FBI: Vụ đánh cắp Ether trị giá 100 triệu USD liên quan đến Triều Tiên
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gần đây cảnh báo chuyện giới tin tặc xâm nhập vào các sản phẩm mã hóa, như vào năm ngoái vụ đánh cắp tiền mã hóa Ether trị giá 100 triệu USD có liên quan đến Triều Tiên.
(Nguồn: Rabanser/ Shutterstock)
Tổng thiệt hại vào năm 2022 gây ra bởi các lỗ hổng tài chính phi tập trung (DeFi) trên các chuỗi khối toàn cầu lên đến 3,64 tỷ USD (Getty).
Theo CNBC, FBI tuyên bố “có thể xác nhận” hai tổ chức tin tặc Triều Tiên là Lazarus Group và APT38 đã lên kế hoạch tấn công Horizon Bridge vào giữa năm 2022.
Vào tháng 6/2022, nhóm Harmony của nền tảng blockchain đã phát hiện ra rằng Horizon Bridge của họ đã bị tấn công. Đầu tiên, tin tặc đã lấy được số mã thông báo trị giá 100 triệu USD trong 11 giao dịch và gửi số mã đó đến một ví khác, sau đó đổi chúng lấy Ether (ETH) trên sàn giao dịch phi tập trung Uniswap (DEX) và đánh cắp.
Về sau người sáng lập Harmony là Stephen Tse đã tweet rằng lý do khiến Horizon bị đánh cắp không phải do lỗ hổng trong hợp đồng thông minh mà là do khóa riêng bị rò rỉ. Mặc dù đối với khóa riêng nhóm Harmony lưu trữ đã được mã hóa, nhưng một số trong đó đã bị kẻ tấn công giải mã được để ký một số giao dịch trái phép. Về vấn đề này, Harmony cho biết họ sẽ hợp lực với “các chính phủ và chuyên gia pháp y” để xác định thủ phạm và thu hồi số tiền bị đánh cắp.
Theo một cuộc điều tra của FBI, trong tháng này các tác nhân mạng của Triều Tiên đã sử dụng Railgun – hệ thống ẩn danh tiền điện tử di động – để rửa số Ether trị giá hơn 60 triệu USD đã đánh cắp trong vụ trộm năm ngoái. Được biết, một phần tiền cũng đã được gửi đến một số nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo để chuyển đổi thành bitcoin.
Theo Reuters, thời điểm xảy ra vụ hack năm ngoái, công ty phân tích chuỗi khối Elliptic cho biết có “dấu hiệu rõ ràng” rằng Tập đoàn Lazarus đứng sau vụ tấn công, những tin tặc đã nhanh chóng chuyển tiền bằng cách dùng danh tính không rõ ràng.
Bộ Tài chính Mỹ ghi lại rằng Lazarus đã cướp được 600 triệu USD trên mạng Ronin (Ronin Network). Mạng Ronin được ví là “sidechain” cho trò chơi tiền điện tử nổi tiếng axxie Infinity.
Ngoài ra, có 2 công ty điều tra kỹ thuật số khác cũng cho rằng hacker đứng sau phi vụ liên quan Harmony nhiều khả năng có liên quan đến Triều Tiên.
FBI cho biết họ sẽ tiếp tục “điều tra hành vi trộm cắp và rửa tiền ảo của Triều Tiên” có thể được sử dụng để hỗ trợ các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này.
Ngày nay, đánh cắp tiền điện tử dường như là nguồn “làm ăn” lớn nhất của giới tin tặc, do sự giám sát hệ thống còn yếu và sự giám sát hạn chế đối với các dịch vụ của bên thứ ba khiến một số mạng mới dễ bị tổn thương và là nơi ẩn náu của tin tặc. Trước đó trong nhiều thập kỷ thị trường chứng khoán truyền thống cũng đã phải không ngừng chiến đấu với những kẻ lừa đảo.
