Nhật Tân
Các tài liệu do CSIS công bố cho thấy ĐCSTQ đã sử dụng một chiến lược tinh vi can thiệp bầu cử liên bang Canada năm 2021. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cùng những người được ủy quyền của họ đã ủng hộ Đảng Tự do của ông Justin Trudeau tái đắc cử, chỉ để trở thành chính phủ thiểu số, đồng thời tìm cách đánh bại Đảng Bảo thủ. Ngay cả hình ảnh bị bóp méo về Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng bị chiến lược đó gán ghép vào để gây bất lợi cho một số chính khách Đảng Bảo thủ được coi là kém thân thiện với ĐCSTQ, The Globe and Mail đưa tin hôm 14/2.
Chiến lược tinh vi và toàn diện của ĐCSTQ
Toàn bộ phạm vi hoạt động can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được phơi bày trong hai tài liệu bí mật và tuyệt mật của Cơ quan Tình báo An ninh Canada mà The Globe and Mail xem được, có liên quan đến khoảng thời gian trước và sau cuộc bầu cử tháng 9/2021. Cuộc bầu cử đã đưa Đảng Tự do Canada của ông Trudeau tái nắm quyền, với vị trí thiểu số trong Quốc hội.
Các báo cáo của CSIS đã được chia sẻ giữa các quan chức chính phủ cấp cao và các đồng minh tình báo Five Eyes của Canada, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Úc, và New Zealand. Một số thông tin tình báo này cũng được chia sẻ với các dịch vụ gián điệp của Pháp và Đức.
Trong thập kỷ qua, ĐCSTQ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã áp dụng chính sách đối ngoại hung hăng hơn khi nước này tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự trên khắp thế giới.
Các nghị sĩ trong ủy ban Thủ tục chung và Ủy ban Nội vụ Hạ viện đã xem xét các cáo buộc rằng Trung Quốc đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2019 để hỗ trợ 11 ứng viên, hầu hết là Đảng Tự do, ở Khu vực Greater Toronto (GTA).
Một thủ tướng với đảng thiểu số ở Quốc hội
Phân tích từ rất nhiều thông tin tình báo của như CSIS dẫn ra, các bằng chứng đã tiết lộ cách mà một cỗ máy với ĐCSTQ đứng sau đang hoạt động ở Canada với hai mục tiêu chính: Đảm bảo rằng một chính quyền, với vị trí thiểu số trong Quốc hội, của Đảng Tự do sẽ tái đắc cử năm 2021, và một số ứng viên Đảng Bảo thủ mà ĐCSTQ đã xác định sẽ bị đánh bại.
Các tài liệu cho thấy ban lãnh đạo ĐCSTQ đã “gây áp lực cho các lãnh sự quán của [Trung Quốc] để tạo ra các chiến lược nhằm thúc đẩy các thành viên và hiệp hội cộng đồng người Hoa [tích cực] hoạt động chính trị trong xã hội Canada.” Bắc Kinh sử dụng các tổ chức của Canada để vận động thay mặt họ “trong khi làm rối các mối liên hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).”
Các báo cáo được phân loại (mật) mà The Globe and Mail đã xem có chi tiết rằng cựu Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver, Tong Xiaoling, đã khoe khoang vào năm 2021 về cách mà bà ấy đã giúp đánh bại hai nghị sĩ Đảng Bảo thủ.
Mặc dù ông Trudeau được ĐCSTQ coi là nhà lãnh đạo thích hợp nhất, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn kiểm soát quyền lực của ông. Do đó ĐCSTQ muốn rằng Đảng Tự do Canada trở thành thiểu số với vị trí thứ hai trong Quốc hội.
Đầu tháng 7/2021 —8 tuần trước ngày bầu cử— một quan chức lãnh sự tại cơ quan ngoại giao Trung Quốc giấu tên ở Canada cho biết ĐCSTQ “hài lòng khi các đảng trong Quốc hội đấu đá lẫn nhau, chứ nếu như chiếm đa số [trong Quốc hội] thì đảng nắm quyền có thể dễ dàng thực hiện các chính sách không có lợi cho Trung Quốc.”
Mặc dù các nhà ngoại giao Trung Quốc bày tỏ bất mãn khi Đảng Tự do gần đây chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn, nhưng họ vẫn coi Đảng Tự do là lựa chọn tốt nhất cho họ. Kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, quan hệ của ĐCSTQ với Canada đã xuống tới mức thấp nhất vào tháng 12/2018, khi họ nhốt hai người Canada để trả đũa việc Ottawa bắt giữ một giám đốc điều hành Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ.
Quan trọng nhất, các báo cáo tình báo cho thấy Bắc Kinh đã ra quyết sách rằng Đảng Bảo thủ sẽ không giành chiến thắng.
Lén đầu tư tài chính cho tranh cử
CSIS cũng giải thích cách các nhà ngoại giao Trung Quốc tiến hành các hoạt động can thiệp của nước ngoài để hỗ trợ các ứng viên chính trị và các quan chức được bầu. Các chiến thuật bao gồm quyên góp tiền mặt không khai báo cho các chiến dịch chính trị hoặc để chủ doanh nghiệp thuê sinh viên quốc tế Trung Quốc và “phân công họ tình nguyện toàn thời gian trong các chiến dịch bầu cử.”
Các nhà tài trợ đồng cảm cũng được khuyến khích đóng góp cho chiến dịch tranh cử cho các ứng viên được Trung Quốc ủng hộ. Ví như những đóng góp mà họ nhận được tín dụng thuế từ chính phủ liên bang. Báo cáo của CSIS từ ngày 20/12/2021 cho biết, các chiến dịch chính trị lặng lẽ và bất hợp pháp đã trả lại một phần khoản đóng góp —“phần chênh lệch giữa khoản đóng góp ban đầu và khoản hoàn trả [thuế] của chính phủ”— trả lại cho những người quyên góp.
Dân nhập cư là dễ bị ảnh hưởng nhất
Trung Quốc đã sử dụng các chiến dịch thông tin sai lệch và ủy nhiệm có liên hệ với các tổ chức người Canada gốc Hoa ở Vancouver và Toronto, nơi có các cộng đồng đông đúc những người nhập cư từ Trung Quốc Đại Lục, để lên tiếng phản đối Đảng Bảo thủ và ủng hộ Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau.
Các tài liệu của CSIS tiết lộ rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc và những người được ủy quyền của họ, trong đó có nhiều thành viên của phương tiện truyền thông tiếng Trung, đã định hướng dư luận một cách mạnh mẽ rằng Đảng Bảo thủ quá chỉ trích Trung Quốc, cho nên nếu đảng này được bầu, thì Canada sẽ đi theo chủ trương của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và sẽ cấm sinh viên Trung Quốc vào một số trường đại học hoặc chương trình giáo dục ở Canada.
“Điều này sẽ đe dọa tương lai con cái của các cử tri, vì nó sẽ hạn chế cơ hội giáo dục của chúng,” báo cáo của CSIS dẫn lời quan chức lãnh sự quán Trung Quốc cho biết. Quan chức này nói thêm, “Đảng Tự do Canada trở thành đảng duy nhất mà Trung Quốc lựa chọn ủng hộ.”
Một phần quan trọng trong hoạt động can thiệp của họ là gây ảnh hưởng đến những người nhập cư Trung Quốc dễ bị tổn thương ở Canada. Các báo cáo tình báo dẫn lời một quan chức lãnh sự quán Trung Quốc giấu tên nói rằng “rất dễ gây ảnh hưởng đến những người nhập cư Trung Quốc để họ đồng ý với lập trường của Trung Quốc.”
Hình ảnh ĐCSTQ ở quốc tế
Những lập trường mà ĐCSTQ định hướng dư luận đã được CSIC phân tích trong các báo cáo của mình. Một số ví dụ như sau.
ĐCSTQ muốn quốc tế tán đồng, hoặc ít nhất là không phản đối, các yêu sách của họ đối với Đài Loan. Ông Tập vẫn muốn thôn tính quốc đảo tự trị này, thậm chí tuyên bố nhiều lần rằng ông sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết.
Bắc Kinh không muốn quốc tế chú ý đến những gì họ làm ở Tân Cương, nơi văn phòng của cựu ủy viên nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet năm ngoái cho biết Trung Quốc đã thực hiện “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” trong khu vực, có thể dẫn đến “tội ác phản nhân loại.”
ĐCSTQ muốn dư luận chấp nhận luật an ninh quốc gia hà khắc năm 2020 nhằm bịt miệng phe đối lập và bất đồng chính kiến ở Hồng Kông, một động thái hiển nhiên đã vi phạm những hứa hẹn “một quốc gia hai chế độ” sẽ kéo dài ít nhất 50 năm sau khi họ tiếp quản thuộc địa cũ của Anh này vào năm 1997.
Bắc Kinh cũng tìm cách dập tắt sự ủng hộ của nước ngoài đối với Tây Tạng, khu vực mà Trung Quốc đã xâm chiếm và sáp nhập hơn 70 năm trước, đồng thời ngăn cản những người phản đối việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và các yêu sách hàng hải sâu rộng trong khu vực.
Xâm nhập vào xã hội Canada
Một tháng sau cuộc bỏ phiếu vào tháng 9/2021, CSIS báo cáo rằng “cộng đồng người Canada gốc Hoa ở British Columbia” đã biết rõ rằng bà Tong, khi đó là Tổng lãnh sự Vancouver, “muốn Đảng Tự do giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2021 cuộc bầu cử.”
CSIS lưu ý rằng bà Tong, người đã trở lại Trung Quốc vào tháng 7/2022, và cựu Lãnh sự Wang Jin đã thực hiện “những nỗ lực kín đáo và tinh tế” để khuyến khích các thành viên của các tổ chức Canada gốc Hoa tập hợp phiếu bầu cho Đảng Tự do và đánh bại các ứng cử viên Đảng Bảo thủ.
CSIS cho biết ông Wang có quan hệ trực tiếp với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ, một tổ chức rộng lớn sử dụng các hoạt động chủ yếu là bí mật và thường là thao túng để gây ảnh hưởng đến các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại và các chính phủ nước ngoài. CSIS cho biết ông Wang đóng vai trò trung gian giữa UFWD và các nhà lãnh đạo cộng đồng người Canada gốc Hoa ở British Columbia.
Vào đầu tháng 11/2021, CSIS đưa tin, bà Tong đã thảo luận về thất bại của một đảng viên Đảng Bảo thủ ở khu vực Vancouver, người mà bà mô tả là “người có tiếng nói làm phân tâm” chính phủ Trung Quốc. Một nguồn tin an ninh quốc gia cho biết MP là Kenny Chiu, người có nguy cơ bị truy tố theo Đạo luật Bảo mật Thông tin.
Nguồn tin cho biết ông Chiu là mục tiêu bị ĐSCTQ trả đũa vì những lời chỉ trích của ông đối với cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông và dự luật thành viên tư nhân năm 2021 của ông nhằm thành lập cơ quan đăng ký các đặc vụ nước ngoài, một nỗ lực lấy cảm hứng từ luật tương tự của Úc nhằm chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Hoa Kỳ đã có một cơ quan đăng ký lâu đời, và Canada vẫn đang nghiên cứu vấn đề này.
Ông Chiu, người được bầu làm đại diện cho Steveston–Richmond East vào năm 2019, đã thua trong cuộc bầu cử liên bang năm 2021 trước ứng cử viên Đảng Tự do Parm Bains, và ông Chiu được các báo cáo coi là nạn nhân của một chiến dịch thông tin sai lệch trực tuyến do Bắc Kinh lãnh đạo.
Theo CSIS, bà Tong nói về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến cử tri Canada gốc Hoa đại lục chống lại Đảng Bảo thủ. Bà khoe khoang rằng cách làm của bà cùng các đồng sự đã thành công len lỏi vào xã hội phương Tây, khi bà nói sự thất bại của ông Chiu đã chứng tỏ “chiến lược và chiến thuật của họ là tốt, góp phần đạt được mục tiêu của họ trong khi vẫn tuân thủ các thông lệ chính trị địa phương một cách thông minh.”
Vào giữa tháng 11, CSIS báo cáo rằng một quan chức lãnh sự Trung Quốc giấu tên cho biết sự ra đi của ông Chiu và nghị sĩ đảng Bảo thủ Alice Wong đã chứng minh ảnh hưởng bầu cử ngày càng tăng của người Canada gốc Hoa Đại Lục.
Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ liên bang Erin O’Toole đã cáo buộc rằng sự can thiệp của nước ngoài từ Trung Quốc vào chiến dịch bầu cử năm 2021, sử dụng thông tin sai lệch, đã khiến đảng này mất 8 hoặc 9 ghế. Đảng Tự do giành được 160 ghế so với 119 ghế của Đảng Bảo thủ, 32 ghế cho Khối Québécois và 25 ghế cho NDP, trong khi Đảng Xanh giành được hai ghế.
Trong khi tỷ lệ tổng thể của Đảng Bảo thủ trong tổng số phiếu phổ thông tăng nhẹ trong cuộc bầu cử, đảng này đã thua một số phiếu bầu với dân số Canada gốc Hoa đáng kể. Những điều này bao gồm việc đánh bại những người đương nhiệm như ông Chiu, nghị sĩ Trung tâm Richmond, bà Wong, và Bob Saroya của Markham-Unionville.
Quan điểm của chính quyền Trudeau
Lực lượng Đặc nhiệm Các mối đe dọa Tình báo và An ninh đối với Bầu cử (SITE) do chính phủ Trudeau thành lập để theo dõi các mối đe dọa đối với các cuộc bầu cử liên bang chưa bao giờ đưa ra bất kỳ cảnh báo công khai nào về sự can thiệp của nước ngoài trong các chiến dịch năm 2019 hoặc 2021.
Ông Trudeau đã tuyên bố họ không tìm thấy sự can thiệp nào, nói với Commons vào tháng 11 năm ngoái rằng lực lượng đặc nhiệm “đã xác định rằng tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử của chúng tôi không bị xâm phạm vào năm 2019 hoặc 2021.” Ông cũng nói với các phóng viên rằng “Người dân Canada có thể yên tâm rằng cuộc bầu cử của chúng tôi được đảm bảo liêm chính” trong hai cuộc bầu cử.
Lúc bấy giờ The Globe and Mail đưa tin rằng Thủ tướng đã nhận được một cuộc họp báo về an ninh quốc gia vào mùa thu năm ngoái, trong đó ông được biết lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto đã nhắm mục tiêu vào 11 ứng cử viên trong cuộc bầu cử liên bang năm 2019. Giám đốc CSIS David Vigneault nói với ông Trudeau rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các nỗ lực can thiệp của Trung Quốc đã giúp bầu chọn bất kỳ ai trong số họ, bất chấp nỗ lực của lãnh sự quán nhằm quảng bá các chiến dịch trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông tiếng Trung.
Theo nguồn tin an ninh quốc gia, 9 ứng cử viên Đảng Tự do và 2 ứng cử viên Đảng Bảo thủ được Bắc Kinh ủng hộ. Nguồn tin cho biết 2 ứng cử viên Đảng Bảo thủ kỳ thực được xem là những người bạn của Trung Quốc.
CSIS —Center for Strategic and International Studies, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế— là một viện nghiên cứu chính sách độc lập lâu đời và danh tiếng với trụ sở tại Washington, D.C., Hoa Kỳ. Xuất xứ ban đầu được thành lập năm 1962 là một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Georgetown. Trung tâm thực hiện các nghiên cứu chính sách và phân tích chiến lược về các vấn đề chính trị, kinh tế, và an ninh trên thế giới với sự chuyên tâm cụ thể dành cho các vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế, thương mại, công nghệ, tài chính, năng lượng, và địa chiến lược. Trong báo cáo “Global Go To Think Tanks Report” năm 2013 của Đại học Pennsylvania, CSIS được xếp hạng nhất trong các think tank (cơ sở nghiên cứu phân tích và tư vấn) trên thế giới về nghiên cứu an ninh và ngoại giao quốc tế, đồng thời được xếp hạng tư trên bảng xếp hạng các think tank toàn cầu. CSIS được đánh giá là “một trong các think tank Washington được trọng vọng nhất.”
Nhật Tân (t/h)