Đắk Lắk: 5 năm, gần 10.000 học sinh bỏ học
Trong vòng 5 năm qua, tại tỉnh Đắk Lắk có gần 10.000 học sinh từ cấp Tiểu học, THCS đến THPT bỏ học giữa chừng.
Báo chí nhà nước ngày 24/2 dẫn thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết từ năm học 2018 đến học kỳ 1 của năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 9.793 em học sinh bỏ học.
Cụ thể, ở cấp Tiểu học có 1.327 em; cấp THCS 5.136 em và cấp THPT 3.330 em. Trong số học sinh nghỉ học này phần đa là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Riêng học kỳ I năm 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 1.000 em bỏ học.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, có có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em bỏ học giữa chừng như: trình độ tiếp nhận kiến thức còn hạn chế, học lực thấp, dễ chán nản, bỏ học.
Ngoài ra, nhiều gia đình có kinh tế khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên một bộ phận phụ huynh mải lo cơm áo gạo tiền, ít quan tâm đến tình hình học tập của con, một bộ phận học sinh cấp THCS và THPT đi học nghề hoặc theo gia đình xuống các tỉnh miền Đông Nam bộ (TP.HCM…) làm việc.
Đặc biệt, nhiều học sinh bỏ học rơi vào thời gian đỉnh điểm của dịch COVID-19. Trong thời gian này các em phải nghỉ học dài ngày và sau đó không còn muốn học.
Bên cạnh đó, học sinh bỏ học để lập gia đình cũng là nguyên nhân đáng quan tâm…
Ông Khoa cho biết Đắk Lắk đang triển khai đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Theo đề án, mỗi năm tỉnh này chỉ tuyển 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT (kể cả hệ giáo dục thường xuyên).
Tuy nhiên, do cơ sở đào tạo nghề ở tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu nên Đắk Lắk tuyển dưới 80% học sinh vào THPT. Thời gian tới, tỉnh này cố gắng giảm tỷ lệ học sinh vào THPT để phân luồng giáo dục theo đề án, đồng thời nâng cao hệ thống đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu học nghề.
Ngoài Đắk Lắk, tại Đắk Nông, theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 629/212.486 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,44%, trong đó Tiểu học 165 học sinh; THCS 387 học sinh; THPT 77 học sinh.
Số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học là 438 học sinh, chiếm tỷ lệ 0,87%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa các huyện, thành phố năm học 2021-2022 không đồng đều, trong đó huyện Đắk Glong là địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất với 168 học sinh.
Minh Long
Hưng Yên: Khởi tố 2 Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm và 5 đồng phạm
Mở rộng điều tra sai phạm ngành đăng kiểm, 7 người thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hưng Yên 89-02S và 89-05D bị khởi tố.
Ngày 24/2, Cơ quan cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án Giả mạo trong công tác và Nhận hối lộ; bắt, khởi tố 7 bị can tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hưng Yên 89-02S, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-05D (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ).
7 người gồm:
– Nguyễn Thanh Sơn (SN 1982), nguyên Phó giám đốc, Đăng kiểm viên bậc cao của Trung tâm đăng kiểm 89-02S, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-05D từ tháng 10/2020 đến nay.
– Trịnh Văn Chương (SN 1975, Phó phòng phụ trách phòng kỹ thuật, Đăng kiểm viên bậc cao của Trung tâm đăng kiểm 89-02S.
– Đỗ Hồng Văn, SN 1972, Đăng kiểm viên bậc cao của Trung tâm đăng kiểm 89-02S.
– Vũ Sỹ Kiên, SN 1988, Đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 89-02S.
– Đỗ Thành Luân, SN 1985, nguyên Đăng kiểm viên của Trung tâm đăng kiểm 89-02S, Đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-05D từ tháng 10/2020 đến nay.
– Bùi Ngọc Tân, SN 1981, nguyên Đăng kiểm viên bậc cao của Trung tâm đăng kiểm 89-02S, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-06D (xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động) từ tháng 10/2020 đến nay.
– Chu Sỹ Quý, SN 1983, nguyên Đăng kiểm viên bậc cao của Trung tâm đăng kiểm 89-02S
Công an tỉnh Hưng Yên cho biết điều tra ban đầu xác định trong quá trình tham gia dây chuyền kiểm định đối với các xe tải biển kiểm soát 89C-131.59, 89C-191.63 và 89C-162.11 tại Trung tâm đăng kiểm 89-02S, các bị can trên đã bỏ qua các lỗi vi phạm thuộc trường hợp từ chối kiểm định, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kiểm định theo thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 1/11/2015 của Bộ Giao thông vận tải, gồm lắp thêm thang đi lên nóc xe, giá nóc.
Sau đó, lập các phiếu kiểm định với kết quả đạt và sử dụng hình ảnh đăng kiểm cũ của xe (đã đủ điều kiện) lưu trữ tại máy tính của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hưng Yên để sao chép, chỉnh sửa in lên giấy chứng nhận kiểm định mới của xe và cấp giấy chứng nhận kiểm định trái quy định cho 3 xe tải trên.
Ngoài ra, ngày 31/8/2021, với vai trò là giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-05D, Nguyễn Thanh Sơn đã nhận số tiền 10 triệu đồng của một cá nhân để lập hồ sơ cải tạo xe cơ giới khống và kiểm định, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho một xe tải.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Phạm Toàn
Công ty luật ‘đòi nợ thuê’ đe dọa giết người
Quá trình điều tra, công an thu thập được nhiều chứng cứ nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt có hành vi cưỡng đoạt tài sản như gọi điện thoại “khủng bố” nạn nhân, người thân quen với nạn nhân, đe dọa giết người để buộc nạn nhân trả nợ.
Báo Dân Trí đưa tin, ngày 23/2, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đã khởi tố vụ án Cưỡng đoạt tài sản, khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can Hà Thị Hiệp và Nguyễn Thanh Hải. Hiệp và Hải là nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt có địa chỉ tại tòa nhà T&T Dance sport (số 07, đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình, TP.HCM). Hai đối tượng này đã thực hiện hành vi “khủng bố” tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu tại thị xã Cai Lậy, Tiền Giang.
13 đối tượng khác có liên quan vụ án cũng đã bị tạm giữ khẩn cấp.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã thừa nhận hành vi đe dọa, cưỡng đoạt tài sản để đòi nợ thuê của mình.
Trước đó, thời gian qua Công an tỉnh Tiền Giang đã nhận được nhiều tin tố giác nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt có hành vi đe dọa “khủng bố”, cưỡng đoạt tài sản đối với người dân trên địa bàn.
Quá trình điều tra, công an thu thập được nhiều chứng cứ nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt có hành vi cưỡng đoạt tài sản như gọi điện thoại “khủng bố” nạn nhân, người thân quen với nạn nhân, đe dọa giết người để buộc nạn nhân trả nợ.
Nạn nhân của Công ty Luật TNHH Pháp Việt không chỉ ở Tiền Giang mà trên phạm vi cả nước.
Công ty Luật TNHH Pháp Việt do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu. Mặc dù danh nghĩa công ty luật nhưng tất cả nhân viên công ty đều không có văn bằng luật.
Theo tin trên báo VnExpress, tổng số tiền mà các nghi phạm đòi được là gần 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 12/2022, Công an TP HCM cũng triệt phá ổ nhóm núp bóng Công ty Luật TNHH Power Law để Vu khống đòi nợ. Công ty này có 3 luật sư, còn lại là nhân viên, chuyên đi mua nợ xấu của các công ty tài chính, ngân hàng, app cho vay, sau đó đi thu hồi nợ.
Cảnh sát xác định, mô hình này không phải tín dụng đen, mà lợi dụng không gian mạng để khủng bố tinh thần, vu khống người vay. Có khoảng 300 bị hại trên cả nước đã bị nhóm người này bôi nhọ danh dự, buộc phải trả nợ. Không chỉ người vay tiền, mà người thân, bạn bè và đồng nghiệp của họ cũng bị cắt ghép ảnh với nội dung xấu, sai sự thật đăng lên mạng bêu rếu.
Hội An
Bình Định: Chiếm đoạt tiền mua đồ ăn của bị can, cựu Đại úy công an bị phạt tù
Làm việc tại Nhà tạm giữ Công an huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), cựu đại úy công an nhận số tiền của người thân gửi vào cho bị can để mua đồ ăn thêm là 42 triệu đồng, nhưng vị này chỉ mua cho 2 bị can với số tiền hơn 1,4 triệu.
Sáng ngày 23/2, TAND huyện Vân canh (tỉnh Bình Định) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Thanh Trung (cựu Đại úy, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Vân Canh) về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định” theo điểm c khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, cuối tháng 7/2021, 11 bị can từ Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Đình được điều chuyển đến Nhà tạm giữ Công an huyện Vân Canh. Tại đây, ông Trung được phân công phụ trách hỗ trợ tư pháp, dẫn giải can phạm thi hành án.
Từ tháng 7/2021, tình hình dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) diễn biến phức tạp, Nhà tạm giữ Công an huyện Vân Canh tạm dừng việc cho thân nhân của bị can vào thăm nuôi.
Lợi dụng tình hình này, trong các ca trực được phân công từ ngày 31/7/2021 đến đầu tháng 11/2021, ông Trung thường xuyên vào buồng tạm giam tiếp xúc với các bị can, đưa điện thoại của mình cho các bị can mượn, gọi về cho gia đình, người thân, xin chuyển tiền vào để mua đồ ăn thêm qua số tài khoản cá nhân của ông Trung.
Sau đó, ông Trung đã nhắn số điện thoại của mình để người nhà bị can liên lạc và chuyển tiền vào.
Vệ sự việc này, ông Trung không báo cáo cho lãnh đạo biết, không vào sổ theo dõi gửi lưu ký. Ông Trung đã nhận tổng số tiền của người nhà bị can chuyển khoản là 42 triệu đồng. Trong đó, ông Trung mua đồ ăn thêm cho 2 bị can với số tiền hơn 1,4 triệu đồng, số tiền còn lại ông Trung chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Vào đầu tháng 10/2021, khi biết Công an tỉnh Bình Định sẽ thanh tra tại đơn vị, ông Trung liền hợp thức số tiền đã nhận của gia đình các bị can để che giấu vụ việc và đối phó với việc kiểm tra bằng cách tạo ra 25 phiếu gửi quà đưa cho các bị can ký vào mục người nhận và gọi người thân của các bị can đến ký vào mục người gửi.
Ông Trung còn chỉ đạo cấp dưới lập một biên bản với nội dung về việc người bị tạm giam xin tăng thêm khẩu phần ăn để hợp thức số tiền ông Trung đã nhận và chiếm đoạt.
Khi sự việc được phát hiện, ông Trung bị tước quân tịch, khai trừ Đảng. Trước tòa, bị cáo Trung thừa nhận hành vi phạm tội của mình nên từ chối luật sư bào chữa và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo Trung 2 năm tù giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài bị cáo Trung, theo đại diện VKS, mặc dù biết hành vi sai phạm của bị cáo nhưng bà Chế Thị Minh Ngọc (cựu cán bộ Đội Cảnh sát Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện Vân Canh) không báo cáo lãnh đạo, mà bà Ngọc còn trực tiếp mang điện thoại vào buồng giam giữ cho bị can sử dụng để trục lợi.
Tổng số tiền bà Ngọc chiếm đoạt của gia đình các bị can là hơn 16 triệu đồng.
Bà Ngọc cũng đã bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, nhưng được tách ra để giải quyết trong một vụ án khác.
Thạch Lam