Rebecca Zhu
Sau khi quân đội Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc nói rằng bất chấp những lo ngại rằng luật pháp quốc tế đang bị vi phạm, chính phủ của bà sẽ tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh.
“Chúng tôi lên nắm chính phủ với một tầm nhìn rất rõ ràng về tầm quan trọng của việc ổn định mối bang giao với Trung Quốc và chúng tôi đã thực hiện nhiều bước để đạt được điều này,” bà Wong nói với các phóng viên tại Canberra hôm 06/02.
“Chúng tôi sẽ hợp tác ở những lĩnh vực chúng tôi có thể hợp tác, chúng tôi sẽ bất đồng ở những lĩnh vực chúng tôi phải bất đồng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác vì lợi ích quốc gia của mình.”
Vị ngoại trưởng này cũng kêu gọi Hoa Kỳ làm điều tương tự, tin rằng điều quan trọng là sự cạnh tranh không nên “leo thang thành xung đột.”
“Chúng tôi chia sẻ những lo ngại của Hoa Kỳ về hành vi xâm phạm hoặc vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng điều chúng tôi khuyến khích hiện nay là tiếp tục đối thoại vì thế giới mong muốn một thế giới hòa bình, ổn định, và thịnh vượng. Và điều đó có nghĩa là các cường quốc sẽ cần phải tiếp tục hợp tác,” bà nói.
Nhưng cựu bộ trưởng quốc phòng Kevin Andrews cảnh báo về việc không nên vội vàng theo đuổi sự hợp tác mà không thể hiện thái độ rõ ràng trong việc chỉ trích các hành động của chính quyền Trung Quốc.
Ông nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng: “Chuyến bay của khinh khí cầu do thám qua các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích.”
“Mặc dù Úc nên nỗ lực hợp tác với ĐCSTQ, nhưng họ phải lên án những hành động như vậy và lưu tâm đến thái độ coi thường các chuẩn mực quốc tế đang diễn ra của nhà cầm quyền này.”
Cựu giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) Peter Jennings cho biết ông chưa nhận thấy bất kỳ sự cố khinh khí cầu nào ở Úc, nhưng cảnh báo về khả năng xảy ra và kêu gọi chính phủ chuẩn bị sẵn sàng.
“Chúng tôi biết chúng tôi là mục tiêu tình báo có mức độ ưu tiên cao và các khinh khí cầu có thể trôi nổi ở nam bán cầu một cách hiệu quả như chúng đã xuất hiện ở phía bắc,” ông Jennings nói với tờ Australian Financial Review.
“Ví dụ, bài kiểm tra thực sự đối với Úc là chúng tôi sẽ làm gì nếu chúng tôi phát hiện một khinh khí cầu ở Alice Springs.”
“Liệu chúng ta có đủ can đảm để làm những gì mà người Mỹ đã làm? Tôi tin rằng chúng ta nên làm như vậy.”
Mối bang giao đang tan băng của Úc-Trung Quốc
Vụ việc xảy ra ngay trước khi Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell chuẩn bị gặp người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc họp song phương trực tuyến vào ngày 08/02.
Trước cuộc gặp đầu tiên giữa các quan chức thương mại của hai quốc gia trong ba năm, chính phủ Úc tự tin rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đối với một loạt hàng hóa.
“Mục tiêu của tôi, càng nhanh càng tốt, là ổn định mối bang giao này và đưa sản phẩm của chúng ta trở lại với người tiêu dùng Trung Quốc,” ông Farrell nói.
“Những vấn đề này sẽ không được giải quyết trong một sớm một chiều và không phải mọi vấn đề sẽ được giải quyết ngay lập tức … Nhưng chúng tôi cần bắt đầu quá trình đó.”
Tuy nhiên, ông cho biết sẽ mất thời gian để Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm đối với các mặt hàng thương mại trị giá khoảng 20 tỷ AUD (14 tỷ USD), bao gồm rượu, tôm hùm, thịt, lúa mạch, và than đá xuất cảng vốn được áp đặt vào năm 2020 sau khi Thủ tướng đương thời Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19, căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: ‘Không thể chấp nhận được’
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bị bắn hạ sau khi Tổng thống Joe Biden cho phép “bắn hạ khinh khí cầu do thám này ngay khi nhiệm vụ có thể hoàn thành mà không gây rủi ro quá mức đối với tính mạng của người dân Mỹ dưới đường đi của khinh khí cầu.”
Ông nói thêm rằng khinh khí cầu này đang được Bắc Kinh sử dụng “trong nỗ lực giám sát các địa điểm chiến lược ở lục địa Hoa Kỳ.”
Sau khi “phân tích cẩn thận,” ông Austin cho biết họ đã loại trừ khả năng bắn hạ khinh khí cầu xuống mặt đất “do kích thước và độ cao của khinh khí cầu cũng như trọng tải giám sát của nó,” điều này sẽ gây ra “rủi ro không đáng có cho người dân trên một khu vực rộng lớn.”
Các quan chức Hoa Kỳ trước đây ước tính kích thước của khí cầu này bằng khoảng ba chiếc xe buýt trường học, bay ở độ cao khoảng 18,000 mét (60,000 feet).
Khinh khí cầu bay từ Trung Quốc, sau đó đến Quần đảo Aleutian ở Alaska và qua phía tây bắc Canada trước khi đến một nơi nào đó ở Montana hôm thứ Tư (01/02), theo báo cáo. Montana là một trong ba địa điểm có các hầm hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ.
Vụ việc này khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến đi Bắc Kinh chỉ vài giờ trước khi ông chuẩn bị rời Hoa Thịnh Đốn theo lịch trình trong chuyến công du hai ngày.
“Sau khi tham vấn … chúng tôi kết luận rằng các điều kiện hiện tại không phù hợp để Ngoại trưởng Blinken công du đến Trung Quốc,” một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao nói với các phóng viên hôm 03/02.
“Chúng tôi đã ghi nhận tuyên bố lấy làm tiếc của CHND Trung Hoa, nhưng sự hiện diện của khí cầu này trong không phận của chúng tôi là sự vi phạm rõ ràng chủ quyền của chúng tôi cũng như luật pháp quốc tế và việc điều này đã xảy ra là không thể chấp nhận được,” vị quan chức này cho biết.
Rebecca Zhu sống tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các vấn đề quốc gia của Úc và New Zealand.
Nguyễn Lê biên dịch