Tin VN trưa thứ Tư: Cựu TGĐ Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cùng hàng loạt lãnh đạo công ty bị truy tố

Cựu TGĐ Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cùng hàng loạt lãnh đạo công ty bị truy tố

Ông Chu Tiến Dũng, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Cựu TGĐ Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn cùng hàng loạt lãnh đạo công ty bị truy tố với cáo buộc gây thất thoát 22 tỷ đồng.

Ngày 7/3, truyền thông trong nước đưa tin Viện KSND Tối cao cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với 10 bị can nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

10 bị can gồm các ông, bà:

– Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS);
– Nguyễn Hoàng Hoa (cựu Chủ tịch HĐTV CNS);
– Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chủ tịch HĐTV CNS);
– Đỗ Văn Ngà (cựu kế toán trưởng CNS);
– Lê Viết Ba (cựu Phó phòng tài chính – kế toán CNS);
– Vũ Lê Tùng (cựu Phó Tổng giám đốc CNS);
– Huỳnh Tấn Tư (cựu Phó Tổng giám đốc CNS);
– Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh văn phòng CNS);
– Phạm Thúy Oanh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP TIE – công ty con của CNS);
– Hoàng Minh Trí (cựu thành viên HĐQT TIE, Phó Giám đốc Công ty Phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS)

Theo kết luận điều tra, ngày 15/1/2019, Cục An ninh kinh tế – Bộ Công an tiếp nhận đơn tố cáo đề ngày 21/9/2018 của tập thể cán bộ, công nhân viên CNS tố cáo ông Chu Tiến Dũng (cựu Tổng Giám đốc CNS) có một số hành vi vi phạm pháp luật.

Nội dung tố cáo ông Dũng gồm 6 vấn đề gồm:

– Rút tiền từ quỹ khen thưởng người lao động, với số tiền 21,8 tỷ đồng;
– Chỉ đạo thoái vốn của CNS tại Sagel và TIE, gây thiệt hại tài sản nhà nước 1,7 tỷ đồng;
– Thông qua việc góp vốn hợp tác đầu tư kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH TM-DV Hoa Mai bằng quyền sử dụng đất được định giá thấp hơn so với giá trị thị trường, gây thiệt hại 1.461,6 tỷ đồng;
– Rút tiền của công ty thông qua thanh toán bằng thẻ tín dụng, số tiền 1,2 tỷ đồng;
– Sử dụng tiền của công ty để chi cho mục đích cá nhân được hợp thức dưới danh nghĩa đi công tác nước ngoài với số tiền 1 tỷ đồng;
– Rút tiền 3,6 tỷ đồng thông qua việc yêu cầu CNS mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động trái quy định Nhà nước để nhận tiền “chăm sóc khách hàng” từ công ty bảo hiểm

Ngày 27/7/2020 và 13/10/2020, Thanh tra TP.HCM chuyển kết luận thanh tra đối với CNS và hồ sơ, tài liệu kèm theo cho Cục An ninh kinh tế để tiếp tục điều tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại CNS.

Ngày 26/1/2021, Cục An ninh kinh tế khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đồng thời chuyển vụ án đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để tiếp tục điều tra.

Sau khi điều tra, cơ quan công an xác định bị can Dũng và đồng phạm đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng CNS, gây thất thoát 17,3 tỷ đồng; thực hiện thoái vốn của CNS tại Công ty TIE trái quy định, gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng.

Quá trình điều tra vụ án sai phạm xảy ra tại CNS, cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền 26 tỷ đồng của một số bị can và người liên quan trong vụ án.

Khánh Vy

Mắc bẫy ‘thầy giáo’ báo tin con cấp cứu, có phụ huynh bị lừa 200 triệu đồng

Bệnh viện Chợ Rẫy liên tiếp nhận được thông tin về việc phụ huynh bị lừa đảo chuyển tiền tạm ứng viện phí. (Ảnh: Hoang Tran/Google Maps)

Mấy ngày vừa qua, bằng thủ đoạn gọi điện cho phụ huynh báo tin con nhập viện vì bị chấn thương sọ não cần tiền mổ gấp, đề nghị phụ huynh chuyển gấp tiền để đóng viện phí, nhiều phụ huynh tại TP.HCM đã bị lừa hàng trăm triệu đồng.

Sáng ngày 6/3, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 5 phụ huynh báo có nhận cuộc gọi nói con nhập viện cấp cứu. Trong đó, có 3 người đã chuyển cho số tài khoản lạ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử như trường hợp gia đình anh N.Đ.N (ngụ tại quận Tân Bình, có con đang theo học tại trường Quốc tế Canada) đã vội vã chuyển đến người tự xưng là “thầy giáo” số tiền 200 triệu đồng để “thầy” đóng tiền phẫu thuật gấp cho con vì nhận được tin bé bị chấn thương sọ não phải nhập viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện anh mới biết mình đã bị lừa.

Ba ngày trước đó, Bệnh viện này cũng tiếp nhận 3 phụ huynh có con học Trường Quốc tế Việt Úc (TP.HCM) đến viện tìm con vì nhận được cuộc gọi của người lạ thông báo con nhập Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, đề nghị chuyển gấp tiền đóng viện phí. Trong đó, 2 phụ huynh đã chuyển tiền cho người lạ, phụ huynh còn lại đến viện tìm con, chưa chuyển tiền.

Từ Bệnh viện Chợ Rẫy, những kẻ lừa đảo đã chuyển hướng sang Bệnh viện 115 (quận 10) cũng với thủ đoạn như trên. Nhiều phụ huynh đã có cảnh giác nên không mắc bẫy.

Nói chung, kẻ lừa đảo có cùng một kịch bản với nhiều phụ huynh, tự xưng là giáo viên, báo con của họ nhập viện cấp cứu, đề nghị chuyển tiền gấp để phẫu thuật cho con. Vì lo lắng cho con, nhiều phụ huynh đã không kiểm tra, xác minh thông tin, chuyển ngay hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo. Khi chuyển khoản xong, đến bệnh viện tìm con, những phụ huynh này mới biết mình bị lừa.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM – ông Hồ Tấn Minh cho biết trước các thông tin này, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, phải liên lạc xác minh với nhà trường. Nếu chẳng may, có trường hợp con nhập viện cấp cứu, bệnh viện sẽ có trách nhiệm thông báo trực tiếp với phụ huynh học sinh

Ông Minh cũng cảnh báo phụ huynh cần hết sức thận trọng, cảnh giác khi chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tránh để đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo.

Trước tình trạng trên, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi phòng GD&ĐT TP. Thủ Đức và các quận, huyện, hiệu trưởng các trường học và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc về yêu cầu rà soát, chấn chỉnh việc truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu tất cả các trường học ở thành phố phải kiểm tra, rà soát lại số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cung cấp đến phụ huynh học sinh, đăng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, đảm bảo sự được sự kết nối, liên lạc thông tin.

Đồng thời, các trường phải luôn có người túc trực đường dây nóng để phụ huynh liên hệ khi cần thiết.

Nhiều trường học trên ở thành phố đã gửi thông tin cảnh báo đến phụ huynh học sinh về tình trạng lừa đảo đang diễn ra.
Bệnh viện cũng đã báo cơ quan công an về vụ lừa đảo, đồng thời cũng khuyến cáo phụ huynh, nếu gặp trường hợp tương tự, phụ huynh liên hệ tổng đài bệnh viện 028 3855 4137, nhấn phím 0, báo tổng đài viên kết nối đến khoa – phòng điều trị có liên quan để xác nhận thông tin người nhà nằm viện, các khoản viện phí nếu có, số tài khoản thanh toán của bệnh viện trước khi chuyển khoản.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc.

Thạch Lam

Công an khám xét trụ sở Công ty F88 ở TP.HCM

Công an khám xét trụ sở Công ty F88 ở TP.HCM. (Ảnh: VnExpress/Tuổi Trẻ).

Sáng 6/3, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM, Công an quận Gò Vấp khám xét khẩn cấp văn phòng Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Một nguồn tin cho biết F88 bị nghi ngờ thông qua hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản. Việc khám xét nhằm phục vụ công tác điều tra về hành vi trên.

Theo ghi nhận, trụ sở F88 được đặt tại tầng 8 của tòa nhà văn phòng trên đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp. 

F88 thành lập năm 2013, cho vay bằng hình thức thế chấp ô tô, xe máy, điện thoại, laptop…

Thời gian gần đây, Bộ Công an và công an các tỉnh thành liên tục triệt phá các đường dây thu hồi nợ kiểu xã hội đen và chiếm đoạt tài sản. 

Bước đầu, cơ quan chức năng cho rằng hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm vu khống, khủng bố, đe dọa buộc trả tiền.

Hội An

Related posts