Tin thế giới tối thứ Năm: 36,000 người có thể chết vì COVID mỗi ngày tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán

Airfinity: 36,000 người có thể chết vì COVID mỗi ngày tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán

Một báo cáo nghiên cứu mới của Anh cho thấy, trong thời gian Tết Nguyên đán này, mỗi ngày có thể có 36,000 người chết vì COVID-19 tại Trung Quốc.

Trong thời gian Tết Nguyên đán này, mỗi ngày có thể có 36.000 người chết vì COVID-19 tại Trung Quốc. (Chụp màn hình Airfinity)

Thời điểm nhạy cảm khi đỉnh dịch trùng đỉnh lưu lượng giao thông

Tết Nguyên Đán năm 2023 sẽ bắt đầu vào ngày 22 tháng Giêng, thời điểm trước sau dịp này hàng năm Trung Quốc phải đối mặt giai đoạn khắc nghiệt về lưu lượng giao thông (xuân vận). Theo ước tính chính thức của nhà chức trách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tổng lưu lượng hành khách trước Tết năm nay sẽ đạt 2,1 tỷ người, tăng gần 100% so với năm ngoái; cơ quan chức năng cũng chỉ ra đỉnh điểm dòng người trước Tết năm nay trùng với đỉnh điểm dịch bệnh, là đợt giao thông dịp Tết nhạy cảm nhất trong những năm gần đây do COVID-19.

Nhật báo Bắc Kinh (BJD) đưa tin hôm 7/1, nói rằng hiện tại rất khó để tìm được vé tàu cho một số tuyến khứ hồi ở Trung Quốc. Ngày 6/1 trang “Kinh tế và Tài chính Mới Trung Quốc” (Hunfdc.com) đã kiểm tra trang web 12306 (Trung tâm Dịch vụ Khách hàng Đường sắt Trung Quốc), phát hiện thấy lượng vé tàu nhiều tuyến đường phổ biến đã được bán hết.

Nhu cầu về các chuyến bay cũng gia tăng. Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trong dịp Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày bố trí 11.000 chuyến bay chở khách, bằng khoảng 73% so với cùng kỳ năm 2019. Xét về lượng đặt vé, phổ biến nhất là các tuyến Bắc Kinh-Tam Á, Thượng Hải-Bắc Kinh, Bắc Kinh-Hải Khẩu, Thâm Quyến-Côn Minh… Giá vé máy bay cũng tăng, giá vé máy bay một chiều từ Bắc Kinh đến Tam Á vào đêm giao thừa đã vượt quá 3.000 nhân dân tệ.

Nhà dịch tễ học trưởng tại CDC Trung Quốc, ông Wu Zunyou từng công khai tuyên bố rằng tình hình dịch bệnh sẽ có những “khúc ngoặt”, trong đó từ nửa cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 là giai đoạn dòng người về quê trong dịp Tết có thể làm leo thang dịch bệnh COVID-19.

Dự đoán từ ​​Airfinity

Trước thực tế là ĐCSTQ đã nhiều lần che giấu sự thật về tình hình dịch bệnh, giới quan tâm bên ngoài thấy lo ngại thay cho sự an toàn của người dân ở Đại Lục.

Báo cáo mới nhất từ công ty phân tích dữ liệu sức khỏe ​​Airfinity (có trụ sở tại Vương quốc Anh) dự đoán dịp Tết Nguyên đán mỗi ngày Trung Quốc có thể có 36.000 người chết vì COVID, khiến đây trở thành một trong những khoảng thời gian nguy hiểm nhất của làn sóng dịch tại Trung Quốc lần này.

Trước đó, Airfinity ước tính rằng dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ đối mặt với đỉnh điểm làn sóng đầu tiên này vào ngày 13/1, theo đó số người nhiễm COVID-19 trong một ngày sẽ lên tới 3,7 triệu người. Khoảng 10 ngày sau đỉnh dịch làn sóng này ở Trung Quốc, số trường hợp tử vong trong một ngày sẽ đạt đến đỉnh điểm với 25.000 người.

Dữ liệu của Airfinity cho thấy tốc độ bùng phát ở Trung Quốc là đáng báo động. Giám đốc phân tích của Airfinity, ông Matt Linley cũng chỉ ra ước tính trong 2 tuần tới hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc sẽ phải hứng chịu gánh nặng trầm trọng hơn, hậu quả là nhiều bệnh nhân trong trường hợp bình thường có thể điều trị được nhưng có thể sẽ tử vong vì bối cảnh quá tải khả năng chăm sóc.

Trong khi đó, Tuần báo Tin tức Trung Quốc (inewsweek) ngày 15/1 có cảnh báo rằng ở vùng đông bắc rộng lớn và lạnh giá của Trung Quốc vào dịp đón năm mới là lúc các bệnh nhân địa phương có thể lại phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn, lý do vì hệ thống y tế thời điểm này thiếu hụt.

