FIFA xác nhận Mỹ, Mexico, Canada sẽ tự động giành quyền tham dự World Cup 2026
Đội tuyển bóng đá quốc gia nam của Hoa Kỳ, Mexico và Canada sẽ tự động giành quyền tham dự World Cup 2026.
Ba quốc gia đã giành quyền đăng cai World Cup trong cuộc bỏ phiếu ở khu vực Bắc Mỹ. Trong lịch sử, FIFA đã trao cho các quốc gia đăng cai quyền tham dự World Cup mà không cần trải qua các giải đấu vòng loại thông thường, mặc dù đây là lần đầu tiên FIFA phải dành tới ba suất đăng cai.
Giải đấu sẽ mở rộng từ 32 đội lên 48 vào năm 2026. Ba suất khác sẽ được trao cho các quốc gia CONCACAF (Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe) thông qua vòng loại.
Trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Ba FIFA cho biết: “Hội đồng FIFA đã xác nhận rằng, theo truyền thống lâu đời về việc tất cả các nước chủ nhà thi đấu tại FIFA World Cup, cũng như các cân nhắc về các vấn đề liên quan đến thể thao và hoạt động, các nước chủ nhà của FIFA World Cup Cup 2026, cụ thể là Canada, Mexico và Hoa Kỳ, sẽ tự động đủ điều kiện tham dự vòng chung kết, do đó, các vị trí của họ sẽ bị trừ vào tổng số sáu suất được phân bổ cho CONCACAF.”
Trong khi Hoa Kỳ và Mexico có xu hướng đủ điều kiện tham dự hầu hết các kỳ World Cup, thì đây là một tin tốt cho Canada. Đội tuyển quốc gia nam của nước này đã lần đầu tiên sau 36 năm vượt qua vòng loại Qatar vào năm 2022. Canada đã thua cả ba trận đấu vòng bảng.
Hội đồng FIFA cũng xác định thời gian biểu để đấu thầu quyền đăng cai World Cup 2030 và cho biết sẽ đưa ra quyết định vào năm tới.
Cuộc họp nói trên sẽ tách biệt với cuộc họp của FIFA để chọn chủ nhà cho Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2027, sẽ được tổ chức sớm hơn vào năm 2024.
Có ba hồ sơ dự thầu đã được xác nhận để đăng cai tổ chức năm 2030: một hồ sơ chung ở Nam Mỹ gồm Uruguay, Argentina, Paraguay và Chile; hồ sơ chung của Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha; và Maroc.
Tùng Lâm (theo Reuters)
Lãnh đạo Tân Cương hoãn chuyến công du EU trong bối cảnh bị chỉ trích về nhân quyền
Chuyến thăm gây tranh cãi tới các thủ đô châu Âu của người đứng đầu khu vực Tân Cương, Trung Quốc đã bị hoãn lại, theo xác nhận của các chính phủ sở tại.
Ông Erkin Tuniyaz, phó bí thư Đảng Cộng sản ở Tân Cương và là chủ tịch chính quyền khu vực Tân Cương, dự kiến sẽ ở London vào tuần này và Brussels vào tuần tới, nơi ông sẽ gặp các chuyên gia về nhân quyền và Trung Quốc của Liên minh Châu Âu. Một chuyến đi đến Paris cũng đã được lên kế hoạch.
Tuy nhiên, tin tức về cả ba chuyến thăm đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà lập pháp và các nhà vận động nhân quyền.
Ông Tuniyaz đã bị cáo buộc tạo điều kiện cho một chiến dịch đàn áp rộng rãi chống lại người Duy Ngô Nhĩ và những người theo đạo Hồi khác ở Tân Cương.
Một phát ngôn viên của EU cho biết “phái đoàn Trung Quốc đã thông báo cho chúng tôi rằng chuyến thăm đã bị hoãn lại”.
EU đã xem chuyến thăm “như một cơ hội để truyền đạt trực tiếp những quan ngại từ lâu của EU về tình hình nhân quyền ở Tân Cương”.
Phái đoàn Trung Quốc tại EU nói với tờ SCMP rằng “vì lý do lịch trình”, một cuộc họp báo mà ông Tuniyaz dự định tổ chức với giới truyền thông và các học giả ở Brussels đã bị “hoãn lại”.
Người phát ngôn của văn phòng đối ngoại Anh cho biết họ hiểu rằng ông Tuniyaz “đã hủy chuyến thăm Vương quốc Anh” và chính phủ Anh sẽ “tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để hành động chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được của Trung Quốc ở Tân Cương”.
Một nguồn tin chính phủ Vương quốc Anh nói thêm rằng họ “không mời ông chủ tịch đến thăm, và trong mọi trường hợp, ông ấy sẽ không được mời tham gia một cuộc họp cấp bộ trưởng”.
Chuyến thăm dự kiến tới London đã làm dấy lên những cuộc phản đối dữ dội từ các nhà lập pháp và các nhà vận động, một số người đã yêu cầu cảnh sát Anh giam giữ ông Tuniyaz vì “tội ác chống lại loài người”.
Vào thứ Hai, ông Rodney Dixon KC và nhóm pháp lý của ông đã thay mặt cho Chính phủ Đông Turkestan lưu vong, với Đơn vị chống khủng bố SO15 của Cảnh sát Thủ đô, yêu cầu bắt giữ ông Tuniyaz.
Tại Paris, những người được mời tham dự một cuộc họp ở Paris đã được thông báo rằng nó đã bị hủy do “một chương trình nghị sự quan trọng trong nước”, theo Politico đưa tin.
Ông Tuniyaz đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò của ông trong cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương vào năm 2021. Tuy nhiên, ông không bị London hay Brussels trừng phạt.
Chính phủ Trung Quốc đã bị cáo buộc tiến hành một chiến dịch đàn áp sâu rộng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm sắc tộc Hồi giáo khác ở lãnh thổ phía tây bắc.
Trong một báo cáo được chờ đợi từ lâu vào năm ngoái, Liên Hợp Quốc cho biết các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương có thể đã cấu thành “tội ác chống lại loài người”.
Bắc Kinh phản bác rằng các cáo buộc “dựa trên thông tin sai lệch và dối trá do các lực lượng chống Trung Quốc bịa đặt và dựa trên suy đoán có tội”.
Sự việc liên quan đến ông Tuniyaz có nguy cơ làm lu mờ một loạt các hoạt động ngoại giao Trung – Âu trong tuần này, khi Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện các mối quan hệ đã bị tổn hại kể từ khi Nga phát động cuộc chiến chống lại Ukraine một năm trước.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Nga và tham dự một hội nghị an ninh quốc tế lớn ở Đức trong thời gian đếm ngược đến lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine. Ông cũng sẽ thăm Pháp, Ý và Hungary.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết, ông Vương sẽ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, nơi ông sẽ giải thích quan điểm của Bắc Kinh về các vấn đề quốc tế cấp bách.
Trong báo cáo thường niên của hội nghị thượng đỉnh Munich, Trung Quốc và Nga bị cáo buộc là “đi đầu trong việc thực thi chế độ độc tài mạnh mẽ hơn chống lại nhân quyền quốc tế và các cơ chế được xây dựng để bảo vệ chúng”.
Xuân Lan (theo SCMP)
Mỹ chặn 4 máy bay quân sự Nga xâm phạm vùng nhận dạng phòng không Alaska
Ngày 13/2, hai tiêm kích F-16 của Mỹ đã ngăn chặn 4 máy bay quân sự của Nga tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Alaska. Sự cố này của Nga được mô tả là diễn ra “thường xuyên”.
Theo một thông cáo báo chí, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), cơ quan giám sát không phận và phòng thủ ở khu vực Bắc Mỹ, đã đáp trả vụ xâm nhập bằng hai hai tiêm kích F-16 và 5 máy bay hỗ trợ khác, trong đó có hai tiêm kích F-35.
Lực lượng NORAD đã đánh chặn thành công một nhóm máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Alaska.
“Máy bay Nga vẫn ở trong không phận quốc tế và chưa xâm nhập vào không phận thuộc chủ quyền của Mỹ và Canada. Hoạt động của Nga xảy ra thường xuyên và không được coi là mối đe dọa hay hành động khiêu khích”, theo tuyên bố từ NORAD.
ADIZ ở Alaska không phải là một phần của không phận Hoa Kỳ, nhưng đó là khu vực bao trùm không phận quốc tế bên ngoài Hoa Kỳ và Canada. Đây cũng là khu vực mà NORAD theo dõi và nhận diện máy bay nước ngoài xâm nhập vào ADIZ.
Theo tuyên bố của NORAD, cuộc xâm nhập của máy bay Nga gần Alaska “không liên quan gì” đến việc NORAD bắn hạ các vật thể bay không xác định xuất hiện trên bầu trời Hoa Kỳ và Canada trong hai tuần qua.
Các quan chức của NORAD cho biết họ đã lường trước được hoạt động của Nga và đã nhanh chóng điều hai máy bay chiến đấu F-16 để chặn máy bay của Điện Kremlin trong ADIZ.
Hơn nữa, NORAD mô tả hoạt động này của Nga diễn ra “thường xuyên” nên nó không được coi là một mối đe dọa, cũng không phải là hành động khiêu khích. Theo NORAD, các lực lượng Nga đã xâm nhập vào ADIZ của Mỹ nhiều lần trong năm để “thử phản ứng của Hoa Kỳ”.
“Kể từ khi Nga nối lại hoạt động của Lực lượng Hàng không Tầm xa ngoài khu vực vào năm 2007, NORAD đã chứng kiến trung bình hàng năm có khoảng 6 – 7 lần [Mỹ triển khai tiêm kích] ngăn chặn máy bay quân sự Nga trong ADIZ Bắc Mỹ”, theo tuyên bố.
Lực lượng Hàng không Tầm xa của Lực lượng Hàng không và Vũ trụ Liên bang Nga hiện có 3 loại máy bay chính là Tu-95MS và Tu-160 mang tên lửa chiến lược và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.
“Những con số này thay đổi hàng năm từ cao nhất là 15 lần đến thấp nhất là 0”, theo thông báo của NORAD.
Vụ xâm nhập mới nhất diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì xung đột Ukraine.
Sự cố trên xảy ra sau khi máy bay chiến đấu F-35 của Hà Lan đã đánh chặn ba máy bay quân sự Nga trên bầu trời Ba Lan vào hôm thứ Ba (14/2).
Theo đó, sự cố trên cho thấy những nỗ lực rõ ràng Nga nhằm tiếp cận không phận Ba Lan để đáp trả chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ba Lan để kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine.
Tổng thống Biden sẽ thăm Ba Lan từ ngày 20/2 đến ngày 22/2. Tại đây, ông Biden sẽ gặp Tổng thống Andrzej Duda để thảo luận về hợp tác song phương và nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine trước sự tấn công dữ dội của Nga.
Trong cuộc họp báo ngày 10/2, Điều phối viên phụ trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby đã chính thức xác nhận về chuyến thăm của ông Biden tới Ba Lan.
“Tổng thống muốn đảm bảo rằng ông đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ về quyết tâm của Mỹ mà còn về quyết tâm của cộng đồng quốc tế, và để người dân Ukraine hiểu rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng họ trong tương lai”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
Hồng Kông bắt buộc quảng bá Luật An ninh quốc gia trên truyền hình, đài phát thanh
Các đài phát thanh và truyền hình miễn phí của Hồng Kông sẽ buộc phải phát sóng các chương trình hàng tuần quảng bá “bản sắc dân tộc” của Trung Quốc cũng như Luật An ninh quốc gia, theo yêu cầu được chính phủ công bố hôm thứ Ba (14/2).
Các quy định được đưa ra khi Bắc Kinh đang nỗ lực tái định hình lãnh thổ, trấn áp phong trào phản kháng đã bảo vệ một bản sắc Hồng Kông khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc.
Các điều khoản tương tự đã được đưa vào các quy định khác nhau của thành phố kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia vào năm 2020 nhằm dập tắt bất đồng chính kiến sau các cuộc biểu tình lớn.
Từng là pháo đài của tự do ngôn luận, Hồng Kông đang bị biến đổi sau những thay đổi đó, với quyền lực kiểm duyệt được tăng cường và các cơ quan truyền thông địa phương độc lập ngừng hoạt động.
John Lee, cựu giám đốc an ninh của thành phố và hiện là lãnh đạo của nó, đã đồng ý hôm thứ Ba với các điều khoản cấp phép mới do Cơ quan Truyền thông Hồng Kông đề xuất áp dụng cho ba kênh truyền hình miễn phí và hai đài phát thanh.
Một trong những điều khoản yêu cầu các đài được cấp phép “phát sóng không dưới 30 phút các chương trình về giáo dục quốc gia, bản sắc dân tộc và Luật An ninh Quốc gia mỗi tuần”, ngoài giờ phát sóng các vấn đề thời sự mà họ đã được yêu cầu.
Những thay đổi khác bao gồm tăng gấp đôi số giờ phát sóng hàng tuần cho thanh thiếu niên, đồng thời giảm một nửa số giờ dành cho trẻ em xuống còn 14 giờ mỗi tuần.
Các điều khoản cấp phép sẽ có hiệu lực trong sáu năm tới.
Là một phần của một loạt các thay đổi gần đây, Trung Quốc cũng đã cải tổ hệ thống giáo dục của thành phố với một chương trình giảng dạy hiện bao gồm việc dạy Luật An ninh quốc gia từ mẫu giáo.
Tại một cuộc họp báo vào thứ Ba, ông Lee nói rằng ông ủng hộ việc chuẩn bị Luật An ninh quốc gia bổ sung vào năm tới.
Những người chỉ trích nói rằng Luật An ninh của Bắc Kinh đã tước đi các quyền tự do dân sự và văn hóa chính trị sôi nổi của Hồng Kông, trong khi chính quyền cho rằng cần phải khôi phục trật tự và ổn định.
Hơn 230 người đã bị bắt và hơn 140 người đã bị truy tố vì lý do an ninh quốc gia theo luật, với nhiều nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của thành phố hiện đang phải đối mặt với án tù chung thân vì những tội danh như vậy.
Trong những năm gần đây, cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết mọi người trong thành phố xác định họ là “người Hồng Kông” hơn là “người Trung Quốc”.
Ngân Hà (theo AFP)
Báo cáo của phía Mỹ: Nga giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine để ‘cải tạo’
Reuters đưa tin, Nga giam giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine, có thể còn nhiều hơn nữa, tại các địa điểm ở Crimea và các nơi khác do Nga kiểm soát, theo báo cáo đăng hôm Thứ Ba (ngày 14/2) của một nhóm nghiên cứu của Đại học Yale, và Nga có mục đích chủ yếu là cải tạo chính trị.
Theo báo cáo của nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Yale, do Mỹ hậu thuẫn, ít nhất 43 trại và các cơ sở khác đã được xác minh là nơi đang giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine, và đó là một phần của “mạng lưới hệ thống quy mô lớn” do Moscow điều hành.
Ông Nathaniel Raymond, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên: “Mục đích chính của các cơ sở trại mà chúng tôi đã xác định [trong báo cáo] dường như là để cải tạo chính trị.”
Báo cáo nêu rõ, một số trẻ em đã được chuyển qua hệ thống này sau đó được các gia đình Nga nhận nuôi hoặc chuyển đến cô nhi viện hoặc các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng ở Nga.
Ông Raymond cho hay, đứa trẻ nhỏ nhất được xác định trong chương trình của Nga mới chỉ 4 tháng tuổi và có một số trại huấn luyện quân sự cho trẻ em ở độ tuổi 14. Ông nói rõ rằng các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về việc những đứa trẻ sau đó đã được triển khai trong chiến đấu.
Đại sứ quán Nga tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về báo cáo của nhóm.
Moscow đã phủ nhận việc cố ý nhắm mục tiêu vào dân thường trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, và đã bác bỏ những tuyên bố trước đây rằng họ đã cưỡng bức người Ukraine di chuyển.
Báo cáo này là báo cáo mới nhất do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nhân đạo của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale thực hiện như một phần của dự án do Bộ Ngoại giao hậu thuẫn nhằm điều tra các cáo buộc do Ukraine đưa ra, tố cáo Nga vi phạm nhân quyền và gây tội ác chiến tranh ở Ukraine.
“Những gì được ghi lại trong báo cáo này là sự vi phạm rõ ràng Công ước Geneva lần thứ 4,” hiệp định bảo vệ dân thường trong thời chiến, ông Raymond nói. Ông nói rằng đó cũng có thể là bằng chứng cho thấy Nga đã phạm tội diệt chủng trong cuộc chiến ở Ukraine. Bởi vì việc chuyển giao trẻ em với mục đích thay đổi, cải biến hoặc xóa bỏ bản sắc dân tộc có thể được coi là cấu thành một hành vi tội ác diệt chủng.
Các công tố viên Ukraine thông báo, họ đang xem xét các cáo buộc buộc bắt giữ trẻ em như một phần trong nỗ lực xây dựng bản cáo trạng diệt chủng chống Nga.
“Mạng lưới này trải dài từ đầu này đến đầu kia của Nga,” Raymond nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng các nhà nghiên cứu tin rằng số cơ sở giam giữ trẻ em Ukraine nhiều hơn con số 43.
Hệ thống các trại và việc các gia đình Nga có trẻ em Ukraine bị bắt từ quê hương nhận làm con nuôi “dường như được ủy quyền và phối hợp ở các cấp cao nhất của chính phủ Nga,” báo cáo lưu ý, bắt đầu từ Tổng thống Vladimir Putin và mở rộng đến các quan chức địa phương. Trong báo cáo đã liệt kê những quan chức dính líu đến hoạt động này, với cấp cao nhất là ông Putin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price chỉ ra rằng có thể có hành động nhắm vào 12 cá nhân, mà hiện vẫn chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ.
“Chúng tôi luôn xem xét những cá nhân có thể chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh, về những hành động tàn bạo bên trong Ukraine,” ông nói. “Chỉ vì chúng tôi chưa xử phạt một cá nhân nào cho đến nay không nói lên điều gì về bất kỳ hành động nào trong tương lai mà chúng tôi có thể thực hiện.”
Nhật Tân (T/h)