TP.HCM: Nguyên giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V cùng 10 thuộc cấp bị khởi tố
Nguyên giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V cùng 10 người khác là đăng kiểm viên, nhân viên của trung tâm này vừa bị công an khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 3/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã tiến hành tống đạt các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Đình Quân (SN 1961, ngụ Quận 7) – nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-05V (đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình) và 10 đăng kiểm viên, nhân viên của trung tâm đăng kiểm này.
Theo đó, 11 người này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các hành vi “Nhận hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Trung tâm Đăng kiểm 50-05V là trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo Công an TP.HCM, từ nguồn tin tố giác tội phạm, sau quá trình xác minh, củng cố hồ sơ, chứng cứ, cơ quan điều tra xác định ông Quân cùng nhân viên đã cấu kết với nhau để nhận tiền hối lộ khi cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khám xét Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, thu giữ nhiều tài liệu liên quan để điều tra.
Hơn hai tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khám xét gần 40 trung tâm, khởi tố hơn 300 người để điều tra về các hành vi “Giả mạo trong công tác, Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Bước đầu, nhà chức trách ước tính có hàng trăm nghìn giấy chứng nhận kiểm định đã được cấp sai quy định. Số tiền các bị can hưởng lợi chưa được thống kê đầy đủ, song có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Bảo Khánh
Công an TP.HCM: ‘Điện thoại Trung Quốc tự động gửi thông tin người dùng về Trung Quốc’
Công an TP.HCM phát hiện điện thoại thông minh từ thương hiệu của nhà sản xuất Trung Quốc tự động gửi thông tin cá nhân người dùng cho các nhà mạng tại Trung Quốc.
Thông tin trên được Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tại buổi họp kinh tế – xã hội TP ngày 3/3.
Nói thêm về lĩnh vực an toàn thông tin, theo ông Nam, ứng dụng ChatGPT được dư luận nhắc tới nhiều thời gian qua, trong quá trình sử dụng tiềm ẩn nguy cơ có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. “Đây là vấn đề rất mới”, theo ông Nam.
Về lĩnh vực an toàn xã hội, ông Nam cho biết trong tháng 2, TP ghi nhận 281 vụ vi phạm trật tự xã hội, làm chết 6 người, bị thương 29 người, tài sản thiệt hại ước tính 3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, thành phố tăng thêm 72 vụ.
Công an thành phố phát hiện 182/281 vụ, bắt 358 người trong các băng, ổ nhóm tội phạm nguy hiểm; 299 vụ với 175 người liên quan đến tội phạm kinh tế.
Cũng trong tháng 2, các lực lượng phát hiện 140 vụ với 318 người, thu trên 35kg ma túy các loại.
Một công bố nghiên cứu được đứng tên bởi 3 tác giả từ 2 trường đại học ở Anh quốc và Ireland: Haoyu Liu (University of Edinburgh), Douglas Leith (Trinity College Dublin), và Paul Patras (University of Edinburgh) hồi tháng 2/2023 cho thấy “điện thoại Trung Quốc đã cài sẵn các chương trình lén thu thập thông tin mà không hề báo trước cho người sử dụng”.
Nhóm đã tiến hành kiểm tra với các nhà mạng khác nhau, với các địa phương khác nhau gồm cả ở ngoài Trung Quốc, hoặc thậm chí cả khi không có SIM, thì phát hiện rằng các chương trình đó cố gắng gửi đi những thông tin nhạy cảm của người sử dụng điện thoại trong tình huống không báo trước cho người dùng được biết.
Điện thoại “gửi một lượng Thông tin nhận dạng cá nhân (PII) đáng lo ngại không chỉ cho nhà cung cấp thiết bị mà còn cho các nhà cung cấp dịch vụ như Baidu và các nhà khai thác mạng di động Trung Quốc”.