Vào năm 2021, 76% các vụ trộm tiền điện tử được thực hiện bởi các tin tặc bên ngoài, chúng đã tìm ra cách khai thác các lỗ hổng. Vào năm 2022, tổng thiệt hại do các lỗ hổng tài chính phi tập trung (DeFi) trên chuỗi khối toàn cầu cao tới 3,64 tỷ USD, so với tổn thất năm 2021 là 2,44 tỷ USD thì mức độ năm sau này đã tăng 47,4%.
Trong số 167 sự cố lớn vào năm 2022 thì có 51,5% vụ tấn công xảy ra ở các dự án đã được kiểm toán và 48,5% xảy ra ở các dự án chưa được kiểm toán. Trong số đó có 12 sự cố do hack cầu nối xuyên chuỗi chiếm 1,89 tỷ USD số tiền bị mất. Nhìn chung, chiếm phần lớn trong các cuộc tấn công là nhằm vào Ether, BNB Chain và Solana.
Và hiển nhiên, các cuộc tấn công vẫn không ngừng tiếp tục diễn biến.
Trình Phàm, Vision Times
‘Bãi mìn lớn nhất thế giới’: 40% diện tích Ukraina bị hủy hoại bởi bom mìn
Kênh truyền hình Sky News của Anh đưa tin hôm 29/01, “Nhóm cố vấn bom mìn” cho biết hơn 40% lãnh thổ Ukraina đã bị hủy hoại vì bom mìn do chiến sự.
Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ này, Ukraina hiện là quốc gia có nhiều bãi mìn nhất thế giới.
Bà Katerina Templeton, đại diện của tổ chức trên, cho hay tình trạng ô nhiễm mìn ở Ukraina là rất lớn. Syria hay Afghanistan thậm chí không là gì so với tình hình ở đây.
Theo bà Templeton, mìn sát thương, bẫy mìn, mìn chống tăng, bom chùm, vật liệu chưa nổ đều có thể được tìm thấy trên đất Ukraina.
Ngoài việc trực tiếp gây thương tích và tử vong, bom mìn có thể khiến các khu vực đất đai không thể tiếp cận được hoặc trở nên nguy hiểm hơn. Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi điều này.
Theo tổ chức này, trong khoảng thời gian từ ngày 24/02 năm ngoái đến ngày 10/01 năm nay, ít nhất 611 người đã bị thương do bom mìn ở Ukraina gây ra, và sẽ mất nhiều năm để dọn sạch bom mìn ở các khu vực tại Ukraina.
Cựu Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cho biết số lượng bom mìn rơi trên lãnh thổ Ukraina trong cuộc xung đột quân sự đã tạo ra “Bãi mìn lớn nhất thế giới” với diện tích khoảng 250 nghìn km vuông.Bộ Nội vụ Ukraina báo cáo rằng có thể mất hơn 5 năm để rà phá bom mìn hoàn toàn trên lãnh thổ Ukraina.
Tạ Linh
Trung Quốc: Thêm 15 học giả qua đời kể từ tháng 1/2023, trong đó có nhiều chuyên gia quân sự
Trong đợt dịch bệnh bùng phát gần đây, từ ngày 1/1 đến ngày 26/1, 5 viện sĩ của Viện Khoa học Trung Quốc và 10 viện sĩ của Viện Kỹ thuật Trung Quốc lần lượt qua đời. Trong đó, có 14 người là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm ông Wu Sheng, chuyên gia về vũ khí hạt nhân, ông Liang Jincai, chuyên gia về tên lửa phòng không, ông Zhang Jinlin, nhà thiết kế chính của tàu ngầm hạt nhân, và ông Li Zhao, một chuyên gia về bom mìn.
Ngày 26/1, ông Wang Wei, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Chất bán dẫn của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh ở tuổi 86.
