Hành khách bị thất lạc hành lý ở Mỹ, mức bồi thường có thể lên đến 3.800 USD
Đối với hành khách bị thất lạc (mất) hành lý, Bộ Giao thông Vận tải của Mỹ quy định mức bồi thường thiệt hại lên tới 3.800 USD cho chặng bay nội địa và tối đa 1.700 USD cho tuyến bay quốc tế. Tuy vậy, các hãng hàng không có thể trả cao hơn mức này tùy trường hợp. Còn mới đây, một hành khách phản ánh đi từ Thái Lan về Việt Nam ở sân bay Nội Bài đã bị mất một vali, sau 2 tuần đại diện hãng đề xuất bồi thường cho vị khách này 5 USD/kg, (100USD cho 20kg vali).
Theo tờ Washington Post, mức bồi thường mà Bộ Giao thông Vận tải Mỹ quy định đối với việc hành khách bị mất hành lý khi bay nội địa là 3.800 USD (tương đương hơn 91 triệu đồng). Còn với các chặng bay quốc tế mức bồi thường tối đa là 1.700 USD. Tuy vậy, các hãng bay có thể phải bồi thường nhiều hơn tùy trường hợp mà hãng bay xét thấy cần thiết với khiếu nại của hành khách.
Theo quy định, khi hành lý của khách bị thất lạc, hãng hàng không có trách nhiệm tìm và giao lại cho khách hàng. Trong quá trình đó, hãng bay có những hỗ trợ cần thiết đối với việc trang trải chi phí do bị chậm giao hành lý gây ra cho hành khách.
Nhờ hệ thống theo dõi của các hãng hàng không, họ sẽ biết hành lý của bạn đang ở đâu và khi nào hành lý sẽ đến.
Jen Moyse, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của ứng dụng du lịch TripIt cho biết du khách nên xem lại các chính sách của hãng hàng không về việc hoàn trả phí hành lý.
Với hầu hết các hãng hàng không, hành khách đủ điều kiện để được bồi thường sau khi hành lý của họ bị mất trong hơn 24 giờ. Đó có thể là để trang trải chi phí mua quần áo hoặc đồ vệ sinh cá nhân cho chuyến đi của bạn, hoặc để bù đắp cho đồ đạc bị mất hoặc hư hỏng vĩnh viễn của bạn.
Đồng thời, hầu hết các hãng hàng không sẽ hoàn trả phí hành lý ký gửi của bạn nếu hành lý của bạn không được trả lại trong một khung thời gian nhất định.
Ngoài các hãng hàng không, bạn có thể nhận được sự trợ giúp từ công ty thẻ tín dụng của mình. Nếu bạn mua chuyến bay của mình bằng thẻ tín dụng, Lindsey Renken, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của ứng dụng du lịch Airheart, nói rằng hãy kiểm tra bằng thẻ để xem liệu họ có chính sách hành lý bị thất lạc hay không. Một số thẻ — chẳng hạn như thẻ có đặc quyền du lịch — có thể đi kèm với lợi ích đó.
Một hợp đồng bảo hiểm du lịch tiêu chuẩn nên bao gồm các vấn đề cơ bản như trộm cắp và chậm trễ mất hành lý. Hành khách có thể so sánh các chính sách để xem chính sách nào cung cấp ngưỡng cao hơn hoặc thấp hơn cho hành lý thất lạc.
Trên thực tế, John Rose, Giám đốc quản lý rủi ro của công ty quản lý du lịch ALTOUR, cho biết một trong những dịch vụ hỗ trợ được sử dụng nhiều nhất trong hợp đồng bảo hiểm du lịch là giúp hành lý bị thất lạc.
Rose nói rằng du khách nên tìm đến bảo hiểm du lịch của bên thứ 3 cho nhu cầu bảo vệ hành lý của họ. Các công ty bảo hiểm lớn có các trung tâm hỗ trợ dành riêng để giúp đỡ các chủ hợp đồng. Hành khách sẽ không phải đối mặt với thời gian chờ đợi lâu để được trợ giúp qua điện thoại như khi bạn gọi cho hãng hàng không vào những ngày này.
Gần đây, một vị hành khách tên N.N.K phản ánh việc mất hành lý là một vali khi đi từ sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào hôm 17/2 của hãng Vietravel Airlines khai thác.
