Xuân Hoa
6 công dân Hàn Quốc vừa bị buộc tội tiết lộ cho Trung Quốc công nghệ cốt lõi đặc biệt quan trọng của Hàn Quốc. Các công nghệ này có liên quan đến kỹ thuật đánh bóng cơ – hóa (CMP) (còn gọi là kỹ thuật làm phẳng bề mặt cơ học – hóa học), được sử dụng trong sản xuất tấm bán dẫn mỏng.
Phòng Cảnh sát Công nghệ và Thiết kế của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Văn phòng Công tố Quận Daejeon cho biết vào ngày 26/01 rằng, họ đã bắt giữ 3 người và buộc tội không giam giữ 3 người khác vì vi phạm Đạo luật Bảo vệ Công nghệ Công nghiệp và Đạo luật Phòng chống Cạnh tranh Không lành mạnh, Yonhap News Agency đưa tin.
Tất cả 6 cá nhân này là nhân viên cũ và nhân viên đang làm việc tại 3 công ty công nghệ Hàn Quốc không được nêu tên. 3 doanh nghiệp này sở hữu nhiều công nghệ quan trọng đối với chuỗi giá trị về bán dẫn của Hàn Quốc.
Theo KIPO, một trong những bị cáo — được gọi là “ông A” — bị nghi ngờ đã truy cập dữ liệu mật bằng cách kết nối với mạng nội bộ của công ty, ghi hình bằng thiết bị di động cá nhân và gửi đến một công ty Trung Quốc. Dữ liệu bị rò rỉ được cho là chứa nhiều công nghệ tiên tiến và bí mật thương mại liên quan đến công nghệ đánh bóng tấm bán dẫn.
Sau khi không được cất nhắc lên vị trí cấp cao tại công ty vào năm 2018, ông A, thủ phạm chính, vào tháng 06/2019 đã đồng ý hợp tác với một công ty Trung Quốc về công nghệ đánh bóng tấm bán dẫn.
Trong khi vẫn tiếp tục làm việc cho công ty Hàn Quốc, ông A đã giúp công ty Trung Quốc thành lập cơ sở sản xuất, đồng thời thông qua các ứng dụng liên lạc để quản lý hoạt động kinh doanh của công ty này từ xa.
Sau đó, tháng 09/2019, ông A tiếp cận 3 nhà nghiên cứu từ các công ty công nghệ khác của Hàn Quốc, mời họ làm việc cho công ty ở Trung Quốc và giao cho họ các vị trí: phó chủ tịch, trưởng nhóm và thành viên nhóm. Tiếp đó, ông A chuyển đến Trung Quốc vào tháng 05/2020 và giữ chức chủ tịch công ty.
Mức lương hàng năm mà mỗi người trong số họ nhận được từ công ty Trung Quốc được cho là cao gấp 2-3 lần mức lương trước đây của họ. Hơn nữa, họ được hưởng nhiều loại phúc lợi khác ở Trung Quốc.
Cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng phát hiện ra rằng, cùng với công ty nơi ông A từng làm việc, 2 công ty Hàn Quốc khác cũng bị mất nhiều bí mật kinh doanh.
Theo một quan chức của KIPO, trong số 3 công ty bị trộm bí mật kinh doanh, thiệt hại ước tính của công ty chịu tổn thất nhỏ nhất là hơn 100 tỷ won (khoảng 8 triệu USD).
3 công ty Hàn Quốc không được nêu tên này là các công ty niêm yết trong nước, sản xuất chất bán dẫn bộ nhớ hoặc các bộ phận vật liệu bán dẫn, chẳng hạn như chất lỏng đánh bóng cơ – hóa và miếng đệm. Tổng vốn hóa thị trường của 3 doanh nghiệp là 66 nghìn tỷ won (khoảng 5,3 tỷ USD).
Giám đốc Kim Si-hyung của Cục Bảo vệ Tài sản Công nghiệp tại KIPO cho biết cục này sẽ “tăng cường hơn nữa vai trò của Cảnh sát Công nghệ và đi đầu trong việc bảo vệ các công nghệ cốt lõi quốc gia”. Cùng với đó, KIPO sẽ “cố gắng hết sức để… xóa bỏ hoàn toàn tội phạm liên quan đến công nghệ”.