Ông Wang là một nhà khoa học về quang điện tử bán dẫn, ông đã phát triển thành công laser công suất cao xung nhiệt độ phòng dị liên kết đơn, laser 1,3 micron/1,5 micron, đồng thời, ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Cáo phó chính thức gọi ông là “Đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ”.
Ngày 24/1, ông Li Zhao, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ của Học viện Kỹ thuật, chuyên gia bom mìn của Tổng Cục Trang bị của ĐCSTQ, và thiếu tướng kỹ thuật chuyên nghiệp, đã chết vì bệnh tại bệnh viện ở độ tuổi 83. Ông từng tham gia nghiên cứu thiết bị nổ mìn trong một thời gian dài và đã giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Năm 1987, ông được bầu làm đại biểu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ.
Ngày 23/1, ông Hu Guangzhen, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ của Học viện Kỹ thuật, chuyên gia về kỹ thuật điện tử và công nghệ truyền thông, đã qua đời vì bạo bệnh. Ông Hu sinh năm 1927, từng làm việc trong Viện nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu của quân đội ĐCSTQ trong một thời gian dài và cũng từng giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 20/1, ông Fang Zhiyuan, Đảng viên ĐCSTQ, viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, nguyên Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Viện Nghiên cứu Rau và Hoa của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh ở độ tuổi 84. Ông là một chuyên gia về di truyền và nhân giống cây trồng. Ông cũng từng giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Tháng 6/2021, ông được Ủy ban Trung ương ĐCSTQ trao tặng danh hiệu “Đảng viên ĐCSTQ xuất sắc toàn quốc”.
Ngày 17/1, ông Liang Jincai, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu thứ 8 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực tên lửa phòng không, đã qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 95. Ông chủ yếu tham gia vào nghiên cứu điều khiển tổng thể và tự động của tên lửa phòng không, và đã giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của Chính phủ Trung Quốc.
Ngày 14/1, ông Qian Yitai, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Nguyên Trưởng khoa Hóa học và Khoa học Vật liệu của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, qua đời vì bệnh tật ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, hưởng thọ 83 tuổi. Theo cáo phó chính thức, ông là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu nano ở Trung Quốc, ông đã giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 13/1, ông Mao Zhi, Đảng viên ĐCSTQ, viện sĩ Học viện Kỹ thuật, giáo sư Đại học Vũ Hán, qua đời vì bệnh tật ở Vũ Hán, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là một nhà khoa học bảo vệ nguồn nước nông nghiệp, người đã giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Cáo phó chính thức gọi ông là “Đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ”.
Vào ngày 9/1, ông Zhang Jinlin, Đảng viên ĐCSTQ, viện sĩ Học viện Kỹ thuật và nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu 719 của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc, đã qua đời tại Vũ Hán ở tuổi 87. Ông từ lâu đã tham gia nghiên cứu và thiết kế tổng thể, cũng như nghiên cứu động lực của tàu ngầm hạt nhân. Ông là nhà thiết kế chính thứ ba về tàu ngầm hạt nhân của ĐCSTQ, và từng giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 5/1, ông Yang Fuyu, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, nhà hóa sinh và nhà nghiên cứu tại Viện Lý sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã qua đời tại Bắc Kinh. Ông sinh năm 1927, từng là Phó Giám đốc Viện Vật lý Sinh học và chủ nhiệm Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về các phân tử sinh học. Cáo phó gọi ông là một trong những người sáng lập chính của lĩnh vực màng sinh học ở Trung Quốc.
Ngày 4/1, ông Lu Xiyan, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhà hóa học hữu cơ và nhà nghiên cứu tại Viện Hóa học Hữu cơ Thượng Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã qua đời tại Thượng Hải ở tuổi 95. Ông đã giành được nhiều giải thưởng khoa học công nghệ và các danh hiệu danh dự của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 4/1, ông Ge Xiurun, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Nghiên cứu viên tại Viện Cơ học đất đá Vũ Hán thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải, Chuyên gia cơ học đá, đã qua đời tại Vũ Hán ở tuổi 88. Ông từng tham gia nghiên cứu cơ học đá và địa kỹ thuật lớn trong một thời gian dài. Ông cũng từng tham gia phân tích dự án Đập Tam Hiệp và giành được nhiều giải thưởng khoa học công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Vào ngày 4/1, ông Wu Sheng, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Nghiên cứu viên tại Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là Chuyên gia vũ khí hạt nhân, đã qua đời tại Thành Đô ở tuổi 89. Ông từng tham gia nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử và bom khinh khí của ĐCSTQ, giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Ngày 4/1, ông Xu Mi, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là Nghiên cứu viên tại Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc thuộc Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, đã qua đời vì bệnh ở Bắc Kinh ở tuổi 86. Ông là một trong những người tiên phong và là nhà sáng lập công nghệ lò phản ứng neutron nhanh của ĐCSTQ. Ông được biết đến với biệt danh “Cha đẻ của lò phản ứng nhanh của Trung Quốc” trong ngành. Ông cũng từng giành được nhiều giải thưởng khoa học và công nghệ, cũng như danh hiệu danh dự từ chính phủ Trung Quốc. Cáo phó chính thức gọi ông là “Đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ”.
Ngày 3/1, ông Zhao Qiguo, Đảng viên ĐCSTQ, Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, nguyên Giám đốc và nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Đất Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, đã qua đời tại Nam Kinh ở tuổi 93.
Ngày 1/1, ôngFan Weitang, Đảng viên ĐCSTQ, viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Than, đã qua đời tại Bắc Kinh ở tuổi 87. Cáo phó chính thức gọi ông là “Đảng viên xuất sắc của ĐCSTQ” và là “chiến sĩ cộng sản trung thành”.
Dịch virus Vũ Hán đang hoành hành ở Trung Quốc. Bắt đầu từ tháng 12/2022, một số lượng lớn người đã tử vong ở Trung Quốc, hầu hết trong số họ là Đảng viên của ĐCSTQ hoặc người có liên đới với ĐCSTQ. Chỉ riêng trong tháng 12/2022, 24 viện sĩ của hai học viện đã qua đời, gần bằng số viện sĩ qua đời trong cả năm 2021. Năm 2022, số học giả của ĐCSTQ qua đời là 62 người, gần bằng tổng số ca tử vong vào năm 2020 (38 người) và 2021 (28 người).
Trong số 24 viện sĩ qua đời vì bệnh vào tháng 12/2022, 20 người là Đảng viên ĐCSTQ. Trong số 38 Viện sĩ ĐCSTQ qua đời vì bệnh từ tháng 1 đến tháng 11 cùng năm, có 28 người là Đảng viên ĐCSTQ. Các Viện sĩ khác đã qua đời hoặc là thành viên của cái gọi là 8 đảng dân chủ ở Trung Quốc, hoặc những người phi đảng phái, hoặc họ được biết đến như những người bạn thân của ĐCSTQ.
Ngay khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, Đại sư Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công, đã cảnh báo trong bài viết “Lý tính” vào tháng 3/2020: “Nhưng mà ôn dịch “virus Trung Cộng” hiện nay (viêm phổi Vũ Hán) như thế này là có mục đích, là có mục tiêu nhắm vào. Nó đến để đào thải phần tử của tà đảng, và những ai cùng đứng với tà đảng Trung Cộng”.
Đại sư Lý đã chỉ ra: “Không tin thì các vị hãy nhìn xem, hiện nay những nước nghiêm trọng nhất, đều là những [quốc gia] đi lại gần gũi với tà đảng, người cũng như thế. Thế thì làm sao đây? Hãy tránh xa tà đảng Trung Cộng, không đứng cùng phe với tà đảng, vì đằng sau nó là ma quỷ màu đỏ, hành vi bề mặt là lưu manh, hơn nữa là không việc ác nào không làm. Thần sắp bắt đầu trừ sạch nó, hễ đứng cùng đội với nó thì đều bị đào thải. Không tin thì hãy mở to mắt đợi xem”.
Đại sư Lý cũng giải thích rõ ràng về cách con người trên thế gian cầu may và tránh ác trong trận dịch này: “Người kia phải là thật lòng chân tâm hướng Thần sám hối, bản thân mình chỗ nào không tốt, mong mỏi được cho cơ hội sửa lỗi, [thì] đó mới là biện pháp, đó mới là linh đan diệu dược chứ”.
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Lam Giang biên dịch
Ủy ban châu Âu kiểm soát chất Ethylene Oxide trong mì ăn liền, thanh long từ Việt Nam
Ngày 30/1, Bộ Công thương Việt Nam cho biết Ủy ban châu Âu tiếp tục đưa mì ăn liền và thanh long của Việt Nam vào diện kiểm tra tại cửa khẩu với tần suất kiểm tra 20% về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (tồn dư chất Ethylene Oxide – EO). Năm 2022 vừa qua, hàng loạt vụ thu hồi và tiêu hủy mì ăn liền có xuất xứ từ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài do có chứa chất EO vượt mức quy định.
Năm 2022, mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam bị nhiều quốc gia thu hồi và tiêu hủy vì chứa chất EO vượt mức. (Ảnh minh họa: Kit Leong/Shutterstock)
Theo thông tin của Bộ Công thương Việt Nam hôm 30/1, mì ăn liền và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ tiếp tục bị kiểm tra tại cửa khẩu với tần suất tới 20%. Đây là thông báo của Ủy ban châu Âu quy định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường thuộc khối Liên minh châu Âu (EU).
Theo thông báo mới, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% như: Rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát.
Tuy vậy, mặt hàng đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.
Bên cạnh đó, mặt hàng ớt vẫn còn nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm soát chất lượng là 50%.
Trước đó, mặt hàng mì ăn liền xuất xứ từ Việt Nam đã vướng rất nhiều vụ thu hồi và tiêu hủy tại các thị trường như: Đài Loan, Ireland, Malta, Đức, Ba Lan, v.v… Đáng chú ý, vào tháng 7/2022, tờ Focus Taiwan từng đưa tin, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) cho biết một số lô hàng mì ăn liền từ Việt Nam đã bị các quan chức Hải quan Đài Loan thu giữ và tiêu hủy sau khi bị phát hiện có chứa thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng tại quốc gia này.
Cụ thể, các quan chức hải quan đã thu giữ các lô hàng tổng cộng 1.116 kg (hơn 1,1 tấn) được nhập khẩu bởi Công ty Simple Mart Retail từ Việt Nam. Số lô hàng này được phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong một gói gia vị bên trong một loại mì ăn liền (có tên là JINRO RAMENJ INRO) với hương vị thịt bò kiểu Hàn Quốc (chứa khoảng 63.729 phần triệu ppm dư lượng chất EO), TFDA Đài Loan cho biết.
Tới tháng 8/2022, TFDA (thuộc Bộ Y tế Đài Loan) tiếp tục thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg (hơn 1,4 tấn) mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam thông qua Công ty Qianyu (Thiên Du). Cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg Ethylene Oxide.
Tháng 11/2022, Bộ Công thương Việt Nam cho biết Cơ quan TFDA lại công bố một lô hàng (khoảng 945 kg) mì ăn liền tôm chua cay nhãn hiệu Gấu Đỏ (tên tiếng Anh là SOUR-HOT SHRIMP FLAVOR INSTANT NOODLES) bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide (EO) ở Đài Loan.
Sản phẩm này của Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) và được một doanh nghiệp của Đài Loan nhập khẩu. Qua kiểm tra, cơ quan Đài Loan phát hiện tại cửa khẩu hàm lượng chất cấm không phù hợp tiêu chuẩn. Trong đó, hàm lượng Ethylene Oxide (EO) được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438mg/kg) mà còn phát hiện cả ở vắt mì (0,107mg/kg).
