Tác giả Naveen Athrappully
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới, chứng kiến các dự án điện than tăng vọt vào năm 2022 bất chấp cam kết cắt giảm tiêu thụ than của nước này vào cuối thập niên này.
Theo một báo cáo tháng Hai (pdf) của Global Energy Monitor và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), năm 2022, việc khởi công xây dựng nhà máy điện than, công bố dự án mới, và cấp phép nhà máy “đã tăng tốc đáng kể” ở Trung Quốc. Mỗi tuần Trung Quốc có hai nhà máy điện than mới được cấp phép hoạt động. Báo cáo này cho biết: “Năm 2022, dự án điện than với công suất 50 GW đã được bắt đầu xây dựng ở Trung Quốc, tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được cấp phép một cách nhanh chóng và tiến hành xây dựng chỉ trong vài tháng.”
“Các dự án điện than mới với tổng công suất 106 GW được cấp phép, tương đương với hai nhà máy điện than lớn mỗi tuần. Lượng công suất được cấp phép tăng hơn gấp bốn lần so với 23 GW hồi năm 2021.”
Trong số tất cả các dự án điện than được cấp phép vào năm ngoái, có những dự án với công suất 60 GW vẫn chưa được khởi công xây dựng kể từ tháng 01/2023. Báo cáo trên dự kiến các dự án này sẽ sớm được khởi công, báo hiệu rằng nhiều khả năng sẽ có nhiều công trình khởi công hơn được ghi nhận trong năm nay. Năm 2022, các dự án điện than có công suất 86 GW đã được khởi xướng, cao hơn gấp đôi so với công suất 40 GW được khởi xướng hồi năm 2021.
Sự thúc đẩy trong ngành điện than diễn ra sau cam kết trước đó của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về việc giảm tiêu thụ than từ năm 2026 đến năm 2030. Việc xây dựng hàng trăm nhà máy điện than mới đặt ra nghi vấn về cam kết của Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu này.
Báo cáo trên nêu rõ: “Các chủ sở hữu có ảnh hưởng chính trị của các nhà máy quan tâm đến việc bảo vệ tài sản của họ và tránh việc vội vàng sử dụng năng lượng sạch và loại bỏ than đá.”
Số dự án điện than tăng nhanh
Hoạt động xây dựng điện than ở Trung Quốc bắt đầu chậm lại từ năm 2017 đến năm 2020. Trong năm 2021 và 2022, công suất điện than mới được bổ sung vào lưới điện vẫn ổn định ở mức khoảng 26 GW. Trong những năm tới, việc bổ sung công suất dự kiến sẽ tăng trở lại. Theo báo cáo trên, vào năm 2022 “công suất điện than bắt đầu xây dựng ở Trung Quốc cao gấp sáu lần so với công suất của tất cả các nơi còn lại trên thế giới cộng lại.”
Sự gia tăng các dự án điện than diễn ra đồng thời với nhu cầu điện tăng cao tại quốc gia này. Phụ tải điện cao điểm năm 2021-2022 “đã tăng nhanh” do việc sử dụng máy điều hòa không khí nhiều hơn trong bối cảnh các đợt nắng nóng “đặc biệt gay gắt.”
Ngoài ra, tình trạng ngừng hoạt động của các nhà máy than đã chậm lại vào năm ngoái. Năm 2022 chỉ có các nhà máy điện than có công suất 4.1 GW ngừng hoạt động, thấp hơn số nhà máy có công suất 5.2 GW ngừng hoạt động vào năm 2021.
Năm 2023, nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng trong khi các dự án điện than tiếp tục tăng. Theo Power Mag, Bắc Kinh cho biết họ dự kiến, trong năm 2023 nhu cầu điện trên cả nước sẽ tăng 6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, tăng từ mức tăng 3.6% vào năm 2022.
Hãng thông tấn này đưa tin, trong một báo cáo ngày 19/01, Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết họ dự kiến sẽ bổ sung thêm 70 GW công suất điện than và khí đốt tự nhiên mới vào năm 2023, tăng so với mức 40 GW sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch được đưa vào hoạt động vào năm ngoái (2022).
Tình hình sử dụng than ở Ấn Độ, Hoa Kỳ
Nước tiêu thụ than lớn thứ hai là Ấn Độ cũng chứng kiến mức tiêu thụ than tăng lên. Theo báo cáo “Than 2022” (pdf) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu than ở Ấn Độ đã tăng 14% trong năm 2021.
Nhu cầu về than ở Ấn Độ, một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới, đang tăng lên do sự gia tăng sử dụng điện công nghiệp cũng như nhiệt độ khắc nghiệt bao gồm các đợt nắng nóng. Các nhà máy chạy bằng than chiếm 70% sản lượng điện của đất nước này.
Theo hãng thông tấn Mint, hồi tháng 09/2022, Cơ quan Điện lực Trung ương, cơ quan tư vấn cho Bộ Điện lực Liên bang, cho biết trong một dự thảo kế hoạch rằng có thể cần thêm 17 GW đến 28 GW công suất điện than cho đến năm 2031-2032. Đây là phần bổ sung cho công suất điện than 25 GW đang được xây dựng vào thời điểm đó.
Nhu cầu điện hàng năm ước tính tăng trung bình 7.2% trong 5 năm tính đến tháng 03/2027, gần gấp đôi tốc độ từ năm 2017 đến năm 2022.
Trong khi đó, theo báo cáo của IEA, nhu cầu than ở Hoa Kỳ tăng 15% trong năm 2021.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng than tại nước này sẽ giảm trong năm nay. Sản xuất điện than cũng dự kiến sẽ giảm. Hoa Kỳ là nước tiêu thụ than lớn thứ ba trên thế giới.
Nhật Thăng biên dịch