Tin thế giới tối thứ Tư: Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc chiếu tia laser vào tàu tuần duyên Philippines

Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc chiếu tia laser vào tàu tuần duyên Philippines

Một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (trên cùng) và một tàu tiếp nhiên liệu của Philippines tham gia vào cuộc cản phá khi thuyền của Philippines cố gắng tiếp cận Bãi cạn Thomas thứ hai (Bãi Cỏ Mây), một phần của Quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông xa xôi mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, hôm 29/3/2014. (Ảnh: Jay Directo/Getty Images)

Hôm 13/2, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức lên án việc Trung Quốc được cho là đã chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào một tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, tàu của Philippines đang hỗ trợ nhiệm vụ tiếp tế cho hải quân nước này tại Bãi Cỏ Mây.

Vụ việc diễn ra vào ngày 6/2, khi chiếc tàu BRP Malapascua của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) đang hỗ trợ hải quân nước này vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm tới một tiền đồn quân sự trên Bãi cạn Thomas thứ Hai (Bãi Cỏ Mây) xa xôi thuộc Quần đảo Trường Sa.

Khi tàu cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý (khoảng 20 km) thì một tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 bất ngờ chiếu tia laser 2 lần, gây “mù tạm thời” (trong khoảng 10 – 15 giây) với thủy thủ đoàn đang làm nhiệm vụ trên tàu, các quan chức Manila cho biết.

Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Phản ứng trước sự việc này, hôm 13/2 Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích các hành động của Bắc Kinh và gọi các hành động này là “khiêu khích và không an toàn”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, cho biết trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ luôn sát cánh với các đồng minh Philippines của chúng tôi trước việc Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được cho là đã sử dụng các thiết bị laser để chiếu vào thủy thủ đoàn của một tàu Tuần duyên Philippines”.

Ông Price đã trích dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về Biển Đông vào tháng 7/2016. Theo phán quyết này, Bắc Kinh không có yêu sách hàng hải hợp pháp nào đối với Bãi Cỏ Mây.

“Hoa Kỳ nhắc lại rằng, theo Công ước Luật Biển năm 1982, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 là phán quyết cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với Trung Quốc và Philippines, và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết này”.

Ông Price khẳng định Hoa Kỳ sẽ duy trì trật tự hàng hải quốc tế trong khu vực này, đồng thời nói thêm rằng, bất kỳ hành vi vi phạm nào xảy ra đều “sẽ dẫn đến các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ”.

Lực lượng Vũ trang Philippines đã trả lời ngắn gọn về vấn đề này.

“Việc cố tình chặn các tàu của chính phủ Philippines vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho quân nhân của chúng tôi… là sự coi thường trắng trợn và vi phạm rõ ràng các quyền chủ quyền của Philippines”, một phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên Philippines cho biết trong một tuyên bố chính thức.

Để đối phó với “tần suất và cường độ hành động ngày càng tăng” của Trung Quốc đối với PCG, hôm 14/2, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) để thảo luận về vụ việc này.

Theo phát ngôn viên Cheloy Velicaria-Garafil, ông Marcos đã bày tỏ “mối lo ngại nghiêm trọng” về sự cố chiếu tia laser này.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết, các quan chức đã thảo luận về cách “quản lý hợp lý các khác biệt hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines”.

Trước cuộc gặp hôm 14/2 giữa Tổng thống Philippines và Đại sứ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các hành động của lực lượng hải cảnh nước này là phù hợp với luật pháp. Bắc Kinh không xác nhận cụ thể cũng không phủ nhận hành động chiếu tia laser vào tàu của Lực lượng Tuần duyên Philippines.

Tuy nhiên, những hình ảnh được chụp trong sự kiện này cho thấy ánh sáng xanh lục và đỏ phát ra từ một con tàu Trung Quốc mang số hiệu 5205 ở mũi tàu.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị cáo buộc chiếu tia laser vào các tàu của những quốc gia có chủ quyền ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Vào tháng 2/2022, các quan chức Úc cũng báo cáo về một “hành động đe dọa”, sau khi một tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia lazer vào một máy bay giám sát quân sự của nước này.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Nhà trắng: Chiến dịch khinh khí cầu do thám của Trung Quốc là nhắm vào Mỹ và các đồng minh

Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby, trả lời các câu hỏi trong cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng, ở Washington, vào ngày 4/8/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Nhà Trắng xác nhận rằng chính quyền và quân đội Trung Quốc đang triển khai một chương trình khinh khí cầu do thám, nhắm đến Mỹ và các đồng minh.