15.000 người Mỹ rời Hồng Kông, giới siêu giàu Trung Quốc cũng tháo chạy
Ngày 25/1, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, ông Gregory May, tiết lộ rằng trong 2 năm qua, 15.000 người Mỹ ở Hồng Kông đã rời khỏi đặc khu này. Ngoài ra, nhiều giới siêu giàu và giới doanh nhân thượng lưu của Trung Quốc cũng “tháo chạy” ra nước ngoài.
Ngày 25/1, lần đầu tiên ông Gregory May, người mới nhậm chức được 4 tháng, phát biểu trước công chúng. Tại một hội thảo trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức cố vấn của Mỹ, tổ chức, ông cho biết hiện ở Hồng Kông có khoảng 1.300 công ty Mỹ, với số vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, tương đương với 20% (15.000) người Mỹ ở Hồng Kông rời khỏi đặc khu này, sau khi Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông được thực thi vào năm 2019.
Ông cảnh báo rằng rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc Đại Lục đang dần xuất hiện ở Hồng Kông, báo chí và giới học thuật của họ không được tự do. Nhiều người Mỹ cũng cho rằng tình hình chính trị ở Hồng Kông không ổn định.
Vào tháng trước, lần đầu tiên ông Gregory May cũng trả lời rằng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giải thích Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, mở rộng quyền lực của cơ quan hành pháp Hồng Kông, khiến họ có thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến các vụ án. Hơn nữa việc thiếu giám sát tư pháp có thể làm suy yếu thêm tính độc lập tư pháp của Hồng Kông.
Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sống tại Washington DC., nói với VOA rằng trong mắt nhiều người Mỹ, hệ thống tư pháp độc lập của Hồng Kông không còn tồn tại.
“Chính phủ sẽ yêu cầu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc giải thích luật. Cảnh sát Hồng Kông dường như giống với nhân viên trị an của Đại Lục. Ngoài ra còn có Cơ quan An ninh Quốc gia. Hồng Kông không khác bất kỳ thành phố nào ở Trung Quốc”, anh nói.
Lương Tụng Hằng đặc biệt đề cập tới việc ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đang phải đối mặt với một bản án nặng nề, và Apple Daily đang bị đàn áp.
“(Apple Daily) bị chính quyền Hồng Kông buộc phải đóng cửa. Đây là điều không thể chấp nhận được trong thế giới Mỹ và trong mắt người Mỹ. Ngoài vai trò là một tổ chức truyền thông, Apple Daily còn là một công ty niêm yết trên thị trường.”
“Dòng tiền hàng trăm triệu USD đã bị Chính phủ đóng băng thông qua các biện pháp hành chính, dẫn đến việc Apple Daily phải đóng cửa. Những chuyện như thế này không thể tưởng tượng được ở Hoa Kỳ”, anh nói.
Bà Quách Phượng Nghi, phát ngôn viên của Ủy ban Dân chủ Hồng Kông (HKDC), một tổ chức dân sự Hồng Kông tại Hoa Kỳ, nói với VOA rằng trong phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông năm 2019, luật sư người Mỹ Samuel Bickett đã bị bắt và bỏ tù vì hành hung cảnh sát, khiến nhiều người Mỹ cảm thấy mất đi hy vọng với Hồng Kông.
“Trường hợp của Bickett cho thấy chính quyền và cảnh sát Hồng Kông không ngại bắt người Mỹ chút nào. Có thể một ngày nào đó bạn sẽ bị bắt hoặc bị đánh đập dã man chỉ vì mặc quần hoặc áo màu đen”, bà nói.
Nhiều thành viên của các tổ chức nhân quyền mà bà Quách Phượng Nghi biết, cũng như những người bạn làm trong các ngành không nhạy cảm như ngành tài chính, đã không còn hứng thú phát triển lâu dài ở Hồng Kông, và lần lượt rời khỏi đây.
Lương Tụng Hằng cũng dự đoán rằng mặc dù quan chức Chính phủ Hồng Kông và các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ tại đây nhấn mạnh rằng Hồng Kông đã bước vào giai đoạn “ổn định, thịnh vượng”, nhưng sẽ không có nhóm người Mỹ mới nào có kế hoạch làm việc ở Hồng Kông.
Giới siêu giàu Trung Quốc ồ ạt di cư
Năm 2022, ngoài việc người Mỹ lần lượt rời khỏi Hồng Kông, sự giám sát và đàn áp của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân, cùng các chính sách phòng chống dịch bệnh khó lường đã khiến nhiều nhân sĩ thượng lưu trong giới doanh nhân Trung Quốc “tháo chạy” ra nước ngoài, để tránh bị thao túng tài sản và an toàn cá nhân trong lòng bàn tay của chính quyền độc tài.
Ngày nay, Singapore đã là một đối thủ đáng gờm của Hồng Kông trong cuộc đua giành vị trí là nơi giới siêu giàu Trung Quốc gửi tài sản của họ. 4 trong số 10 người Singapore giàu có nhất trong danh sách Tỷ phú của Forbes là những người nhập cư mới đến từ Trung Quốc.
Trong vài năm qua, quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã trừng phạt các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Trung Quốc. Họ phá hủy toàn bộ ngành công nghiệp bằng những quy định tùy tiện, và không chịu khoan nhượng về chính sách zero-COVID khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, để lại những hậu quả không thể khắc phục cho giới doanh nhân thượng lưu ở Trung Quốc.
Gần đây, New York Times đã phỏng vấn một số doanh nhân Trung Quốc, họ cho biết đã mất niềm tin vào sự lãnh đạo của ĐCSTQ, và cùng gia đình di cư đến các quốc gia như Singapore.
Tháng 6/2022, ông Vương, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp ngân hàng tiền điện tử Flashwire, đã chuyển đến Singapore từ Bắc Kinh, sau khi bị mắc kẹt trong lệnh phong tỏa của thành phố trong một chuyến công tác ở Thượng Hải vào năm ngoái.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times rằng: “Khi bạn không có tiếng nói về cách Chính phủ đưa ra các quy tắc, bạn không cần phải ở lại đó.”
Ông Hoắc, người sáng lập công ty tư vấn Lotusia có trụ sở tại Singapore, nói với New York Times rằng vào năm 2022, ngày càng có nhiều người từ các ngành công nghiệp trò chơi, giáo dục, tiền điện tử và công nghệ tài chính của Trung Quốc đang tìm cách chuyển đến Singapore. Những ngành này đều là mục tiêu bị Chính phủ tấn công trong vài năm qua.
Đặc biệt là trong thời gian đóng cửa Thượng Hải, điện thoại của ông ấy liên tục đổ chuông. Những người này đã nhận ra rằng dù có bao nhiêu tiền, thì trước chính sách zero-COVID, họ vẫn phải giành giật lương thực và nhu yếu phẩm.
Ông Hoắc tiết lộ rằng Singapore tuân thủ luật pháp, ủng hộ doanh nghiệp và tầm nhìn toàn cầu, đồng thời 75% công dân của họ nói tiếng Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nước này thu hút giới tinh hoa trong lĩnh vực kinh doanh của Trung Quốc.
Ông Trần Dũng (Chan Yung), người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử Pionex, đã chuyển từ Bắc Kinh đến Singapore vào năm 2021.
Ông cho biết: “Singapore không đàn áp một công ty hoặc một ngành nào ngoài khuôn khổ pháp lý, các chính sách của họ cũng nhất quán hơn”. Trong tương lai, ông sẽ không chuyển đến Hồng Kông, nơi không còn “một quốc gia, hai chế độ”.
Tiêu Nhiên, Vision Times