Tin thế giới chiều Chủ Nhật: Tỷ lệ sinh giảm ở TQ, mẫu giáo tư nhân đối mặt khủng hoảng đóng cửa

Chính quyền Zelensky tiếp tục “làm sạch” nội bộ

Tổng thống Zelensky, tháng 3/2022. (Nguồn: Shag 7799/ Shutterstock)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Bảy (11/2) đã ban hành sắc lệnh sa thải một nhân vật an ninh cấp cao và nói riêng rằng nỗ lực làm trong sạch chính phủ của ông vẫn đang tiếp tục, Reuters đưa tin 12/2.

Các nhà chức trách đã cách chức hàng chục quan chức trong những tuần gần đây và mở các cuộc điều tra như một phần của nỗ lực rộng rãi chống lại những hành vi sai trái. Liên minh châu Âu (EU) cho biết giải quyết tham nhũng là một trong những yêu cầu để Ukraine gia nhập EU.

Ông Zelensky cách chức Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ruslan Dziuba, theo một sắc lệnh ngắn gọn do văn phòng tổng thống ban hành. Chính quyền Zelensky đã không đưa ra bất kỳ lý do cho quyết định thuyên chuyển này.

Ông Zelensky —người đã nhấn mạnh sự cần thiết phải làm sạch bộ quốc phòng nói riêng— đã không đề cập cụ thể đến Dziuba trong bài phát biểu video hàng ngày của mình hôm vừa rồi.

Thay vào đó, ông cho biết đã gặp các quan chức ngành quốc phòng và thực thi pháp luật để thảo luận về các cách bảo vệ các tổ chức khỏi những gì ông gọi là nỗ lực từ bên ngoài, ám chỉ Nga, hoặc bên trong nhằm làm giảm hiệu quả và hiệu suất của chúng.

Khi đề cập đến đợt làm sạch nội bộ này, ông nói: “Tất cả hoạt động này không chỉ liên quan đến một số tình tiết hay thủ tục tố tụng hình sự… nhà nước sẽ tiếp tục tự hiện đại hóa các thể chế. Sự trong sạch trong công việc của các cơ cấu nhà nước phải được đảm bảo.”

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm thứ Năm cho biết hàng trăm quan chức trong bộ hoặc trong lực lượng vũ trang đã bị kỷ luật vào năm ngoái sau các cuộc kiểm toán nội bộ, và rằng ông “không khoan nhượng” đối với hành vi tham nhũng.

Làm sạch nội bộ dưới ngọn cờ chống tham nhũng và ngọn cờ phục vụ chiến tranh là thông điệp ông Zelensky vẫn liên tục đưa ra trong thời gian gần đây.

Nhật Tân (t/h)

Thổ Nhĩ Kỳ: Cư dân Istanbul lo sợ các trận động đất tiếp theo

Người dân bày tỏ lo ngại về sự an toàn của họ khi các chuyên gia cho biết một số nghiên cứu cho thấy một trận động đất mạnh dự kiến sẽ có thể tấn công thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ đang quay cuồng với trận động đất kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ, một số cư dân của Istanbul đang bày tỏ sự lo lắng ngày càng tăng khi một trận động đất lớn tiếp theo được dự báo.

Các trận động đất lớn – với cường độ 7,8 và 7,6 độ richter – hôm thứ Hai đã giết chết hơn 21.000 người và làm bị thương hơn 80.000 người khác ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Bảy. Hàng ngàn người khác đã thiệt mạng ở Syria. Các quan chức cho biết họ dự đoán số người chết sẽ tiếp tục tăng.

Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt dễ xảy ra động đất do nằm trong khu vực có nhiều mảng kiến tạo gặp nhau. Động đất thường xảy ra dọc theo ranh giới giữa các mảng. Đứt gãy Bắc Anatolia, phân chia các mảng Á-Âu và Anatolian, chạy gần Istanbul.

Theo ông Sukru Ersoy, giáo sư địa chất từ Đại học Kỹ thuật Yildiz của Istanbul, câu hỏi đặt ra là khi nào một trận động đất mạnh sẽ tấn công Istanbul chứ không phải liệu nó có xảy ra hay không.

Ông nói với hãng tin Al Jazeera: “Với dữ liệu chúng tôi có về các trận động đất trong quá khứ và thông qua một số mô hình nhất định, chúng tôi có thể nói rằng một trận động đất ở Istanbul đang cận kề và chúng tôi thậm chí sẽ không ngạc nhiên nếu thành phố này bị nó tấn công hôm nay”. Ông nói không thể biết khi nào thảm họa sẽ xảy ra.

Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng có khoảng 90.000 tòa nhà rất dễ bị ảnh hưởng bởi động đất ở siêu đô thị với dân số khoảng 20 triệu người.

Thị trưởng cho biết 170.000 tòa nhà khác đang ở tình trạng rủi ro trung bình trong trường hợp xảy ra động đất mạnh, theo nghiên cứu được thực hiện bởi Thành phố Istanbul.

Sau trận động đất hôm thứ Hai, hơn 6.400 tòa nhà đã bị sập ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nạn nhân được cho là vẫn còn mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập trên khắp khu vực, trong khi các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục bất chấp hy vọng tìm thấy những người sống sót đang mờ dần.

Người dân Istanbul theo dõi tin tức đến từ đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sốc, khi biết rằng các chuyên gia đã nói rằng rất có thể xảy ra động đất ở Istanbul.

Bà Rahvanci, sống ở quận Kadikoy và làm nhân viên bán hàng, cho biết bà sống trong một tòa nhà đã xấp xỉ 25 năm tuổi.

“Tôi không đủ khả năng để sống trong một tòa nhà mới hơn vì giá thuê ở những tòa nhà đó rất cao,” bà nói với Al Jazeera.

Ông Zeynep Urs, sống trong một tòa nhà hơn 50 năm tuổi ở quận Beyoglu của thành phố, cho biết: “Tôi sẽ cân nhắc chuyển đến một tòa nhà mới hơn nhưng hiện rất khó tìm được một tòa nhà có giá cả hợp lý”.

“Nhìn chung tôi tin tưởng vào tòa nhà của mình, nhưng tôi không khẳng định rằng nó có thể chịu được một trận động đất rất mạnh. Và tất nhiên, tôi lo lắng vì tòa nhà của tôi đã cũ,” ông Urs nói với Al Jazeera.

Chính phủ đã cải thiện các quy định về xây dựng sau trận động đất mạnh 7,6 độ richter xảy ra ở phía tây vùng Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thành phố Istanbul, vào năm 1999 và giết chết khoảng 17.500 người.

Sau trận động đất đó, mã thiết kế địa chấn của Thổ Nhĩ Kỳ đã được tăng cường và vào cuối những năm 2000, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một kế hoạch chuyển đổi đô thị quy mô lớn để thay thế các tòa nhà không an toàn trước động đất bằng những tòa nhà mới được cải thiện về mặt địa chấn.

Theo dữ liệu chính thức, có 817.000 tòa nhà ở Istanbul được xây dựng trước năm 2000, tương ứng với 70,2% tổng số tòa nhà trong thành phố.

Nhật Minh (theo Al Jazeera)

Trung Quốc: Tỷ lệ sinh giảm, mẫu giáo tư nhân đối mặt khủng hoảng đóng cửa

(Ảnh minh họa: Sellwell/ Shutterstock)

Do tỷ lệ sinh giảm, các trường mẫu giáo tư nhân trên khắp Trung Quốc đang đang đối mặt với tình trạng hoạt động khó khăn. Những người trong ngành tin rằng một số lượng lớn trường mẫu giáo sẽ đóng cửa trong vòng 3 đến 5 năm.

Theo số liệu công bố chính thức của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mặc dù đã chính thức chấm dứt “chính sách một con” vào năm 2016, nhưng dân số sinh mới của Trung Quốc vẫn giảm từ 17,86 triệu năm 2016 xuống còn 9,56 triệu vào năm ngoái (2022). Dân số sinh mới không chỉ giảm gần một nửa chỉ trong vài năm mà còn đạt mức thấp nhất kể từ năm 1949.

Tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông chỉ ra, do tỷ lệ sinh giảm, nên số lượng trẻ học mẫu giáo cũng giảm. Trong khi thiếu sự tài trợ kinh phí của nhà nước và đối mặt với sự giám sát chặt chẽ, các doanh nghiệp (trường mầm non tư nhân) đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc.

Ông Lưu Đức Vĩ (Liu Dewei), một người điều hành trường mẫu giáo ở huyện Dung (Rong), tỉnh Quảng Tây, cho biết khi trường mẫu giáo lần đầu tiên được mở cách đây 5 năm, 140 trẻ đã đăng ký theo học. Nhưng đến năm 2020, số lượng trẻ nhập học đã giảm xuống còn khoảng 30.

Ban đầu ông cho rằng đó là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch nghiêm ngặt vào cuối năm ngoái.

“Chính là không có trẻ [đến học],” ông Lưu Đức Vĩ nói. Ông đã đầu tư vài triệu nhân dân tệ vào doanh nghiệp này, nhưng vẫn chưa đạt được cân bằng thu chi. Đối mặt với khủng hoảng tài chính, ông đã cân nhắc việc đóng cửa trường mẫu giáo.

Ông nói: “Hiện giờ tôi không dám bổ sung thêm bất kỳ thiết bị nào nữa. Tôi nghĩ, nếu tình hình không được cải thiện trong năm nay, tôi sẽ đóng cửa nó.”

Ngay cả ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc, các trường mẫu giáo tư nhân cũng gặp khó khăn. Lucy Wang, một người mẹ sinh được một con trai và một con gái, hiện sống ở Thượng Hải, cho biết cô đã nhận thấy sự thay đổi trong số lượng tuyển sinh mẫu giáo.

Cô nói: “Từ năm 2015 đến 2018, khi con trai tôi học ở đó thì có 7 lớp, đến năm 2021 khi em gái nó bắt đầu học thì chỉ còn 4 lớp, sĩ số lớp cũng giảm.”

Năm ngoái, tổ chức nghiên cứu giáo dục “Viện nghiên cứu giáo dục Dịch Dương” (Sunglory Education Research Institute) đã công bố một báo cáo nói rằng sau năm 2023, “tổng số trẻ em ở các trường mẫu giáo ở Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ giảm mạnh”.

Theo báo cáo, nếu lấy tổng số trường mẫu giáo vào năm 2021 là 294.800 và số trẻ mẫu giáo là 48.052.100 thì “trong 10 năm tới, tổng số trường mẫu giáo tương ứng với số trẻ trong trường sẽ giảm 30% đến 50% dựa trên cơ sở năm 2020.”

Chuyên gia dân số Nguyên Tân (Yuan Xin) tại Viện Kinh tế của Đại học Nam Khai, cho biết mặc dù chính quyền Trung Quốc đã thực hiện các chính sách khuyến khích sinh trong vài năm qua nhưng sẽ khó đảo ngược xu hướng [dân số giảm].

Ông Nguyên Tân nói với SCMP rằng chi phí nuôi dạy con cái tăng cao, giá nhà không thể gánh được, những cải thiện về giáo dục đối với phụ nữ và sự tham gia của lực lượng lao động đều sẽ làm giảm tỷ lệ sinh.

Ông Hùng Bỉnh Kỳ (Xiong Bingqi), Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cảnh báo rằng việc đóng cửa hàng loạt trường mẫu giáo là không thể tránh khỏi nếu tỷ lệ giáo viên – học sinh không được thay đổi. Sau đó, số phận tương tự có thể xảy ra với các trường học và cao đẳng.

Bà Nghiêm Tố Nhan (Yan Suyan), giám đốc một trường mẫu giáo ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, cũng đồng ý rằng “toàn ngành đang bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ nhập học giảm”.

Bà nói: “Một số lượng lớn trường mẫu giáo sẽ biến mất trong vòng 3 hoặc năm 5 nữa. Những trường mẫu giáo muốn tồn tại thì phải nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.”

Theo Trần Đình, Epoch Times

Trung Quốc chặn bài phát biểu của ông Biden do Đại sứ quán Mỹ đăng tải

Tài khoản WeChat chính thức đã tải lên bản dịch tiếng Trung Quốc của bài diễn văn Thông điệp Liên bang của Biden tại Quốc hội vào ngày 7/2, nhưng nó đã nhanh chóng bị chặn và xóa. (Hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong bài phát biểu SOTU – Ảnh chụp màn hình video)

WeChat cố tình chặn và xóa tin tức về bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Biden hôm 7/2 do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đăng tải, cho thấy mối quan hệ giữa Trung – Mỹ ngày càng rạn nứt.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào ngày 7/2. Ông nói thẳng rằng “chế độ độc tài đang suy tàn” và “hãy cho tôi biết nhà lãnh đạo nào trên thế giới muốn đổi chỗ với ông Tập Cận Bình”.

Sau đó Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh lược dịch bài diễn thuyết và đăng tải trên kênh chính thức, nhưng nó đã bị chặn bởi các nền tảng xã hội Trung Quốc.

Một số kênh truyền thông nước ngoài chỉ ra rằng kể từ năm ngoái, các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc đã chặn đăng bài của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc ít nhất 4 lần, và nhấn mạnh rằng kiểm duyệt ngôn luận đã trở thành chuyện bình thường.

Chiều ngày 9/2, trên tài khoản WeChat chính thức của mình, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã công bố bản dịch tiếng Trung Quốc bài diễn văn Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden tại Quốc hội ngày 7/2, nhưng bất ngờ bị chặn và nhanh chóng bị WeChat xóa.

Trang bài viết ban đầu hiển thị thông báo “Nội dung này không thể xem được”. Hiện tại, chỉ xem được bản dịch tiếng Trung của Thông điệp Liên bang của ông Biden năm nay trên một tài khoản WeChat giấu tên. Tuy nhiên, bài đăng đó “không đề cập đến Trung Quốc”, để tránh bị kiểm duyệt trực tuyến.

So với bản dịch tiếng Trung được đăng trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, còn thiếu nội dung “Chế độ độc tài đã trở nên yếu nhược hơn và đã thất bại trong việc củng cố quyền lực của mình. Hãy cho tôi biết nhà lãnh đạo nào trên thế giới sẵn sàng đổi chỗ với ông Tập Cận Bình. Hãy cho tôi biết đó là nhà lãnh đạo nào.”

Trong khi không cho người dân Trung Quốc hiểu nội dung bài phát biểu của ông Biden, Bộ ngoại giao và các kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc còn liên tục chỉ trích ông Biden trong những ngày qua.

Ví dụ: “Nhật báo Trung Quốc” đã cáo buộc ông Biden “rao bán” thuyết hiểm họa Trung Quốc trên Weibo. Tài khoản Weibo của CCTV tên “Video CCTV” chỉ trích “các vấn đề trong nước (Hoa Kỳ) như một mớ hỗn độn, nhưng bài phát biểu của ông Biden lại tốn nhiều giấy mực về Trung Quốc.”

Phóng viên Nhà Trắng Trương Kinh Nghĩa (Chang Ching-yi) của Dragon TV đã viết trên Weibo cá nhân của mình: “Kẻ nói dối đáng nguyền rủa! Bài phát biểu về Thông điệp Liên bang của ông Biden đã châm ngòi tranh cãi, và bị các nghị sĩ buộc tội nói dối.”

Báo cáo chỉ ra rằng trước đây, Chính phủ Trung Quốc hiếm khi kiểm duyệt nội dung do Đại sứ quán Hoa Kỳ đăng tải, trừ khi họ cần chuyển tải các thông điệp ngoại giao quan trọng.

Nhưng từ khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu vào năm ngoái, các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc ngày càng kiểm duyệt bài đăng Đại sứ quán Hoa Kỳ một cách vô nguyên tắc.

It nhất họ đã 4 lần chặn bài của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, nhưng các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giúp Nga quảng bá rất nhiều tin tức giả mạo về “phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Hoa Kỳ” hồi đầu cuộc chiến.

Các bài viết phản bác của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên Weibo và WeChat về vấn đề này vào tháng 3/2022 đã bị ĐCSTQ kiểm duyệt.

Ngoài ra, tháng 5/2022 ĐCSTQ đã chặn toàn văn bài phát biểu của Ngoại trưởng Antony Blinken về chính sách Trung Quốc do Đại sứ quán Hoa Kỳ tải lên WeChat, và hạn chế người dùng Weibo thảo luận về nội dung bài phát biểu này.

Sau đó, vào tháng 7 cùng năm, nhân kỷ niệm 25 năm ngày trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đăng tải nội dung Weibo và Wechat liên quan đến Nhà Trắng và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng nội dung này cũng bị chặn hoặc bị xóa.

Về vấn đề này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Nicholas Burns, từng chỉ trích và nhấn mạnh rằng: “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên để người dân Trung Quốc thấy lãnh đạo Mỹ nói gì, cũng như người dân Mỹ có thể nghe thấy lãnh đạo Trung Quốc”.

WeChat cố tình chặn và xóa tin tức về bài phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Biden. Một người dùng Twitter nói tiếng Trung Quốc không khỏi chế giễu: “Sau khi bài viết này bị WeChat chặn, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bên trong bức tường (kiểm duyệt của Trung Quốc), dù là Tổng thống cũng bị đối xử như thứ dân. Những bài phát biểu của ông ấy phải được thẩm duyệt, lúc này thì mọi người đều bình đẳng.”

Lê Tiểu Quỳ / Vision Times

Related posts