Trong buổi họp báo hôm 13/2, người phát ngôn Bộ Quốc Phòng Mỹ John Kirby đã tiết lộ một số thông tin về chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

“Chính quyền và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang triển khai một chương trình khinh khí cầu trên cao để thu thập thông tin tình báo”, ông Kirby cho hay.

Theo lời ông Kirby, chương trình này được Trung Quốc triển khai nhằm do thám “các đồng minh và đối tác thân cận của Hoa Kỳ”. Tính đến nay, lượng tin tình báo các khinh khí cầu thu được là “không đáng kể”. Tuy nhiên nếu Mỹ không sớm có biện pháp đối phó, thì những cuộc xâm nhập liên tiếp như vậy có thể gây ra hiểm hoạ an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.

Vào ngày 4/2, Hoa Kỳ đã bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina. Những ngày tiếp theo, Mỹ bắn hạ thêm ba vật thể nữa, hai cái trong không phận Mỹ và một cái trong không phận Canada.

Chính phủ Mỹ hiện vẫn chưa thể đưa ra kết luận chính xác về ba vật thể nói trên, chỉ biết là chúng nhỏ hơn nhiều so với chiếc khinh khí cầu đầu tiên.

“Chúng tôi dám chắc đây là một thiết bị tình báo, có chức năng giám sát và thăm dò”, ông Kirby nhận định về chiếc khinh khí cầu Trung Quốc.

“Khác với cái khinh khí cầu đầu tiên, ba vật thể sau đó không tự di chuyển, cũng không có dấu hiệu bị điều khiển, có vẻ như chúng chỉ bị gió đẩy đi mà thôi. Tất nhiên, chúng ta chưa thể loại trừ khả năng chúng cũng là các thiết bị do thám”, ông nói thêm.

Ông giải thích rằng nguyên lý hoạt động của radar là lý do chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát hiện ra các vật thể lạ. Sau vụ việc ngày 4/2, quân đội Mỹ đã cài đặt lại radar để có thể phát hiện được các vật thể nhỏ hơn.

“Di chuyển rất chậm ở độ cao lớn và tiết diện radar nhỏ chính là hai yếu tố đã giúp những vật thể trên ‘qua mặt’ trạm thu sóng radar của chúng ta, khiến công tác truy lùng gặp khó”.

Ông Kirby cho biết thêm, chính phủ Mỹ vẫn đang tích cực thu hồi xác của các vật thể để tiến hành nghiên cứu. Ngoài ra, quân đội cũng đã trục vớt thành công một số bộ phận cũng như linh kiện điện tử của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc từ dưới đáy Đại Tây Dương.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken là người đã đưa ra những thông cáo đầu tiên về chiến dịch do thám bằng khinh khí cầu của Trung Quốc vào ngày 8/2. Ông cũng xác nhận chính phủ Mỹ đang cố gắng cung cấp thông tin tình báo cho các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi chiến dịch nói trên.

“Chiến dịch khinh khí cầu của Trung quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của không chỉ Mỹ mà là hàng chục quốc gia khác trên thế giới, và đây là thời điểm Mỹ cần liên kết với các quốc gia để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả”, ông Blinken bày tỏ.

“Trung Quốc đã có những động thái vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, đồng thời vi phạm luật quốc tế. Tất cả những cá nhân thuộc bộ máy chính quyền Trung Quốc, bất kể có tham dự vào những động thái trên hay không, đều sẽ phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm của nước này”, trích lời ông Blinken.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

NATO tăng cường vũ khí cho Ukraine, cho biết cuộc tấn công mới của Nga đã bắt đầu

NATO tăng cường vũ khí cho Ukraine, cho biết cuộc tấn công mới của Nga đã bắt đầu
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trình bày tại một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại trụ sở của Liên minh này ở Brussels, Bỉ, hôm 14/02/2023. (Ảnh: Johanna Geron/Reuters)

Hôm thứ Ba (14/02), quan chức hàng đầu của NATO đã kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv sau khi tuyên bố một ngày trước đó rằng Nga đã bắt đầu khởi động chiến dịch tấn công được nhiều người tiên liệu ở Ukraine.

Trước một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Bỉ, Tổng thư ký Jens Stoltenberg của liên minh này cho biết các nước phương Tây cần tăng cường cung cấp đạn dược cho Kyiv trong một hành động mà ông cho là một cuộc chạy đua với thời gian.

Ông nói với các phóng viên tại Brussels, nơi các bộ trưởng quốc phòng của các nước đồng minh NATO đang nhóm họp vào ngày 14-15/02, “Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đang sẵn sàng cho hòa bình. Những gì chúng ta thấy là điều ngược lại, ông ấy đang chuẩn bị cho nhiều cuộc chiến hơn, cho các chiến dịch mới và những cuộc tấn công mới.”

Bên cạnh việc kêu gọi cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine, người đứng đầu NATO này cho biết các đại diện sẽ thảo luận về cách tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng để cung cấp thêm đạn dược cho Kyiv và để bổ sung cho kho dự trữ của các nước đồng minh.

Trước cuộc họp của NATO, Ukraine đã một lần nữa kêu gọi các nước phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ nhằm ngăn chặn chiến dịch tấn công mới của Nga. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov được các phóng viên hỏi về loại hình viện trợ quân sự mà đất nước ông đang tìm kiếm là gì, ông đã cho họ xem hình ảnh của một chiếc chiến đấu cơ.

Hồi tuần trước, khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm một số thủ đô Âu Châu trong chuyến công du ngoại quốc thứ hai kể từ khi cuộc xâm lược của Nga được phát động vào ngày 24/02/2022, ông đã mạnh mẽ thúc giục về các chiến đấu cơ.

Tom Ozimek

‘Các nước đồng minh đang đẩy nhanh tiến độ’

Một quân nhân Ukraine đứng trên con đường bên ngoài thị trấn tiền tuyến Bakhmut, Ukraine, vào ngày 11/02/2023. (Ảnh: Yevhenii Zavhorodnii/Reuters)

Tuy nhiên, ông Stoltenberg đã hạ thấp tầm quan trọng của các phản lực cơ khi được các phóng viên hỏi liệu những phản lực cơ này có sắp ra được đưa ra hay không.

Ông nói, “Vấn đề phi cơ không phải là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Tuy vậy, đó là một cuộc thảo luận đang diễn ra,” đồng thời cho biết thêm rằng vấn đề cấp bách nhất là cung cấp áo giáp và đạn dược.

Ông Stoltenberg nói, “Nhu cầu cấp bách hiện nay là cung cấp những gì đã luôn được hứa hẹn, cung cấp các loại thiết vận xa, chiến xa bộ binh, xe tăng Marder của Đức, xe tăng Bradley của Hoa Kỳ, và tất nhiên, cả các loại xe tăng chiến đấu chủ lực, dòng xe tăng Leopard, và các loại xe tăng khác đã được cam kết.”

Ông nói thêm, “Và chúng tôi thấy rằng các nước Đồng minh đang đẩy nhanh tiến độ. Chúng ta cần đào tạo, chúng ta cần thiết bị, chúng ta cần đạn dược và đó chính xác là những gì mà các nước Đồng minh hiện đang cung cấp và [đó] sẽ là vấn đề hàng đầu tại các cuộc họp hôm nay tại NATO.”

Ông cho biết thêm, các hướng dẫn dài hạn mới về dự trù và tài trợ cho các sáng kiến quân sự cũng nằm trong nghị trình nhằm nỗ lực tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của các đồng minh NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã tái khẳng định rằng Hoa Kỳ và NATO đang ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột này về lâu dài.