Hồi năm ngoái, ngày 31/12 Nhật báo Nông dân Trung Quốc từng có bình luận rằng nguồn lực y tế yếu kém ở các vùng nông thôn của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh COVID-19 ở các vùng nông thôn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo số liệu của nhà chức trách, vào năm 2020 bác sĩ và nhân viên y tế thôn bản của Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% tổng số nhân viên y tế cả nước, nhưng họ phụ trách dịch vụ y tế cho gần 500 triệu người dân nông thôn.

Tiểu Quỳ, Vision Times

Trung Quốc: Một nhà tang lễ bán bình đựng tro cốt giá 1000 USD, người nhà chọn dùng ‘túi nhựa’

Trung Quốc: Một nhà tang lễ bán bình đựng tro cốt giá 1000 USD, người nhà chọn dùng 'túi nhựa'

Gần đây, sau khi một giáo sư Đại học Bắc Kinh qua đời và được hỏa táng, con trai ông đã từ chối mua chiếc bình đựng tro cốt giá 7.000 nhân dân tệ và đựng tro cốt của cha vào một chiếc túi nhựa. (Ảnh chụp màn hình)

Gần đây, sau khi một giáo sư Đại học Bắc Kinh qua đời và được hỏa táng, con trai ông đã từ chối mua chiếc bình đựng tro cốt giá 7.000 nhân dân tệ (khoảng 1.000 USD, 24 triệu VNĐ) và đựng tro cốt của cha vào một chiếc túi nhựa. Nhân viên nhà tang lễ đã tung đoạn video lên mạng để chỉ trích ông này là bất hiếu, kết quả lại bị dư luận chỉ trích ngược lại.

Vài ngày trước, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền thông tin một giáo sư 89 tuổi của Đại học Bắc Kinh đã chết trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Sau khi thi thể được hỏa táng, con trai của vị giáo sư này định mua một chiếc bình để đựng tro cốt của cha mình. Nhưng ông đã bị sốc và phẫn nộ với cái giá trên trời mà nhà tang lễ rao bán.

Một bình đựng tro cốt vô cùng bình thường lại có giá tới 7.000 nhân dân tệ, ông đã hỏi nhân viên nhà tang lễ xem có hũ nào rẻ hơn không, nhưng bị nhân viên chế giễu: “Cái này đã là rẻ nhất rồi, tôi còn chưa chỉ những chiếc bình tới mấy chục nghìn tệ cho anh đó, đừng nói là ngay cả một cái hũ tro cốt anh cũng không nỡ mua cho cha anh nhé?”.

Sau khi nghe những lời nhân viên kia nói, con trai của vị giáo sư không nói thêm lời nào, ông trực tiếp đi ra ô tô và cầm vào một chiếc túi nhựa, đặt tro cốt của cha mình vào đó rồi rời đi.

Nhà tang lễ chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy, nhân viên này đã quay lại cảnh đó và đăng lên mạng để chỉ trích con trai của giáo sư Đại học Bắc Kinh là bất hiếu.

Nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại, cư dân mạng Trung Quốc vô cùng phẫn nộ. Đại đa số cư dân mạng đều đồng tình với cách làm của con trai giáo sư:

  • “Đó là cách phản đối thầm lặng trước cái giá cao ngất trời của bình đựng tro cốt!”.
  • “Chỉ là cái bình sứ thôi mà, có cần đắt đến thế không? Đây là cướp tiền một cách trắng trợn. Hiện giờ sống đã khó, chết cũng không dễ, nhà hỏa thiêu còn chút nhân tính không?”.
  • “Nếu là tôi, tôi cũng không mua. Khi cha mẹ còn sống, hãy hiếu thảo hơn, năng về thăm họ hơn, nếu có tiền hãy mua nhiều đồ ăn thức uống cho họ hơn, đó mới là hiếu thuận. Khi chết rồi có tiêu xài bao nhiêu cũng vô dụng!”.
  • “Vì thiếu tiền nên con trai của giáo sư mới không mua chiếc bình sao? Tôi nghĩ tiền nhất định không phải là vấn đề. Đừng mang việc hiếu thuận ra đánh giá. Nếu là tôi, tôi cũng không mua, nó không đáng”.
  • “Bây giờ tất cả các nghi lễ đám tang đều bị hủy bỏ. Hiếu thảo khi cha mẹ còn sống mới là trên hết”.

Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid mà không có cảnh báo trước, dẫn đến dịch bệnh bùng phát trên toàn Trung Quốc, bệnh viện và nhà tang lễ quá tải, lượng thi thể chờ hỏa thiêu xếp hàng dài. Bắc Kinh là thành phố đầu tiên bị dịch bệnh tấn công, một lượng lớn quan chức, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, học giả, những người nổi tiếng và biết bao người dân thường đã qua đời.

Nhiều cư dân mạng than thở: “Sống không được, chết cũng không xong”.

Đông Phương

Nhà nghiên cứu của Đại học Kansas bị kết án vì che giấu mối liên hệ với Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Đào Phong (Franklin Feng Tao) trong bức ảnh tư liệu không đề ngày tháng do Đại học Kansas cung cấp. Lời nhận định mở đầu được đưa ra hôm thứ Ba, ngày 22/03/2022, trong phiên tòa xét xử ông Đào, một nhà nghiên cứu bị buộc tội che giấu công việc mà ông thực hiện ở Trung Quốc trong thời gian ông làm việc tại Đại học Kansas. (Ảnh: Kelsey Kimberlin/Đại học Kansas qua AP, Tư liệu)

Một cựu nhà nghiên cứu của Đại học Kansas đã bị kết án tù có thời hạn, theo đó người bị kết án đã thực hiện đủ thời gian thi hành án tại trại tạm giam, mà không bị phạt hoặc bồi thường vì tội che giấu công việc ông thực hiện ở Trung Quốc trong thời gian ông làm việc tại trường đại học này.

Ông Đào Phòng (Feng “Franklin” Tao) đã bị kết án hôm 18/01 vì tội khai man.

Ông Đào đã bị bắt vào năm 2019 cùng với khoảng hai chục nhà nghiên cứu khác, những người bị buộc tội che giấu mối liên hệ của họ với Trung Quốc.

Ông bị kết án vào tháng 04/2022 với tội danh khai man, cùng với ba tội danh khác về gian lận điện tín (wire fraud). Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang đã hủy bỏ các cáo buộc gian lận điện tín này hồi tháng 09/2022, vì không có bằng chứng nào cho thấy ông Đào đã nhận được tiền thưởng cho công việc liên quan đến học bổng nghiên cứu này.

Liên quan đến việc khai man, ban hội thẩm đã kết tội ông vì đã không tiết lộ rằng ông có tên trong chương trình Học giả Trường Giang, một chương trình nhân tài của Trung Quốc, trên các mẫu đơn về xung đột lợi ích và đơn xin tài trợ của liên bang.

Ông Đào đã về Trung Quốc để thành lập một phòng thí nghiệm và chiêu mộ nhân tài cho Đại học Phúc Châu theo yêu cầu của chương trình này, nhưng ông lại nói với Đại học Kansas rằng ông đã ở Đức trong khoảng thời gian đó.

Các công tố viên liên bang đề nghị mức án hai năm rưỡi tù giam cho ông Đào. Họ cáo buộc rằng hành động của ông Đào đã khiến trường đại học Kansas và các cơ quan liên bang phải trả hàng trăm ngàn dollar [để tài trợ cho dự án nghiên cứu của ông], nhưng ông lại lừa dối Đại học Kansas, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Quỹ Khoa học Quốc gia bằng cách khai man về công việc ông đã làm cho Đại học Phúc Châu ở Trung Quốc.

Các luật sư của ông Đào đã đề nghị một bản án tù có thời hạn, nói rằng vụ án này đã hủy hoại danh tiếng của ông, sự ổn định tài chính của gia đình ông, và một con đường công danh rạng rỡ khác. Đội luật sư bào chữa của ông cũng cho biết ông đã hoàn thành dự án nghiên cứu được tài trợ từ các khoản trợ cấp liên bang.

Sự nhập nhằng trong các vụ án còn sót lại của Sáng kiến Trung Quốc

Vụ kiện chống lại ông Đào là một phần của Sáng kiến ​​Trung Quốc thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, một chương trình của Bộ Tư pháp nhằm hạn chế các nỗ lực gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đang cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng.

Quyết định của thẩm phán không đưa ra án tù cho ông Đào có thể sẽ được xem là một đòn giáng khác vào tính hợp pháp của Sáng kiến ​​Trung Quốc và các chương trình kế thừa của sáng kiến này, vốn đã bị hủy hoại bởi các vụ án bị bãi bỏ và các cáo buộc phân biệt chủng tộc.

Vụ án này xảy ra sau một số vụ việc tương tự trong suốt năm qua, trong đó các quan chức liên bang đã bắt giữ và buộc tội những người làm gián điệp cho Trung Quốc chỉ để đột ngột hủy bỏ các vụ án mà không đưa ra lý do rõ ràng.

Ví dụ, hồi đầu tuần này, các công tố viên liên bang ở New York đã hủy bỏ vụ kiện của họ đối với một sĩ quan Sở Cảnh sát New York bị truy tố vì cáo buộc làm gián điệp cho nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Quyết định này đã được đưa ra mà không có lý do rõ ràng.

Sáng kiến ​​Trung Quốc và những thất bại được cho là của chương trình này cuối cùng đã khiến những người chỉ trích cáo buộc các quan chức liên bang phân biệt chủng tộc và lập hồ sơ chủng tộc. Đổi lại, Bộ Tư pháp đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, không tìm thấy bằng chứng nào về sự thiên vị chủng tộc.

Bất chấp phát hiện đó, bộ này đã chấm dứt chương trình này, tuyên bố rằng họ muốn tránh “nhận thức có hại” về sự thiên vị và thay vào đó sẽ tập trung vào các mối đe dọa cấp quốc gia.

Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.

Hồng Ân biên dịch

Related posts