Tác giả Daniel Lacalle
Đồng USD được hưởng vị thế đồng tiền dự trữ thế giới do nhiều yếu tố: an ninh về pháp lý và đầu tư, thị trường mở và minh bạch, cũng như các thể chế độc lập với sự kiểm tra và phân chia quyền lực có tác dụng giới hạn quyền lực chính trị và củng cố vị thế cho đồng tiền của Hoa Kỳ theo các tiêu chí tương đối khi so sánh với các quốc gia khác.
Không, một quốc gia không có được vị thế đồng tiền dự trữ thế giới nhờ vào sức mạnh quân sự. Không ai chấp nhận đồng kopek khi Liên Xô thống trị một nửa thế giới. Để một loại tiền pháp định trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới, thì đồng tiền ấy cần được chấp nhận rộng rãi như một đơn vị đo lường, cũng như phương thức thanh toán và dự trữ giá trị.
Vấn đề là tất cả những điều trên có thể đang bị đe dọa.
Áp lực ngày càng tăng từ các chính trị gia đang đe dọa đến vị thế dự trữ giá trị của các loại tiền tệ pháp định, và mối đe dọa về mặt chính trị này không chỉ hướng đến các cơ quan quản lý tiền tệ mà còn nhắm tới tất cả các tổ chức cung cấp sự kiểm tra và phân chia quyền lực nhằm hạn chế áp đặt chính trị.
Khi các chính trị gia nói về “công dụng xã hội” của tiền, về căn bản, điều họ muốn nói là quý vị sẽ phải chịu lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều đó có nghĩa là sử dụng tiền tệ để ngụy trang cho sự mất cân bằng tài khóa lớn dưới ảo tưởng rằng người dân sẽ luôn phải sử dụng đồng tiền nội tệ. Ảo tưởng đó hoàn toàn là phi lý. Cũng giống như bất kỳ loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào khác, tiền tệ pháp định phải chịu sự chi phối của cung và cầu. Nguồn cung dư thừa gây thiệt hại cho sức mua của một đồng tiền như cách nguồn cung dư thừa khiến giá một loại hàng hóa giảm, nhưng sự kết hợp của nguồn cung gia tăng cùng với nhu cầu suy yếu sẽ dẫn đến sự sụp đổ của đồng tiền đó.
Vào thời điểm các chính trị gia ngừng bảo vệ công dụng dự trữ giá trị của đồng tiền của họ, thì những người này đang phá hủy đất nước mà họ hứa sẽ bảo vệ.
Phá hủy đồng tiền là dấu hiệu đầu tiên cho sự suy tàn của một quốc gia. Những người cai trị nhà nước không bao giờ nghĩ rằng nhà nước ấy sẽ kết thúc, bởi vì quá trình này diễn ra chậm chạp cho đến khi đột ngột tăng tốc với siêu lạm phát, và rồi nhà nước sụp đổ. Điều này xảy ra khi cả công dân trong nước và ngoại quốc đều không chấp nhận đồng tiền của nhà nước này như một phương tiện thanh toán và dự trữ giá trị. Đồng tiền thì xói mòn từ từ còn sự sụp đổ của nhà nước thì diễn ra nhanh chóng.
Các quốc gia đánh mất nhu cầu đối với đồng tiền của họ khi các chính phủ tấn công vị thế dự trữ giá trị của đồng tiền và sự độc lập của các thể chế của họ với nhận thức rằng làm như vậy sẽ không có gì thay đổi. Việc đánh giá sự kiên nhẫn của người dùng trong và ngoài nước đối với một loại tiền tệ luôn mang lại kết cục tồi tệ. Tuy nhiên, các lực lượng chính trị tin rằng họ luôn có thể phát hành một đồng tiền phá giá để bắt các công dân, những người chỉ có thể đành sử dụng tờ giấy ghi nợ do nhà nước của họ phát hành, làm con tin. Niềm tin này là sai. Khi công dân trong nước mất kiên nhẫn với một đồng tiền ngày càng mất đi giá trị, thì họ chuyển sang các hệ thống thương mại khác, sử dụng các phương tiện thanh toán khác và thậm chí là viện đến phương thức hàng đổi hàng.
Trên thực tế, hầu hết các chính trị gia tin rằng nếu “không có gì” xảy ra cho đến nay và đồng tiền của đất nước vẫn được sử dụng rộng rãi, thì sau đó họ có thể tiếp tục làm xói mòn tính độc lập của các thể chế và sức mua của đồng tiền mãi mãi. Nhận thức này là không đúng, và tất cả các đế chế đã biến mất vì ảo tưởng này — ảo tưởng về chủ quyền tiền tệ.
Đây là lý do tại sao MMT (lý thuyết tiền tệ hiện đại) lại sai lầm đến vậy. Lý thuyết này giả định rằng chủ quyền tiền tệ là bất biến và cho rằng các chính phủ có thể tùy ý áp dụng các chính sách sai lầm đối với tiền tệ. Và chủ quyền tiền tệ sẽ biến mất nhanh chóng cũng như những ngụy biện về việc in tiền vô tận.
USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới bởi vì cho đến nay, đồng bạc xanh chưa có đối thủ. Điều này không phải là vì Cục Dự trữ Liên bang có các chính sách hợp lý, mà là vì những chính sách của các quốc gia khác còn tệ hại hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang nên biết rằng áp đặt việc sử dụng tiền tệ thông qua các loại tiền điện toán không phải là câu trả lời. Cách duy nhất để đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ thế giới là nếu như chính phủ và Fed cam kết củng cố vị thế dự trữ của đồng USD bằng cách tăng nhu cầu của đồng USD một cách rộng rãi trên toàn cầu, chứ không phải bằng cách áp đặt nhu cầu đó, bởi vì sự áp đặt này không bao giờ có tác dụng.
Các lựa chọn thay thế cho USD dường như là rất ít hoặc không tồn tại, cho đến khi ai đó tạo ra một phương tiện dự trữ giá trị thực sự với nhu cầu có thể chứng minh được và được các tổ chức độc lập thúc đẩy. Chính phủ Liên bang và ngân hàng trung ương có thể tin rằng USD không có đối thủ ngày nay vì các loại tiền tệ pháp định khác còn tệ hơn và họ đã đúng trong phân tích đó. Vấn đề là các lựa chọn thay thế có thể đến từ các phương tiện thanh toán thực sự độc lập. Cho đến nay, Fed đã đủ thông minh để chỉ ra điểm yếu then chốt của mã kim: tính thanh khoản. Tuy nhiên, bất kể điểm yếu của các lựa chọn thay thế hiện hữu có là như thế nào, thì điều duy nhất sẽ củng cố được một loại tiền tệ pháp định là để đồng tiền ấy trở thành một công cụ dự trữ giá trị.
Các chính trị gia đang phá hủy tính độc lập của các thể chế và sức mua của đồng tiền thông qua các chính sách gây lạm phát bởi vì có thể là họ tin rằng điều đó mang lại lợi ích lớn hơn và phục vụ cho “người dân”, nhưng con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt.
Nếu Fed và chính phủ Hoa Kỳ áp dụng chính sách bỏ qua tầm quan trọng của vai trò dự trữ giá trị của tiền tệ, thì Hoa Kỳ sẽ tiến gần hơn đến sự kết thúc vị thế toàn cầu của mình.
Vân Du biên dịch