Báo cáo viết “Số liệu mà chúng tôi quan sát được đang được truyền đi bao gồm số nhận dạng thiết bị cố định (IMEI, địa chỉ MAC, v.v.), số nhận dạng vị trí (tọa độ GPS, ID mạng di động…), hồ sơ người dùng (số điện thoại, kiểu sử dụng ứng dụng, phép đo từ xa của ứng dụng), và các kết nối xã hội (lịch sử cuộc gọi/SMS/thời gian, số điện thoại liên lạc…)”.
“Kết hợp lại, thông tin này đặt ra những rủi ro nghiêm trọng về việc người dùng bị lộ danh tính và bị theo dõi rộng rãi, đặc biệt là vì ở Trung Quốc, mọi số điện thoại đều được đăng ký theo ID công dân.”
“Nhìn chung, những phát hiện của chúng tôi vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về tình trạng bảo mật số liệu người dùng trên thị trường Android lớn nhất thế giới này, và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kiểm soát quyền riêng tư chặt chẽ hơn để tăng lòng tin của người dân đối với các công ty công nghệ, nhiều công ty trong số đó thuộc sở hữu một phần của nhà nước”, các nhà nghiên cứu kết luận.
Minh Long
Vụ ĐH Bách khoa Đà Nẵng: Số tiền bị ‘rút ruột’ là 136 tỷ đồng, không phải hơn 86 tỷ
Công an TP. Đà Nẵng hiện đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ số tài sản hơn 100 tỷ đồng từ các bị can.
Ngày 3/3, Thiếu tá Nguyễn Kim Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Đà Nẵng, cho biết hiện cơ quan điều tra đã phong tỏa giao dịch, kê biên và tạm giữ số tài sản trị giá hơn 100 tỷ đồng trong vụ án tham ô xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Trong số tiền trên, có 25 tỷ đồng từ Phạm Thị Huỳnh Như (SN 1987, ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). Số tài sản còn lại được cơ quan công an kê biên, phong tỏa và tạm giữ từ các bất động sản, vàng, sổ tiết kiệm, tiền trong tài khoản của các bị can khác có liên quan.
Phạm Thị Huỳnh Như, người vừa bị khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an cho biết bị can Như đã chiếm đoạt từ Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973) – là Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng hơn 65 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã xác định tổng số tiền bị “rút ruột” mà các bị can đã thực hiện tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng là 136 tỷ đồng – vượt xa con số hơn 86 tỷ đồng theo điều tra ban đầu. Trong số tiền này có tiền lương của giảng viên, tiền học phí, học bổng của các sinh viên…
Liên quan đến vụ án, trước đó, tối ngày 9/2, Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố, bắt Hoàng Quang Huy (Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính) và Lâm Thị Hồng Tâm về hành vi Tham ô tài sản.
Ngày 23/2, cơ quan công an tiếp tục bắt, khởi tố ông Đoàn Quang Vinh (cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Đến nay, Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố tổng cộng 4 bị can.
Minh Long
Sống chung với vợ người khác, thiếu tá công an ở Bình Dương bị kỷ luật
Thiếu tá L.T.V. bị kết luận đã vi phạm quy định về Luật Hôn nhân và gia đình.
Ngày 3/3, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương (giấu tên) cho biết đơn vị đã “kỷ luật giáng chức từ đội trưởng xuống phó đội trưởng” đối với Thiếu tá L.T.V. (SN 1984), Đội trưởng Đội giám định thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương.
Ông V. đã vi phạm quy định về Luật Hôn nhân và gia đình.
Trước đó, ông T.V.T. (phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An) gửi đơn tố cáo Thiếu tá L.T.V. có hành vi quan hệ bất chính với vợ ông.
Kết quả sau khi thẩm tra, xác minh, công an tỉnh Bình Dương khẳng định đơn tố cáo của ông T.V.T. là đúng. Thiếu tá L.T.V. đã có vợ nhưng vẫn sống chung với bà N.T.H.H. như vợ chồng.
Hành vi của ông L.T.V. đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình.
Căn cứ mức độ vi phạm, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh đã kỷ luật cách chức Chi ủy viên Chi bộ cơ sở PC09 và Giám đốc Công an tỉnh đã kỷ luật ông L.T.V.
Minh Long