Văn Thiện
Những hình ảnh chụp được từ Ukraine trong năm vừa qua cho thấy cuộc chiến tại đó khá giống với các cuộc xung đột khác trong nửa thế kỷ qua. Lực lượng Nga triển khai xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu chiến, xe lội nước và trực thăng tấn công; người Ukraine chống trả bằng vũ khí chống tăng, súng phóng lựu và tên lửa phòng không…
Nhưng có một khía cạnh khác của cuộc xung đột – một chiến trường siêu hiện đại, nơi các máy bay không người lái đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ giám sát, trinh sát và chiến đấu. Những công nghệ này đã báo trước cho chúng ta về một thế giới trong đó xung đột vũ trang được tiến hành chủ yếu bằng điều khiển từ xa – và có lẽ một ngày nào đó, bằng trí tuệ nhân tạo.
Vậy chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ cuộc chiến máy bay không người lái ở Ukraine để có thể sử dụng trong tương lai?
Máy bay không người lái thương mại giá rẻ
Một bài học là máy bay không người lái đã được phổ biến cho công chúng, bất kỳ ai có vài trăm USD và một chút kiến thức kỹ thuật đều có thể tiếp cận được. Ở Ukraine, những người có sở thích tự mày mò đã sửa đổi và vũ khí hóa những chiếc máy bay không người lái thương mại nhỏ, rẻ tiền bằng cách trang bị cho chúng máy ảnh độ phân giải cao và chất nổ.
Đơn vị trinh sát trên không Aerorozvidka của Ukraine đã gây chú ý ngay từ đầu cuộc chiến khi các máy bay không người lái của họ giúp ngăn chặn một đoàn xe Nga tiến đến Kyiv. Nhân viên của Aerorozvidka sử dụng máy bay không người lái 6 cánh, 8 cánh và các thiết bị điều khiển từ xa khác làm vũ khí.
Những thiết bị này thường bay ở độ cao thấp – dưới 1,5 dặm (2,4 km) – và khoảng cách gần – dưới 19 dặm (31 km). Máy bay chiến đấu của Nga không được thiết kế để ngăn chặn các cuộc tấn công từ những máy bay không người lái nhỏ như vậy.
Máy bay không người lái ‘tự sát’
Cả hai bên trong cuộc chiến cũng đã tung ra các loại bom đạn lảng vảng – đôi khi được gọi là máy bay không người lái “tự sát”. Những thiết bị tự kích nổ này có thể đi vòng quanh mục tiêu hàng giờ trước khi tấn công. Kho vũ khí của Ukraine bao gồm các mẫu Switchblade và Phoenix Ghost do Mỹ sản xuất, trong khi lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái Lancet-3 sản xuất trong nước. Một số loại vũ khí này đủ nhỏ để bỏ vừa trong ba lô. Các lực lượng Ukraine cũng đã tạo ra các loại đạn tự chế bằng cách gắn chất nổ vào những máy bay không người lái 4 cánh có sẵn.
Quân đội Nga cũng đã sử dụng máy bay không người lái Shahed-136 do Iran sản xuất, loại máy bay gần đây đã khủng bố Kyiv. Với chiều dài khoảng 11 feet (3,5 mét), những chiếc máy bay không người lái cánh cố định này trông giống như một chiếc máy bay nhỏ. Chúng thường có giá 10.000-20.000 USD mỗi chiếc và có tầm bay xa hơn – 932 dặm (1.500 km) trở lên – so với máy bay không người lái thương mại giá rẻ. Hầu hết máy bay tự sát đều có khả năng bay theo đội hình, cho phép nhiều máy bay cùng tấn công một mục tiêu và gây sát thương lớn hơn. Mô tả của một nghệ sĩ về cuộc tấn công máy bay không người lái Shahed-136 vào một sân bay. (Ảnh: Wikipedia)
Trong cuộc chiến ở Ukraine, việc đánh chặn các loại bom đạn lảng vảng tốn kém hơn nhiều so với việc triển khai chúng. Việc sử dụng máy bay chiến đấu phản lực MiG-29, tên lửa hành trình C-300 và các loại vũ khí thời Chiến tranh Lạnh khác để ngăn chặn các máy bay không người lái này vượt xa chi phí của các robot dùng một lần. Các trận chiến tiêu hao công nghệ cao mới có thể trở thành một đặc điểm thường thấy của các cuộc xung đột trong tương lai, trong đó mỗi bên cố gắng làm cạn kiệt nguồn lực của đối phương.
