Đặng Duy Hưng
Hùng luôn luôn thấy gần gũi với Kenny người bạn đồng nghiệp hơn mười năm qua. Ông ta tính tình điềm đạm hay cười nhe 3 cái răng vàng. Nhớ ngày đầu tận tình chỉ dẫn ông cách điều khiển xe buýt an toàn. Ông luôn điềm tĩnh hỏi han tất cả những gì cần thiết. Dần dần thỉnh thoảng đến nhà ông ngày chủ nhật xem trận banh cà na hào hứng.
Hùng một lần khen: “Kenny anh sống một mình mà nhà cửa đâu ra đó! Rất hân hạnh được làm quen người bạn tốt như anh!”
Ông rót rượu giọng buồn: “Tôi là người tốt chỉ do cải tà quy chính mươi mấy năm sau này thôi. Tôi thời trai trẻ một lần lầm lỡ lớn ân hận nhưng đã muộn rồi.”
Hùng ngạc nhiên: “Anh có giỡn không? Nhìn anh là biết anh là con người ngoan đạo yêu thương con cháu gần gũi bạn bè đồng nghiệp.”
Ông nhắm tý rượu: “Để tôi kể anh nghe một câu chuyện cuộc đời giống như anh vượt biên trôi nổi trên biển tìm đường đến bờ tự do.”
Tôi lớn lên mồ côi mẹ, lê la quan hệ với bạn bè băng đảng. Thời nào cũng vậy trẻ con da đen như tụi tôi lớn lên trong khu nhà ổ chuột chạy mánh để nuôi thân. Vào tù ra khám vì mấy cái tội ăn cắp vặt đánh nhau hầu như hàng tuần. Tôi giận ông Trời không công minh, xã hội không công bằng khi người bạn gái hát bài con cá chia tay với tôi. Máu tôi như nóng lên hàng giờ gây gỗ với tất cả mọi người. Và 1 đêm do ghen tuông không kềm chế tôi bắn chết người bạn trai mới của bạn gái cũ.
Ra tòa kéo dài từ tháng này qua năm sau đến khi bị kêu án 30 năm tù. Điều tôi hối hận nhất là lúc đó bạn gái cũ mới báo cho hay đang có bầu với tôi. Cô ấy bồng đứa con gái bụ bẫm xinh đẹp đến thăm. Nhìn nó sanh ra hai tháng trước ngày tôi bị kêu án mà tôi thấy ân hận. Cô thăm tôi với giọng giận dữ và đe dọa rằng tôi sẽ không có cơ hội gặp lại con gái!
Ngày đầu tiên vào nhà lao nhìn căn phòng có cửa sổ song sắt nhìn ra bức tường gạch tòa nhà bên cạnh. Tôi thật sự hối hận về những lầm lỗi phạm phải và đánh mất bổn phận người cha. Anh biết đa số người Mỹ gốc Phi châu như tôi không biết cha là ai! Vì vậy, tôi rất đau khổ khi không làm tròn trách nhiệm của bản thân mình. Nhìn quanh căn phòng nhỏ hẹp thiếu ánh sáng với cái bàn nhỏ quyển vở và bút chì, tôi thấy cuộc đời mình quá u ám.
Người bạn tù cạnh bên thấy thế khuyên nhủ tôi: “Hãy thực tập viết ý nghĩ của mình xuống nếu không có thể bị điên.”
Và đêm đầu tiên ấy tôi viết lá thư cho con gái: “Rose! Đây là Kenny ba của con. Ba thương con rất nhiều.” Chỉ vậy thôi bởi tôi chẳng biết viết gì hơn. Và ngày sau đó tôi nhờ nhà giam gửi đi giùm.
Anh có biết không? Từ ngày hôm ấy ngày nào tôi cũng viết đủ thứ. Viết về những cái xấu cái tốt câu chuyện vui buồn cuộc đời tôi. Tất cả những gì xảy ra trong ngày từ chuyện đi làm, tập thể dục hay ngồi xem phim ảnh cuối tuần. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ nhận lá thư hồi âm trong đó bút màu vẽ hình chữ không đúng chính tả. Nhưng ngày tháng năm dần dần trôi qua, trừ người luật sư làm việc vì trách nhiệm vào đưa giấy tờ cho tôi ký kháng án, chẳng có ai vào thăm hay một lá thư thăm hỏi! Nhưng rồi tôi cũng biết thêm một tý thông tin nhờ mấy đứa cùng băng đảng bị phạm pháp vào tù.
Người yêu cũ của tôi đã qua đời do hút chích quá liều. Con gái Rose về ở với bà ngoại, người đàn bà đó hận tôi là người đã đưa con gái bà vào con đường xấu. Dĩ nhiên chắc chắn là thư tôi gửi bà giấu đi không cho Rose biết. Nhưng không có lý do nào có thể làm cho tôi dừng việc viết thư cho con. Bởi đây là ngọn đèn hy vọng le lói trước gió trong ngục tù.
Rồi một ngày, tôi giật mình nghĩ lại mình đã viết hơn năm ngàn lá thư cho con. Mười lăm năm đi qua nhìn vào gương thấy tôi đã già theo ngày tháng, nhưng tình yêu với con gái dường như tăng lên theo cấp số nhân. Tôi tiếp tục viết dù không được hồi âm nhưng ít nhất cũng an vui vì lá thư không bị trả lại. Tâm tư tôi những năm tháng sau này thấy bình thản như đón chờ sự phán xét của trời cao.
Và cái ngày tôi viết lá thư số mười ngàn cũng đến. Rồi mười ngàn lẻ một, lẻ hai… Không biết tôi nên vui hay buồn khi một ngày luật sư thông báo cho tôi biết là hội đồng giám định có thể tha tôi ra sớm vào tháng sau nhờ hạnh kiểm tốt.
Tối hôm đó tôi trằn trọc ngủ không được. Viết mấy lá thư nhưng rồi cũng bỏ vào sọt rác. Cuối cùng với khuôn mặt đầy nước mắt, tôi viết lá thư sau cùng: “Rose mến, ba không biết con có hiểu sự quan trọng của con ảnh hưởng đến sự sống của ba đến mức nào không? Trong ngục tù tối tăm tàn khốc này ba cũng không chắc chắn một ngày nào đó có thể gặp lại con, nhưng những lá thư viết đi cho con dù không có hồi âm vẫn giúp ba gắng gượng vươn lên nhìn về phía trước. Ba hiểu ba không đáng để được sự tha thứ từ con nhưng ba vẫn nài nỉ xin con thứ tha. Làm ơn hồi âm cho ba biết có thể đến gặp con hay không? Nếu ba không nhận được thư trả lời từ con, ba hứa sẽ không liên lạc với con nữa và trả lại sự yên tĩnh cho con và gia đình, dù tình yêu của ba dành cho con chỉ tăng chớ không giảm. Đây là lá thư cuối cùng.
Ba.”
Và sau ba tuần chờ đợi mỏi mòn, thư hồi âm vẫn biệt tăm. Sáng hôm ấy vừa rời nhà tù nhìn cánh cửa sắt đóng lại sau lưng, tôi buồn bã bước chậm đến trạm xe buýt. Bỗng nhiên tôi giựt mình vì phía trước mặt có hình dáng cô gái trẻ nhưng khuôn mặt đó tôi vui như khóc trong lòng. Cô kéo theo một va li như người chuẩn bị đi du lịch. Cô dang tay: “Chào ba. Con là Rose của ba.”
Lần đầu tiên tôi khóc ngạc nhiên xúc động không ngờ con gái đến chờ: “Con chuẩn bị đi công tác?” Tôi hỏi.
Rose cười mở va li. Trong đó là hơn mười ngàn lá thư tôi gửi cho nó bấy lâu nay.
Hùng ngắt ngang hỏi: “Anh có hỏi con gái tại sao không hồi âm không?”
Kenny lắc đầu: “Không và tôi cũng không cần biết. Tình thương của nó lo lắng cho tôi từ chỗ cư trú đến công việc làm. Tất cả những gì tôi cần phải làm là trở thành người tốt có trách nhiệm với xã hội. Sau này tôi mới biết lúc con gái tôi đã ra trường đi làm xa, tình cờ một ngày cuối tuần nó đến thăm bà ngoại. Không biết vì lý do gì bà thố lộ hết tâm tư. Có thể bà hối hận? Hay bà tuổi già sợ nếu ra đi phạm tội với Thiên chúa?”
Vừa lúc đó có tiếng chuông cửa, Kenny khuôn mặt hớn hở ra mở cửa. Đó là gia đình chồng và hai đứa con của con gái ông. Rose lúc nào cũng vậy sau khi ôm cha đi đến choàng qua ôm Hùng trong vòng tay thân ái: “Cám ơn chú Hùng đã giúp đỡ ba tôi những năm tháng qua.”
Hùng nhìn vào đôi mắt đó chợt nhớ về người cha thân thương của mình bị đầy đoạ trong ngục tù cải tạo. Sau này Hùng mới hiểu hơn khi nghe cha tâm sự: “Trong những giây phút tối tăm đó cha luôn nghĩ đến mẹ con, người vợ trọn đời hy sinh cho gia đình, đến các con đầu óc thơ ngây nhưng tương lai bị tối mờ với chế độ mới nặng nề về lý lịch. Cha gắng gượng chịu đựng đòn thù cùng với sự nhục mạ bở những lời dơ bẩn nhất. Trong tâm trí, ba chỉ hy vọng đến một ngày đoàn tụ với gia đình.”
Nghĩ đến đây, Hùng cầm điện thoại xin phép ra ngoài bấm số: “Cha ơi! Tuần tới nếu cha đi câu cá, con có thể đi chung được không?”
Đặng Duy Hưng