Lý Chính Hâm
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos bác bỏ nghi ngờ rằng chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách đưa Trung Quốc quay trở về nền kinh tế kế hoạch thời bao cấp; nhưng thực tế ở Đại Lục thì kinh tế không những đã mất đà phát triển, mà các doanh nhân còn đang theo nhau gia nhập đại quân thoát Trung.
Sân bay Tứ Xuyên Trung Quốc. (Nguồn: B.Zhou/Shutterstock)
Chính quyền Bắc Kinh trong những năm gần đây liên tục đàn áp các công ty công nghệ và Internet, đồng thời ban hành hàng loạt chính sách khiến giới quan sát đặt câu hỏi liệu chính quyền của ĐCSTQ có coi phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu như vẫn tuyên bố hay không. Một số nhà quan sát thậm chí còn cảnh báo rằng Trung Quốc dường như đang quay trở lại kinh tế kế hoạch thời bao cấp.
Tại WEF Davos hôm 17/1, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đưa ra đánh giá khá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng ngày, số liệu thống kê kinh tế và dân số mới nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy xu thế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã chấm dứt rồi, và tiếp tục vậy chứ không thể đảo ngược.
Ông Lưu tuyên bố “hoàn toàn không thể” khi đề cập đến chủ đề liệu Trung Quốc sẽ thành một nền kinh tế kế hoạch chăng.
Tuy nhiên, đàn áp quy mô lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân của các nhà quản lý ĐCSTQ trong những năm gần đây được thế giới bên ngoài coi là đã gây tổn hại lớn đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân và gây nguy hiểm cho triển vọng đổi mới và tăng trưởng kinh tế của nước này.
Vài ngày trước, Ngô Kính Liễn, một nhân vật hàng đầu trong giới kinh tế của Trung Quốc, đã xuất bản “Quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc” (tái bản lần thứ 2). Ấn bản đầu tiên của cuốn sách này được xuất bản vào năm 2018. Ông Ngô chỉ ra rằng lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua về cơ bản là lịch sử của các doanh nghiệp tư nhân liên tục tìm cách giành không gian sinh tồn, cạnh tranh với chính phủ để giành ranh giới quyền hạn, bùng phát sức mạnh và sức sống đáng kinh ngạc trên cái gọi là nền kinh tế thị trường, một nền tảng chắp vá có vẻ như có kinh tế tự do của xã hội tư bản nhưng lại xây dựng trên cơ sở chính trị chuyên chính của chính quyền cộng sản.
Một bài báo trên website tiếng Trung của New York Times vào ngày 20/1 đã chỉ ra rằng các doanh nhân Trung Quốc đã rời khỏi Trung Quốc, một số tháo chạy là do giám sát và đàn áp của chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân, và một số là để trốn tránh chính sách phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Họ đã đến Singapore, Dubai, Malta, London, Tokyo và New York, tới bất cứ nơi nào miễn là họ có thể tự do đi lại. Chứ tại Trung Quốc đây, họ cảm thấy tài sản và an toàn của cá nhân càng ngày càng phụ thuộc vào chính quyền độc tài của ĐCSTQ.
Các doanh nhân Trung Quốc đã tham gia vào làn sóng di cư và trở thành thành viên của một trong những từ thông dụng nhất trên Internet suốt một năm qua, ‘nhuận học’ / ‘nhuận thuyết’, ý tứ là ‘thoát Trung’. Họ dùng từ này là để tránh kiểm duyệt, tựa cư dân mạng nói Đông Lào vậy.
Ông Hoắc ở Singapore là người sáng lập công ty tư vấn Lotusia, chuyên xử lý công việc đăng ký công ty tại Singapore và xin thị thực. Ông nói với tờ New York Times rằng danh sách khách hàng từ Trung Quốc của ông đã tăng lên nhanh chóng trong năm qua. Các dịch vụ của ông đã được tìm kiếm bởi những người từ các ngành giáo dục, trò chơi, tiền số, và tài chính của Trung Quốc, những ngành đã bị ĐCSTQ cho vào tầm ngắm trong mấy năm qua.
Ông cho biết điện thoại của ông liên tục đổ chuông trong thời gian Thượng Hải bị phong tỏa. Thậm chí vài tuần trước, sau khi Bắc Kinh đã ra thông điệp mở cửa chào đón các công ty tư nhân và Hồng Kông tuyên bố sẽ thu hút nhân tài từ Trung Quốc đại lục, họ đã bận rộn xử lý các đơn đăng ký. “Các doanh nhân vẫn còn bi quan,” ông nói.
Sau khi chính quyền Bắc Kinh thực hiện chính sách zero-COVID nghiêm ngặt trong 3 năm, sau đó nới lỏng chính sách này mà không cho chuẩn bị và không cấp biện pháp đối phó, chính sách rối ren đã gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế của Trung Quốc đã khiến một lượng lớn vốn nước ngoài đã rời khỏi Trung Quốc.
Theo tờ Bloomberg, tổng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào tháng 12/2022 là 76,6 tỷ nhân dân tệ, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng 11, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng đầu tư này còn tồi tệ hơn so với khi bùng phát COVID-19 đợt đầu của năm 2020. Khi Vũ Hán bị đóng cửa vào tháng 2/2020, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc chỉ giảm 26%.
Trong ba năm qua, các công ty nước ngoài ngày càng có thái độ tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc, dưới chính sách phòng chống dịch bệnh zero-COVID, các công ty nước ngoài rất khó đặt trụ sở, thành lập nhà máy và kinh doanh tại Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh hiện đang nới lỏng chính sách phong tỏa, nhưng sự lây lan trên diện rộng của dịch bệnh cùng với sự thiếu minh bạch về chính sách và số liệu của chính quyền đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài bi quan về thị trường nơi này.
Trong số tất cả vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, các công ty Nhật Bản chiếm một tỷ lệ đáng kể. Xu hướng như vậy có thể gây ra những cú sốc hơn nữa cho nền kinh tế Trung Quốc, vì Nhật Bản là nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Trung Quốc sau Hồng Kông.
Lý Chính Hâm, Vision Times