Ngay lập tức, anh N.N.K đã đến bộ phận Lost & Found (quầy thất lạc hành lý) trình báo và đề nghị bộ phận này tìm lại hành lý nghi ngờ bị mất.
Tuy vậy, đến ngày 28/2, vị hành khách mới nhận được phản hồi từ đại diện hãng Vietravel Airlines và biết rằng hành lý “có thể đã bị mất” và được thông báo chính sách đền bù của hãng là 5 USD/kg. Với cân nặng 20kg hành lý thì anh N.N.K được bồi thường 100 USD.
Anh N.N.K cho rằng số tiền này không thỏa đáng khi số tiền để mua vali đã hơn con số trên (chưa kể đồ đạc bên trong). Bên cạnh đó, anh mong muốn hãng giải thích rõ lý do bị mất vali ở khâu nào và vì sao bị mất.
Liên quan đến vấn đề này, hôm 1/3, Vietravel Airlines cho biết đại diện hãng bay và các bộ phận liên quan đã tiến hành kiểm tra và rà soát lại toàn bộ quá trình vận chuyển hành lý ký gửi từ sân bay Suvarnabhumi – sân bay Nội Bài, các thông tin về tình trạng tìm kiếm hành lý thất lạc được nhân viên phụ trách Lost & Found cập nhật trực tiếp cho hành khách qua điện thoại theo đúng quy trình từ ngày 17/2/2023, Dân Trí đưa tin.
Theo Vietravel Airlines, hãng đã trao đổi với hành khách tại thời điểm xảy ra vụ việc, nhân viên đại diện hãng đã ghi nhận và đề xuất về mức bồi thường thiện chí ngay lập tức là 5 USD/kg, tương ứng 120.000 VND/kg.
Bên cạnh đó, theo điều lệ vận chuyển và chính sách dịch vụ của hãng, Vietravel Airlines có trách nhiệm với hành lý của hành khách thất lạc do hãng phục vụ, trong trường hợp sau 21 ngày tính từ ngày thực hiện chuyến bay, mức bồi thường thiệt hại là 20 USD/kg.
Vietravel Airlines đã cáo lỗi với hành khách về sự cố thất lạc hành lý, đồng thời làm việc với các đơn vị liên quan đề tìm kiếm nhằm nhanh chóng trao trả lại nếu tìm thấy.
Được biết, vào tháng 8/2022, Tổng công ty Cảng hàng không ACV đã thống nhất với các hãng hàng không Việt Nam về việc bỏ thủ tục kiểm tra thẻ hành lý khi ra khỏi nhà ga nội địa. Kể từ đó đến nay cũng xuất hiện không ít vụ việc khách phàn nàn về việc mất, thất lạc hành lý tại sân bay.
Tuấn Minh (t/h)
Thái Lan công bố chi phí 3 năm ứng phó với đại dịch COVID-19
Hôm 5/3 vừa qua, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này đã chi tổng cộng 444 tỷ BAHT (12,8 tỷ USD) cho y tế công trong 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19, dành cho các biện pháp nhằm ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng cho người dân, theo tờ Bloomberg.
Trích dẫn một báo cáo nội bộ, Bộ Y tế Thái Lan cho biết chi phí xét nghiệm và điều trị cho những người mắc COVID-19 chiếm hơn một nửa tổng chi tiêu là 260 tỷ BAHT, trong khi chi phí mua sắm và phân phối vắc-xin ước tính khoảng 78 tỷ BAHT. Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết Chính phủ Thái Lan đã chi 57,5 tỷ BAHT để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng và động viên nhân viên y tế trong 3 năm đại dịch COVID-19.
Chính phủ Thái Lan đã chi trả chi phí điều trị và tiêm phòng cho mọi công dân từ năm 2020-2022, với phần lớn kinh phí đến từ ngân sách hằng năm. Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á cũng vay 1.500 tỷ BAHT để kích thích kinh tế và trang trải một phần chi phí cho các dịch vụ y tế công cộng khẩn cấp.
Thái Lan là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc báo cáo có ca mắc COVID-19. Nước này đã thành công trong việc ngăn chặn virus lây lan trong giai đoạn đầu với việc phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới, trước khi làn sóng lây nhiễm càn quét cả nước trong đợt bùng phát của các biến thể Delta và Omicron. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 25/2, Thái Lan ghi nhận 4,7 triệu ca mắc COVID-19 và 33.911 trường hợp tử vong.
Phan Anh
Mỹ hạn chế đầu tư vào Trung Quốc nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ của ĐCSTQ
Thứ Bảy (ngày 4/3), Bloomberg News đưa tin, một nguồn tin cho biết chính quyền Biden sắp hoàn thành một lệnh hành pháp, hạn chế công ty Hoa Kỳ đầu tư vào một số lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, gồm các công nghệ tiên tiến có thể tăng cường sức mạnh quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và khả năng tình báo.
Theo một báo cáo của quốc hội mà Bloomberg có được, dự án này hiện đang ở giai đoạn hoàn tất. Tổng thống Biden chuẩn bị yêu cầu tài trợ cho lệnh này trong ngân sách ngày 9/3 cho năm tài khóa 2024.
Thứ Sáu ngày 3/3, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã trình bày báo cáo trước các nhà lập pháp tại Quốc hội. Báo cáo cho biết, họ đang xem xét việc thiết lập một hệ thống quy định mới, nhằm giải quyết các vấn đề có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia, chủ yếu nhắm vào hoạt động đầu tư của Mỹ về công nghệ tiên tiến ở nước ngoài. Wall Street Journal đã xem một bản sao của báo cáo.
Mặc dù báo cáo không xác định các lĩnh vực công nghệ cụ thể được coi là rủi ro, nhưng cho biết các lĩnh vực có thể tăng cường khả năng quân sự của đối thủ là trọng tâm của quy định này.
Wall Street Journal báo cáo tin này sớm nhất. Báo cáo trích dẫn nguồn tin cho biết, các lĩnh vực dự kiến sẽ bao gồm chất bán dẫn tiên tiến, điện toán lượng tử và một số dạng trí tuệ nhân tạo, đồng thời có thể cấm đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm trong các lĩnh vực liên quan.
Ví dụ, quan chức Hoa Kỳ muốn ngăn các nhà đầu tư Hoa Kỳ cung cấp vốn và chuyên môn cho các công ty Trung Quốc, giúp Bắc Kinh cải thiện tốc độ và độ chính xác của việc ra quyết định quân sự.
Bloomberg báo cáo rằng quy tắc mới sẽ được bổ sung vào bộ công cụ của chính phủ, nhằm giải quyết những lo ngại về sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, như kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến, và hướng dẫn mới để sàng lọc đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Khi xây dựng chính sách, các quan chức đã phát hiện ra rằng đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc thường đi kèm với những lợi ích vô hình, như quản lý và chuyên môn kỹ thuật, có thể giúp các công ty Trung Quốc phát triển nhanh chóng, báo cáo cho biết.
Các hạn chế mới được thiết kế để không khuyến khích đầu tư vào các dự án có ứng dụng an ninh quốc gia rõ ràng, bao gồm trí tuệ nhân tạo và công nghệ phá mã.
Đến nay, các công ty Hoa Kỳ chưa bị Chính phủ Hoa Kỳ hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Một số công ty Hoa Kỳ đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc đang phát triển công nghệ cho các ứng dụng quân sự, như khả năng siêu máy tính tối tân.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, các quy định mới sẽ tập trung vào việc “ngăn chặn việc sử dụng vốn và chuyên môn của Mỹ theo cách đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta, đồng thời không tạo gánh nặng quá mức cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ”.
Báo cáo cũng không nêu rõ quốc gia nào sẽ phải tuân theo quy định mới này. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, họ mong đợi công việc của chính quyền Biden đối với quy tắc mới sẽ thực sự giải quyết chủ yếu cho khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Trong báo cáo, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại cho biết, họ dự kiến sẽ hoàn thiện chính sách trong tương lai gần. Cả hai bộ cho biết, họ dự kiến sẽ tìm kiếm các nguồn lực bổ sung cho quy tắc này trong ngân sách Nhà Trắng được công bố vào tuần tới.
Theo báo cáo, đề xuất ngân sách tổng thống năm 2024 của chính quyền Biden có kế hoạch cung cấp thêm nguồn lực cho các quy định mới, với chi phí hành chính ước tính khoảng 10 triệu USD trong năm tài chính 2023.
Các quy tắc mới cũng sẽ được chưng cầu ý kiến công khai. Bộ Tài chính sẽ thực hiện kế hoạch với sự tham vấn của Bộ Thương mại.