Bom đạn lảng vảng cũng cho chúng ta một bài học khác. Khi được sử dụng để chống lại dân thường, máy bay không người lái tầm thấp có thể làm cả thành phố kinh hoàng. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng 10/2022 của Nga vào Kyiv không chỉ giết chết 4 người mà còn khiến hàng nghìn người khác khiếp sợ. Một dự án nghiên cứu của Stanford-NYU về tác động lâu dài của cuộc chiến máy bay không người lái của Mỹ ở Pakistan cho thấy nó đã gây tổn thương sâu sắc cho dân thường.
Máy bay điều khiển từ xa
Một loại máy bay không người lái khác là những loại có khả năng bay quãng đường dài hơn – 124 dặm (200 km) trở lên – và ở độ cao lớn hơn – 2,5 đến 5 dặm (4 đến 8 km) – so với những loại đã đề cập ở trên. Chúng cũng có thể được trang bị tên lửa dẫn đường bằng laser giúp tăng khả năng sát thương. Trong cuộc chiến Ukraine, những máy bay không người lái này – về cơ bản là máy bay chiến đấu được điều khiển từ xa – bao gồm Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Quân đội Ukraine đã mua vài chục chiếc, với giá khoảng 5 triệu USD mỗi chiếc.
Một số người gọi Bayraktar TB2 là “Toyota Corolla của máy bay không người lái” vì tính kinh tế và độ tin cậy của nó. Ngoài ra, loại máy bay này còn truyền cảm hứng cho một bài hát rap Ukraine đã lan truyền nhanh chóng, cho thấy tiềm năng về giá trị tuyên truyền của các công nghệ mới. Các lực lượng Ukraine đã sử dụng rộng rãi máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. (Ảnh: Getty Images)
Các lực lượng Nga đã sử dụng các máy bay không người lái tương đương, đáng chú ý nhất là dòng Orion sản xuất trong nước. Các máy bay không người lái khác thuộc lớp này (không có chiếc nào được sử dụng ở Ukraine) bao gồm Hermes 450 của Israel, MQ-1C Grey Eagle do Mỹ sản xuất, Wing Loong 3 mới ra mắt gần đây của Trung Quốc và hàng chục loại khác. Trung Quốc hiện đã vượt qua Israel để trở thành nước xuất khẩu máy bay không người lái lớn nhất thế giới. Sự phổ biến của máy bay không người lái có khả năng đẩy nhanh sự hiện diện trên chiến trường của chúng.
Máy bay không người lái quân sự cao cấp
Máy bay không người lái cao cấp có thể sẽ không sớm được sử dụng ở Ukraine. Thật khó để tưởng tượng rằng chiếc “Rolls-Royce của máy bay không người lái” RQ-4 Global Hawk do Mỹ sản xuất sẽ được triển khai ở Ukraine, do chi phí quá cao. (Trên thực tế, loại máy bay khổng lồ có trị giá 200 triệu USD này được trang bị động cơ phản lực cánh quạt Rolls-Royce AE 3700).
Nhưng rất có thể một ngày nào đó, chính phủ Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine những chiếc RQ-9 Reaper, trị giá khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc. Và mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn miễn cưỡng gửi vũ khí cho các lực lượng Nga, nhưng máy bay không người lái tấn công CH-5 Rainbow tối tân của nước này có thể làm thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến. Máy bay tiên tiến này sẽ cung cấp cho quân đội Nga hỏa lực, độ bền và phạm vi hoạt động lớn hơn nhiều so với các máy bay không người lái hiện tại.