Trung Quốc từ lâu đã bị chỉ trích vì hành vi đánh cắp công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác trên toàn thế giới. Trong khi đó, Hàn Quốc, một trong những cường quốc bán dẫn hàng đầu thế giới, là mục tiêu thường xuyên của hoạt động trộm cắp công nghệ công nghiệp của Trung Quốc.
Thường xuyên bị trộm cắp tài sản trí tuệ
Theo The Korea Herald, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã phát hiện tổng cộng 99 trường hợp gián điệp công nghiệp trong 5 năm qua; điều này khiến các doanh nghiệp của nước này thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ won (18 tỷ USD).
Trong 99 trường hợp từ tháng 01/2017 đến tháng 02/2022, các công nghệ và bí mật thương mại bị nhắm mục tiêu có liên quan đến: thiết bị hiển thị (19 trường hợp), chất bán dẫn (17), sản phẩm điện và điện tử (17), ô tô (9), đóng tàu (8), thông tin và truyền thông (8) và máy móc (8), theo thông tin từ Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc.
Trong những năm gần đây, các vụ mất mát công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc thường xuyên diễn ra, phần lớn liên quan đến hoạt động trộm cắp tài sản trí tuệ gây ra bởi Trung Quốc.
Ngày 27/10/2022, các công tố viên Hàn Quốc đã buộc tội 4 cựu nhân viên cũng như nhân viên đang làm việc của Samsung vì ăn cắp công nghệ bán dẫn độc quyền của tập đoàn Hàn Quốc này, sau đó bán chúng cho các công ty nước ngoài. 2 trong số các nhân viên từng là kỹ sư, trong khi 2 người còn lại vẫn đang làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cho Samsung Engineering tại thời điểm viết bài viết này.
Tháng 12/2022, 4 công dân Hàn Quốc bị buộc tội tiết lộ các công nghệ bán dẫn tiên tiến cho một công ty Trung Quốc. Theo tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, một công ty Hàn Quốc (không nêu tên) đã mua trái phép công nghệ nhạy cảm từ một công ty Hàn Quốc khác và sau đó bán nó cho một công ty bán dẫn mới thành lập ở Trung Quốc.
Công nghệ bị đánh cắp là bản vẽ thiết kế của “Hot Zone” – được cho là thiết bị tiên tiến để sản xuất chip bán dẫn mà công ty Hàn Quốc đã đầu tư nhiều thời gian và vốn để tạo ra.
Tháng 5 năm ngoái, các công tố viên Hàn Quốc đã buộc tội 2 cựu nghiên cứu viên của SEMES, công ty con và nhà cung cấp liên quan đến chất bán dẫn của Samsung Electronics, cùng 2 nhân viên khác của một nhà cung cấp của SEMES, vì họ có liên quan đến hành vi trộm cắp công nghệ.
Văn phòng Công tố quận Suwon cho biết những người này đã bán thông tin về “máy làm sạch đĩa bán dẫn” cho một thực thể Trung Quốc không được tiết lộ danh tính.
Những máy móc này được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất chip. Tại giai đoạn này, điều quan trọng là phải giữ cho các tấm bán dẫn sạch sẽ. Các giai đoạn sau sẽ đòi hỏi cách tiếp cận phức tạp hơn.
Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc vào ngày 27/10/2022 đã công bố một cuộc khảo sát được thực hiện đối với 26 chuyên gia bảo mật trong ngành. Khoảng 85% số người được hỏi cho rằng mức độ bảo vệ công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc yếu hơn so với Hoa Kỳ, trong khi năng lực R&D của nước này ngang bằng các đối thủ cạnh tranh.
Dựa trên ước tính của các chuyên gia, cuộc khảo sát cho thấy thiệt hại trung bình hàng năm do mất mát công nghệ công nghiệp là khoảng 40 tỷ USD, tương đương 2,7% GDP của Hàn Quốc vào năm 2021 và 60,4% tổng chi tiêu cho R&D của nước này vào năm 2020.
Trong khi đó, 92,3% chuyên gia tin rằng Trung Quốc là quốc gia mà Hàn Quốc nên cảnh giác nhất về việc bị ăn cắp dữ liệu và công nghệ nhạy cảm, trong khi 7,7% tin rằng đó là Hoa Kỳ.
Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số 63 quốc gia về “cơ sở hạ tầng khoa học” trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do Viện Phát triển Quản lý Quốc tế của Thụy Sĩ công bố hồi tháng 06/2022. Tuy nhiên, Hàn Quốc chỉ được xếp hạng thứ 37 về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch