Hôm 13/2, Quân đội Hoa Kỳ thông báo, họ đã thu hồi được các thiết bị điện tử quan trọng từ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị một máy bay chiến đấu của Mỹ bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 4/2, bao gồm cả các cảm biến chính được cho là dùng để thu thập thông tin tình báo.
Bộ Tư lệnh Phương Bắc của quân đội Mỹ tiết lộ trong một tuyên bố rằng, “Bộ này có thể phục hồi các mảnh vỡ quan trọng từ hiện trường, bao gồm tất cả các bộ phận cảm biến và mảnh thiết bị điện tử được xác định, cũng như như những phần lớn của cấu trúc”.
Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, khinh khí cầu cơ động nói trên đã bị máy bay phản lực của Mỹ bắn hạ hồi đầu tháng này sau khi đi vào không phận Mỹ mà không báo trước và được phép đi dọc nước này tới bờ biển Đại Tây Dương.
Hải quân Hoa Kỳ và Cảnh sát biển sau đó đã dành nhiều ngày để trục vớt các bộ phận của khinh khí cầu và các mảnh vỡ khác để tiến hành phân tích.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc nói rằng đây là “khinh khí cầu dân sự” vô tình đi lạc vào không phận Mỹ vì đi chệch khỏi lộ trình dự kiến.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, khinh khí cầu nói trên đã bay qua khu vực tây bắc nước Mỹ, nơi có các căn cứ không quân nhạy cảm và tên lửa chiến lược trong các hầm chứa dưới lòng đất. Khinh khí cầu này đã bay qua Mỹ và Canada trong một tuần.
Washington: Khinh khí cầu Trung Quốc dùng để do thám
Tuy nhiên, Washington tin rằng đó là một phương tiện do thám tầm cao tinh vi đang tiến hành giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ như: Căn cứ Không quân Maelstrom ở tiểu bang Montana, Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (STRATCOM) và căn cứ cất giữ máy bay ném bom hạt nhân ở tiểu bang Missouri.
Kể từ đó, Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo về chương trình giám sát trên không của Trung Quốc với các quốc gia đồng minh, các nền dân chủ tự do khác.
Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc đã sử dụng khinh khí cầu do thám để thực hiện một chiến dịch gián điệp kéo dài trong nhiều năm, trải dài trên 40 quốc gia và 5 châu lục.
Trong những năm gần đây, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng đẩy mạnh các dự án phát triển khinh khí cầu phục vụ cho các mục đích quân sự.
Các quan chức Mỹ cho biết, Hoa Kỳ tin tưởng rằng nhà sản xuất khinh khí cầu do thám có “mối quan hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc và là nhà cung cấp được chấp thuận” của quân đội. Quan chức này trích dẫn một cổng thông tin mua sắm chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) làm bằng chứng.
Theo một tuyên bố từ một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, khinh khí cầu do thám Trung Quốc được trang bị “nhiều ăng-ten” có khả năng thu thập và định vị, cũng như được trang bị các tấm pin mặt trời đủ lớn để tạo ra năng lượng cần thiết cho việc vận hành nhiều cảm biến. Thiết bị này “rõ ràng dùng cho mục đích do thám tình báo và không phù hợp với thiết bị theo dõi thời tiết”, vị quan chức này cho biết.
Kể từ khi khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi cách bờ biển Nam Carolina khoảng 10 km, quân đội Hoa Kỳ đã bắn hạ ba vật thể bay nhỏ hơn trong những ngày gần đây, một ở Alaska, một ở trên lãnh thổ Yukon của Canada và một ở trên Hồ Huron, Michigan, giáp ranh với biên giới Canada.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguồn gốc cũng như chức năng của những vật thể này.
Bà Melissa Dalton, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề về bán cầu và quốc phòng nội địa, nói với các phóng viên vào ngày 12/2 rằng, một số vật thể bay tầm cao thường được các quốc gia hoặc nhiều công ty khác nhau sử dụng cho mục đích nghiên cứu hợp pháp.
Bà Dalton cho biết sự gia tăng số lượng các vật thể tầm cao được xác định gần đây bay trong không phận Hoa Kỳ một phần là nhờ chính phủ đã tăng cường các hệ thống radar của mình.
“Sau vụ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc hôm 4/2, chúng tôi đã rà soát kỹ hơn không phận ở độ cao tương tự, bao gồm cả tăng cường năng lực của hệ thống radar. Điều này phần nào lý giải cho việc số lần phát hiện vật thể tăng lên trong tuần qua”, bà Dalton nói.
Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang
Hôm thứ Sáu (10/2), Mỹ đã liệt 6 thực thể Trung Quốc có liên quan đến chương trình khinh khí cầu do thám vào danh sách đen xuất khẩu.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 5 công ty và một viện nghiên cứu Trung Quốc vào danh sách đen vì đã hỗ trợ “các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là các chương trình hàng không vũ trụ của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) bao gồm khí cầu và khinh khí cầu”.
Các thực thể bị liệt vào danh sách đen sẽ không được tiếp cận hàng xuất khẩu công nghệ của Mỹ, trừ khi họ được chính phủ Mỹ chấp thuận.
Theo thông báo (pdf) của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, 6 thực thể này gồm có:
- Công ty TNHH Công nghệ Hàng không vũ trụ Nam Giang Bắc Kinh (Beijing Nanjiang Aerospace Technology Co., Ltd)
- Viện nghiên cứu thứ 48 của Công ty Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation 48th Research Institute)
- Công ty TNHH Công nghệ Viễn thám Lăng Không Đông Quản (Dongguan Lingkong Remote Sensing Technology Co., Ltd)
- Công ty TNHH Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Ưng Môn (Eagles Men Aviation Science and Technology Group Co., Ltd)
- Công ty TNHH Công nghệ Hàng không Thiên-Hải-Tường Quảng Châu (Guangzhou Tian-Hai-Xiang Aviation Technology Co., Ltd)
- Công ty TNHH Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Ưng Môn Sơn Tây (Shanxi Eagles Men Aviation Science and Technology Group Co., Ltd)
Trong một diễn biến khác, vào lúc căng thẳng Mỹ – Trung đang leo thang, Trung Quốc hôm 13/2 tuyên bố rằng Mỹ đã thả 10 khinh khí cầu tầm cao vào không phận nước này vào năm 2022. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố rằng các khinh khí cầu của Mỹ đã xâm nhập trái phép không phận Trung Quốc.
Đáp lại, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết, tuyên bố của Trung Quốc là hoàn toàn “sai sự thực”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch