Gia đình của những người gặp phải biến cố bất lợi sau khi tiêm vaccine ở Trung Quốc đang kêu gọi chính quyền giúp đỡ. Họ nói rằng các quan chức có liên quan đã đưa thông tin sai hoặc thông tin không đầy đủ về những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine COVID-19. Các gia đình này cũng kêu gọi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc điều tra về vô số căn bệnh liên quan đến vaccine.
Đại diện của những người bị tổn thương do vaccine đã đến Bắc Kinh để đệ đơn kiện Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn kiện của họ và những người đại diện đã bị cảnh sát đàn áp.
Khi các nạn nhân và người nhà của họ tập trung tại Bắc Kinh vào ngày 09/02, nhiều cảnh sát cũng có mặt ở đó. Ngoài ra, một số người đại diện còn nhận được các cuộc gọi từ sở cảnh sát tại quê nhà, cảnh báo họ về những hậu quả có thể xảy ra nếu họ theo đuổi vụ kiện.
The Epoch Times tiếng Trung đã phỏng vấn một số người liên quan đến vụ kiện. Họ mô tả các biến cố bất lợi nghiêm trọng mà vaccine COVID-19 gây ra cho những người thân yêu của họ; họ cũng kể về việc chính sách quốc gia đã tạo ra những đau khổ gì cho gia đình họ.
Phần lớn vaccine COVID-19 được sử dụng ở Trung Quốc là vaccine virus bất hoạt, không phải vaccine mRNA – loại được dùng phổ biến ở những nơi khác trên thế giới. Cả hai loại vaccine đều có liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tính đến tháng 06/2022, Trung Quốc đã tiêm gần 3,4 tỷ liều vaccine COVID-19, theo statista.
Tòa án từ chối tiếp nhận vụ kiện
Bà Hua Xiuzhen, người soạn thảo đơn kiện, cho biết khoảng hơn chục nạn nhân và người nhà của họ đã tình nguyện làm đại diện cho rất nhiều người bị tổn thương do vaccine.
Trước đó, một vụ kiện của khoảng 20 nạn nhân đã bị từ chối. Lần này, vụ kiện tập thể tăng lên 1.385 nạn nhân.
Họ tập trung tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Số hai để nộp đơn kiện; và đơn kiện tiếp tục bị từ chối.
“Rủi thay, tòa án đã từ chối tiếp nhận đơn kiện và các tài liệu đi kèm của chúng tôi sau khi chúng tôi nói rằng đó là một vụ kiện chống lại Quốc vụ viện”, bà Hua nói.
Những người đại diện cho các nạn nhân vaccine COVID-19 đã bị cảnh sát Bắc Kinh sách nhiễu. Ngoài ra, nhiều người còn nhận được cuộc gọi từ cảnh sát địa phương, nói rằng vụ kiện đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia vì nó cho thấy sự bất mãn của người dân.
Bà Hua cho biết dù các nguyên đơn có quyền hợp pháp để kiện chính quyền, nhưng cảnh sát đã nhắm mục tiêu vào họ, bề ngoài là để giữ gìn hòa bình và duy trì ổn định.
Bà gọi hành vi quấy rối của cảnh sát là hành vi vi phạm quyền khởi kiện của người dân.
Bà Hua bắt đầu hành động để bảo vệ quyền lợi của những người bị tổn thương do vaccine kể từ khi con gái bà lên cơn động kinh, bị điếc đột ngột và não có vấn đề sau khi tiêm vaccine bệnh dại vào năm 2014.
Đơn kiện
Theo đơn kiện, trong cuộc họp báo vào ngày 23/07/2022, giới chức y tế Trung Quốc khẳng định rằng vaccine COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc không gây ra bệnh bạch cầu (ung thư máu) và bệnh tiểu đường. Đơn kiện cho rằng những tuyên bố như vậy của giới chức là không chính xác và cần được Quốc vụ viện thu hồi.
Đơn kiện yêu cầu một cuộc điều tra mang tính khoa học, cởi mở và công bằng, cũng như chẩn đoán trung thực về các biến cố bất lợi sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Trong số những người đại diện, có nhiều người đã gặp phải biến cố bất lợi bởi vaccine. Trong đó bao gồm các bệnh nghiêm trọng và hiếm gặp như bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính (ALL) và hội chứng Guillain–Barré (viêm đa dây thần kinh cấp tính).
Các nạn nhân làm chứng rằng họ có sức khỏe tốt cho đến khi tiêm vaccine COVID-19.
Nhiều người trong số họ đang hết sức mong mỏi được đền bù cho các hóa đơn y tế vô cùng tốn kém. Họ cũng mong rằng họ có thể phục hồi sinh kế.
Em Xiao Ziyi mắc bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính
Em Xiao Ziyi, học sinh lớp một đến từ tỉnh Vũ Hán, tiêm mũi vaccine đầu tiên vào ngày 08/11/2021 và mũi thứ hai vào ngày 04/12/2021.
Cả hai mũi vaccine đều do Sinopharm sản xuất. Tuy nhiên, mũi đầu tiên được phát triển bởi Viện Sinh phẩm Vũ Hán và mũi thứ hai được phát triển bởi Viện Sinh phẩm Bắc Kinh.
Em Ziyi bắt đầu ho vào ngày 15/12, 11 ngày sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai.
9 ngày sau — tức là 20 ngày sau mũi thứ hai — em Ziyi được phát hiện có khối u phổi 5 cm (2 inch).
Chỉ 25 ngày sau tiêm, em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính. Trong vòng một tháng sau tiêm, khối u đã tăng gấp đôi kích thước, lên 10 cm (4 inch).
Cha của Ziyi, ông Xiao Honghua, cho biết con gái ông hoàn toàn khỏe mạnh trước khi tiêm vaccine COVID-19 và gia đình không có tiền sử bệnh tật. Không có chất gây ô nhiễm nào được biết đến trong môi trường sống của họ; không ai trong gia đình làm công việc phải tiếp xúc với bức xạ.
Trường học của Ziyi và các quan chức y tế địa phương đã thực thi tiêm chủng COVID-19 bắt buộc. Cha mẹ cần được sự đồng ý của bác sĩ để từ chối tiêm cho con mình.
Theo ông Xiao, mẫu đơn của trường về việc chấp thuận tiêm chỉ liệt kê 12 biến cố bất lợi có thể xảy ra. Nhìn chung, đó là những phản ứng nhẹ, bao gồm: ngứa, sưng tấy, chai cứng, mẩn đỏ, sốt, đau cơ, nhức đầu, ho, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn và dị ứng.
Tuy nhiên, hướng dẫn đi kèm vaccine lại liệt kê 4 loại phản ứng bất lợi, với hơn 70 triệu chứng, từ nhẹ đến nặng, bao gồm phì đại hạch bạch huyết (lymphadenopathy), viêm amidan (tonsilitis) và xơ cứng (sclerosis).
Ông Xiao cho rằng chính quyền Vũ Hán không hiểu biết đầy đủ về các thành phần của vaccine và về khả năng xảy ra các biến cố bất lợi.
Kể từ khi Ziyi được chẩn đoán mắc bệnh vào ngày 28/12/2021, gia đình em đã chi trả 800.000 CNY (117.000 USD) cho các hóa đơn y tế. Một ca ghép phổi cần khoảng 380.000 CNY (55.000 USD) trả trước, chưa bao gồm các chi phí sau ghép như thuốc chống đào thải.
Gia đình em hiện nợ nần chồng chất. Đối mặt với những hóa đơn thậm chí sẽ còn lớn hơn trong tương lai, ông Xiao hy vọng rằng chính quyền tỉnh Vũ Hán sẽ trả chi phí điều trị liên tục cho con gái ông cho đến khi cô bé có thể bình phục.
Con gái của bà Zhao Yujuan mắc ung thư hạch bạch huyết
Bà Zhao Yujuan, một người dân ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng con gái bà đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 tại trường học vào cuối năm 2021 — lần lượt vào ngày 30/10 và ngày 29/11.
Hơn một tháng sau, vào đầu tháng 01/2022, con gái của bà Zhao được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết T, một dạng ung thư hạch không Hodgkin.
Đến đầu tháng 2, em điều trị hóa trị tại Trung tâm Y tế Nhi đồng Thượng Hải.
Bà Zhao nói: “Con tôi đã phải chịu đựng rất nhiều đau đớn và chi phí điều trị đã lên đến hàng trăm nghìn nhân dân tệ”.
Tháng 05/2022, bà Zhao gửi đơn yêu cầu về trường hợp của con mình đến chính quyền địa phương. Giới chức đã nhiều lần từ chối đơn của bà; họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cấp chính quyền này chuyển đơn cho cấp chính quyền khác và điều đó lặp đi lặp lại.
Bà Zhao nói: “Yêu cầu của chúng tôi rất rõ ràng, [một khoản bồi thường] cho việc điều trị y tế, cho việc chăm sóc và bảo đảm sức khỏe con tôi sau khi điều trị”.
Bà Yang Junhua bị suy tủy xương
Bà Yang Junhua, một phụ nữ đến từ tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đột nhiên mắc bệnh suy tủy xương sau khi tiêm vaccine COVID-19 vào năm 2021. Trung tâm phòng chống đại dịch địa phương cho rằng căn bệnh này đến với bà là “sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Bà Yang khẳng định rằng các cuộc kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu của bà đều bình thường trước khi tiêm chủng và gia đình không có tiền sử mắc bệnh mãn tính. Bà yêu cầu quan chức y tế địa phương giải thích cách họ kết luận rằng tình trạng bệnh của bà là xảy ra “ngẫu nhiên”.
“Họ nói với tôi rằng họ sẽ trả lời tôi vào tuần tới, nhưng họ chưa bao giờ gọi cho tôi”, bà Yang kể lại.
Căn bệnh đã khiến bà mất đi công việc. Công việc đó là nguồn thu nhập duy nhất để bà nuôi sống bản thân và người mẹ tàn tật của mình.
Bà Zhang Li mắc bệnh bạch cầu cấp tính
Bà Zhang Li đến từ tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, đã tiêm mũi Sinovac thứ ba vào ngày 09/02/2022. Sau một loạt phản ứng bất lợi, bà được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Bà bắt đầu điều trị từ ngày 07/05/2022.
Bà Zhang đã nằm viện được 9 tháng. Bà nói: “Tôi phải trả hàng trăm nghìn nhân dân tệ; tôi đang nợ nần chồng chất. Tôi chỉ là một nông dân, tôi không có tiền tiết kiệm và không có bảo hiểm”.
Bà Zhang đã yêu cầu cơ quan y tế địa phương giám định y tế để bà nhận được bồi thường. Chính quyền đã gửi cho bà một bản đánh giá, trong đó nói rằng bệnh của bà không thể là do vaccine COVID-19 gây ra. Bản giám định y tế của chính quyền không có chữ ký và cũng không được đóng dấu.
Sau đó, bà đề nghị chính quyền và ủy ban y tế địa phương hỗ trợ tài chính nhưng không nhận được bất kỳ trợ giúp nào.
“Tôi hy vọng các phương tiện truyền thông sẽ giúp đỡ tôi”, bà nói. Bà Liu Lifeng được chẩn đoán mắc Hội chứng Guillain Barré sau khi tiêm vaccine COVID-19. (Ảnh: Liu Lifeng/The Epoch Times)
Bà Liu Lifeng mắc Hội chứng Guillain Barré
Bà Zhang không phải là người duy nhất bị các quan chức y tế đối xử tệ bạc.
Bà Liu Lifeng là người dân sống ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc.
Bà Liu đã tiêm vaccine Sinovac vào ngày 27/03/2021 và vaccine của Sinopharm một tháng sau đó. Bà mất khả năng vận động ở chân trái vào sáng ngày 12/05/2021.
Theo thông tin từ bà Liu, một bác sĩ ở Thượng Hải tin rằng những gì bà gặp phải là do vaccine gây ra. Vị bác sĩ này cho biết bà mắc hội chứng nơ-ron vận động dưới và đã cho bà sử dụng gamma globulin. Tuy nhiên, tình trạng của bà ngày càng xấu đi và bà được chẩn đoán mắc Hội chứng Guillain Barré vào ngày 29/07/2022.
Guillain Barré là chứng rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh của cơ thể, làm suy yếu và có thể làm tê liệt các cơ.
Bà Liu cho biết bà đã mất hết hy vọng. Cuộc sống của bà đầy đau khổ, luôn cảm thấy yếu ớt, tê bì, đau râm ran và bị co giật cơ.
Giống như bà Zhang, bà Liu đã tìm đến cơ quan y tế địa phương với mong muốn có được một bản giám định y tế công bằng. Tuy nhiên, không chuyên gia nào thừa nhận mối liên hệ giữa vaccine với các biến cố bất lợi mà bà mắc phải; bản đánh giá mà bà nhận được cũng không được đóng dấu.
Giới chức y tế đã né tránh câu hỏi của bà về vaccine. “Mọi chuyên gia đều nói rằng họ luôn tuân theo bộ quy tắc chuẩn mực và hợp pháp”, bà Liu nói.
Liên tục bị sách nhiễu
Sau khi đến Bắc Kinh nộp đơn kiện, các nguyên đơn thường xuyên và ngày càng bị cảnh sát địa phương sách nhiễu. Một số người được phỏng vấn đã cập nhật cho The Epoch Times tình hình của họ.
Ông Qian Dalong, một trong những nạn nhân, đang sinh sống tại Bắc Kinh, cho biết ông bị buộc phải đến đồn cảnh sát để đưa lời khai.
Jia Xiaoyu, một nạn nhân vaccine khác, đồng thời là người tổ chức nhóm trò chuyện, đã bị giam giữ trong 15 ngày.
Bà Hua, người soạn thảo đơn kiện tập thể, cho biết: “Họ bắt tôi đến đồn cảnh sát và buộc tôi phải đưa lời khai. Họ giữ tôi ở đó đến tận 2 giờ sáng”.
Khi về đến nhà vào sáng sớm ngày 10/02, bà Hua phát hiện có một camera giám sát mới được lắp đặt gần nhà bà; tổng cộng có 8 camera xung quanh căn hộ của bà; ngoài ra còn có 12 nhân viên bảo vệ liên tục để ý đến bà.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch