Bi hài tên tiếng Việt ở nước ngoài

Thoại Giang

Cabramatta,Sydney,Australia.

Du học sinh tới Úc hầu hết đều gặp vấn đề liên quan đến họ tên của mình. Thông thường chỉ là những phiền phức nhỏ “dở khóc dở cười”, nhưng cũng không hiếm trường hợp gặp rắc rối lớn khi làm các thủ tục pháp lý vì thứ tự họ, tên, chữ lót khác nhau trong những giấy tờ quan trọng.

Thứ tự họ tên

Chúng ta ai cũng biết là thứ tự họ tên của người phương Tây ngược lại với người Việt, tên đứng trước họ.  Nhập gia tùy tục, tới Úc chúng ta phải chuyển đổi thứ tự họ tên theo qui định ở nước sở tại. Tuy nhiên nhiều bạn du học sinh không chuẩn bị trước nên bị động khi làm thủ tục này.

Đầu tiên phải công nhận là các cơ quan chức năng hay trường học của Úc khi cấp giấy tờ cho du học sinh thường dựa trên họ tên trong passport một cách cứng nhắc.

Bạn tôi tên là Trần Thị Bích Ngọc. Visa du học Úc có tên là Thi Bich Ngoc Tran. Giấy nhập học do trường tại Úc cấp cũng vậy. Nguyên tắc bất thành văn của các cơ quan Úc là mang họ ra sau cùng. Điều này vô tình biến “Thi” thành tên gọi và “Bich Ngoc” thành chữ lót.

Khi tới Úc, bạn tôi cầm passport đi mở tài khoản ngân hàng. Nhân viên ngân hàng cũng theo thói quen tự động ghi tên của bạn ấy theo thứ tự là Thi Bich Ngoc Tran.  

Khi nhập học bạn tôi đổi tên thành Bich Ngoc Thi Tran, vì hồi còn ở Việt Nam bạn tôi thích và thường được gọi là Bích Ngọc. Tuy nhiên khi cái tên Bich Tran được xướng lên trong lớp học thì bạn tôi chỉ muốn chui xuống đất giữa những tiếng xì xào của các sinh viên bản xứ. “Bich” bị trùng âm với “bitch” trong tiếng Anh và không có nữ sinh nào muốn bị gọi là bitch!

Rút kinh nghiệm khi làm những giấy tờ khác như ký plan điện thoại, thuê nhà, đứng tên hóa đơn điện nước gas bạn tôi lấy tên Ngoc Bich Thi Tran, viết tắc là Ngoc Tran.

Sau này thi lấy bằng lái xe, Sở giao thông công chánh cũng theo bổn cũ soạn lại, dựa trên họ tên trong passport Việt Nam, viết tắt chữ lót, thành Thi B N Tran. Tiếng Anh chưa thành thạo, giải thích tới lui không xong nên bạn tôi đành chấp nhận.

Vì bằng lái là một trong những giấy tờ quan trọng (tương đương thẻ căn cước công dân ở Việt Nam), được sử dụng thường xuyên, nên bạn tôi nghiễm nhiên trở lại thành Thi Tran. Nhiều người Úc hỏi tôi rằng Thi có phải là tên nữ phổ biến nhất của người Việt không?

Khi làm các thủ tục pháp lý, ví dụ khi xin visa, phải cung cấp ít nhất 3 loại giấy tờ khác nhau để chứng minh nhân thân. Nếu mỗi loại giấy tờ bạn có một cái tên khác sẽ rất phiền phức, nhất là đối với người có tên từ 4 chữ trở lên, tình trạng này lại càng lộn xộn.

Vì thế đế tránh rắc rối, mất thời gian sửa đổi bạn nên suy nghĩ thứ tự tên họ một cách logic và kiên định với lựa chọn của mình.

Đặc biệt đối với các cơ quan chức năng bạn nên kiên trì giải thích vì không phải ai cũng có kinh nghiệm làm việc với người nước ngoài để đảm bảo tất cả giấy tờ quan trọng đều có cùng một thứ tự họ tên, tránh phiền phức sau này khi số lượng giấy tờ ngày càng nhiều.

Phát âm khác xa chữ viết

Gần đây con tôi nói rằng ai hỏi tên mẹ nên phát âm là /’dʒɪ-ang/ thì người ta mới hình dung được ra Giang. Tôi đã ước gì có ai nói với tôi điều này 20 trước. Lúc mới tới Úc và cho tới gần đây tôi luôn giới thiệu tên mình là Giang đọc theo tiếng Việt. Hầu hết người đối diện đều bối rối khi gnhe tôi  đánh vần. Tôi phải giải thích thêm viết là Giang nhưng phát âm như “Yang”. Tiếng Anh không có phụ âm kép “gi” như trong tiếng Việt. Nên nhìn chữ Giang họ không thể nào phát âm ra như trong tiếng Việt được mà phải là /’dʒɪ-ang/ như chữ “giant” /’dʒʌɪənt/. Điều này tưởng như nhỏ nhặt nhưng thật ra rất nhức đầu. Hãy tưởng tượng trong một năm bạn gặp gỡ bao nhiêu người, giới thiệu tên bao nhiêu lần mà mỗi lần đều phải đánh vần tên rồi giải thích cách phát âm. Sau hàng trăm lần như vậy thì tôi mệt mỏi vô cùng. Đặc biệt ở Úc cũng như các nước phát triển khác, mọi giao dịch hầu hết đều qua điện thoại, ví dụ khi gọi cho ngân hàng, công ty bảo hiểm, bệnh viện, sở thuế, … tôi phải cho biết họ tên. Khi tôi phát âm Giang theo tiếng Việt thì người nghe sẽ không chắc được có phải là tôi không vì cách phát âm không khớp với cách viết nên ngay sau khi phát âm tôi lại phải đánh vần.

“Loạn” tên

Rút kinh nghiệm, khi em tôi đến Úc du học, tôi khuyên em ấy đừng lấy tên, mà lấy chữ lót làm tên gọi (em tôi tên Cẩm Giang). Em tôi lấy tên là Cam nên không gặp khó khăn gì vì trong tiếng Anh cũng có tên Cam phát âm là /kam/. Trớ trêu thay, trong lớp em có một bạn học người Việt và chị ấy nghĩ em tôi tên Cam (giống như trái cam) nên gọi em là Cam (phát âm theo tiếng Việt). Đi bác sĩ gia đình thì không biết vì lý do gì mà toàn phòng mạch từ bác sĩ, y tá cho tới thư ký đều gọi em tôi là Cầm. Trong khi người thân, gia đình thì gọi là Cẩm (nhà tôi 3 chị em đều tên Giang nên gọi theo chữ lót). Nhưng em tôi vẫn thích tên Giang của mình nên khi đi làm thêm ở tiệm người Việt thì lại lấy tên Giang. Tóm lại ở Úc, em tôi có 5 tên gọi là Cam /kam/, Cam, Cẩm, Cầm và Giang.

Phát âm theo tiếng Anh

Bạn tôi tên Yến bỏ dấu đi thành Yen đọc như đồng yen của Nhật. Em tôi tên Trúc thì bị kêu là truck…

Trong tiếng Anh không có từ nào bắt đầu bằng “ng”, cũng không có dấu nên bạn tôi tên Ngọc bị gọi thành Nóc.

Tương tự Nguyễn người Úc đọc là /’njiu in/ nên khi phát âm theo tiếng Việt họ sẽ không hình dung được. Sếp người bản xứ còn nói tôi sai, vì ông ta nghe nhiều người, kể cả người Việt đều phát âm Nguyen là /’njiu in/. Tôi thấy trường hợp này cũng xảy ra với những ngôn ngữ khác. Ví dụ tháp Eiffel trong tiếng Anh vẫn giữ cách viết như trong nguyên bản tiếng Pháp nhưng phát âm khác, là /’aifl/.

Trong khi ngồi chờ bác sĩ thì có một bệnh nhân tên Ý kể chị bị mấy đồng nghiệp người Úc chọc là “Why” suốt vì “Y” phát âm  gần giống “Why”.

Nghĩa xấu trong tiếng Anh

Có những tên có trong tiếng Anh nhưng phát âm khác và dĩ nhiên nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ tên Phúc người Úc sẽ phát âm giống như một chữ rất tục. Tên Dũng hay Dung tiếng Anh có nghĩa là phân súc vật. Trước đây những người có tên này thường hay thêm chữ “z” vô thành “Dzung”, hoặc chọn hẳn một tên tiếng Anh, nếu có đạo thường lấy theo tên Thánh. Nhưng không phải ai cũng muốn lấy tên tiếng Anh, thay vào đó có thể ghép chữ lót và tên gọi thành một từ ví dụ Văn Phúc thành Van-Phuc. Hoặc lấy 2 chữ đầu của Van Phuc thành tên gọi là VP. Tên Việt viết tắt nhưng đọc theo Tây là /’vi:pi/, dễ nhớ và nghe rất hiện đại. Nếu như tôi biết được đều này sớm thì tôi đã lấy tên là TG /’ti: dʒɪ / cho đơn giản.

Viết sai 

Tên tôi thỉnh thoảng bị viết thành Gian.

Bạn tôi tên Anh thì thành Ahn, vì nhìn có vẻ “đúng”, hợp lý hơn trong tiếng Anh.

Gần đây khi đi bầu cử, người ta dò tên tôi một hồi lâu thì nói không có. Tôi hỏi có phải cô tìm họ “Troung” không thì đúng y là vậy. “Truong” bị biến thành “Troung” là chuyện thường ngày ở huyện vì trong tiếng Anh có rất nhiều từ bắt đầu với “trou” ví dụ như trousers trong khi không có từ nào bắt đầu với “truo”.

Vì những lý do trên, nhiều người Việt ở nước ngoài lấy tên Tây cho thuận tiện. Bạn có thể đổi tên trên giấy tờ hoặc đơn thuần chỉ dùng để giao tiếp hàng ngày. Ví dụ tên Hùng thì lấy tên Tây là Harry, tên Long thành Liam. Một cái tên quen thuộc, dễ đọc, dễ nhớ sẽ thuận tiện hơn trong cuộc sống ở xứ người, ví dụ khi đi xin việc, nhất là những công việc cần giao tiếp với khách hàng.

Related posts