Tin thế giới trưa thứ Bảy: Mỹ sẵn sàng chuyển giao tài sản mà Nga bị tịch thu cho Ukraine

Mỹ sẵn sàng chuyển giao tài sản mà Nga bị tịch thu cho Ukraine

Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chuyên trách trừng phạt của Bộ Tư pháp Mỹ Andrew Adams cho biết rằng Mỹ sẽ sớm gửi số tiền đầu tiên từ số tài sản tịch thu của Nga tới Ukraine, theo hãng tin RT.

(Ảnh minh họa: Adao/Shutterstock)

Cụ thể, ông Adams cho biết động thái này sẽ thuyết phục các đồng minh của Mỹ làm điều tương tự, đồng thời tuyên bố rằng hành động chưa từng có này không chỉ khả thi và được cho phép theo luật pháp quốc tế, mà còn mang tính cần thiết trong cuộc xung đột hiện tại.

“Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu chuyển giao các tài sản bị tịch thu vì lợi ích của Ukraine”, vị quan chức phát biểu tại một sự kiện do Viện Hudson (một tổ chức tư vấn của chính phủ) tổ chức.

Người đứng đầu Adams cho biết mặc dù ít nhưng những khoản tiền này rất quan trọng vì là hình mẫu cho các đồng minh khác và để thiết lập một tiền lệ pháp lý trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất kế hoạch này vào tháng 4/2022 và gợi ý triển khai vào tháng 9 cùng năm. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ cần sửa đổi một số luật để thực hiện kế hoạch này. Ngày 20/1 vừa qua, ông Adams xác nhận đã có một số thay đổi trong dự luật chi tiêu trị giá 1,7 nghìn tỷ USD được Quốc hội thông qua vào những ngày cuối cùng của năm 2022.

Các luật mới trao cho Bộ Tư pháp quyền chuyển trực tiếp các khoản tiền bị tịch thu cho Bộ Ngoại giao với mục đích cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Từng làm công tố viên liên bang ở Quận Nam New York, ông Adams được bổ nhiệm làm người đứng đầu Lực lượng Đặc nhiệm KleptoCapture vào tháng 3/2022. Theo Viện Hudson, KleptoCapture đã đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản nhà nước Nga và hàng chục tỷ USD khác thuộc về các cá nhân được cho là có mối liên quan đến Điện Kremlin.

Ông Adams cho hay rằng việc lấy tài sản của các quan chức, doanh nhân và tổ chức Nga bị tịch thu mà không cần xét xử được phép theo các quy tắc cơ bản của thủ tục tố tụng và luật pháp quốc tế.

Tính đến nay, Mỹ đã trừng phạt 1.097 thực thể và 1.331 cá nhân của Nga. Tổng giá trị tài sản do Mỹ thu giữ hiện chưa công bố con số cụ thể.

Washington và các đồng minh cũng đã đóng băng tài sản thuộc ngân hàng trung ương Nga, với tổng trị giá khoảng 300 tỷ USD, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy lỗ hổng pháp lý nào để thu giữ những tài sản này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc Mỹ và các đồng minh đóng băng tài sản và nguồn tài chính của Nga là một hành vi hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các tiêu chuẩn thương mại và luật pháp quốc tế. Nữ phát ngôn viên cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm tịch thu số tiền đó và chuyển chúng đến Ukraine sẽ là vi phạm quyền sở hữu và vấp phải một biện pháp đáp trả thích đáng từ Moscow.

Ở một diễn biến khác, hôm 19/1 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố rằng Ukraine càng sớm chấp nhận các yêu cầu của Nga thì cuộc xung đột càng sớm chấm dứt, theo hãng tin Reuters.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho hay rằng Nga sẽ đạt được các mục tiêu của mình “theo cách này hay cách khác” và chính quyền Ukraine nên chấp nhận lập trường của Nga và giải quyết trên bàn đàm phán.

Phan Anh

Trung Quốc phê duyệt game làm tê liệt tâm trí và khả năng biểu tình của giới trẻ

Ảnh minh hoạ.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra danh sách các trò chơi trực tuyến đã được phê duyệt, có vẻ như chính sách quản lý trước đây đã thay đổi. Tuy nhiên, một số học giả tin rằng động thái này không chỉ là nhu cầu cấp thiết của chính quyền nhằm thúc đẩy nền kinh tế, mà còn nhằm mục đích làm tê liệt tâm trí của những người trẻ tuổi và tránh nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn.

Tờ Caixin của Trung Quốc đưa tin rằng trang web chính thức của Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Nhà nước Trung Quốc đã công bố trạng thái phê duyệt game online trong nước trong tháng 1 năm 2023 và 88 game trong nước mới đã đạt được giấy phép.

Caixin chỉ ra rằng đợt phê duyệt này gồm 88 game mới sản xuất trong nước được phát hành trong năm, với nhiều chủ đề đa dạng. Trong số các game mới, game dành cho thiết bị di động chiếm đa số.

Tuy nhiên vì sao chính phủ Trung Quốc đột nhiên nới lỏng ngành công nghiệp game? Bà Phương Tông yến, trợ lý nghiên cứu tại Viện Khái niệm Chính trị, Quân sự và tác chiến của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng tại Đài Loan, đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn với Đài RFA và phân tích rằng, tại Trung Quốc ngoài tình hình kinh tế kém, nó còn liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, tỉ lệ này có thể vượt quá 20%, nếu nó tiếp tục tăng, những người trẻ tuổi sẽ không hài lòng với chính phủ và việc không thể tìm được việc gì làm tại nhà sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của họ. Do đó các nhà chức trách Trung Quốc coi đây là một nhân tố để nới lỏng các quy định của ngành công nghiệp game nhằm giảm bớt áp lực cho những người trẻ tuổi.