Các quy tắc điều chỉnh đầu tư của Hoa Kỳ ra nước ngoài sẽ là một bước mới, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính quyền Biden, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh phát triển những công nghệ có thể gây rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với thiết bị sản xuất chip và chất bán dẫn tiên tiến, nhằm làm chậm sự phát triển quân sự của Trung Quốc.
Ngày 16/2, truyền thông Trung Quốc Đại Lục “TMTPOST” đã đăng bài viết chỉ ra, theo dữ liệu của nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp Trung Quốc “Qichacha” (qcc.com), tổng cộng 5.746 công ty liên quan đến chip ở Trung Quốc đã bị thu hồi hoặc hủy đăng ký giấy phép vào năm ngoái, tăng mạnh 68% từ 3.420 vào năm 2021.
Vào tháng Một, Bloomberg đưa tin rằng Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan nhằm hạn chế xuất khẩu máy móc sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Chính phủ Mỹ nói rằng Mỹ và các đồng minh phải ngăn chặn Bắc Kinh mua công nghệ có thể đe dọa an ninh toàn cầu.
Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin cho biết, vài tháng nay, chính quyền Biden đã thiết lập một lệnh hành pháp về các quy tắc đầu tư mới. Tuy nhiên, việc thiết lập phạm vi cho các biện pháp kiểm soát tiềm năng mới là một thách thức. Giới chức đang cân nhắc các chi tiết cụ thể về cách các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các quy tắc mới.
Các quan chức chính quyền Biden đã liên minh với các nền dân chủ tiên tiến trong Nhóm G7, kêu gọi sự ủng hộ cho khái niệm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. G7 sẽ tổ chức một loạt cuộc họp cấp cao vào tháng 5, có thể các quốc gia thành viên sẽ tán thành đề xuất này.
Một quan chức EU cho biết, các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về việc kiềm chế đầu tư của Hoa Kỳ ở nước ngoài đang diễn ra. Mặc dù quan chức này cho biết, EU kém xa Hoa Kỳ trong việc phát triển các kế hoạch cho các khoản đầu tư như vậy.
Bình Minh (t/h)
Thủ tướng Đức cảnh báo sẽ có “hậu quả” nếu Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng sẽ có “hậu quả” nếu Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, nhưng ông khá lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ kiềm chế làm như vậy.
Bình luận của ông Scholz được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng hôm Chủ nhật (5/3), hai ngày sau khi ông gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington.
Các quan chức Mỹ gần đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể bắt đầu cung cấp vũ khí và đạn dược cho Moscow. Trước chuyến đi của mình, ông Scholz đã kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế gửi vũ khí và thay vào đó sử dụng ảnh hưởng của mình để ép Nga rút quân khỏi Ukraine.
Khi được CNN hỏi liệu ông có thể hình dung việc trừng phạt Trung Quốc nếu nước này hỗ trợ Nga hay không, ông Scholz trả lời: “Tôi nghĩ điều đó sẽ dẫn đến hậu quả, nhưng chúng tôi đang ở giai đoạn nói rõ rằng điều này không nên xảy ra và tôi tương đối lạc quan rằng chúng tôi sẽ thành công với yêu cầu của mình trong trường hợp này, nhưng chúng tôi sẽ phải xem xét (nó) và chúng tôi phải rất, rất thận trọng.”
Đức có nền kinh tế lớn nhất châu Âu và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong những năm gần đây.
Trở lại Đức vào Chủ nhật, ông Scholz đã được hỏi sau khi Nội các của ông gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen liệu ông có nhận được bằng chứng cụ thể từ Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đang xem xét chuyển giao vũ khí hay không và liệu ông có ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với Bắc Kinh nếu nước này giúp cung cấp vũ khí cho Nga hay không.
“Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng không được chuyển giao vũ khí, và chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ không chuyển giao bất kỳ thứ gì,” Thủ tướng trả lời. “Đó là những gì chúng tôi đang yêu cầu và chúng tôi đang theo dõi nó.”
Bà Von der Leyen nói rằng “chúng ta không có bằng chứng cho điều này cho đến nay, nhưng chúng ta phải quan sát nó hàng ngày”.
Bà nói rằng liệu Liên minh châu Âu có trừng phạt Trung Quốc vì viện trợ quân sự cho Nga hay không “là một câu hỏi giả định chỉ có thể trả lời nếu nó trở thành hiện thực”.
Nhật Minh (theo AP)