Tác giả Anders Corr
Ngành công nghiệp dầu mỏ và ngành công nghiệp xe hơi của Hoa Kỳ đang lâm vào khốn khó
Kể từ năm 2020, các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc đã phát triển không ngừng và gặt hái được nhiều thành công.
Các nhà sản xuất xe hơi khác đang bắt đầu lo lắng khi nhìn vào gương chiếu hậu của họ, rồi là … camera, và trong một số trường hợp, là cả kính chiếu hậu hai bên xe. Một số công ty, chẳng hạn như Volvo, thậm chí đang xem xét cổ phiếu của họ và nhận ra rằng một đối thủ cạnh tranh Trung Quốc đã mua cổ phần kiểm soát.
Có phải sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành xe điện là một ví dụ về cái gọi là hợp tác với Trung Quốc trong các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu hay không? Liệu chính phủ ông Biden có hoàn toàn xứng đáng để được tung hô như một ví dụ điển hình khác về sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không?
Tất nhiên là không. Tác nhân gây ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới và là mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ chính là Bắc Kinh. Chính quyền này áp dụng các quy định yếu kém về môi trường và chính sách lao động tệ hại để có được giá cả cạnh tranh hơn so với các nhà sản xuất xe hơi của Mỹ. Mỗi đồng dollar mà Trung Quốc kiếm được đều có thể được Bắc Kinh sử dụng để thực hiện hành động gây hấn quân sự và vi phạm nhân quyền, và thậm chí là tội diệt chủng.
Hiện nay người tiêu dùng ở các nước dân chủ phát triển có thể sở hữu được những chiếc xe hơi giá cả phải chăng hơn, bằng cách tạo điều kiện cho các nhà sản xuất EV tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn và các quốc gia đồng minh khác gia công sản xuất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài họ sẽ phải trả giá khi Trung Quốc độc quyền chuỗi cung ứng này.
Chẳng hạn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể gây áp lực với Hoa Kỳ bằng cách ngừng cung ứng pin xe điện. Nga đã cố gắng làm điều gì đó tương tự để chống lại Âu Châu bằng cách ngăn chặn dòng khí đốt tự nhiên ngay sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ. Bắc Kinh đã từng sử dụng áp lực tương tự này trước đây, khi họ ngừng vận chuyển các nguyên tố đất hiếm, vốn là yếu tố then chốt trong hàng loạt các ngành sản xuất, sang Nhật Bản vào năm 2010. Cả hai trường hợp nói trên đều không có hiệu quả, nhưng quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin rất có khả năng được thúc đẩy bởi niềm tin của Moscow rằng họ có đòn bẩy nhờ vào sự phụ thuộc khí đốt của Âu Châu.
Lợi thế thứ hai được trao cho Trung Quốc khi thế giới chuyển đổi khỏi việc sử dụng khí đốt, chính là động cơ EV đơn giản hơn so với động cơ đốt trong và động cơ diesel mà chúng thay thế. Lợi thế cạnh tranh mà các kỹ sư và công nhân có tay nghề cao hơn trong các thị trường dân chủ sẽ không còn nữa.
“Việc chuyển sang sử dụng pin có nghĩa là động cơ không còn là điểm khác biệt,” ông Alexander Klose, nhân viên của một nhà sản xuất EV Trung Quốc, nói với Bloomberg. “Điều đó đã tạo ra một sân chơi bình đẳng.”
Bài báo được phát hành hôm 25/01 này có nhan đề “Hoa Kỳ không nhận thấy rằng xe hơi do Trung Quốc sản xuất đang chiếm lĩnh thế giới”.
Vào năm 2021, Nhật Bản dẫn đầu về xuất cảng các loại phương tiện vận chuyển hành khách, Đức và Trung Quốc kề vai sát cánh ở vị trí thứ hai, tiếp sau là Hoa Kỳ và Nam Hàn.
Kể từ năm 2020, thời điểm mà cuộc cách mạng xe điện bùng nổ, Trung Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng. Sản lượng của tất cả các đối thủ cạnh tranh của họ hoặc đang chững lại hoặc, trong trường hợp của Hoa Kỳ, là đang sụt giảm.
Các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Nhật Bản đang dần chuyển từ xe lai xăng-điện (hybrid) sang xe điện thuần túy. Theo Reuters hôm 23/01, “Vượt trên họ là các doanh nghiệp Trung Quốc, những doanh nghiệp dường như có vị thế tốt nhất để chiếm lĩnh vị trí thống trị của họ, cả trong nước lẫn quốc tế.”
Hôm 24/01, The Wall Street Journal đưa tin rằng Ford đang đàm phán để nhượng lại một trong những nhà máy của mình ở Đức cho BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất của Trung Quốc.
Điểm án ngữ quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng xe điện là sản xuất pin. BYD được bảo đảm về nguồn cung ứng. Trung Quốc sản xuất 56% tổng số pin xe điện, và ĐCSTQ sẽ đặt các nhà sản xuất EV của Trung Quốc lên hàng đầu.
Năm 2022, BYD đã bán được nhiều hơn Tesla và đã bắt đầu bán xe hơi điện và xe buýt điện ở Âu Châu. Theo Journal, việc mua lại nhà máy Ford ở Đức “sẽ mang lại cho BYD một thành trì kiên cố để mở rộng quy mô hơn nữa trên lục địa này.”
Lợi thế thứ ba đối với Bắc Kinh đó là Trung Quốc sở hữu lượng dầu mỏ rất hạn chế trong khi thế giới ngày càng xa rời loại năng lượng này. Hoa Kỳ sở hữu rất nhiều, vì vậy sự thay đổi này đặc biệt gây tổn hại cho sức mạnh kinh tế tương đối của Hoa Kỳ.
Việc Trung Quốc đánh bại ngành công nghiệp dầu mỏ và xe cộ của Mỹ, sau khi rất nhiều ngành khác đã ra đi, sẽ gây áp lực giảm sút đối với nhiều việc làm hấp dẫn của Hoa Kỳ. Các thành phố công nghiệp sẽ thu hẹp đáng kể so với những gì họ từng có. Tội phạm và việc sử dụng ma túy sẽ gia tăng. Các chính phủ từ cấp địa phương đến cấp quốc gia sẽ bị thất thu thuế. Sẽ có ít chi phí hơn dành cho chi tiêu xã hội và quốc phòng.
ĐCSTQ sẽ tiến vào khoảng trống quyền lực lặp đi lặp lại ở các nền dân chủ trên toàn thế giới.
Theo một bài báo hôm 24/01 do Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) phát hành, “Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc chiến kinh tế với các nền dân chủ trên toàn cầu và Hoa Kỳ phải duy trì sự độc lập về năng lượng. … Nếu xe điện vượt mặt động cơ đốt trong, nước Mỹ không nên từ bỏ quyền độc lập năng lượng của mình vào tay Trung Quốc hoặc các quốc gia không thân thiện khác.”
Đây là thực tại của những chiếc xe điện sáng bóng, giá thành phải chăng khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vời khi cứu rỗi hành tinh theo một kiểu cách khiến các nước láng giềng của chúng ta phải co rúm lại vì ghen tị. Nhưng sự suy tàn đó sẽ không dừng lại bên hàng rào của các quốc gia láng giềng. Tất cả chúng ta sẽ cùng nhau suy yếu khi quyền lực của ĐCSTQ ngày càng lớn.
Cách phòng thủ tốt nhất của chúng ta là tách khỏi Trung Quốc, kể cả khi chúng ta mua một chiếc xe điện.
Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Doanh Doanh biên dịch