Xã thu hồi đất nông nghiệp của dân giao cho người khác xây lăng mộ ‘khủng’
“Người dân trên địa bàn thôn bức xúc vì khu vực xây lăng mộ cá nhân đó thuộc thôn chúng tôi. Khi về họp ở thôn, xã nói là mở rộng nghĩa trang để phục vụ cho người dân trong thôn, xã có nhu cầu cát táng. Tuy nhiên, khi thu hồi xong họ lại giao cho một cá nhân, cử tri ở đây đã ý kiến nhiều lần nhưng đều không được giải quyết”, người dân ấm ức nói với PV báo GD&TĐ.
Chiều ngày 24/2, PV báo GD&TĐ đã có buổi làm việc với chính quyền xã Thạch Trung, UBND TP. Hà Tĩnh liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp giao cho cá nhân xây lăng mộ “khủng”. Lãnh đạo xã thừa nhận có sai phạm trong việc này.
Theo đó, UBND xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh) thừa nhận quy trình giao đất cho chủ nhân xây lăng mộ không đúng với quy định. Sau khi hoàn tất công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, địa phương đã giao 2000m2 đất cho một doanh nhân là con em địa phương đang sinh sống tại Bình Dương để xây dựng lăng mộ của dòng họ.
Liên quan đến sự việc trên, một người dân thôn Trung Phú (xã Thạch Trung) giấu tên – đã liên hệ với PV bày tỏ sự bức xúc vì việc làm sai quy định của chính quyền địa phương.
“Người dân trên địa bàn thôn bức xúc vì khu vực xây lăng mộ cá nhân đó thuộc thôn chúng tôi. Khi về họp ở thôn, xã nói là mở rộng nghĩa trang để phục vụ cho người dân trong thôn, xã có nhu cầu cát táng. Tuy nhiên, khi thu hồi xong họ lại giao cho một cá nhân, cử tri ở đây đã ý kiến nhiều lần nhưng đều không được giải quyết”, người dân ấm ức nói.
Hội An
Nghệ An: Cô giáo miệt thị, bắt học sinh đứng 45 phút vì 1,2 triệu tiền ‘tài trợ giáo dục’
Cô giáo ở Nghệ An bắt học sinh đứng 45 phút, dùng nhiều câu từ chì chiết, miệt thị vì liên quan đến việc đóng góp 1,2 triệu tiền ‘tài trợ giáo dục’ khiến em sợ hãi, khóc lóc.
Mấy ngày quá, mạng xã hội xôn xao việc một giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh, Nghệ An) bị tố bắt học sinh đứng 45 phút vì mâu thuẫn với phụ huynh liên quan đến việc kêu gọi đóng hơn 1,2 triệu đồng tiền “tài trợ giáo dục”.
Sau khi sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến bình luận cho rằng giáo viên áp dụng hình phạt như thế là không thể chấp nhận. Việc đóng tiền tài trợ giáo dục là tự nguyện chứ không phải bắt buộc.
Trả lời Vietnamnet, ông Phan Xuân Phàn – Hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác đối với giáo viên chủ nhiệm lớp 12D1.
Trước đó, theo Người lao động, trong khi thực hiện vận động xã hội hóa tại lớp chủ nhiệm 12D1, cô V.T.L. đã có thông báo chủ trương kế hoạch của nhà trường tại cuộc họp phụ huynh ngày 12/2, theo đó các phụ huynh thống nhất đồng ý tài trợ. Sau đó, cô L. lại giao cho lớp trưởng phát phiếu tổng hợp tài trợ giáo dục đến các bạn trong lớp để viết số tiền ủng hộ và ký tên phụ huynh. Em Hoàng Thị N.Q. đã điền trong đơn tài trợ 1,2 triệu đồng giống nhiều bạn trong lớp.
Khi nhận lại phiếu của học sinh, cô L. nhắc cả lớp về trao đổi với phụ huynh nộp đúng số tiền như học sinh đã viết trong phiếu.
Phụ huynh em Q. sau đó nhắn tin cho cô L. nhờ gửi phiếu tài trợ riêng để viết số tiền ủng hộ và ký tên cho đúng nhưng cô giáo không đồng ý.
Chiều thứ 2 (ngày 20/2) trong buổi học bù, đến tiết tiếng Anh của cô L., cô đã dùng thời gian dạy học để gọi em Q. và lớp trưởng đứng dậy để “đối chất”. Trong đó, cô L. dùng nhiều câu từ chì chiết, miệt thị em Q. khiến em lo lắng, sợ hãi, khóc lóc khi kể lại cho phụ huynh.
Theo ông Phan Xuân Phàn, vừa qua trong buổi họp phụ huynh đầu học kỳ II, nhà trường mới chỉ thông qua chủ trương thu vận động tài trợ với phụ huynh. Thu bao nhiêu và triển khai thu nhu thế nào, trường chưa thực hiện.
Việc vận động tài trợ năm nay được nhà trường dùng để sửa chữa khu nhà D (gồm 4 tầng với 20 phòng học) được đưa vào sử dụng hơn 20 năm nay với nhiều hạng mục hư hỏng.
Hội An
Lừa bán hàng loạt dự án ‘ma’, chiếm đoạt hơn 83 tỷ đồng: TGĐ Phú An Thịnh Land bị xét xử
Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Phú An Thịnh Land cùng 4 thuộc cấp bị cáo buộc tự ý phân lô đất nông nghiệp, đất chưa được phê duyệt làm dự án khu dân cư… rồi lừa bán cho 93 người, chiếm đoạt hơn 83 tỷ đồng.
Sáng ngày 27/2, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 5 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
5 bị cáo gồm:
– Ngô Minh Khâm (SN 1983, Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Phú An Thịnh Land);
– Hoàng Tấn Thành (SN 1985, Phó Tổng Giám đốc Phú An Thịnh Land);
– Phương Cẩm Thành (SN 1989, Giám đốc sàn Phú An Thịnh Land);
– Tiêu Trọng Tiến (SN 1984, Giám đốc sàn Phú An Thịnh Land);
– Trần Mạnh Hùng (SN 1992, Phó Tổng Giám đốc Phú An Thịnh Land).
Theo cáo trạng, tháng 1/2017, ông Khâm, ông Hùng cùng hai người khác đứng tên thành lập Công ty Phú An Thịnh Land (Trụ sở đặt tại số 120 Lê Sao, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú). Công ty này có vốn điều lệ là 2 tỷ đồng, đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải, môi giới, sau đó chuyển sang bất động sản.
Sau đó, ông Khâm dùng tư cách cá nhân để ký kết hợp đồng đặt cọc mua một lượng lớn đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất công ích… ở tỉnh Long An và TP.HCM từ nguồn tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt từ khách hàng.
Sau khi ký hợp đồng mua đất (hầu hết chỉ mới hoàn tất đặt cọc), ông Khâm đã thuê người vẽ lập bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500, đặt tên dự án khu dân cư, quảng cáo gian dối là đất nền, pháp lý đầy đủ, dù chưa hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng và không thực hiện thủ tục đăng ký lập dự án khu dân cư.
Ông Khâm tự đặt tên cho các dự án thành khu dân cư như: Eco Graden, Eco Graden 3, Eco Graden 4, Mỹ Yên (Eco Graden 5), Hưng Phát Center 2 (cùng ở Long An); Eco City Tân Kiên, Phú Thọ Hòa Tân Phú và khu đô thị Phú An Thịnh (cùng ở TP.HCM).
Từ đó, ông Khâm sử dụng pháp nhân Công ty Phú An Thịnh Land, chỉ đạo cho các nhân viên quảng cáo gian dối, để dẫn dắt, giới thiệu khách hàng đến công ty.
Để tạo lòng tin và thu hút đầu tư vào các dự án đã vẽ ra, ông Khâm đưa ra các chính sách khuyến mãi, bán giá thấp hơn giá thị trường, cam kết bồi thường 50% và hoàn lại toàn bộ vốn đầu tư nếu không thực hiện đúng cam kết.
Bằng thủ đoạn trên, ông Khâm cùng các ông Tấn Thành, Cẩm Thành, Tiến, Hùng đã lừa bán đất cho 93 nạn nhân, chiếm đoạt số tiền hơn 83 tỷ đồng. Trong đó, ông Khâm đã trả lại cho một số nạn nhân 8,6 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt hơn 74,8 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định ông Khâm giữ vai trò chủ mưu, là người nhận và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà Công ty Phú An Thịnh Land đã nhận của các nạn nhân. Những người còn lại đã có hành vi tiếp tay cho ông Khâm.
Dự kiến, phiên tòa sẽ xét xử trong hai ngày.
Bảo Khánh
Tập đoàn FLC: Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền từ chức cùng hai cấp phó
Sau thông tin xin lỗi nhà đầu tư vì cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, bà Bùi Hải Huyền vừa công bố từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn FLC và các chức vụ có liên quan vào ngày 27/2, cùng hai cấp phó cũng xin từ chức.
Theo đó, 27/2, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC – bà Bùi Hải Huyền vừa có đơn từ nhiệm tất cả chức vụ lãnh đạo và người đại diện theo pháp luật của tập đoàn này.
“Nói lời chia tay là điều vô cùng khó khăn, nhưng tôi hiểu rằng, FLC đang thực sự cần một luồng gió mới sau tất cả những biến cố đã qua. Do đó, việc tôi rời cương vị CEO ở thời điểm này là điều cần thiết phải làm để quá trình tái cấu trúc mà FLC đang hướng tới có thể thành công tốt đẹp”, bà Huyền nói trong thư chia tay gửi cán bộ nhân viên, trang Vietnambiz đưa tin.
Được biết, bà Huyền từng giữ chức Phó tổng giám đốc FLC từ năm 2015 và được bổ nhiệm làm tổng giám đốc vào tháng 3/2020. Đến tháng 7/2022, bà được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT FLC tại phiên họp bất thường sau khi các lãnh đạo cấp cao tập đoàn này bị bắt giữ với cáo buộc “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài bà Huyền, hôm nay, hai Phó tổng giám đốc của FLC cũng xin từ nhiệm là Đàm Ngọc Bích và Lê Thị Trúc Như vậy, từ năm ngoái đến nay, ban điều hành cũ của FLC đã có 6 lãnh đạo từ nhiệm.
Trước đó, bà Huyền đã gửi thư xin lỗi các nhà đầu tư và cổ đông sau khi cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào hôm 20/2.
Tới nay, sau khi chuyển xuống giao dịch ở sàn UPCoM, cổ phiếu FLC vẫn bị đình chỉ giao dịch vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Nhà đầu tư cổ phiếu FLC chưa biết khi nào mới có thể giao dịch trở lại và giá cổ phiếu đã giảm tới hơn 80% chỉ trong vòng chưa đến 1 năm. Mỗi cổ phiếu FLC hiện có giá 3.750 đồng tính tới ngày 26/2.
Luật sư Lê Thu Hằng – Công ty Luật TAT Law Firm cho biết: “Gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị HOSE hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của nhà đầu tư với tư cách cổ đông của Tập đoàn FLC, theo báo Lao Động.
Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán, được hiểu như cổ phiếu bị “treo” không quy đổi được thành tiền mặt”.
Đức Minh
Một trưởng công an phường tử vong trong tư thế treo cổ
Trưởng công an phường Điện An chết trong tư thế treo cổ ở nhà xe cơ quan.
Ông N.H.A. – Trưởng Công an phường Điện An (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ ở nhà xe của trụ sở công an phường này, khoảng 4h sáng ngày 27/2.
Giới chức thị xã Điện Bàn sau đó đã có mặt tại hiện trường để khám nghiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND phường Điện An, ông A. làm việc tại phường từ năm 2015.
Trước khi chết, ông A. không có biểu hiện bất thường. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.
Minh Long
‘Sập bẫy lừa’ quà trúng thưởng, người phụ nữ bị chiếm đoạt 800 triệu đồng
Bị dụ dỗ bằng những “quà tặng” là những tài sản có giá trị lớn như ô tô, xe máy… kèm theo số tiền mặt rất lớn do nhóm lừa đảo đưa ra, một phụ nữ ở Nghệ An bị lừa số tiền lên đến 800 triệu đồng.
Ngày 24/2, Công an huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) cho biết đã tạm giữ hình sự, đồng thời hoàn tất hồ sơ khởi tố nhóm nghi phạm lừa đảo qua mạng bằng hình thức gọi điện thông báo trúng thưởng.
Năm nghi phạm gồm: Nguyễn Hoàng Long (SN 1994), Dương Viết Lãm (SN 1994), Lê Văn Toàn (SN 1995), Nguyễn Văn Anh (SN 1994) và Hoàng Anh Tuấn (SN 1991, cùng trú tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Vào khoảng cuối năm 2022, tiếp nhận tin báo của nhiều bị hại, công an xác định nhóm nghi phạm trên lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức tự xưng là nhân viên của các công ty, ngân hàng… gọi điện thông báo trúng thưởng.
Nhóm này thường đưa ra “quà tặng” là những tài sản có giá trị lớn như ô tô, xe máy… kèm theo số tiền mặt rất lớn. Với điều kiện muốn nhận thưởng thì người dân phải đặt cọc tiền. Tin lời, nhiều người dân đã chuyển khoản tiền cọc cho các nghi phạm này.
Cụ thể, như trình báo của bà L. (một nạn nhân trong vụ việc), ngoài hình thức trên, nhóm này còn chia sẻ với bà L. những thông tin về người đã nhận thưởng trước đó để tạo niềm tin, và bà đã chuyển cho các nghi phạm này số tiền 800 triệu đồng.
Sau đó, chờ mãi vẫn không được nhận thưởng, đồng thời cũng không liên lạc được, bà L. biết mình đã bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Ngoài tỉnh Nghệ An, nhóm này còn lừa nhiều người ở tỉnh Hà Tĩnh và TP. Hà Nội.
Công an xác định trong năm 2022, nhóm này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Vụ việc đang được Công an huyện Thanh Chương tiếp tục điều tra.
Thạch Lam