““Quyết tâm chung đó sẽ duy trì động lực của Ukraine trong những tuần tới,” ông Austin nói với các phóng viên ở Brussels. “Điện Kremlin vẫn đang đánh cược rằng họ có thể đợi chúng ta bỏ cuộc.”

Điện Kremlin cáo buộc NATO can dự sâu hơn vào xung đột

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tham dự cuộc họp báo chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow hôm 18/02/2022. (Ảnh: Sputnik/Sergey Guneev/Kremlin qua Reuters)

Hôm thứ Hai (13/02), Điện Kremlin đã cáo buộc NATO nuôi lòng ác cảm với Nga và can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột này.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (13/02), “NATO là một tổ chức vốn đang có thái độ thù địch với chúng tôi và chứng tỏ sự thù địch này hàng ngày.”

Ông nói thêm: “Họ đang cố gắng hết sức để khiến cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột về Ukraine càng rõ ràng càng tốt.”

Moscow đã cho rằng việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine đang kéo dài cuộc xung đột này và làm tăng khả năng leo thang hơn nữa.

Kyiv và những người ủng hộ họ ở phương Tây lập luận rằng việc cung cấp thiết bị quân sự tân tiến là rất quan trọng để giúp Ukraine tự vệ trước chiến dịch tấn công của Nga.

Tổng thư ký NATO: Chiến dịch tấn công của Nga đã bắt đầu

Các quân nhân Ukraine lái chiến xa bộ binh BMP-2 dọc theo một con đường ở thị trấn tiền tuyến Bakhmut, Ukraine, hôm 09/02/2023. (Ảnh: Yevhenii Zavhorodnii/Reuters)

Cũng trong ngày thứ Hai, ông Stoltenberg đã nói tại một cuộc họp báo cấp bộ trưởng ở Brussels, tại đó ông nói rằng cuộc tấn công của Nga đã bắt đầu.

“Tôi nghĩ rằng thực tế là chúng ta đã thấy sự khởi đầu rồi,” ông Stoltenberg nói. “Bởi vì chúng tôi thấy những gì Nga làm hiện nay […] là gửi thêm hàng ngàn và hàng ngàn binh sĩ, chấp nhận tỷ lệ thương vong rất cao, chịu các tổn thất lớn, nhưng gây áp lực lên người dân Ukraine.”

Ông Stoltenberg nói thêm rằng chiến dịch tấn công mới của Nga “làm nổi bật tầm quan trọng của tính kịp thời” và rằng “việc cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn là điều cấp bách, chúng ta có thể cung cấp vũ khí, đạn dược, phụ tùng nhiên liệu cho mặt trận Ukraine càng nhanh chóng chừng nào thì chúng ta càng cứu được nhiều sinh mạng chừng đó và việc chúng ta ủng hộ những nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thương lượng cho cuộc xung đột này cũng sẽ có kết quả tốt đẹp hơn.”

Hôm thứ Ba, các lực lượng Nga đã bắn phá quân đội Ukraine và các thị trấn dọc theo tiền tuyến ở khu vực phía đông Donetsk trong những gì dường như là loạt đạn ban đầu của chiến dịch tấn công mới này.

Cũng trong hôm thứ Ba, quân đội Ukraine cho biết rằng, trong 24 giờ qua, các lực lượng của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công tại năm khu định cư ở Luhansk và sáu khu định cư ở Donetsk, trong đó có cả ở Bakhmut, mục tiêu chính của lực lượng Nga.

Thống đốc khu vực này là ông Pavlo Kyrylenko nói với đài truyền hình quốc gia Ukraine: “Không có một tấc đất nào ở Bakhmut là an toàn hay không nằm trong tầm bắn của kẻ thù hoặc phi cơ không người lái.”

Việc chiếm được Bakhmut sẽ tạo ra một bàn đạp để Nga tiến vào hai thành phố lớn hơn ở Donetsk — Kramatorsk và Sloviansk — tạo động lực mới cho Nga trong cuộc xâm lược này.

