Sophia Khatsenkova
Thục Quyên lược dịch
16-2-2023
Hơn 10 ngày trước, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter đã gây thảm họa tàn khốc tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Số người chết đã vượt quá 42.000 và những thông tin sai lệch chung quanh sự kiện đau lòng này vẫn còn rất nhiều trên mạng xã hội.
Thí dụ mới nhất là tuần này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng một video lên Twitter, cho thấy hình ảnh một cây cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ mà chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã xây cất. Đại sứ quán còn khoe rằng, cầu này đã chịu được trận động đất mạnh vừa qua nhờ vào công nghệ của Trung Quốc.
Họ cũng thêm hashtag #ChinaTech, để quảng cáo sự cách tân theo Trung Quốc.
Sau đó, một bài viết xuất hiện tuyên bố rằng Cầu Canakkale (tên của cây cầu trong video) vẫn còn nguyên vẹn sau trận động đất. Bài viết cho biết, cầu được xây với sự hợp tác của công ty Trung Quốc Tứ Xuyên Lu Qiao.
Đúng là cây cầu có thật. Nó nằm ở phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, gần Hy Lạp và Bulgaria, và là cây cầu treo dài nhất thế giới. Điều đáng nói là nó có thực sự được Trung Quốc xây dựng hay không?
The Cube, một nhóm ký giả chuyên về truyền thông xã hội, chuyên tìm kiếm, xác minh và vạch trần những câu chuyện “vĩ đại” loan truyền trên mạng, đã tham khảo một trung tâm dữ liệu quốc tế thu thập thông tin về các cơ sở hạ tầng khác nhau trên khắp thế giới, và thấy rằng, không có công ty Trung Quốc nào tham gia vào việc xây dựng cầu Cannakkale cả.
Trên thực tế, thiết kế của nó do một công ty Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành, và thiết kế chi tiết do một công ty có trụ sở ở Đan Mạch đảm nhận. Theo trang web của cây cầu, bốn công ty khác đã đầu tư xây dựng cây cầu. Theo đó, hai công ty thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và hai công ty còn lại là các công ty Hàn Quốc.
Phần thứ hai của dòng tweet của Đại sứ quán Trung Quốc lại càng gây sốc: Thực tế là cây cầu này cách tâm chấn của trận động đất xảy ra gần thành phố Gaziantep hơn 1.000 km. Xem bản đồ những nơi cảm nhận được dư chấn thì thấy chúng cách rất xa cây cầu, vì vậy trận động đất không thể tác động đến cấu trúc của cầu.
Sau khi nhận được vô số lời chỉ trích trên mạng xã hội và truyền thông Pháp, Đại sứ quán Trung Quốc đã xóa bài viết khỏi trang web cùng với dòng tweet.