28-2-2023
Nếu bạn bè của tôi hỏi, nên ưu tiên đọc cuốn sách nào trong năm, tôi không ngần ngại trả lời, đó là cuốn “Quyền lực của địa lý”, của Tim Marshall.
Tôi rất thích câu: “Chính trị gia rất quan trọng, nhưng địa lý còn quan trọng hơn”.
Cũng từ tầm nhìn và tư tưởng độc đáo này, tác giả dẫn ra bản đồ địa lý của tám quốc gia làm bằng chứng, về quyền lực “trời ban” cho các quốc gia ấy nhờ ở vị trí của họ, ở nguồn tài nguyên, ở khả năng kiểm soát biển, ở hàng rào bảo vệ tự nhiên (Núi, biển, sa mạc, sông ngòi…) khiến họ hình thành nên quốc gia, tồn tại hàng ngàn năm, không thể bị đánh bại bởi các thế lực ngoại bang, hoặc chi phối ảnh hưởng đến khu vực và toàn cầu.
Tác giả coi đó là một thứ quyền lực, tạo ra bởi địa lý. Nhưng không chỉ có thế.
Ngoài chương cuối về cuộc cạnh tranh không gian vũ trụ, đáng để bạn đọc đi đọc lại, thì một khối lượng kiến thức khá lớn về lịch sử, văn hóa, phong tục, tôn giáo, các cuộc chiến tranh… dù có thể chúng ta đều đã đọc ở đâu đó, nhưng qua ngòi bút tác giả, qua giọng văn hài hước truyền thống kiểu Anh, nó trở nên mạch lạc, dễ nhớ, thú vị và mới mẻ.
Tim Marshall cũng chính là tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng thế giới trước đó: “Tù nhân của địa lý” và “Chia rẽ”, đều đã được dịch tại Việt Nam.
Nhưng “Tù nhân của địa lý” xứng đáng để tác giả hãnh diện hơn cả.
Với riêng tôi, còn có thêm sự thú vị này nữa.
Năm 2013, trong chuyên luận “Sống với Trung Quốc” (đã dịch ra tiếng Trung Quốc và Đài Loan), tôi viết như sau về Hoa Kỳ:
“Phải khẳng định là, nếu không có Hoa kỳ thì Trung Quốc không chỉ nuốt sống biển Đông, biển Hoa Đông, mà đã tìm cách thống trị thế giới từ lâu rồi”.
“…Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, dù ghét bỏ Hoa Kỳ đến đâu đi nữa, thì cũng sẽ không thể thiếu được họ, nếu muốn cuộc sinh tồn này còn có công lý tương đối. Bất chấp thực tế này là thiếu công bằng và thiển cận”.
Gần 10 năm sau, Tim Marshall, một người Anh, hoàn toàn vô tình, cũng có cùng cách nhìn như vậy về Hoa Kỳ, khi ông viết:
“Nhiều người không thích ý tưởng Hoa Kỳ đóng vai trò sen đầm quốc tế, trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh (…) Mặc dù vậy, nói gì thì nói, nếu không ai làm nhiệm vụ ‘sen đầm quốc tế’ này thì rất nhiều phe phái khác nhau sẽ tìm cách kiểm soát ngay các nước láng giềng của mình”.
Nhưng đây mới là điều tôi thích thú, muốn chia sẻ với bạn: Đọc cuốn sách, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ucraina, trong tình cảnh cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đang vô cùng gay gắt và trong điều kiện cay nghiệt của biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ tự có những suy ngẫm hữu ích về lựa chọn nào cho tương lai của con cháu mình, về niềm may mắn được tổ tiên để lại cho một mảnh đất xinh đẹp, trù phú, có đủ cả núi cao, biển rộng làm phên giậu, có những cánh đồng phì nhiêu đẹp đẽ để canh tác dễ dàng…
Đừng coi thường hoặc tệ hơn, phung phí những thứ mà hàng tỷ người trên địa cầu mơ ước.
Cuối cùng, xin trích một câu tác giả viết về nước Anh thời cách đây hơn 1.000 năm, chiếu theo với lịch sử Việt Nam thì khoảng thời Lý (còn việc so sánh với nước Anh hiện đại là việc của bạn):
“Trước khi những người bạn có thói quen uống rượu vang, xây phòng tắm và đề ra luật lệ (ám chỉ người Pháp) của chúng ta kéo đến từ bên kia eo biển Manche (có thể là sự kiện Công tước Normandi vượt eo biển năm 1066?), nước Anh đơn giản là một hòn đảo lớn, lạnh và ẩm ướt nằm bên rìa dòng chảy lịch sử. Hòn đảo là nơi cư trú của nhiều bộ tộc có lối sống hoang dã, không biết đọc, biết viết; và thay vì học hành thì chỉ biết đánh nhau”.