Thanh Nguyên biên dịch

Bộ Thống nhất Hàn Quốc: Thiếu lương thực ở Triều Tiên ngày càng trầm trọng

Phụ nữ Triều Tiên xếp hàng nhận phân phối gạo (Gerald Bourke/WFP via Getty Images)

Ngày 15/2, Hàn Quốc nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực ở Triều Tiên dường như trở nên tồi tệ hơn, sau khi hãng tin Dong-A Ilbo đưa tin về việc Triều Tiên lần đầu tiên cắt giảm khẩu phần ăn cho binh lính trong hơn hai thập kỷ.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên đã thừa nhận tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, đề cập đến một báo cáo của hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi đầu tháng này về kế hoạch của Đảng cầm quyền sẽ tổ chức một cuộc họp “khẩn cấp” về nông nghiệp.

“Tình hình lương thực của họ dường như đã trở nên tồi tệ hơn nữa,” bộ phụ trách quan hệ với Triều Tiên nhận xét trong một tuyên bố.
Phụ nữ Triều Tiên xếp hàng nhận phân phối gạo (Gerald Bourke/WFP via Getty Images)

Trong những thập kỷ gần đây, Triều Tiên đã trải qua tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, bao gồm cả nạn đói vào những năm 1990, thường là hậu quả của các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt gây thiệt hại cho mùa màng.

Quốc gia bị cô lập này còn đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt đối với các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đồng thời trong những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới vốn đã hạn chế của Triều Tiên hầu như bị bóp nghẹt do các lệnh phong tỏa tự áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19.

Hãng tin Dong-A Ilbo hôm 14/2 cho biết, Triều Tiên lần đầu tiên phải giảm khẩu phần lương thực hàng ngày cho binh lính kể từ năm 2000, dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Hàn Quốc.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, họ không thể xác nhận thông tin chi tiết bản tin trên Dong-A Ilbo, nhưng họ đang theo dõi tình hình cùng với các cơ quan quốc gia khác.

Trước đó ngày 6/2, hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đưa tin, Đảng Lao động Triều Tiên đã triệu tập một cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng vào cuối tháng này để bàn về “nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách là thiết lập chiến lược đúng đắn cho sự phát triển nông nghiệp”.

Bộ thống nhất lưu ý, rất hiếm khi Triều Tiên triệu tập một cuộc họp đặc biệt như vậy.

Tháng trước, nhóm giám sát 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ đánh giá, “lương thực sẵn có của Triều Tiên có thể đã giảm xuống dưới mức tối thiểu đối với nhu cầu của con người”, với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức tồi tệ nhất kể từ nạn đói những năm 1990.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se cũng cho biết, các báo cáo gần đây của truyền thông Triều Tiên về việc con gái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, là Ju Ae, xuất hiện tại các cơ quan chức năng của nhà nước có thể nhằm mục đích khơi dậy sự đoàn kết và củng cố lòng trung thành với gia đình cầm quyền, trong bối cảnh những tai ương nhân đạo ngày càng sâu sắc.

Nhật Minh (Theo Reuters)

Ukraine đổi người đứng đầu Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao

Thẩm phán Vira Mykhaylenko trở thành người đứng đầu Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao Ukraine. (Nguồn: Facebook Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao Ukraine)

Thẩm phán Vira Mykhaylenko trở thành người đứng đầu mới của Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao Ukraine, theo quyết định của cuộc họp chung các thẩm phán ngày 14/2, tờ báo Pravda Ukraine do chính quyền kiểm soát đưa tin.

Theo thông báo trên Facebook hôm thứ Tư của Tòa án Chống Tham nhũng Cấp cao Ukraine (VAKS), bà thẩm phám Vira Mykhaylenko trở thành người đứng đầu mới của cơ quan này. Đây là quyết định sau cuộc họp chung của các thẩm phán.

Vấn đề chống tham nhũng ở Ukraine gần đây được đồng minh phương Tây nhắc nhở nhiều lần, và cũng được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh trong các tuyên bố, khi mà cuộc chiến tranh chống Nga của họ đang sắp tròn 1 năm, và những khoản viện trợ vào Ukraine cũng tăng nhanh lên hàng chục tỷ đô la.

Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu về viện trợ cho chiến tranh ở Ukraine với con số 48 tỷ đô la trong năm 2022, theo phân tích của Al Jazeera. Hiện EU đã cam kết viện trợ 72 tỷ đô là cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Tháng 1/2023, dân biểu Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene đã gọi Ukraine là “một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới”, và trong một dòng tweet bà đã thẳng thừng chất vấn “tiền thuế khó kiếm được của người Mỹ có bị đánh cắp hay không?”

Bà Green và một số đảng viên Cộng hòa tháng 11/2022 từng kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ ra nghị quyết đòi kiểm toán các khoản viện trợ cho Ukraine.

Vào tháng 6/2022, EU đã trao cho Ukraine quy chế “quốc gia ứng viên”, một động thái chính thức cho phép Kyiv trở thành thành viên của EU. Nhưng trước khi trở thành thành viên, các quốc gia ứng viên phải thực hiện một số cải cách chính trị, kinh tế, và pháp quyền để phù hợp với các tiêu chuẩn của EU. Trong đó chống tham nhũng ở Ukraine trở thành một trong những vấn đề hàng đầu.

“Khi các cuộc đàm phán của EU đang tăng tốc cùng với sự hỗ trợ tài chính từ phương Tây, Ukraine cần chứng tỏ rằng tham nhũng sẽ không được dung thứ, ngay cả khi các cá nhân [tham nhũng] là quan chức cấp cao ở Ukraine,” theo Lukas Andriukaitis, một quan chức EU, nói với Al Jazeera.

“Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Ukraine là Hoa Kỳ và phương Tây sẽ từ bỏ họ và dòng chảy vũ khí [và tài chính] sẽ dừng lại,” theo Volodymyr Dubovyk, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Mechnikov ở Odesa, Ukraine, nói với Al Jazeera.

Tổng thống Zelensky luôn luôn kiên quyết chống tham nhũng trong các tuyên bố của mình, ngay từ những ngày tranh cử tổng thống. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng tham nhũng của Ukraine năm 2022 là 116/180 (càng nhỏ càng ít tham nhũng) so với năm 2019 khi ông Zelensky lên chức tổng thống là 126/180. Tức là, tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn rất thiếu khả quan. So với Việt Nam xếp hạng 77/180 trong năm 2022, thì tình hình tham nhũng ở Ukraine còn tồi tệ hơn.

Trong vài tuần qua, chính quyền Ukraine đã đột kích vào nhà của cựu bộ trưởng nội vụ nước này và sa thải hàng loạt quan chức chính phủ cấp cao do tham nhũng, trong đó có cả Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã từ chức. Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov từng được một số nhà lập pháp cho biết sẽ bị thay thế sau khi các nhà báo và nhà hoạt động phát hiện ra rằng Bộ Quốc phòng đã mua thực phẩm cho binh lính với giá quá cao. Tuy nhiên cho đến hiện nay dường như không bị ảnh hưởng, và ông vẫn tiếp tục cống hiến cho Chính phủ Ukraine và nhân dân với cương vị như cũ khi Tổng thống Zelensky vẫn im lặng về việc này.

Cũng theo Al Jazeera phân tích, sự ngờ vực về khả năng chống tham nhũng của Ukraine hiện nay có lý do một phần là vì Nga cố ý tuyên truyền.

“Ý tưởng là gieo rắc sự ngờ vực trong các xã hội phương Tây về sự hỗ trợ của Ukraine, cố gắng làm lung lay sự ủng hộ vững chắc của các chính phủ phương Tây bằng cách tiếp cận từ dưới lên,” theo quan chức EU Andriukaitis nói với Al Jazeera.

Dường như Nga, một quốc gia tệ hơn về tham nhũng với xếp hạng 137/180 vào năm 2022, đang làm như vậy là vì lo sợ Ukraine sẽ thành công trong việc chống tham nhũng.

“Người Nga sẽ hỏi, ‘nếu Ukraine có thể [thành công chống tham nhũng], tại sao [nước Nga] chúng ta không thể?’”, ông Dubovyk phân tích. “Nếu Ukraine thành công trong việc củng cố nền dân chủ và rời xa Nga, thì đó sẽ là mối đe dọa lớn đối với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin.”

Nhật Tân

Related posts