Tạ Linh
Việc cải cách bảo hiểm y tế của chính phủ Trung Quốc đã trực tiếp làm giảm mức chi trả bảo hiểm y tế của những người về hưu. Nhiều nơi như Quảng Châu, Vũ Hán, Đại Liên,v.v… lần lượt nổ ra các cuộc biểu tình, người dân hô lớn “Trả lại tiền bảo hiểm y tế cho tôi”. Các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra ý kiến của ”chuyên gia” để biện minh cho chính sách này. Các nhà kinh tế độc lập ở Trung Quốc cho rằng chính sách của ĐCSTQ là an ủi người dân bằng ảo tưởng, về cơ bản đây là một vấn đề rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội.
Theo chính sách của Quốc vụ viện ĐCSTQ, chính quyền địa phương gần đây đã bắt đầu thực hiện cải cách bảo hiểm y tế với đặc điểm được gọi là “cùng giúp nhau khám chữa bệnh”, và sẽ hoàn thành sau 3 năm.
Nội dung chủ yếu là chuyển khoảng 70% số tiền trợ cấp y tế hàng tháng của các cá nhân vào “quỹ gộp bảo hiểm y tế”. Khoản trợ cấp y tế hơn 260 Nhân dân tệ (NDT) mỗi tháng cho mỗi người dân Vũ Hán nay đã giảm xuống còn hơn 80 NDT. Nếu người dân muốn sử dụng tiền từ “quỹ gộp bảo hiểm y tế”, họ phải đến bệnh viện để khám, hơn nữa họ phải chi một khoản tiền nhất định thì mới được chi trả tiền bảo hiểm. Điều này đã làm dấy lên sự phản đối của những người lớn tuổi ở Vũ Hán và những nơi khác, cũng như những nghi ngờ về quỹ bảo hiểm y tế đã không còn tiền.
Để xoay chuyển hình thế bất lợi, thành phố Vũ Hán đã tăng số lượng nhà thuốc bán lẻ được chỉ định cho các phòng khám bảo hiểm y tế ngoại trú từ 29 nhà thuốc ban đầu lên hơn 5.000 nhà thuốc. Nhưng người dân vẫn không mắc lừa. Sự bất công về đãi ngộ y tế trong việc khám chữa bệnh của những công chức trong và ngoài chế độ lần nữa được khơi lên. Chỗ ghi chú trong một bài đăng trực tuyến có tên “Bảng so sánh điều chỉnh bảo hiểm y tế cơ bản của công chức thành phố Vũ Hán” cho thấy: Điều chỉnh bảo hiểm y tế cơ bản lần này chủ yếu là áp dụng cho các công nhân viên chức (thuộc địa phương) thành phố Vũ Hán, còn bảo hiểm y tế cho công chức nhà nước (cấp trung ương) thành phố Vũ Hán không bị ảnh hưởng.
Vào ngày 15, nhóm người lớn tuổi ở Vũ Hán, Đại Liên và những nơi khác đã xuống đường biểu tình, nhưng họ đã bị nhà chức trách cưỡng chế giải tán. Các quan chức của ĐCSTQ sau đó cũng tăng cường tuyên truyền các chính sách.
Truyền thông nhà nước nói rằng tiền trong tài khoản cá nhân tuy giảm, nhưng đãi ngộ lại tăng.
Vào ngày 15 tháng 12, trang Tân Hoa Xã- cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài viết có tiêu đề “Các chuyên gia có thẩm quyền giải thích các điểm nóng của việc sửa đổi bảo hiểm y tế cho công nhân viên chức”, thừa nhận rằng “số tiền” mới được tính vào tài khoản cá nhân thực sự đã giảm. Nhưng các chuyên gia của ĐCSTQ được phỏng vấn đã nhấn mạnh lợi ích: Sau cải cách, các chi phí điều trị ngoại trú thông thường không thể hoàn trả trước đây giờ có thể được chi trả. Và đưa ra ví dụ, nói rằng ông Châu, một công dân của thành phố Vũ Hán, sau khi sửa đổi chính sách, ông ấy nhận được ít hơn 1.404 NDT trong tài khoản cá nhân của mình, nhưng đã ngộ mà ông nhận được lại tăng thêm 2.586 NDT.
Ông Củng Thắng Lợi (Gong Shengli), một nhà kinh tế độc lập ở Trung Quốc, ngày 16 tháng 2 bày tỏ với kênh Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, hiện giờ sông lớn đều không có nước, bên trong con sông nhỏ thử hỏi còn gì nữa đây? “Bởi vì tổng số bảo hiểm y tế đều thiếu hụt, còn nói gì đến phòng khám ngoại trú nữa đây, đều đều là món bánh vẽ mà thôi”.
