Thay thế Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ định hình chính sách đối ngoại

“Chuyến thăm của Bộ Ngoại giao.” (Ảnh: Trung tá John Hall/Bộ Quốc phòng)

Tác giả Battlefields Staff

“Ngờ vực và thận trọng là nguồn gốc của an ninh.” — Benjamin Franklin

Có phải Hiến pháp đã tạo ra khoảng cách và sự mất kết nối trong an ninh quốc gia của Hoa Kỳ? Với dụng ý, những người soạn thảo Hiến pháp đã tạo ra sự kiểm soát giữa các nhánh hành pháp và lập pháp. Hiến pháp đã tạo ra sự tách bạch giữa mục tiêu và cách thức — do nhánh hành pháp kiểm soát, còn biện pháp — do Quốc hội phân bổ. Trong khi quyền tuyên chiến theo hiến pháp thuộc về Quốc hội, còn tổng thống chỉ huy quân đội và chịu trách nhiệm hoạch định chiến lược an ninh của Hoa Kỳ. Những người soạn thảo Hiến pháp đã quan tâm đến việc hạn chế quyền lực của tổng thống đối với quân đội; tổ phụ lập quốc Alexander Hamilton giải thích điều này trong bài luận Người theo chủ nghĩa liên bang Số 69 của ngài.

“Tổng thống sẽ là tổng tư lệnh của Lục quân và Hải quân Hoa Kỳ. Điều này sẽ không có gì khác hơn là tư lệnh và chỉ huy tối cao của các lực lượng quân sự và hải quân … trong khi quyền lực của một vị quân vương Anh Quốc mở rộng đến cả việc tuyên chiến cũng như thành lập và điều hành các hạm đội và quân đội, tất cả những điều này … sẽ thuộc về cơ quan lập pháp.”

Cùng với các lực lượng vũ trang, tổng thống cũng chỉ thị chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tổng thống ra quyết định việc có công nhận các quốc gia và các chính phủ mới cũng như việc có đàm phán hiệp ước với các quốc gia khác hay không, mà quyết định đó trở thành bắt buộc khi được thông qua bởi hai phần ba số phiếu bầu của Thượng viện. Quốc hội đóng một vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia, kể cả quyền độc tôn tuyên chiến, xây dựng và duy trì các lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, khoảng cách hay sự mất kết nối thực sự trong an ninh quốc gia Hoa Kỳ không bắt nguồn từ những sự phân chia quyền lực bắt buộc theo hiến pháp giữa nhánh hành pháp và Quốc hội, mà là từ khoảng cách giữa an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Vào thời điểm mà các đối thủ theo đuổi những lợi thế bất đối xứng so với Hoa Kỳ, thì sự mất kết nối giữa chính sách quân sự và đối ngoại của chúng ta là một điều có thể có khả năng bị lợi dụng.

Trong một cuốn sách có nhan đề “Sứ mệnh: Tiến hành Chiến tranh và Gìn giữ Hòa bình với Quân đội Hoa Kỳ”, bà Dana Priest đã viết về cách mà các chỉ huy tác chiến khu vực của quân đội chịu trách nhiệm lập kế hoạch các chiến dịch và quản lý các mối quan hệ an ninh ở những vùng đất rộng lớn trên thế giới, và ngày càng phục vụ với vai trò là bộ mặt đại diện cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ thừa nhận vai trò của chính sách đối ngoại trong việc định hình chiến lược quân sự; tuy nhiên, ngày càng thất vọng với việc Bộ Ngoại giao không có khả năng lãnh đạo chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Một số người cho rằng sở dĩ Bộ Ngoại giao không có khả năng lãnh đạo chính sách đối ngoại của quốc gia là do thiếu nguồn lực. Các cựu bộ trưởng quốc phòng và các cựu chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã ủng hộ việc tài trợ nhiều hơn cho Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao đã xác định rằng họ cần thêm 3.3 tỷ USD trong bốn năm để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ hiện tại. Số tiền đó tương đương với mức tăng khoảng 1.5% ngân sách hoạt động hàng năm trị giá 52.8 tỷ USD của bộ

này.

Đó là một con số nhỏ so với yêu cầu ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, việc thiếu thốn nguồn lực tài chính không phải là vấn đề then chốt. Bộ Ngoại giao không có khả năng thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là do sự thiếu hiệu quả và khả năng lãnh đạo của bộ này. Với tư cách là một tổ chức, Bộ Ngoại giao không đào tạo hoặc chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo của mình tiến hành lập kế hoạch và thực hiện trên quy mô tương xứng với quân đội Hoa Kỳ. Do thiếu hiệu quả và khả năng lãnh đạo, vì thế nên việc thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mặc định giao cho Bộ Quốc phòng.

Mặc dù quân đội Hoa Kỳ nhanh chóng mong mỏi những ngày mà họ chỉ đơn giản là có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của nước này, nhưng trên thực tế, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục định hình chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, các chỉ huy tác chiến tiếp tục định hình chính sách đối ngoại trong khu vực thông qua việc thực hiện các chương trình Tài trợ Quân sự ở Ngoại quốc (FMF), Bán hàng Quân sự ở Ngoại quốc, và Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế (IMET) của Bộ Ngoại giao. Chương trình FMF gìn giữ hòa bình giữa Israel và Ai Cập, chương trình IMET cho phép các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ thúc đẩy và tận dụng các mối liên hệ quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia.

Cải thiện năng lực của Bộ Ngoại giao và tạo ra năng lực hoạt động dân sự là rất quan trọng để làm mất đi khoảng cách giữa chính sách đối ngoại và quân sự của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này sẽ cần có thời gian. Hoa Kỳ không thể huỷ hoại an ninh quốc gia để giúp cho Bộ Ngoại giao bắt kịp. Do đó, Bộ Quốc phòng phải tiếp tục đóng vai trò là yếu tố then chốt trong việc thực hiện chính sách đối ngoại. Quân đội có thể không còn chỉ có mục đích đơn thuần là chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của nước Mỹ mà giờ đây phải tạo ra các điều kiện cho hòa bình và ổn định.

Bài viết được thực hiện bởi một cựu Sĩ quan ẩn danh của Lực lượng Đặc biệt.

Bài viết này lần đầu tiên xuất hiện trên The Havok Journal.


The Battlefields Staff là một tập thể đa dạng gồm các cựu quân nhân, những người ứng phó khẩn cấp, và những người ủng hộ họ — những người chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm của họ tại tiền tuyến và hậu phương thông qua The Epoch Times.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts