thể (BMI) quá cao, tăng đường máu, các yếu tố gây viêm và tăng huyết áp.
  • Căng thẳng: hội chứng stress sau sang chấn, căng thẳng tinh thần và có các trải nghiệm bạo lực trong thời thơ ấu.

Điều này sẽ khiến chúng ta tự hỏi liệu việc nhiễm COVID-19 có thể đẩy nhanh “đồng hồ lão hóa biểu sinh” hay không?.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications đã trả lời câu hỏi này. Nghiên cứu đã thu thập mẫu máu từ 232 người khỏe mạnh, 194 bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ hoặc trung bình và 213 bệnh nhân COVID-19 nặng để phân tích quá trình methyl hóa DNA. Kết quả phát hiện rằng tuổi biểu sinh của những bệnh nhân COVID-19 đã tăng nhanh đáng kể.

Ngoài ra, sự gia tăng tuổi biểu sinh ở bệnh nhân COVID-19 cũng liên quan đến giai đoạn của bệnh. Sự tăng tốc độ tuổi biểu sinh diễn ra nhanh nhất trong giai đoạn nhiễm virus cấp tính. Đó là giai đoạn mà cơ thể và virus đang chiến đấu ác liệt. Và quá trình lão này sẽ giảm trong giai đoạn phục hồi.

Hiện tượng lão hóa có thể ‘lây lan’ không? Lão hóa tế bào gây ra 12 căn bệnh liên quan đến tuổi già

Ngay cả khi đã hết nhiễm virus, nhiều người vẫn có các triệu chứng của “hội chứng COVID kéo dài”. Điều này có liên quan đến quá trình lão hóa do COVID-19 gây ra hay không?

Lão hóa biểu sinh có thể được quan sát bằng các biểu hiện tóc bạc và răng lung lay. Tuy nhiên, ở cấp độ tế bào, các tế bào trong cơ thể con người cũng dần già đi.

“Lão hóa tế bào” là tình trạng ngừng chu kỳ tế bào khi các tế bào ở trong trạng thái căng thẳng, cũng như việc các tế bào tiết ra nhiều loại cytokine gây viêm cùng một lúc. Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Aging, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã tuyên bố rằng các tế bào lão hóa không chết ngay lập tức mà chúng sẽ lan truyền các cytokine gây viêm sang các tế bào khỏe mạnh gần đó, khiến nhiều tế bào khác cũng lão hóa theo.

Vậy hiện tượng lão hóa tế bào có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe của chúng ta?

Hiện tượng lão hóa tế bào đóng vai trò quan trọng trong những bệnh liên quan đến tuổi tác như các bệnh thoái hóa thần kinh, mắt, phổi và tim.

Vaccine COVID-19 có gây ra hiện tượng lão hóa tế bào không?

Nghiên cứu trên đã được thực hiện trước khi biến thể Omicron bùng phát. Chúng ta biết rằng biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các chủng cũ. Trên thực tế, một số vị trí đột biến của biến thể Omicron đã chống lại các yếu tố gây lão hóa tế bào. Người ta cho rằng Omicron gây ra hiện tượng lão hóa tế bào chậm hơn đáng kể so với các chủng cũ.

Tuy nhiên, các loại vaccine mà chúng ta đang sử dụng được sản xuất bằng cách sử dụng protein gai của các chủng virus cũ đầu năm 2020, vậy liệu việc tiêm vaccine có tạo ra nguy cơ lão hóa nhanh hơn không?

Vắc xin COVID-19 thúc đẩy tế bào trong cơ thể sản xuất ra protein gai. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Virus học vào năm 2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Saint Louis ở Missouri đã chuyển các protein gai của chủng virus cũ vào các tế bào được nuôi cấy trong ống nghiệm. Sau đó, rất nhiều dấu hiệu lão hóa tế bào (gồm các loại cytokine, interleukin và các enzym đặc hiệu, v.v.) đã được tìm thấy trong các tế bào có protein gai so với nhóm tế bào đối chứng.

Một học sinh nam đang tiêm chủng COVID-19 tại Blackburn, Anh, 17/01/2022. (Paul Ellis / AFP, qua Getty Images)

Ngoài ra, protein gai cũng làm tăng các yếu tố gây viêm, gây tổn thương ty thể, tạo ra các sản phẩm protein lỗi và gây mất ổn định bộ gen. Tất cả những yếu tố này đều làm tăng tốc độ lão hóa của tế bào.

Có một cách để đảo ngược quá trình lão hóa này

Đảo ngược quá trình lão hóa có vẻ giống việc giấc mơ trở thành hiện thực đối với nhiều người. Chúng ta đã hiểu rất nhiều cơ chế liên quan đến hiện tượng lão hóa, vậy có cách nào có thể làm chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa hay không?

