Phạm Vũ Hiệp
5-3-2023
Trưa ngày 4-3-2023, đồng loạt các báo quốc doanh đưa tin, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, bị đột quỵ và tử vong.
Theo báo cáo của bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở thành Hồ, cho biết, lúc 6h30 sáng 4-3-2023, nhận được tin báo từ gia đình, đơn vị cho xe đến nhà đưa ông Trần Văn Minh trong tình trạng “ngưng tim, ngưng thở” vào viện. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa ông Minh trong 3 giờ nhưng không thành công. Hồ sơ bệnh án tại bệnh viện ghi rõ “ngưng tim, ngưng thở” trước khi vào viện.
Thăng tiến và bê bối
Trần Văn Minh sinh năm 1967, quê xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông thi rớt đại học, sau đó học chuyên tu, lên tới học vị Tiến sĩ Kinh tế.
Năm 2007, Trần Văn Minh là Thanh tra viên của Thanh tra Chính phủ (TTCP) được Tổng TTCP Trần Văn Truyền bổ nhiệm chức Trưởng phòng Theo dõi chống tham nhũng. Đây là “phòng ma” vì không có trong biên chế, không có nhân viên.
Năm 2008, Trần Văn Minh được bổ nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực 3 – thuộc Thanh tra Chính phủ. Cũng thời gian này, Trần Văn Truyền cho “xoá sổ” Phòng Theo dõi Chống tham nhũng.
Ngày 14-7-2010, Trần Văn Minh được Trần Văn Truyền bổ nhiệm giữ chức “Hàm” Cục trưởng Cục 3. Điều lạ lùng là, thời điểm này Cục 3 đang có ông Võ Văn Đồng làm Cục trưởng. Ông Minh tráng men chức “Hàm” Cục trưởng được đúng 7 ngày thì vọt lên chức khác.
Ngày 21-7-2010, Tổng TTCP Trần Văn Truyền ký quyết định điều động Trần Văn Minh sang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại đây, ông Minh giữ chức Vụ trưởng Vụ Đơn thư – Tiếp đảng viên và công dân.
Trong “phi vụ”này, nội bộ đồn đoán rằng ông Truyền “ăn rất dày” để bán chức cho ông Minh. Bất bình trước vấn nạn chạy chức chạy quyền công khai của cặp Trần Văn Truyền – Trần Văn Minh, ông Lê Văn Tỵ, (tên thường gọi Năm Tỵ), hàm Phó Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thanh tra khu vực 3, đã gởi rất nhiều đơn Tố cáo đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ươmg và Ban Tổ chức Trung ương, nhưng sự việc chìm xuồng.
Ngày 14-1-2019, chán nản và mất niềm tin, ông Lê Văn Tỵ làm đơn gởi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xin ra khỏi đảng. Năm Tỵ là sĩ quan công an cấp tá, từng được Mai Chí Thọ, cựu Bộ Trưởng Bộ Công an, tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ đặc biệt. Sau vụ án Năm Cam, ông Tỵ được biệt phái sang Thanh tra Chính phủ.
Tháng 3-2014, Trần Văn Minh nằm trong danh sách 44 cán bộ được Bộ Chính trị luân chuyển, điều động về công tác tại các địa phương. Ông Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Tháng 1-2019, ông Trần Văn Minh được Thủ tướng bổ nhiệm làm Phó tổng thanh tra Chính phủ. Ông Minh được giao nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối văn hóa, xã hội; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (gồm 18 tỉnh miền Trung – Tây Nguyên). Ông Minh cũng trực tiếp phụ trách Vụ III, Cục II, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra. Xem ra, quyền lực và bỗng lộc đến với ông Minh ngút trời.
Treo cổ tự tử
Thông tin nội bộ cho hay, ông Trần Văn Minh đã treo cổ tự tử tại nhà riêng vào rạng sáng ngày 4-3-2023. Gia đình phát hiện nên cắt dây, hô hấp nhân tạo và gọi điện thoại cho bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Khi xe cấp cứu đến nơi, bác sĩ xác định ông Minh đã chết, trạng thái “ngưng tim, ngưng thở”, nhưng chìu theo ý gia đình, vẫn đưa vào bệnh viện để “còn nước, còn tát”.
Hiện nay cơ quan điều tra công an đang vào cuộc, theo hướng bịt miệng và dẫn dắt dư luận đi theo thông tin chính thống của đảng, là ông Trần Văn Minh tử vong do đột quỵ vì bệnh lý.
Tuy nhiên, thông tin rò rỉ cho hay, ông Minh đã nhận hàng chục tỷ đồng từ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các quan chức tại các tỉnh thành. Vụ việc đang bị các cơ quan nội chính của đảng soi kỹ, nên ông Minh bị dồn đến đường cùng. Ông Trần Văn Minh cùng với ông Nguyễn Văn Hùng, đều là nhóm theo phe cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, chiều ngày 21-11-2022, tại trụ sở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng đã nhảy lầu và tử vong tại chỗ. Cái chết của ông Hùng cũng được cho là bị các đồng chí của ông ta bức tử, vì liên đới đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Những năm gần đây, quan chức cấp cao của đảng và nhà nước đã thể hiện sự “dũng cảm và kiên trung” của họ. Khi bị thanh trừng vì bê bối tham nhũng, nguy cơ dẫn đến mất chức, mất quyền hoặc bị truy tố, các đảng viên cộng sản chọn cách đi về địa phủ theo Mác – Lê Nin, để không phải bị điều tra, truy tố, đối diện với án tù nhiều năm, lại còn mất sạch của cải. Họ chọn cái chết, vừa giữ được “thanh danh”, vừa giữ được của cải, để lại cho vợ, con.