Liên Thành
Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố về sự cần thiết của một mô hình động viên quốc phòng theo định hướng chiến tranh mới, với các văn phòng liên quan nổi lên trên khắp cả nước. Các chuyên gia cho rằng diễn biến này cho thấy sự gia tăng khuynh hướng hiếu chiến của chính quyền Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng duy trì chế độ.
PLA Daily, một tờ báo quân sự của Trung Quốc, đã đăng một bài bình luận của ông Trần Lập Tân (Chen Lixin), Giám đốc Cục Điều động Đồn trú Thượng Hải, nhấn mạnh tính cấp bách của việc xây dựng cái gọi là “động viên quốc phòng” “chỉ vì chiến tranh và chuẩn bị cho chiến tranh mà tồn tại” dưới “sự lãnh đạo chung của chính quyền Trung Quốc.”
Bài báo này được phát hành hôm 31/01, cùng ngày mà thành phố Tháp Hà thuộc tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc tổ chức một buổi lễ treo biển cho văn phòng động viên quốc phòng địa phương.
Các văn phòng quân sự như vậy đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc kể từ cuối tháng Mười Hai năm ngoái (2022), như Bắc Kinh,Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hắc Long Giang, Quảng Đông, vv..
Ông Tập chuẩn bị cho chiến tranh trong bối cảnh khủng hoảng cầm quyền
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập của Dajiyuan Hồng Kông, tin rằng “chính quyền Trung Quốc ngày càng đối mặt với sự sụp đổ và chính quyền càng bất ổn thì càng có nhiều khả năng xảy ra chiến tranh.”
Chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn khi cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi về trách nhiệm của họ đối với đại dịch COVID và số người tử vong ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh khủng hoảng này, người đứng đầu thể chế, ông Tập Cận Bình, đang đặt một ưu tiên hàng đầu là chuẩn bị sẵn sàng và tổng động viên chiến tranh trên toàn quốc.
Hôm 29/01 trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Diễn đàn Tinh Hoa” của NTD, bà Quách Quân cho biết, vấn đề Đài Loan đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ khi Trung Quốc và Hoa Kỳ thiết lập mối bang giao; và tình hình đã khác so với nhiệm kỳ của các cựu lãnh đạo như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào.
Bà Quách còn cho biết thêm rằng lý do ông Tập đưa ra cho việc ông ấy đắc cử nhiệm kỳ thứ ba là để giải quyết cái gọi là vấn đề thống nhất Đài Loan trong 10 đến 15 năm tới, hoặc là từ năm 2027 đến năm 2032, đây là một việc đại sự đối với chính quyền Trung Quốc. Đổi lại, các lãnh đạo cao cấp trong chính quyền đã đồng ý bãi bỏ quy tắc giới hạn hai nhiệm kỳ đối với các nhà cầm quyền đã tồn tại gần nửa thế kỷ.
Bà Quách cho biết chính quyền Trung Quốc đã ủng hộ việc tái đắc cử của ông Tập, và “kết quả là, vấn đề Đài Loan đã trở thành một thương hiệu nổi bật của ông Tập trong nội bộ đảng.”
Tuy nhiên, theo phân tích của bà Quách, ông Tập đang tự đẩy mình vào một tình thế khó, do thực hiện hành động quân sự chống lại Đài Loan chắc chắn sẽ dẫn đến việc đối đầu với quân đội Hoa Kỳ và nhiều liên minh quân sự hoặc bán quân sự phương Tây khác.
Mặt khác, theo bà Quách, nếu không thực hiện hành động quân sự nào, thì ông Tập sẽ không thể biện minh cho mình trước thể chế.
“Vậy thì ông Tập Cận Bình nên làm gì bây giờ? Ông Tập Cận Bình đã lên tiếng và tuyên bố hùng hồn về vấn đề Đài Loan. Vấn đề không chỉ là liệu ông ấy có thể giữ thể diện hay không, mà quan trọng hơn, trong nội bộ chính quyền cũng sẽ đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc ông ấy tái đắc cử.”
“Vấn đề Đài Loan là một cái hố mà ông Tập đã tự đào cho mình”, bà Quách nói.