Ông cho biết, ở các nước pháp quyền như Mỹ, Anh, Pháp, bảo hiểm y tế của người dân chỉ có một tiêu chuẩn, mỗi năm một bậc và cứ thế tăng dần. Nếu bạn mà hạ thấp xuống, đất nước đó sẽ hỗn loạn ngay.
Bài viết trên phương tiện truyền thông nhà nước phủ nhận việc bảo hiểm y tế quốc gia thiếu tiền, nói rằng vào năm 2021, thu nhập của quỹ bảo hiểm y tế cho công nhân viên chức là 1.186,4 tỷ NDT và khoản chi ra là 932,1 tỷ NDT. Quỹ tổng thể không chỉ thu chi cân bằng, mà còn dư chút ít.
Ông Củng Thắng Lợi nói rằng, bảo hiểm y tế quốc gia tất nhiên không thiếu tiền, tiền cho bảo hiểm y tế quốc gia là lấy từ tiền thuế của người dân, nhà nước phân phát xuống, nhưng số tiền tính theo bình quân đầu người đã ít đi rồi.
“Vì bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là lấy các tỉnh làm đơn vị nền tảng, mỗi tỉnh một chính sách, và nó liên quan đến tài chính địa phương. Mấy năm nay, không có cách nào hỗ trợ tài chính được, trong 3 năm qua liên tục làm xét nghiệm axit nucleic đã tiêu tốn lượng lớn nguồn nhân lực xã hội và kinh phí tài chính. Hiện giờ tài chính thiếu hụt, không có cách nào duy trì bảo hiểm y tế nữa”.
Trung Quốc không có quỹ tài chính an ninh y tế thống nhất cả nước, mà là mỗi tỉnh quản lý riêng. Mọi người thường cho rằng cải cách bảo hiểm y tế lần này là biện pháp được đưa ra sau 3 năm phòng chống dịch bệnh, rõ ràng là quỹ bảo hiểm y tế không đủ tiền nữa, vì hầu hết chi phí chống dịch của các tỉnh đều do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Tuy nhiên, bài viết vào ngày 15 của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lại không đề cập đến vấn đề tài chính địa phương.
Về cái gọi là “điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế” mà chính phủ các nơi đang liên tục thúc đẩy, nhà bình luận các vấn đề thời sự Đường Tĩnh Viễn cũng cho biết trong chương trình “Viễn Kiến Khoái Bình” vào ngày 15, rằng nếu tài khoản cá nhân có ít tiền hơn và đã chuyển sang tài khoản tổng thể, ai sẽ được hưởng lợi từ tài khoản tổng thể này đây? Không biết. Các cuộc biểu tình lần này được châm ngòi bởi sự mờ mịt này. Lời kêu gọi của người dân thực ra rất đơn giản, “Tôi lấy tiền trong tài khoản cá nhân của mình và tôi có thể nhìn thấy nó. Cho dù chiếc bánh trong tài khoản gộp của các ông có lớn đến đâu, tôi cũng không thể với tới. Và bây giờ tôi chỉ quan tâm đến những gì tôi có thể với đến được”.
Tập Cận Bình thừa nhận nền kinh tế đang đối mặt với những vấn đề lớn, chuyên gia cho rằng chính quyền có thể lấy tiền từ bảo hiểm y tế
Sau 3 năm chống dịch và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, tạp chí “Cầu Thị” của ĐCSTQ số mới nhất đã đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại một hội nghị kinh tế liên quan. Ông Tập Cận Bình nói rằng “nhu cầu tổng thể không đủ” là một vấn đề lớn mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt, và cần nỗ lực mở rộng nhu cầu trong nước.
Chính trong thời điểm này, những người về hưu ở nhiều nơi đã xuống đường để phản đối việc chính quyền ĐCSTQ cắt giảm mạnh quỹ bảo hiểm y tế.
Ông Củng Thắng Lợi nói với trang Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% vào năm 2022, không có doanh thu về thuế, các doanh nghiệp đều thua lỗ. Vì vậy, bây giờ đất nước Trung Quốc đang ở trong một thời đại đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, Trung Quốc đâu đâu cũng thiếu tiền, chính là tiền không đủ dùng. Vấn đề lớn nhất của ĐCSTQ hiện nay là không có tiền, vì vậy nó phải tìm kiếm tiền ở khắp mọi nơi.
Về lý do tại sao chính quyền muốn đụng đến bảo hiểm y tế, ông Củng Thắng Lợi nói: “Rất đơn giản. Nếu có 1,4 tỷ người, mỗi lần giảm 1 NDT, vậy tức là giảm được 1,4 tỷ NDT, đó là một con số lớn khủng khiếp”.
Vào ngày 15/2, Tờ Á Châu Tự Do dẫn lời bà Nhậm Thụy Hồng, cựu giám đốc dự án cứu trợ bệnh tật nghiêm trọng của Tổ chức Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, nói rằng mục đích của ĐCSTQ chính là muốn giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm y tế của họ. Việc sửa đổi bảo hiểm y tế lần này là biện pháp chính thức sau 3 năm kiểm soát dịch bệnh, rõ ràng quỹ bảo hiểm y tế không đủ tiền vì phần lớn chi phí chống dịch của các tỉnh đều lấy tiền từ quỹ bảo hiểm y tế
Bà Nhậm Thụy Hồng cho biết: “Dân số Trung Quốc đang già đi nghiêm trọng, cộng với nhiều năm phong tỏa vì chính sách chống dịch, dẫn đến quỹ bảo hiểm y tế thiếu hụt trầm trọng. Trong trường hợp này, họ chỉ có thể giảm bớt một phần chi phí bảo hiểm y tế phải trả cho mọi người, và ngụy trang gia tăng chi phí mà cá nhân được hưởng”.
Theo bà, cách làm về cơ bản là giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm y tế, và gia tăng áp lực cho người dân.
Ông Củng Thắng Lợi nói rằng người dân ở các quốc gia khác sẽ được nhà nước cấp tiền cứu trợ khi họ gặp khó khăn, chẳng hạn như trong cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa rồi, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa tiền cứu trợ đến với mọi người dân. Nhưng ĐCSTQ chưa bao giờ làm điều đó. Ở nhiều quốc gia, sức khỏe của người dân về cơ bản đều do nhà nước chịu trách nhiệm, trong đó có Ấn Độ có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân. Còn bảo hiểm y tế của Trung Quốc hiện nay chỉ chi khoảng 300 NDT cho mỗi người mỗi tháng để mua thuốc men. Nếu bạn phải làm phẫu thuật, bạn chắc chắn sẽ phải trả rất nhiều tiền.
Bất công trong và ngoài hệ thống, truyền thông nhà nước bị cư dân mạng chỉ trích là loạn ngôn- “ăn nói vớ vẩn”
Ông Trần, một công dân của Vũ Hán, nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung vào ngày 14 tháng 2 rằng trên thực tế, điều mà người dân Vũ Hán đang phản đối không phải là vấn đề chi phí cải cách y tế, mà là sự bất công về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề bất bình đẳng khác nhau một trời một vực khi so sánh giữa dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí không giới hạn cho các quan chức cấp cao trong chế độ với những người lao động lớn tuổi đã về hưu.
Vào ngày 15, một bài đăng trên WeChat có tên “Dập tắt tin đồn” đã lan truyền trên mạng , bài viết có tiêu đề, “Có thể quy chụp những người hưởng lợi lớn nhất từ cải cách y tế thành những người xuống đường phản đối cải cách y tế, bản sự tẩy não này thật quá lợi hại”.
Bài viết gọi nhóm người cao tuổi là “những người hưởng lợi lớn nhất trong đợt cải cách bảo hiểm y tế này”, và mô tả cuộc biểu tình của họ là “bị mê hoặc bởi những tin đồn để xuống đường”.
Bài viết cố gắng giải thích mấy “tin đồn” này. Về việc chất vấn đợt cải cách bảo hiểm y tế lần này chỉ dành cho người dân bình thường và nhân viên công chức nhà nước không bị ảnh hưởng, bài viết này cho biết quỹ bảo hiểm y tế mà tất cả công chức tham gia đều là bảo hiểm y tế dành cho công nhân viên chức phổ thông, hoàn toàn nhất trí với quy định về bảo hiểm y tế mà người dân được hưởng, chỉ có sự khác biệt trong cơ số chi trả giữa họ mà thôi, v.v.
Ông Củng Thắng Lợi nói rằng bài viết này rất loạn ngôn, bởi vì sự khác biệt giữa nằm trong thể chế và không nằm trong thể chế là: ví dụ, nếu bạn là cán bộ cấp huyện trên, bạn sẽ được bao trọn gói về thuốc men điều trị, đây là chỗ hiểm lớn nhất của chính quyền ĐCSTQ. Về thuốc men, bảo đảm của người dân phổ thông chỉ là ít như vậy, nhưng các quan chức chính phủ lại là không giới hạn.
“Bởi vì ở Trung Quốc có hai loại chế độ. Các quan chức đều được bao trọn gói, và an sinh xã hội của mỗi người dân bình thường đều là như nhau và có giới hạn. Cơ quan công quyền và cơ quan xí nghiệp là hai con đường khác nhau. Cơ quan công quyền không phải trả phí, còn cơ quan xí nghiệp phải trả tiền . Đây là sự khác biệt giữa hai loại chế độ ở Trung Quốc.”
Trong những năm gần đây, cán bộ cấp cơ sở cũng được đưa vào hệ thống an sinh xã hội, nhưng các cán bộ lớn và nhỏ đều không dùng tiền quỹ trong hệ thống an sinh xã hội. Ông Củng Thắng Lợi nói, “Hệ thống an sinh xã hội hiện tại là một vấn đề rất lớn.”