Tác giả Tom Ozimek
Các tài liệu cho thấy Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bán số cổ phiếu trị giá 3.6 triệu USD của công ty mẹ của tổ chức tài chính hiện đã phá sản này vài tuần trước khi nó sụp đổ — vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ năm 2008 khiến thị trường phải rùng mình lo lắng.
Hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cho thấy ông Greg Becker, người đã gia nhập SVB với tư cách là một nhân viên cho vay ba thập niên trước khi trở thành Giám đốc điều hành khoảng một thập niên sau đó, đã bán 12,451 cổ phiếu của công ty mẹ Tập đoàn Tài chính SVB của ngân hàng này hôm 27/02.
Ông Becker đã bán số cổ phiếu trên theo một kế hoạch giao dịch được đệ trình hôm 26/01, chỉ hơn một tháng trước khi ngân hàng này gửi thư cho các bên liên quan (pdf) thông báo rằng họ đang tìm cách huy động vốn hơn 2 tỷ USD sau khi thua lỗ.
Một câu hỏi được gửi tới SVB ngoài giờ làm việc để hỏi liệu ông Becker có biết về kế hoạch cố gắng huy động vốn của ngân hàng hay không đã không được phản hồi ngay lập tức.
Thông báo này đã khiến cổ phiếu SVB lao dốc và khiến chúng đóng vị thế thị trường nhanh như chớp. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 60% sau thông báo trên, xóa sạch 9.4 tỷ USD giá trị thị trường và làm dấy lên lo ngại về sự lây lan.
“Ngày nay có rất nhiều lời bàn tán về khả năng căng thẳng lan rộng trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ do các trục trặc của SVB. Tóm lại ba điều về vấn đề này: Mặc dù hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nói chung là vững chắc, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi ngân hàng đều như vậy,” nhà kinh tế học Mohamed A. El-Erian cho biết trong một tweet.
SVB sụp đổ, FDIC vào cuộc
SVB đã phá sản hôm 10/03, chỉ vài ngày sau khi ngân hàng gửi thông báo về cuộc huy động vốn gấp rút. Trước đó, ngân hàng đã báo cáo khoản lỗ 1.8 tỷ USD sau khi buộc phải bán công khố phiếu để đáp ứng các nghĩa vụ tiền gửi.
Các nhà quản lý California đã ra lệnh đóng cửa ngân hàng này và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) làm bên tiếp quản.
FDIC, cơ quan có một nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản và bảo hiểm tiền gửi của họ lên tới giới hạn bảo hiểm là 250,000 USD, cho biết trong một tuyên bố rằng tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có toàn quyền tiếp cận tiền gửi được bảo hiểm của họ trước ngày 13/03.
Theo FDIC, SVB có tổng tài sản xấp xỉ 209 tỷ USD và tổng tiền gửi khoảng 175.4 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.
“Tại thời điểm đóng cửa, số tiền gửi vượt quá các mức giới hạn bảo hiểm vẫn chưa được xác định,” FDIC cho biết. “Số lượng tiền gửi không được bảo hiểm sẽ được xác định sau khi FDIC có được thông tin bổ sung từ ngân hàng và khách hàng.”
Tính đến cuối năm 2022, SVB có khoảng 89% trong số 175 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm.
FDIC cho biết họ sẽ trả cổ tức tạm ứng cho những người gửi tiền không được bảo hiểm vào một thời điểm nào đó trong tuần tới. Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ được cấp chứng chỉ nhận tiền đối với phần tiền gửi không được bảo hiểm của họ, và khi FDIC bán tài sản của SVB, những người gửi tiền có thể nhận được các khoản thanh toán bổ sung trong tương lai.
SVB là ngân hàng phá sản lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi Washington Mutual sụp đổ.
Bà Sheila Bair, người đã lãnh đạo FDIC trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng các nhà quản lý ngân hàng hiện có thể đang chuyển sự chú ý của họ sang các ngân hàng khác nơi có thể có số lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm và các khoản lỗ chưa thực hiện, hai yếu tố vốn đã góp phần gây ra thất bại nhanh chóng cho SVB.
“Những ngân hàng này có một lượng lớn tiền của người gửi không được bảo hiểm… đó sẽ là dòng tiền nóng (thường xuyên được chuyển giao giữa các tổ chức tài chính) sẽ chảy nếu có bất kỳ dấu hiệu rắc rối nào,” bà Bair cho biết.
Chuỗi sự kiện dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của SVB bao gồm việc họ bán công khố phiếu để giữ lợi thế về lãi suất trả cho người gửi tiết kiệm do dự đoán lãi suất cao hơn.
Đối mặt với lạm phát cao liên tục, Cục Dự trữ Liên bang đã nhanh chóng tăng lãi suất và các quan chức của Cục đã cảnh báo về việc thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.
Các ngân hàng Hoa Kỳ ‘nói chung trong tình trạng tài chính vững mạnh’
Vài ngày trước khi SVB phá sản, Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg đã cảnh báo các chủ ngân hàng tập trung tại Hoa Thịnh Đốn rằng các tổ chức tài chính này phải đối mặt với mức độ thua lỗ chưa thực hiện cao hơn, do việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng đã làm giảm giá trị của các chứng khoán dài hạn.
Ông Gruenberg cho biết: “Tin tốt về vấn đề này là các ngân hàng nhìn chung đang ở trong tình trạng tài chính vững mạnh… Mặt khác, các khoản lỗ chưa thực hiện làm suy yếu khả năng đáp ứng các nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai của một ngân hàng.”
Nhận xét của ông Gruenberg được đưa ra ba ngày trước khi SVB thông báo rằng họ đang tìm cách huy động vốn.
Tốc độ của vụ sụp đổ SVB đã khiến các nhà quan sát choáng váng và các thị trường bị bất ngờ, xóa sạch hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Hoa Kỳ trong hai ngày.
Một số chuyên gia cho biết bất kỳ hiệu ứng lan tỏa nào trong phần còn lại của lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ ở mức hạn chế. Một phần là do các ngân hàng lớn hơn có danh mục đầu tư và người gửi tiền đa dạng hơn SVB, vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực khởi nghiệp.
Ông David Trainer, Giám đốc điều hành của New Constructs, một công ty nghiên cứu đầu tư, cho biết: “Chúng tôi không tin rằng có rủi ro lây lan cho phần còn lại của ngành ngân hàng.”
Ông nói thêm: “Cơ sở tiền gửi từ các ngân hàng lớn đa dạng hơn nhiều so với SVB và các ngân hàng lớn đều có tình trạng tài chính tốt.”
Sự sụp đổ của SVB có thể dẫn đến những lời kêu gọi về quy định chặt chẽ hơn.
Nguyễn Lê biên dịch