Đà Nẵng: Trung tâm đăng kiểm 4301S và 4302S bị khám xét khẩn cấp trong đêm
2 trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT Đà Nẵng bị khám xét khẩn cấp trong đêm khuya 9/2 liên quan đến việc cán bộ nhận hối lộ để cấp phép cải tạo xe cơ giới trái quy định cho nhiều phương tiện ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin khuya 9/2, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4301S (địa chỉ tại số 25 Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu) và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4302S (địa chỉ tại tại Quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Cả hai trung tâm này đều thuộc Sở GTVT Đà Nẵng.
Theo Thiếu tá Nguyễn Kim Trung – Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Đà Nẵng, qua quá trình điều tra, công an đã phát hiện một số cán bộ làm việc tại 2 trung tâm đăng kiểm 4301S và 4302S nhận hối lộ để cấp phép cải tạo xe cơ giới không đúng quy định cho nhiều phương tiện ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Qua điều tra xét hỏi, bước đầu, cơ quan công an đã xác định được hành vi sai phạm của một số cá nhân có liên quan.
Trước đó, chiều ngày 6/2, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Thành (SN 1972) – Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4305D, thuộc Công ty TNHH 4305D (địa chỉ tại số 10 Tú Mỡ, Hòa An, quận Cẩm Lệ) về hành vi “Nhận hối lộ”.
Đồng thời, cơ quan công an cũng thi hành lệnh khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với ông P.Đ.H (SN 1963, trú tại phường An Khê, quận Thanh Khê) về hành vi “Môi giới hối lộ”.
Ông H.N.B (SN 1979) – Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 43-05D để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định ông Thành và ông H. đã nhận hối lộ để cấp phép cải tạo xe cơ giới không đúng quy định cho nhiều phương tiện. Những người này đưa và nhận hối lộ từ 5-6 triệu đồng/xe tùy theo thời điểm và tải trọng của xe.
Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra.
Khánh Vy
Bắt 6 cựu cảnh sát giao thông ở Hải Dương vì lợi dụng chức vụ
6 bị can là cựu cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự Công an TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Bộ Công an cho biết ngày 8/2 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 cựu cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự Công an TP. Chí Linh.
Các bị can gồm: Bùi Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Văn Tuấn, Mạc Quốc Phương, Nguyễn Thành Trung, Trương Mạnh Đăng.
Họ bị cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo quy định tại Khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan chức năng cáo buộc 6 bị can có liên quan đến vụ án xảy ra ngày 4/2 tại TP. Chí Linh. Tuy nhiên, vụ án không được Bộ Công an nêu cụ thể.
Cùng ngày, VKSND tỉnh Hải Dương đã phê chuẩn các quyết định trên.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục điều tra vụ án để xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Minh Long
Chi cục Đăng kiểm số 9 tại Vũng Tàu bị khám xét
Chi cục Đăng kiểm số 9 bị khám xét nằm trong tiến trình mở rộng điều tra vụ tiêu cực trong ngành đăng kiểm do Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an và Công an nhiều tỉnh, thành.
Theo báo chí nhà nước, sáng ngày 9/2, xe chuyên dụng của công an TP.HCM đã có mặt tại trụ sở Chi cục đăng kiểm số 9 (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) để khám xét.
Hàng chục cảnh sát có mặt tại trụ sở Chi cục đăng kiểm số 9; bên ngoài, xe đặc chủng đậu trước cổng, cảnh sát phong tỏa, hạn chế người ra vào tòa nhà.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, công an vẫn tiếp tục làm việc.
Theo thông tin công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Chi cục đăng kiểm số 9 do ông Hoàng Văn Duy làm giám đốc.
Trong gần 2 tiếng khám xét, cảnh sát rà soát nhiều máy móc, tài liệu của đơn vị này. Công an sau đó đã thu giữ nhiều tài liệu và đưa ông Duy, cùng nhiều người khác về trụ sở làm việc.
Việc khám xét trên nằm trong tiến trình mở rộng điều tra vụ tiêu cực trong ngành đăng kiểm do Công an TP.HCM chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công an và Công an nhiều tỉnh, thành.
Chi cục Đăng kiểm số 9 trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có chức năng giúp Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải…; đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với các loại phương tiện trong phạm vi quản lý của mình.
Liên quan đến sai phạm tại ngành đăng kiểm, đầu tháng 2, trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, tính đến nay công an các địa phương đã khám xét 32 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 248 bị can về các tội danh: “Môi giới hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Giả mạo trong công tác”; “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”.
Trong số này, có ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam và ông Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam.
“Qua điều tra cho thấy, một vài lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền hối lộ định kỳ theo tháng, theo quý của một số trung tâm đăng kiểm để bỏ qua các lỗi trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất; ký duyệt cấp các mã đăng kiểm; thuê viết phần mềm có tính năng chỉnh sửa kết quả kiểm định về khí thải, phanh, đèn…”, ông Xô nói.
Trước đó, ngày 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Phạm Toàn
Thái Nguyên: Lãnh đạo cùng 3 nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 20-09D bị bắt tạm giam
Lãnh đạo cùng 3 nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20-09D bị cáo buộc dùng phần mềm chỉnh sửa, ghép ảnh để xóa, bỏ các lỗi vi phạm, hợp thức hóa hồ sơ nhằm cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện đến đăng kiểm.
Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20.09D của Công ty TNHH Vũ Tần. (Ảnh: baothainguyen.vn).
Chiều 9/2, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết các phòng ban chuyên môn đang điều tra vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20-09D (xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên).
Trước đó, ngày 3/2, Công an tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022 tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20-09D. Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can về tội “Giả mạo trong công tác” theo khoản 2 Điều 359 Bộ Luật Hình sự 2015.
Được biết, trong số 4 bị can này có cả lãnh đạo và nhân viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20-09D. Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định các bị can đã dùng phần mềm chỉnh sửa, ghép ảnh để xóa, bỏ các lỗi vi phạm, hợp thức hóa hồ sơ nhằm cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện đến đăng kiểm.
Trên Báo Lao Động ngày 9/2, ông Lê Hải Lân (Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên) cho biết cơ quan này đã ra Quyết định đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 20-09D.
Theo ông Lân, nguyên nhân đình chỉ là do trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện trung tâm này có một số vi phạm trong hoạt động đăng kiểm.
Cụ thể, việc thực hiện kiểm định không đảm bảo đầy đủ đồ bảo hộ lao động, ngoài ra còn phát hiện 2 đăng kiểm viên của Trung tâm 20-09D không thực hiện đúng quy định, quy chuẩn kỹ thuật.
Trước đó, vào tháng 1, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động đăng kiểm xe cơ giới tại 9 trung tâm. Trong đó, có 2 trung tâm là của Nhà nước và 7 trung tâm tư nhân.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 7 đăng kiểm viên thuộc các trung tâm đăng kiểm 20-09D; 20-08D; 20-07D; 20-01S; 20-05D với tổng số tiền phạt gần 11 triệu đồng.
Khánh Vy
Trên đường qua Lào tiêu thụ, 5,9 tấn thực phẩm bẩn bị thu giữ
172 bao tải chứa 5,9 tấn sản phẩm từ động vật bốc mùi hôi thối, không có giấy tờ kiểm dịch bị phát hiện khi đang trên đường vận chuyển từ TP. Hà Nội qua Lào để tiêu thụ.
Ngày 9/2, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa phát hiện, bắt giữ ô tô tải vận chuyển 5,9 tấn sản phẩm từ động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, bốc mùi hôi thối.
Trước đó, trưa ngày 8/2, tại km 37, Quốc lộ 9 (thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông), Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trạm CSGT Đakrông ra lệnh dừng kiểm tra ô tô mang BKS 75C- 114.01 do ông Võ Tá Ý (SN 1988, trú tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) điều khiển, theo hướng từ Huế lên Lao Bảo.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 172 bao tải, bên trong chứa 5,9 tấn sản phẩm từ động vật. Trong đó bao gồm: 80 bao lưỡi heo, 20 bao tai heo, 10 bao thịt nạc heo, 23 bao da heo, 10 bao chân gà, 15 bao thịt vụn, 15 bao nạm bò.
Đáng chú ý, số sản phẩm trên đã bốc mùi hôi thối, màu sắc biến đổi, chảy nước, không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh.
Theo điều tra ban đầu, chủ số hàng là bà Nguyễn Thị Sương (trú tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Bà Sương khai nhận số hàng trên được lấy từ Khu Công nghiệp Quang Minh ( TP. Hà Nội), là hàng nhập khẩu từ Nga, Ý, Mỹ… được vận chuyển bằng xe đông lạnh từ Hà Nội vào. Sau đó, hàng đến huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế được vận chuyển bằng xe ô tô nói trên để lên thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) đưa qua Lào tiêu thụ.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Bảo Khánh