Bà Phương tin rằng chính quyền Trung Quốc sử dụng điều này để làm tê liệt tâm trí của những người trẻ tuổi, lấp đầy thời gian của họ và làm suy yếu ý tưởng và khả năng xuống đường tham gia các phong trào quần chúng bất cứ khi nào họ cảm thấy bất mãn.

Bà cho biết: “Cách đây không lâu có phong trào giấy trắng và phong trào bắn pháo hoa, khiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc nhận ra rằng xã hội Trung Quốc có rất nhiều bất bình và than oán. Cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, họ lo lắng rằng những người trẻ tuổi sẽ tham gia nhiều cuộc biểu tình xã hội hơn và nhiều phong trào xã hội hơn. Quá nhiều sự đối kháng sẽ được coi là điều không tốt đối với chính quyền Trung Quốc”.

Bà Phương Tông yến đã đề cập rằng trước đây chính phủ Trung Quốc giám sát chặt chẽ ngành công nghệ và ngành công nghiệp game, đó là vì cái gọi là chính sách “thịnh vượng chung” và “nhà nước tiến và tư nhân lùi”; bây giờ nền kinh tế Trung Quốc không tốt, gây ra rất nhiều vấn đề xã hội. Các vấn đề, đặc biệt là việc bỏ chính sách phòng chống dịch bệnh một cách đột ngột mà không có biện pháp hỗ trợ nào khiến dịch bệnh bùng nổ, đã tạo ra nhiều bất bình trong công chúng. Chính quyền không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở cửa ngành công nghiệp game để giúp các nhà lãnh đạo cao nhất của TQ giải tỏa áp lực xã hội, hơn nữa, tất cả các trò game được mở ra đều là trò chơi trong nước, là nội dung mà chính phủ có thể kiểm soát.

Huệ Liên

Đài Loan phạt Foxconn vì đầu tư trái phép vào Trung Quốc

Foxconn đã mua cổ phần thiểu số trong tập đoàn sản xuất chip khổng lồ Tsinghua Unigroup của Trung Quốc với giá hơn 175 triệu USD vào năm 2022. (ảnh: Provided by Benzinga).

Chính phủ Đài Loan đã áp dụng mức phạt 329.000 USD đối với nhà lắp ráp Apple Foxconn vì đã mua cổ phần của một nhà sản xuất chip Trung Quốc.

Tờ Reuters đưa tin Bộ Kinh tế Đài Loan ngày 19 tháng 1 cho biết Đài Loan đã giảm nhẹ hình phạt sau khi Foxconn hợp tác trong vụ việc. Tờ báo đã dự kiến ​​mức phạt tối đa là 824.000 USD.

Chi nhánh Thượng Hải của Foxconn đã mua cổ phần thiểu số trong tập đoàn sản xuất chip khổng lồ Tsinghua Unigroup của Trung Quốc với giá hơn 175 triệu USD vào năm 2022.

Thương vụ này đã đi ngược lại các quy tắc của Đài Loan, rằng tất cả các khoản đầu tư ở nước ngoài phải được chính phủ phê duyệt trước khi tiến hành.

Bộ Kinh tế Đài Loan đã xem xét đóng góp của Foxconn cho nước này trong ba năm qua, bao gồm chi hơn 670 triệu USD và tạo ra 7.943 việc làm. Bộ nói thêm rằng thương vụ này không gây ra nhiều lo ngại đối với sự chảy máu công nghệ và nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hình phạt này vẫn áp dụng ngay cả khi Foxconn đã thông báo rằng họ sẽ thoái vốn tại Tsinghua Unigroup. 

Đối tác sản xuất của Apple cho biết họ không cố ý phớt lờ quy định. Foxconn cho biết khoản tiền phạt không có tác động đáng kể đến lợi ích của các cổ đông hoặc giá cổ phiếu của công ty.

Tập đoàn Foxconn, tên chính thức là Tập đoàn Khoa Học Kỹ Thuật Hồng Hải, đang mở rộng phạm vi tiếp cận sang thị trường xe điện. Tham vọng này đang thúc đẩy công ty tìm kiếm các nhà máy sản xuất chip mới trên toàn thế giới.

Đài Bắc quan tâm đến việc bảo vệ ưu thế chip của mình và đã cảnh giác cao độ về các nỗ lực đánh cắp công nghệ từ Trung Quốc. Vào tháng 7 năm ngoái, nước này đã buộc tội 14 cá nhân với cáo buộc ăn cắp nhân tài và trích xuất các bí mật thương mại từ một công ty Đài Loan cho một đối thủ Trung Quốc.

Hai tháng trước đó, Đài Loan đã đột kích 10 công ty Trung Quốc và các trung tâm nghiên cứu và phát triển của chúng ở Đài Loan, vì hoạt động mà không được phê duyệt.

Vào thời điểm đó, Cục Điều tra Đài Loan cho biết: “Việc các công ty Trung Quốc săn trộm tài năng công nghệ cao của Đài Loan một cách bất hợp pháp đã ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh quốc tế và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Huệ Liên

Related posts