Hàng nghìn người Bồ Đào Nha biểu tình vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt – Lạm phát công bố chỉ 8,4%

Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Lisbon Bồ Đào Nha phản đối tình trạng lạm phát bùng phát tại quốc gia này (Nguồn ảnh: ảnh chụp màn hình Internet)

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến hàng nghìn người Bồ Đào Nha biểu tình vào cuối tuần tại Thủ đô. Điều ngạc nhiên là chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng đang khiến cuộc sống của người nghèo và trung lưu khốn đốn thì số liệu lạm phát hàng năm công bố chỉ ở mức 8,4% và thậm chí đang giảm dần trong mấy tháng gần đây.

Theo tin từ Reuters, hàng nghìn người đã xuống đường ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha để yêu cầu điều kiện sống tốt hơn trong bối cảnh lạm phát cao của đất nước khiến cuộc sống của người dân ngày một khó khăn.

Cuộc biểu tình diễn ra hôm thứ Bảy (25/2/2023) Lisbon được tổ chức bởi phong trào Cuộc sống Công bằng.

Anh Vitor David, một lập trình viên 26 tuổi, cho biết anh buộc phải thuê nhà ở ngoại ô Lisbon, rất xa thành phố, vì cuộc sống ở dây quá đắt đỏ. Anh nói: “Có một thời điểm trong cuộc sống của chúng tôi không còn hy vọng”. David thậm chí nói rằng anh cân nhắc việc chuyển đến một quốc gia châu Âu giàu có hơn, bởi vì cuộc sống ở Bồ Đào Nha “rất khó khăn”, theo Reuters.

Theo dữ liệu chính thức, khoảng 20% người Bồ Đào Nha sống ở nước ngoài.

“Chúng tôi ở đây để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe”, Jose Reis, người vừa tốt nghiệp đại học nhưng vẫn đang thất nghiệp, nói.

Gần đây, hàng chục nghìn giáo viên Bồ Đào Nha đã tổ chức biểu tình lớn nhất trong nhiều năm vì chi phí sinh hoạt tăng cao.

Phong trào Cuộc sống Công bằng được tạo ra bởi những người sống ở vùng ngoại ô nghèo hơn của Lisbon. Các nhà tổ chức phong trào cho biết lạm phát tăng và rất nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực.

Những người biểu tình muốn tăng lương, hạn chế tăng giá các mặt hàng thiết yếu và đặc biệt là hành động của chính phủ đối với nhà ở.

Tuần trước, Bồ Đào Nha đã công bố một gói các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng giá [chi phí] nhà ở. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho biết các đề xuất này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chính quyền tiếp tục thúc đẩy các chính sách khác để thu hút người nước ngoài giàu có đến đất nước này, chẳng hạn như Visa du mục kỹ thuật số được giới thiệu vào tháng 10.

Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây Âu. Dữ liệu chính thức cho thấy hơn 50% người lao động Bồ Đào Nha kiếm được ít hơn 1.000 euro (1.054,6 USD) mỗi tháng vào năm ngoái; mức lương tối thiểu hàng tháng ở đất nước này là 760 euro.

Giá nhà đất ở Bồ Đào Nha tăng 18,7% vào năm 2022, ghi nhận mức tăng lớn nhất trong ba thập kỷ. Giá thuê cũng tăng đáng kể một phần do bong bóng đầu cơ bất động sản.

Lương thấp và giá thuê cao khiến Lisbon trở thành thành phố không đáng sống. Mặc dù giá nhà ở tăng tới 18,7% trong năm nhưng lạm phát chung hiện ở mức 8,4% vào tháng 1/2023. Theo số liệu thống kê chính thức, lạm phát bình quân năm của Bồ Đào Nha đạt đỉnh hồi tháng 10/2022 ở mức 10,1% và hiện đã giảm xuống còn 8,4%.

Các phương tiện truyền thông bình luận rằng Bồ Đào Nha đang “đi theo con đường xã hội chủ nghĩa” kể từ khi ông Antonio Costa lên nắm quyền.

Thủ tướng Antonio Costa nắm quyền từ 26/11/2015. Trước đó 1 năm, tháng 9/2014, ông Costa được bầu làm Tổng thư ký Đảng Xã hội – một đảng phái chính trị đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Con đường tiến lên xã hội của nghĩa của Thủ tướng Costa đang vấp phải sự phản đối dữ dội của người Bồ Đào Nha sau khi tiền lương thực tế trong túi họ bị bào mòn bởi lạm phát. Lạm phát luôn là kết quả của chính phủ lớn, chi tiêu khổng lồ cho phúc lợi, đầu tư công, tham nhũng. Các khoản chi không hiệu quả khiến nguồn thu bị mất cân đối. Chính phủ sau đó đã in tiền để bù đắp vào thâm hụt và lạm phát xuất hiện. Ngược trở lại, lạm phát lại là công cụ tác động sâu sắc nhất, tiêu cực nhất tới tài sản và đời sống của tầng lớp trung lưu và nghèo; vốn chiếm ít nhất 80% trong bất kỳ quốc gia nào.

Quang Nhật

Related posts