Tạ Linh
Theo hãng truyền thông tiếng Trung Xin Tang Ren, các doanh nhân và người lao động nhập cư trên cả nước đang phàn nàn về sự đau khổ do suy thoái kinh tế. Ngay cả những khu vực kinh tế phát triển nhất như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang cũng không ngoại lệ.
Cư dân mạng Trung Quốc đang làm nhiều video để chứng minh rằng khóc vì nghèo đã trở thành điều bình thường.
Trong nhiều video, nhiều người đã lên mạng khóc lóc và phàn nàn về việc doanh nghiệp của họ sắp phá sản, và họ đã từ một doanh nhân giàu có một thời để giờ trở thành một kẻ nợ nần chồng chất.
Do sự suy thoái chung của các nhà máy, người lao động nhập cư rất khó tìm được việc làm. Ngay cả những khu vực phát triển hàng đầu Trung Quốc như Thâm Quyến và những nơi khác cũng không ngoại lệ.
Theo một số công nhân ở Tô Châu, cả số lượng công nhân cần thiết và tiền lương của công nhân đều bị giảm mạnh. Nhiều người kể rằng họ bị lừa đến Tô Châu vì lời hứa hẹn có mức lương mơ ước. Thực tế là họ không thể tìm được việc làm mà còn phải trả nhiều khoản phí khác. Một người đàn ông đã quay video khuyên mọi người đừng nên đến Tô Châu.
Một số video khác cho thấy số lượng lớn các nhà máy may mặc ở Giang Tô và Chiết Giang đã phải đóng cửa. Các nhà máy còn hi vọng kiếm sống cũng vẫn đang trong kỳ nghỉ, họ phải sa thải công nhân và giảm lương do thiếu đơn đặt hàng. Vì không được trả lương, công nhân của một số nhà máy lớn đã đình công để phản đối.
Theo đài VOA tiếng Trung, các công nhân tại một nhà máy làm thuốc xét nghiệm axit nucleic ở Trùng Khánh đã biểu tình và xung đột với cảnh sát vào ngày 7 tháng 1. Đoạn video trên mạng xã hội mà tờ Reuters có được cho thấy mọi người đang ném đồ vật vào cảnh sát chống bạo động. Cư dân mạng cho biết các cuộc biểu tình đã nổ ra do nợ lương và công ty sa thải nhân viên hàng loạt.
Trong một video khác, ông chủ một nhà máy gia công máy móc đã hoạt động 6 năm ở Nam Kinh cho biết nhà máy của anh hiện không có đơn đặt hàng mới, nên tiền lương và tiền thuê nhà không thể trả được.
Anh đang chuẩn bị bán hết thiết bị và nghỉ việc. Anh cũng tiết lộ rằng có 16 nhà máy gia công máy móc khác cũng trong tình trạng tương tự.
Một video khác cho thấy một khu xưởng không một bóng người của một nhà máy dệt lớn. Theo người đăng tải, hơn 300 nhà máy dệt may khác ở quận Ngô Giang, tỉnh Giang Tô cũng đang phải đối mặt với việc đóng cửa.
Ở Thâm Quyến và Quảng Châu, đường phố đầy những người lao động nhập cư không tìm được việc làm. Nhiều người trong số họ buộc phải nộp đơn xin việc với mức lương thấp trong các nhà máy. Người thạo thông tin nói rằng hiện tại tìm được một vị trí tuyển dụng là tương đối khó.