Trân Văn
10-3-2023
Có nhiều bằng chứng cho thấy công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam không phải vì cần như thế. Bởi chống tham nhũng là vì… gì đó nên các viên chức, kể cả viên chức cao cấp sa lưới có lẽ là do… gì đó thành ra những viên chức còn lại vẫn thế, vẫn như… “ngựa quen đường cũ”…
***
Nếu không có gì thay đổi thì đầu buổi chiểu ngày chủ nhật sắp tới (12/3/2023), những người Việt cư trú ở Ba Lan sẽ biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan để phản đối lạm thu, cung cách làm việc vô trách nhiệm, trịch thượng của các nhân viên ngoại giao Việt Nam tại Ba Lan đối với đồng bào của họ. Chính quyền thành phố Warsaw (thủ đô Ba Lan) đã được thông báo về cuộc biểu tình này và đã đồng ý…
Ý tưởng biểu tình nảy sinh trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan sau khi ông Nguyễn Thiện Dương kể chuyện làm khai sinh và hộ chiếu Việt Nam cho con trai trong group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan vào ngày 27/2/2023. Theo lời ông Dương. tuy ở rất xa lại đang lâm trọng bệnh nhưng không thể để con trai thiếu giấy tờ tùy thân nên ông phải ráng đến Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan.
Lần đầu, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan đòi ông Dương phải cung cấp Giấy khai sinh Ba Lan loại có… hai mặt. Ông Dương đành quay về xin đúng loại giấy này! Lần sau, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan đòi ông Dương phải cung cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn (GCN ĐKKH)…
Vợ chồng ông Dương cưới năm 2009 nhưng không có GCN ĐKKH vì hồi đó, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan đòi họ phải có Giấy Chứng nhận độc thân (GCN ĐT). Khi họ nhờ thân nhân ở Việt Nam xin giúp GCN ĐT thì chính quyền địa phương không chịu cấp với lý do đương sự khiếm diện… Lẽ ra cả hai vẫn có thể được Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan cấp GCN ĐKKH mà không cần GCN ĐT từ Việt Nam nếu như họ có 4.000 Zl (Zloty – đơn vị tiền tệ Ba Lan, nếu qui đổi Zl sang USD theo tỉ giá hiện nay thì khoản tiền này vẫn rất cao ~ hơn 900 Mỹ kim) để trả thù lao cho những người làm “dịch vụ” làm thay nhưng họ lại… quá nghèo! Cuối cùng, họ quyết định không làm GCN ĐKKH nữa bởi họ nghĩ, loại giấy ấy thường chỉ dùng để phân chia tài sản nếu ly hôn mà họ có ly hôn thì cũng chẳng có tài sản để chia.
Rồi vợ chồng ông Dương có con. Cách nay tám năm, lúc làm khai sinh và hộ chiếu Việt Nam cho con gái đầu lòng, bởi thiếu GCN ĐKKH, ông đành phải giao cho “dịch vụ”. Giờ, khi có đứa con thứ hai, do vẫn còn khó khăn về tài chính nên ông Dương quyết định tự làm. Ông tin, “dịch vụ” có thể làm khai sinh và hộ chiếu cho con gái mà không cần GCN ĐKKH thì ông cũng có thể tự làm khai sinh và hộ chiếu cho con trai. Không dè ông đến Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan ba lần mà vẫn bị đuổi về… Cũng vì vậy, ông lại phải cậy “dịch vụ”. Lúc đầu, một người làm “dịch vụ” nhận hồ sơ của ông Dương với giá 2.400 Zl (khoảng 542 Mỹ kim) nhưng mười ngày sau, “dịch vụ” này cho biết, trường hợp của ông phải trả 3.200 Zl (khoảng 723 Mỹ kim). Không kham nổi giá đó, ông Dương tìm nơi khác và nhu cầu của ông được giải quyết với giá 2500 Zl (khoảng 564 Mỹ kim).
Tuy chuyện đã xong nhưng ông Dương không cam tâm tiếp tục nhẫn nhịn, chịu đựng như đã từng. Ông tiếp tục đến Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan để hỏi thăm và nhận ra “đa số đồng bào ta đều bị như vậy”. Ông kêu gọi mọi người cùng ông “mạnh dạn tố cáo vì tương lai con em chúng ta” (1)…
***
Trường hợp của ông Dương giống như giọt nước làm tràn ly. Nhiều thành viên trong group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan hưởng ứng vì tin rằng đã đến lúc cần phải làm gì đó. Một số người đề nghị bảo rằng nhũng nhiễu trên đất Ba Lan đối với những người đang cư trú hợp pháp trên đất Ba Lan là vi phạm luật pháp Ba Lan cho nên cần thông báo cho cảnh sát Ba Lan, hy vọng họ sẽ điều tra… Một số người khác thì đề nghị nên tập hợp thông tin chuyển cho báo giới Ba Lan… Đa số tin rằng cần tổ chức biểu tình…
Ngày 1/3/2023, ông Dương tiếp tục kể thêm, rằng hai ngày vừa qua có rất nhiều người – cả nhân viên ngoại giao Việt Nam lẫn những người làm “dịch vụ” cho người Việt ở Ba Lan có nhu cầu về giấy tờ từ Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan – gọi điện thoại cho ông, đề nghị gặp ông để trao đổi. thậm chí người đã nhận của ông Dương 2.500 Zl còn đề nghị hoàn lại tiền và mong ông gỡ status đã đưa lên group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan nhưng ông Dương từ chối (2)…
Sau đó thì tổ chức có tên là Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đột nhiên loan báo: Tổ chức này đã đề nghị và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã đồng ý tổ chức một buổi đối thoại vào lúc 15:00 ngày 4/3/2023 tại trụ sở của sứ quán sau khi “trên mạng xã hội diễn ra sự việc gây nhiều bức xúc trong cộng đồng về việc lạm thu dịch vụ cũng như cách hành xử của cán bộ lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đối với bà con trong cộng đồng”.
Bởi không tin vào thành tâm, thiện ý của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan – tổ chức song hành với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan nên nhiều thành viên trong group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan đã đề nghị một số người cụ thể tham gia cuộc đối thoại này và tường thuật công khai diễn biến cuộc đối thoại (3). Kết quả, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đưa ra một thông báo khác, cho biết “hoãn cuộc đối thoại đã thông báo vì số người đăng ký tham dự cuộc gặp gỡ với Đại sứ quán Việt Nam ngày mai không nhiều” (4)…
Tin mới nhất từ Hội Người Việt Nam tại Ba Lan là Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cử một “Đoàn công tác” sang Ba Lan và ủy nhiệm cho tổ chức này “mời những cá nhân có ý kiến đóng góp, khiếu nại trong việc giải quyết các thủ tục lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tới dự buổi gặp gỡ, trao đổi với Đoàn” vào lúc 15:00 thứ bảy 11/3/2023 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan (5).
Chưa rõ “Đoàn công tác” có hóa giải được sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 12/3/2023 hay không nhưng trước mắt, group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan đã cử ba đại diện tham dự cuộc họp bị giới hạn số khách ở con số 25 người này. Theo giới thiệu trên trang facebook của group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan, các thành viên đại diện cho group sẽ công bố một số yêu cầu cụ thể đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan: a/ Tạo địa chỉ email hoặc đường dây nóng để mọi người có thể khiếu nại khi cần và xác định thời hạn trả lời cho các khiếu nại. b/ Thỏa mãn nhu cầu thanh toán phí lãnh sự thông qua tài khoản ngân hàng đối với những người muốn chọn phương thức thanh toán này. c/ Xác lập cơ chế làm việc thông qua các “dịch vụ”. d/ Tổ chức thêm một buổi làm việc trực tiếp giữa lãnh sự với toàn thể cộng đồng, tập trung vào những vấn đề vừa qua gây khúc mắc và giải đáp các vấn đề liên quan về thủ tục (6).
Các yêu cầu của group Ugawa – Người Việt ở Ba Lan đối với cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Ba Lan vốn là chuyện mà những cơ quan công quyền của nhiều quốc gia đã và đang thực hiện như lẽ đương nhiên. Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc, trong đó có Ba Lan tìm đủ cách để né tránh? Ai cũng biết đáp ứng những yêu cầu ấy sẽ giảm bớt nhũng nhiễu. Vì sao Bộ Ngoại giao không buộc các cơ quan ngoại giao ở Việt Nam phải làm như thiên hạ? Tại sao vụ án “giải cứu” vẫn còn nóng mà các nhân viên ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc không… kinh? Chỉ có một lý do mà không cần ngẫm kỹ cũng biết câu trả lời. Thế thôi!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6082047555215576/
(2) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/user/100005347380243/
(3) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6096464410440557/
(4) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/permalink/6094461647307500/
(5) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6115878375165827/
(6) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6116307461789585/