Nga: UAV của Ukraine lại tấn công khu vực gần Moscow
Điện Kremlin cho biết lãnh thổ của Nga, trong đó có địa điểm nằm trong phạm vi 100 km gần Moscow, đã bị UAV (máy bay không người lái) tấn công vào đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba (giờ địa phương 1/3). Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tăng cường bảo vệ biên giới. Ukraine, cũng như những lần trước, không thừa nhận và cũng không phủ nhận đã tấn công Nga, AP đưa tin.
Video: Hình ảnh xác UAV bị bắn rụng gần Moscow cho thấy nó là chiếc UJ-22 của Ukraine. Nó bị bắn rụng khi trên đường tới tấn công cơ sở dân sự, theo Nga thông báo.
Theo các nhà chức trách địa phương của Nga, các UAV đã triển khai một loạt tấn công các khu vực mục tiêu bên trong Nga dọc biên giới với Ukraine và sâu hơn vào nước này, miền nam và tây của nước Nga.
Andrei Vorobyov, Thống đốc khu vực xung quanh thủ đô Nga, cho biết trong một tuyên bố trực tuyến rằng 1 UAV đã bị bắn rụng xuống gần làng Gubastovo, cách Moscow chưa đầy 100 km. Ông cho biết chiếc UAV này không kịp gây ra bất kỳ thiệt hại nào, nhưng “đối tượng cơ sở hạ tầng dân sự” (một cơ sở dầu khí) có thể nằm trong mục tiêu của nó.
Các hình ảnh cho thấy nó là UJ-22, một mẫu UAV nhỏ do Ukraine sản xuất với tầm hoạt động được báo cáo lên tới 800 km.
Rạng sáng hôm thứ Ba, Nga cho biết đã đã bắn rụng một UAV của Ukraine trên vùng Bryansk, Thống đốc địa phương Aleksandr Bogomaz cho biết trong một bài đăng trên Telegram.
3 UAV cũng nhắm mục tiêu vào khu vực Belgorod của Nga vào đêm hôm thứ Hai. Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết chiếc UAV này đã gây ra thiệt hại nhỏ cho các tòa nhà và ô tô.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã sử dụng máy UAV để tấn công các cơ sở ở vùng Krasnodar và vùng lân cận Adygea. Các UAV này đã bị hạ gục bởi các thiết bị chiến tranh điện tử, và một trong số chúng đã rơi xuống một cánh đồng, và một chiếc khác chuyển hướng khỏi đường bay của nó và bỏ lỡ một cơ sở hạ tầng mà nó được cho là sẽ tấn công.
Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga đưa tin về vụ hỏa hoạn tại cơ sở dầu mỏ và một số báo cáo khác của Nga cho biết 2 UAV đã phát nổ gần đó.
Một số nhà bình luận Nga mô tả các cuộc tấn công bằng UAV là một nỗ lực của Ukraine nhằm thể hiện khả năng tấn công các khu vực nằm sâu trong giới tuyến. Mục đích là để gây căng thẳng ở Nga, kích động và tập hợp những phần tử hiếu chiến phe Ukraine, và leo thang chiến tranh.
Cũng có phỏng đoán rằng Ukraine đang diễn tập cho một cuộc tấn công lớn hơn, tham vọng hơn, sau khi có được viện trợ phong phú của phương Tây. Dù sao thì mục tiêu ban đầu của viện trợ của phương Tây là giúp Ukraine tự vệ, đã được lén tráo đổi thành sang đòi lại vùng đất từ 1991, và bây giờ tiến thêm một bước là đánh tiếp sang Nga.
Hãng tin AP của Hoa Kỳ cũng có một số thông tin thêm như sau:
Ukraine mở rộng chiến tranh ngoài phạm vi ban đầu
Chính quyền Nga từ lâu đã cáo buộc Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV thường xuyên vào các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu và các mục tiêu khác ở các khu vực phía tây của Nga gần biên giới.
Chính quyền Nga cũng đã báo cáo các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào Crimea, hầu hết trong số đó nhắm vào cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ hải quân chính hạm đội Biển Đen của Nga. Crimea (Crưm) được Nga tuyên bố sáp nhập vào họ từ 2014.
Vào tháng 12, quân đội Nga đã báo cáo một số cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào các căn cứ máy bay ném bom tầm xa nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các UAV đã bị bắn hạ, nhưng họ thừa nhận rằng các mảnh vỡ của chúng đã làm hỏng một số máy bay và khiến một số quân nhân thiệt mạng.
Ukraine thường không nhận trách nhiệm một cách chính thức các vụ tấn công này, và cũng không phủ nhận. Có lần quan chức Ukraine đã nhận công lao trong vụ việc tấn công hồi tháng 8/2022.
Hôm Chủ Nhật vừa qua, các nhà hoạt động đối lập Belarus tuyên bố một căn cứ không quân quân sự bên ngoài thủ đô Misk, nơi có các máy bay chiến đấu của Nga, đã bị quân đối lập Belarus ủng hộ Ukraine tấn công. Họ cho biết cuộc tấn công đã khiến một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 của Nga bị hư hại nghiêm trọng. Một số nhà hoạt động tuyên bố vụ tấn công có liên quan đến UAV, trong khi các quan chức Belarus và Nga không đưa ra bình luận nào.
Nga đã sử dụng lãnh thổ của đồng minh Belarus để tiến quân vào Ukraine hồi năm ngoái, và duy trì một đội quân, máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác trên lãnh thổ Belarus.
Nhật Tân
Tỷ phú Elon Musk tham gia cuộc đua phát triển đối thủ cạnh tranh ChatGPT
Tỷ phú Elon Musk gần đây đã liên hệ với các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thảo luận về việc thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu mới nhằm phát triển một giải pháp thay thế cho công cụ đối thoại có trang bị AI là ChatGPT, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, ông chủ Tesla đã đàm phán để thuê Igor Babuschkin (một chuyên gia nghiên cứu tại DeepMind AI của tập đoàn Alphabet) dẫn đầu một nhóm phát triển phần mềm chatbot cạnh tranh với Chat GPT.
Bài viết trên The Information đăng ngày 27/2 cho hay rằng tỷ phú Elon Musk và Babuschkin đang trong quán trình thảo luận để tập hợp một nhóm theo đuổi nghiên cứu AI. Tuy nhiên, dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa lên kế hoạch chi tiết để phát triển các sản phẩm cụ thể.
Tờ The Information cho biết việc xây dựng một phần mềm với ít biện pháp bảo vệ nội dung không phải là mục tiêu của tỷ phú Musk.
Trước đây, vị tỷ phú này từng lên tiếng chỉ trích ChatGPT. “AI đang mạnh đến mức nguy hiểm”, ông Musk đăng tải nội dung tweet hồi tháng 12/2022.
Vào ngày 26/2, tỷ phú Musk tiếp tục bày tỏ một chút lo ngại về sự tồn tại của AI. “Một trong những rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh là AI”, tỷ phú Musk phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai.
ChatGPT là một phần mềm hỏi đáp do công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) phát triển. Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, công cụ này đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây. Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1 vừa qua. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập về mặt đạo đức và pháp lý.
Phan Anh
Nhật Bản ra lệnh trừng phạt thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga
Hôm 28/2 vừa qua, Nhật Bản đã quyết định bổ sung thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga vào danh sách trừng phạt, theo hãng tin Kyodo News.
Cụ thể, quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tuần trước cam kết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản gồm phong tỏa tài sản và cấm các công ty Nhật Bản xuất khẩu hàng hóa cho Nga, nhằm vào các chính trị gia, giới chức quân đội, doanh nhân và các công ty ở Nga.
Kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Nhật Bản và phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva như phong tỏa tài sản của các cá nhân và Ngân hàng trung ương Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7 hôm 24/2 vừa qua, đã thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy trừng phạt Nga. Trong tuyên bố chung sau hội nghị này, G7 đã cam kết thực hiện các biện pháp với mục tiêu nhằm siết chặt trừng phạt kinh tế của Nga.
Phan Anh
Trung Quốc: Lệnh cấm TikTok là “lạm dụng quyền lực nhà nước”
Trung Quốc chỉ trích động thái các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ cấm TikTok là “lạm dụng quyền lực nhà nước”, theo Sky News đưa tin 28/2. “Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, có thể không tự tin đến mức nào khi sợ một ứng dụng yêu thích của giới trẻ đến mức độ như vậy?”, không rõ tại sao bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại dùng lối khích tướng này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, động thái cấm TikTok của Chính phủ Hoa Kỳ là đang “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty của các nước khác.”
Ứng dụng TikTok của Trung Quốc có tai tiếng về vấn đề an ninh bảo mật và tuyên truyền nội dung không lành mạnh. Quốc hội và hơn một nửa số bang của Hoa Kỳ đã cấm TikTok khỏi các thiết bị di động của nhà nước.
Canada, ÚC, và EU cũng có các động thái tương tự với Hoa Kỳ. Không rõ chỉ trích và khích tướng của Trung Quốc có ám chỉ cả những quốc gia ngoài Hoa Kỳ hay không?
Video: TikTok chuyên đẩy nội dung nhảm nhí và đầu độc cho hải ngoại, một Youtuber chứng minh bằng cách so sánh TikTok phiên bản quốc tế và phiên bản nội địa Trung Quốc (Douyin)
Nhật Tân
Ông Putin ký luật cấm quan chức dùng từ nước ngoài khi nói tiếng Nga
Theo một luật sửa đổi về sử dụng quy phạm tiếng Nga được Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành hôm thứ Ba (28/2), các quan chức Nga sẽ bị cấm dùng hầu hết từ nước ngoài khi nói tiếng Nga trong công vụ.
Luật 2005 về sử dụng quy phạm tiếng Nga công vụ vừa được sửa đổi một số nội dung để bảo vệ và ủng hộ vị thế của tiếng Nga, theo nội dung được đăng tải trên trang web của chính phủ Nga.
Văn bản nêu trên viết: “Khi sử dụng tiếng Nga là ngôn ngữ nhà nước của Liên bang Nga, thì không được phép sử dụng các từ và cách diễn đạt không phù hợp với các chuẩn mực của tiếng Nga hiện đại… có ngoại lệ với các từ nước ngoài không có cách diễn đạt tương đương trong tiếng Nga và đã được sử dụng phổ biến”.
Giới chức Nga sẽ công bố danh sách các từ nước ngoài vẫn được phép sử dụng khi quan chức Nga nói tiếng Nga trong công vụ.
Luật sửa đổi không đề cập đến các biện pháp chế tài cụ thể đối với những ai vi phạm luật.
Từ khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào 24/2/2022, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn bảo vệ Nga khỏi cái mà ông gọi là phương Tây suy thoái đang cố gắng hủy hoại nước Nga.
Hải Đăng
Tỷ phú Elon Musk trở lại ngôi vị người giàu nhất thế giới
Người sáng lập Tesla và SpaceX, tỷ phú Elon Musk, đã lấy lại vị trí người giàu nhất thế giới từ tay tỷ phú Bernard Arnault, theo hãng tin CNN.
Trước đó, ông Elon Musk đã bị vị tỷ phú người Pháp soán ngôi vào tháng 12/2022 và tụt xuống vị trí người giàu thứ 2 thế giới kể trong thời gian qua.
Dù vậy, theo hãng tin Bloomberg, việc cổ phiếu của tập đoàn Tesla tăng giá trong phiên giao dịch hôm 27/2 đã giúp vị tỷ phú gốc Nam Phi lấy lại vị thế người giàu nhất thế giới.
Tài sản của ông Elon Musk sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 27/2 đã tăng lên mức 187,1 tỷ USD, vượt qua khối tài sản 185,3 tỷ USD của Arnault.
Giá trị cổ phiếu của hãng xe điện Tesla đã sụt giảm mạnh vào năm 2022 do bị ảnh hưởng từ những diễn biến trong thương vụ thâu tóm mạng xã hội Twitter của ông Musk, cũng như làn sóng suy thoái trong lĩnh vực công nghệ nói chung. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng xe điện này đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu năm 2023.
Bên cạnh việc giữ vị trí người giàu nhất thế giới, vị tỷ phú gốc Nam Phi cũng là người nắm giữ kỷ lục về khối tài sản bị mất đi của một người. Cụ thể, vào cuối năm 2022, ông Elon Musk đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử mất số tiền kỷ lục 200 tỷ USD – sau khi giá trị tài sản của ông giảm từ mức 340 tỷ USD vào tháng 11/2021 xuống còn 137 tỷ USD vào tháng 12/2022.
Ở một diễn biến khác, ông Elon Musk gần đây đã liên hệ với các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thảo luận về việc thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu mới nhằm phát triển một giải pháp thay thế cho công cụ đối thoại có trang bị AI là ChatGPT.
Trước đây, vị tỷ phú này từng lên tiếng chỉ trích ChatGPT. “AI đang mạnh đến mức nguy hiểm”, ông Musk đăng tải nội dung tweet hồi tháng 12/2022.
Vào ngày 26/2, tỷ phú Musk tiếp tục bày tỏ một chút lo ngại về sự tồn tại của AI. “Một trong những rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh là AI”, tỷ phú Musk phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai.
Phan Anh
Cuộc chiến ở Ukraina dự kiến có những cuộc tấn công lớn, nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra
Khi mặt đất đóng băng tan chảy trong suốt mùa đông, nó đang trở thành một biến số bất ngờ trong cuộc chiến ở Ukraina. Phe phương Tây ủng hộ Ukraine và phe chống phương Tây ủng hộ Nga đều đang củng cố tình đoàn kết.
Vùng Donetsk, hiện là chiến trường ác liệt ở miền đông Ukraine. Nơi đây toàn bộ nền chiến hào biến thành một đống bùn lầy, ủng của những người lính cũng dính đầy bùn.
Khi thời tiết ấm lên và những cơn mưa mùa xuân đổ xuống, mặt đất đóng băng suốt mùa đông tan chảy và biến thành bùn.
Với việc Ukraine và Nga dự đoán sẽ xảy ra các cuộc tấn công lớn vào mùa xuân này, cũng có những dự đoán rằng cuộc đối đầu sẽ kéo dài hơn dự kiến do mặt đất lầy lội cản trở binh lính của cả hai bên.
Phóng viên đài SBS của Hàn Quốc trích dẫn lời chỉ huy Pháo binh Ukraine rằng: “Như bạn có thể thấy, binh lính của cả hai bên đang ở nguyên vị trí vì họ bị bao phủ bởi bùn vào mùa xuân. Không thể tiến về phía trước”.
Giữa lúc này, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, thủ đô của Ukraine vào ngày 27. Chỉ một tuần sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ đã được tái khẳng định.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du 5 quốc gia Trung Á được mệnh danh là ‘sân trước của Nga’, bắt đầu từ Kazakhstan vào hôm 28. Nó dường như là một chiến lược ngoại giao nhằm cô lập Nga bằng cách buộc các nước này tránh xa cuộc chiến ở Ukraine.
Đối phó với điều này, Tổng thống Lukashenko của Belarus, đồng minh của Nga, sẽ thăm Trung Quốc trong ba ngày kể từ hôm 28 theo lời mời của ông Tập Cận Bình.
Tại hội nghị thượng đỉnh, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về việc ủng hộ Nga và nhấn mạnh đến việc tăng cường đoàn kết chống phương Tây.
Liên Thành
Thêm loạt công ty Trung Quốc bị bắt quả tang ‘tiếp máu’ cho Nga
Đã một năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, mặc dù Trung Quốc tuyên bố muốn khởi động đàm phán hòa bình, nhưng họ đã tăng cường quan hệ đối tác với Nga và bị cáo buộc hỗ trợ Nga. Mạng truyền hình cáp CNN của Mỹ đưa tin rằng họ có đủ bằng chứng cho thấy Tập đoàn China Poly của Trung Quốc đang bí mật gửi các bộ phận lắp ráp vũ khí cho Nga.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa bạch ốc Jake Sullivan vài ngày trước cho biết Trung Quốc không có hành động cung cấp hỗ trợ liên quan cho Nga, nhưng họ cũng không loại trừ lựa chọn này. Washington đã nói rõ với phía Trung Quốc rằng các hoạt động liên quan sẽ khiến Trung Quốc “phải trả giá thực sự”.
Ông Sullivan đã đề cập rằng các công ty Trung Quốc tiếp tục cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho Nga và theo thông tin do Tòa bạch ốc đang nắm giữ, Trung Quốc đã xem xét cung cấp hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga.
Theo một báo cáo mới mà CNN có được, Mát-xcơ-va có thể đã nhận vũ khí quân sự từ Bắc Kinh. Dữ liệu thương mại cho thấy Trung Quốc đã gửi bộ phận lắp ráp trực thăng tấn công, hệ thống tên lửa, hệ thống thông tin liên lạc và các bộ kiện quân sự khác cho các doanh nghiệp quân sự của Nga, đây rõ ràng là “sử dụng cho mục đích quân sự”.
Báo cáo chỉ ra rằng các bộ phận vũ khí này đã được xuất khẩu sang Nga thông qua một số công ty Trung Quốc, và thậm chí khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ, radar quân sự và dân sự cùng các thiết bị khác đã được chuyển đến Nga. Thống kê cho thấy Tập đoàn China Poly hoặc công ty con “Poly Technology” của tập đoàn này đã xuất khẩu vũ khí quân sự sang Nga ít nhất 268 lần. China Poly và các công ty Trung Quốc khác bị cáo buộc cung cấp vũ khí quân sự cho Nga vẫn chưa có phản hồi nào kể từ khi bài báo này được đưa ra.
Báo cáo lập luận rằng Nga có thể đang sử dụng Bắc Kinh để phá vỡ các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách mua công nghệ tiên tiến trong danh sách đen, đồng thời cung cấp các hệ thống liên lạc và linh kiện vũ khí công nghệ cao cho quân đội Nga.
CNN đưa tin, những dữ liệu thương mại này cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đã trở nên thân thiết hơn, đồng thời Mỹ cũng lo ngại điều này sẽ dẫn đến hậu quả tai hại cho cuộc chiến Nga-Ukraina.
Liên Thành