Tạ Linh
Chiếc chiến đấu cơ F-22 Raptor của Mỹ ngày 5/2 đã dùng một hỏa tiễn Aim-9X Sidewinder bắn rụng chiếc khinh khí cầu công nghệ cao của Trung Quốc đang bay trên bầu trời ngoài khơi bờ biển South Carolina.
Phía Mỹ tuyên bố họ bắn hạ chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc vì nghi ngờ đây là thiết bị do thám.
Chính quyền Bắc Kinh đã đột ngột chuyển từ thái độ bày tỏ sự hối tiếc trước đó sang đe dọa trả đũa đối với tuyên bố của Mỹ.
Sự thay đổi thái độ này phản ánh nhu cầu cấp thiết ở trong nước của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình rằng ông cần phải thể hiện ông đang bảo vệ Trung Quốc trước áp lực từ bên ngoài.
Điều này tiếp tục thu hẹp cơ hội thiết lập lại quan hệ giữa 2 nước trước khi mùa bầu cử ở Mỹ bước vào giai đoạn sôi động.
Thay vì tổ chức các cuộc gặp cấp cao, gồm cả khả năng gặp gỡ với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Blinken cuối cùng lại quyết định hoãn chuyến đi tới Bắc Kinh cho đến khi xác định được một ngày thích hợp.
Trung Quốc biện hộ rằng khinh khí cầu của họ là một phương tiện nghiên cứu khí hậu dân sự bất ngờ trôi dạt trên lãnh thổ nước Mỹ, cho nên họ đã lên án “phản ứng thái quá” của Mỹ khi chính quyền Washington quyết định sử dụng vũ lực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/2 ra tuyên bố: “Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công ty liên quan, đồng thời có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả tiếp theo nếu cần.”
Nhà nghiên cứu Drew Thompson tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho rằng sự cố ám chỉ rằng mối quan hệ giữa 2 bên không đi theo hướng tích cực và có thể còn xấu đi hơn nữa.
Câu chuyện về khinh khí cầu xảy ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý nối lại đàm phán trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo ở Bali, Indonesia. Mặc dù không có nhiều kỳ vọng về những bước đột phá lớn từ chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, nhưng nó được coi là một nỗ lực để duy trì hiện trạng giữa 2 bên.
Điều đó rất quan trọng đối với nền kinh tế của cả 2 nước, vì mối liên hệ giữa các doanh nghiệp 2 bên vẫn được duy trì bất chấp căng thẳng. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khả năng đã phá kỷ lục vào năm 2022.
Câu hỏi hiện nay là liệu cả hai bên có thể tìm ra cách hạ nhiệt căng thẳng chứ không để nó leo thang thêm hay không.
Mùa hè năm ngoái, 2 bên phải mất nhiều tuần mới có thể đưa các cuộc đối thoại trở lại đúng hướng sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan, hòn đảo mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố là của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách bắn hỏa tiễn qua hòn đảo này.
Mối quan hệ giữa 2 nước có thể được thử thách một lần nữa nếu Chủ tịch Hạ viện mới của Mỹ, ông Kevin McCarthy, quyết định thực hiện cam kết trước đó của ông là thực hiện một chuyến thăm riêng của mình tới Đài Bắc.
Các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ và Đài Loan có thể làm gia tăng căng thẳng hơn nữa, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với những lời kêu gọi từ trong nước là phải thể hiện sức mạnh trước chính quyền Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình cũng phải đối mặt với những áp lực từ trong nước là phải cố gắng thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, sau khi chính quyền của ông dỡ bỏ chính sách Zero-Covid, vốn đã dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 11 năm ngoái.
Các video về việc khinh khí cầu bị bắn hạ được phép phát tán rộng rãi trên các mạng xã hội của Trung Quốc, vốn được kiểm duyệt rất chặt chẽ.
Một người dùng Trung Quốc bình luận: “Đó chỉ là một khinh khí cầu dân sự. Mỹ đang dùng súng thần công đuổi muỗi.”
Một người khác viết: “Thật trớ trêu khi một quả khi cầu đi lạc lại khiến nước Mỹ sợ hãi đến vậy. Liệu Trung Quốc có nên đáp lại bằng cách bắn hạ tất cả các máy bay hoặc tàu bè của Mỹ không được cấp phép đi vào không phận và lãnh hải của Trung Quốc kể từ bây giờ hay không?”.
Các quan chức của Mỹ cho biết chính quyền Biden đã không thông báo trước cho Trung Quốc về kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu. Theo các quan chức, quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ khó tiến triển, nhưng họ cho rằng cả hai nước đều có lý do để gác lại vụ việc.
Theo hãng nghiên cứu Enodo Economics có trụ sở tại London, quả bóng đang ở trong sân của phía Trung Quốc, nhưng liệu ông Tập có đủ khả năng thực hiện một cử chỉ hòa giải rõ ràng, để xoa dịu quan hệ với Mỹ, và tạo đủ không gian để cải thiện mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng hay không, hãy chờ xem.
Chỉ một ngày trước đó, Trung Quốc đã thể hiện sự ăn năn hiếm thấy đối với việc khinh khí cầu của nước này bay vào Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng họ “rất lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu xâm nhập không chủ ý vào không phận của Mỹ vì lý do bất khả kháng”.
Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Blinken, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã cảnh báo trước “sự phỏng đoán hoặc sự cường điệu vô căn cứ”, và kêu gọi cả hai bên giải quyết vấn đề một cách “bình tĩnh và chuyên nghiệp”.
Một chuyên gia ngoại giao của Viện Quan hệ Quốc tế của Trung Quốc cho rằng phản ứng của chính quyền Bắc Kinh phản ánh bản chất “mong manh” của quan hệ Mỹ-Trung.
Chuyên gia ngoại giao này cho rằng Mỹ đang tìm cớ để trì hoãn chuyến đi của ông Blinken, còn phía Trung Quốc cũng nói rằng họ không mời ngoại trưởng Mỹ. Điều này có thể là do 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về nhiều thứ, và Mỹ không thay đổi chính sách đối với Trung Quốc. Vì vậy, cả 2 bên đã tìm ra lý do để hoãn chuyến thăm của ông Blinken.
Ja ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang muốn tỏ ra mạnh mẽ với người dân trong nước, cho nên động lực chính trị bên trong chính quyền Trung Quốc khiến việc hòa giải với Mỹ trở nên khó khăn.