Trên thực tế, chế độ ăn uống hàng ngày, thói quen làm việc và lối sống của chúng ta đều ảnh hưởng đến đồng hồ lão hóa biểu sinh. Ví dụ, trong quá trình nấu ở nhiệt độ cao, thịt đỏ tạo ra các sản phẩm glycosyl hóa, có liên quan đến quá trình lão hóa tế bào; thịt gia cầm và cá là những loại thức ăn tương đối tốt cho sức khỏe; các vitamin trong trái cây và rau quả có thể giúp tế bào giữ được sự trẻ trung. Có chế độ ăn uống phù hợp là một trong những cách có thể giúp chúng ta làm chậm hoặc đảo ngược đồng hồ lão hóa.

Ngoài ra, trong một bài báo đăng trên tạp chí Tâm thần kinh nội tiết vào năm 2017, các học giả của Mỹ và Pháp đã nghiên cứu xem việc ngồi thiền có ảnh hưởng đến đồng hồ lão hóa biểu sinh hay không.

Đối tượng của nghiên cứu là 18 người đã tập thiền ít nhất 10 năm và thiền ít nhất 30 phút mỗi ngày và 20 người không tập thiền. Đối tượng nghiên cứu được chia thành hai nhóm: dưới và trên 52 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã đo quá trình methyl hóa DNA của tế bào máu để ước tính tốc độ lão hóa biểu sinh của họ.

Kết quả cho thấy tốc độ lão hóa biểu sinh ở những người lớn tuổi không tập thiền cao hơn. Trong khi đó tốc độ lão hóa ở những người lớn tuổi có tập thiền giống với những người trẻ tuổi. Những người này không bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng lão hóa biểu sinh.

Biểu hiện gen cũng liên quan đến những thay đổi về ngoại hình của chúng ta, vì vậy những người tập thiền trông trẻ hơn so với tuổi thực của họ. Hơn nữa, những người tập thiền cũng có bộ não trẻ hơn.

Đại học California Los Angeles và Đại học Quốc gia Úc đã cùng công bố một nghiên cứu trên tạp chí NeuroImage vào năm 2016. Đối tượng của cuộc nghiên cứu này là 250 người tập thiền và 50 người không tập thiền. Cả hai nhóm đều có độ tuổi trung bình là 51,4 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích và so sánh tuổi bộ não của hai nhóm đối tượng và nhận thấy rằng tuổi bộ não của những người thiền định trẻ hơn so với tuổi thật của họ. Chẳng hạn, những người tập thiền 50 tuổi có tuổi não giống với một người 42,5 tuổi tập thiền. Những người tập thiền 60 tuổi có cùng tuổi não với những người 51 tuổi tập thiền trong nhóm chứng.

Có một điều thú vị là ở những người tập thiền trên 50 tuổi, cứ mỗi năm tuổi thực của họ tăng thêm 1 tuổi thì não của họ chỉ già đi 1 tháng 22 ngày so với tuổi thực.

Tóm lại, những tổn thương do virus SARS-CoV-2 gây ra cho cơ thể người có thể làm tăng tốc độ lão hóa biểu sinh của cơ thể và đồng thời làm giảm hoạt động của não bộ. Các loại vaccine được sản xuất dựa trên các chủng virus cũ vào năm 2020 cũng có thể gây hại cho cơ thể tương tự như vậy.

Ít nhất 67% dân số thế giới hiện đã được tiêm vaccine phòng Covid-19; liệu rằng trong tương lai con người có già đi nhanh hơn không? Không. Còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì chỉ dựa trên dữ liệu nghiên cứu trên tế bào thay vì nghiên cứu trên người. Tuy nhiên, dữ liệu từ các tế bào cũng là một lời nhắc nhở để chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn điều này.

Một tin tốt: lão hóa là một quá trình lâu dài. Nếu trong quá trình này, chúng ta có thể thực hiện những thói quen sống lành mạnh, như ăn uống lành mạnh, tập thể dục và thiền định hàng ngày. Những thói quen này có thể giúp làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa, và mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích về sức khỏe. Điều này sẽ được trình chi tiết hơn trong các bài viết sắp tới.

Yuhong Dong: Tiến Sĩ – Bác sĩ Y khoa, bà có bằng Tiến sĩ về các bệnh truyền nhiễm ở Trung Quốc, là giám đốc khoa học và đồng sáng lập của một công ty công nghệ sinh học ở Thụy Sĩ. Bà còn là cựu chuyên gia khoa học y tế cấp cao về phát triển thuốc kháng vi-rút tại Novartis Pharma ở Thụy Sĩ.)

Theo The Epoch Times – Epoch Health tiếng Anh
Song Hoài biên dịch

Related posts