Người dân Trung Quốc Đại Lục đổ lỗi cho chính sách coi thường mạng sống và năng lực yếu kém của hệ thống y tế khi cha mẹ của họ qua đời vì COVID, theo phóng sự và bình luận của Reuters đăng hôm thứ Tư ngày 18/1.
Bà Ailia, cựu giáo viên trung học, đã rất đau buồn khi người cha 85 tuổi của bà qua đời với các triệu chứng giống như COVID, vào thời điểm con virus hung hãn này quét qua quê hương của họ ở tỉnh Giang Tây vùng đông nam Trung Quốc.
Tuy cha của bà chưa từng xét nghiệm, nhưng bà Ailia và mẹ đã xét nghiệm dương tính cùng quãng thời điểm đó. Bà tin rằng COVID chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cha mình.
Khi hàng trăm triệu người Trung Quốc đi du lịch để đoàn tụ với gia đình trong kỳ nghỉ Tết Quý Mão năm nay, thì còn nhiều người nữa sẽ rơi vào cùng cảnh ngộ như bà Ailia. Nỗi đau mất đi thân nhân xen lẫn với oán hận về quyết định đột ngột dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch với mục đích khôi phục kinh tế, bất chấp tình hình thực tiễn là cơ sở y tế không được chuẩn bị đầy đủ.
“Chúng tôi muốn cởi mở [phong tỏa], nhưng không phải cởi mở kiểu thế này, không phải bằng cách trả giá sinh mạng của người già, điều có tác động rất lớn đến mọi gia đình,” bà Alia (56 tuổi) nói qua điện thoại với phóng viên Reuters.
Người cha của bà đã qua đời vào cuối tháng trước, chỉ vài tuần sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dỡ bỏ chính sách zero-COVID.
Cuối tuần trước, chính quyền ĐCSTQ cho biết nếu tính từ đầu tháng trước, khi đại dịch tái bùng phát, đã có 60.000 ca tử vong ở bệnh viện, khác hẳn con số nhỏ đến mức không đáng kể theo ‘cách tính cũ’. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế cho rằng ‘cách tính mới’ của ĐCSTQ cũng không hợp lý, ít nhất thì nó không tính đến những người như cha của bà Ailia, người đã chết tại nhà.
Trong số những người tử vong theo báo cáo nói trên, 90% từ 65 tuổi trở lên và độ tuổi trung bình là 80,3 tuổi, một quan chức Trung Quốc cho biết hôm thứ Bảy.
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã thất bại trong chiến lược ngăn chặn chặt chẽ COVID-19 trong 3 năm với kỳ vọng đạt được lợi thế khi mở cửa trở lại, đặc biệt là hàng trăm triệu người già của họ dễ bị thương tổn vì con virus này —điều chỉ trích mà ĐCSTQ bác bỏ.
Những thiếu sót mà các chuyên gia nói đến gồm có tiêm chủng không đầy đủ cho người lớn tuổi và không đủ nguồn cung cấp thuốc điều trị.
Một quan chức Trung Quốc cho biết vào ngày 6/1 rằng hơn 90% người trên 60 tuổi đã được tiêm vắc-xin, nhưng tỷ lệ những người trên 80 tuổi được tiêm nhắc lại chỉ là 40% tính đến ngày 28/11, ngày gần đây nhất về tiêm vắc-xin theo số liệu hiện có.
“Giá như họ dùng nguồn lực kiểm soát virus để bảo vệ người già [thì tình hình đã không thế này],” là lời oán trách của bà Ailia, người được Reuters phỏng vấn nhưng yêu cầu được giấu tên, giống những người được phỏng vấn khác, vì ĐCSTQ rất nhạy cảm với những tiếng nói phê phán họ.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nêu tầm quan trọng của việc bảo vệ người cao tuổi, công bố nhiều biện pháp khác nhau, từ các đợt tiêm chủng cho đến thành lập lực lượng đặc nhiệm ở Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, để xác định các nhóm có nguy cơ cao.
Quyết định chấm dứt zero-COVID của Bắc Kinh được đưa ra sau các cuộc biểu tình hiếm hoi 2 tháng trước trên đường phố khắp Trung Quốc phản đối chính sách phong tỏa hà khắc.
Tiếp đó, đại dịch tái bùng phát khiến hàng loạt người tử vong do chấm dứt đột ngột các biện pháp phòng dịch trong khi y tế chưa chuẩn bị đầy đủ, đã dẫn đến chỉ trích liên miên trên tất cả các kênh nào có thể truyền thông tin mà ĐCSTQ vẫn còn chưa khống chế được.
Một số nhà phân tích cho biết cách xử lý COVID của ĐCSTQ đã làm xói mòn niềm tin vốn đã rất thấp vào đảng cầm quyền này, đặc biệt là trong giới thành thị trung lưu và thượng lưu. Nhưng dường như ĐCSTQ không coi đó là mối đe dọa đối với sự cai trị của mình.
Vội vàng và hỗn loạn
Lila Hồng (33 tuổi), làm tiếp thị cho một hãng sản xuất ô tô, vẫn sống ở Vũ Hán khi đại dịch khởi phát ở đó 3 năm trước. Gia đình cô đã vượt qua giai đoạn ban đầu đầy khó khăn mặc dù lúc đó người ta biết rất ít về virus corona, do chính sách bưng bít thông tin lúc bấy giờ của ĐCSTQ.
Vậy mà tháng trước, cô ấy đã mất hai ông bà và một người bác sau khi họ nhiễm COVID-19.
Cô nhớ lại việc cùng cha đến một lò hỏa táng đông đúc ở Vũ Hán để nhận tro cốt của ông bà cô, một trải nghiệm nghiệt ngã, nhưng không chỉ xảy ra với cô, mà còn đang xảy ra với bao nhiêu người cùng cảnh ngộ.
“Lẽ ra phải là một tình huống rất nghiêm túc và trang trọng [theo truyền thống đối với người đã khuất], bạn tưởng tượng nó như vậy thôi. Trên thực tế nó giống như xếp hàng trong bệnh viện.” cô nói.
“Tôi không nói mở cửa trở lại là không tốt,” cô Hồng nói. “Tôi chỉ là cho rằng họ nên dành nhiều thời gian hơn cho công việc chuẩn bị.”
Một cư dân Bắc Kinh họ Trương, 66 tuổi, cho biết ông đã mất 4 người thân vì virus corona kể từ đầu tháng 12, trong đó có dì của ông, 88 tuổi, người bị lây nhiễm COVID khi đang nằm viện, và sau đó đã nhanh chóng qua đời.
Giống như những người khác, ông nói rằng ông ấy cảm thấy hậu sự dành cho người dì thật hỗn loạn, hấp tấp và không thể theo truyền thống.
“Mọi người không có cơ hội để nói lời vĩnh biệt với những người thân yêu của mình. Dù chúng ta chưa thể sống một cuộc sống tử tế, thì ít nhất chúng ta nên có thể chết một cái chết tử tế chứ,” ông oán trách nói.
“Thật là buồn!”
Xói mòn niềm tin
Trong số 7 người đau buồn do mất đi thân quyến mà Reuters đã phỏng vấn để thực hiện bài báo này, thì đến 6 người đều cho biết tất cả giấy chứng tử đều không nói gì đến COVID, nhưng họ điều tin chắc rằng COVID chính là nguyên nhân cướp đi người thân yêu của ho họ.
Một cách tự nhiên, họ đều nói rằng họ không còn tin vào số người chết theo các kênh ‘chính thức’ của nhà nước, và về niềm tin bị xói mòn dần qua cách làm của ĐCSTQ những năm qua.
Philip, một sinh viên 22 tuổi đến từ tỉnh Hà Bắc, tiếp giáp Bắc Kinh, người đã ủng hộ các cuộc biểu tình chống phong tỏa vào tháng 11, nhưng đồng thời anh cũng cảm thấy thất vọng về cách quản lý việc mở cửa trở lại, và anh đổ lỗi cho Chính phủ.
“Dường như họ có tất cả quyền lực trên thế giới nhưng họ đã không làm tốt điều này. Nếu đó là CEO của một công ty, tôi nghĩ ông ấy sẽ phải từ chức,” Philip, người đã mất đi ông nội 78 tuổi vào ngày 30/12.
“Bệnh viện không có thuốc hữu hiệu,” anh kể. “Ở đó rất đông đúc và không có đủ giường.”
Sau khi ông nội qua đời, thi thể của ông được đưa ra khỏi giường, và nhanh chóng được thay thế bằng một bệnh nhân khác.
“Các y tá và bác sĩ rất bận rộn. Họ dường như liên tục viết giấy chứng tử và đưa giấy tờ cho mọi người. Có quá nhiều người chết… đó là một thảm kịch lớn.”
Mất 5 người thân trong 8 ngày
“Chỉ trong một đoạn thời gian ngắn ngủi sau khi gỡ bỏ phong tỏa, đã có 5 người thân quanh tôi qua đời rồi,” Quan Nghiêu (Guan Yao) – một người Hoa hiện đang sống tại California – chia sẻ câu chuyện của mình.
Vào cuối năm ngoái, chính sách “Zero COVID” kéo dài 3 năm tại Trung Quốc đã được đảo ngược gần như chỉ sau một đêm. Ngày 7/12, Trung Quốc ban hành “10 biện pháp mới”, tuyên bố thực hiện nới lỏng kiểm soát. Tiếp sau đó là một đợt bùng phát giống như cơn sóng thần dịch bệnh.
“Việc gỡ bỏ phong tỏa quá đột ngột, dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh quy mô lớn như vậy. Ngoài ra, hệ thống y tế hoàn toàn không có chuẩn bị cho sự xuất hiện của một lượng lớn người nhiễm bệnh,” Quan Nghiêu nói.
Người bà 85 tuổi của Quan Nghiêu bị sốt dai dẳng và có kết quả xét nghiệm dương tính, 2 ngày trước khi qua đời với sự giúp đỡ của một vị bác sĩ quen biết, cuối cùng cũng có được một chiếc giường trong bệnh viện.
Trong những giây phút cuối đời của bà, Quan Nghiêu liên tục liên lạc qua video với bà, bất lực nhìn mức oxy trong máu của bà thay đổi đột ngột từ 70 thành những dấu chấm hỏi trên màn hình thiết bị y tế. Sau khi làm điện tâm đồ, bác sĩ nói rằng không thể cứu được nữa.
“Giấy chứng tử của bà cuối cùng được ghi là suy thận vì trước đó bà bị bệnh thận”, Quan Nghiêu nói với phóng viên, “không có viết là do COVID”.
Cùng ngày, CDC Trung Quốc báo cáo rằng “không có trường hợp nào tử vong do COVID”.
Trong số 5 người thân đã qua đời của Quan Nghiêu, chỉ có bà và chú của anh được chẩn đoán là COVID, những người khác qua đời đột ngột chưa kịp làm xét nghiệm.
Người bố vợ của anh bất ngờ khó thở vào buổi sáng; bố anh lên cơn đau tim và qua đời khi đang ngủ; chú của anh được đưa đến bệnh viện thì phổi đã trắng rồi, nhưng giấy chứng tử ghi là bệnh Parkinson. Theo các quan chức Trung Quốc thì không ai trong số họ chết vì COVID cả.
“Báo cáo thống kê của họ chắc chắn là không chuẩn xác, báo cáo láo rất nhiều,” Quan Nghiêu nói. “Cô của tôi nói bà đang ở trong phòng cấp cứu, thấy chỉ trong một thời gian ngắn như vậy mà 4, 5 người đã qua đời và được mang đi.”
“3 năm phong tỏa của họ là vô nghĩa”, anh nói. “Thật không thể chấp nhận được khi có nhiều người quanh mình qua đời như thế. Mỗi ngày nghĩ lại chuyện này tôi thật cực kỳ cực kỳ tức giận đến mức có thể đập bàn.”
Trước đây có một số kênh truyền thông tìm đến Quan Nghiêu, hy vọng được phỏng vấn câu chuyện của anh nhưng đều bị anh từ chối.
“Tôi lo họ (chính quyền) sẽ âm thầm làm gì đó,” anh nói. “Ví như bà là người quan trọng với tôi như vậy, chỉ vì tôi xuất hiện trước ống kính mà bà không được hỏa táng thì người nhà sẽ hận tôi cả đời.”
Hiện giờ, cả 5 người thân đều đã được hỏa táng rồi, Quan Nghiêu không còn kiêng dè gì mà kể câu chuyện của mình.
“Gia đình tôi cũng cần nhận được một lời giải thích,” anh nói. “Trong 8 ngày, 5 người thân quanh mình qua đời, thật quá bất thường. Dù sao cũng phải có người đứng ra làm việc này (giải thích).”
Thiên Đức (t/h)