Các máy bay không người lái đang thay đổi cục diện chiến tranh như thế nào?
Trong 20 năm qua, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng chiến tranh bằng máy bay không người lái khiến chiến trường trở nên nguy hiểm hơn. Nó làm như vậy cả về thể chất và tâm lý bằng cách tăng khoảng cách địa lý giữa người nhắm mục tiêu và mục tiêu. Khi các lực lượng Mỹ tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Afghanistan, Pakistan hoặc Yemen, các cuộc tấn công là bí mật, các vụ ám sát có chủ đích, giống như một hình thức săn lùng hơn là các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự.
Nhưng cách thức sử dụng máy bay không người lái ở Ukraine rất khác so với cách Mỹ triển khai chúng trong cuộc chiến chống khủng bố. Ở Ukraine, cả hai bên đều sử dụng máy bay không người lái như một công nghệ chiến thuật cho một loạt nhiệm vụ, bao gồm giám sát chiến trường, phát hiện pháo binh và tấn công xe bọc thép và bệ phóng tên lửa.
Sau một năm, tên lửa và máy bay không người lái đã thống trị cuộc chiến trên không ở Ukraine. Điều này đặt ra câu hỏi: Các phi công đã ở đâu? Các cuộc chiến trong tương lai có thể kết hợp các máy bay không người lái tiên tiến hơn, và các hệ thống chống máy bay không người lái bằng cách gây nhiễu lệnh hoặc tín hiệu GPS, hoặc đánh chặn các máy bay không người lái trước khi chúng tấn công. Việc Nga không sử dụng đầy đủ các hệ thống như vậy đã mang lại lợi thế cho lực lượng Ukraine trong những tháng đầu của cuộc chiến.
Máy bay ‘robot sát thủ’
Có lẽ viễn cảnh đáng lo ngại nhất là khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nga, Iran, Israel, Liên minh châu Âu và các nước khác vội vã phát triển máy bay không người lái hoàn toàn tự hành hay còn gọi là các robot sát thủ. Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã thử nghiệm một máy bay chiến đấu do AI điều khiển.
Một số yếu tố đang thúc đẩy quá trình này. Khi thiết bị gây nhiễu tín hiệu điều khiển và GPS trở nên tinh vi hơn, máy bay không người lái có khả năng trở nên ít phụ thuộc vào điều khiển từ xa và tự chủ hơn, sử dụng các hệ thống kết hợp AI, chẳng hạn như định vị và lập bản đồ đồng thời, công nghệ LiDAR và điều hướng thiên thể.
Một yếu tố khác thúc đẩy việc sử dụng vũ khí tự hành trong thời gian dài là tác động tâm lý của chiến tranh điều khiển từ xa đối với các phi công điều khiển máy bay không người lái, nhiều người trong số họ mắc các bệnh tâm thần nghiêm trọng như rối loạn căng thẳng sau chất thương (PTSD) khi giết chết người bị nhắm mục tiêu. Đối với một số nhà quan sát, máy bay không người lái tự động dường như mang đến một cách để loại bỏ chấn thương tâm lý do việc giết người từ xa. Tuy nhiên, nhiều binh sĩ và phi công bình thường miễn cưỡng sử dụng vũ khí tự hành vì họ không tin tưởng chúng, điều này đã được xác nhận bởi nghiên cứu.
Cuối cùng, có những lo ngại về đạo đức: Vũ khí tự hành có xu hướng miễn trừ cho con người mọi trách nhiệm đối với các quyết định sinh tử. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi một máy bay không người lái giết chết nhầm dân thường?
Khi cuộc chiến Ukraine kéo dài — và khi việc nghiên cứu vũ khí tự hành gia tăng — khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh robot đã hiện ra lờ mờ.
Theo The Conversation
Văn Thiện biên dịch