Lam Giang
Một khách hàng đứng bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bị đóng cửa ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/03/2023. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Hôm thứ Hai (13/3), các cổ đông đã khởi kiện SVB Financial Group (công ty mẹ) và hai nhà lãnh đạo hàng đầu của ngân hàng SVB vì đã che giấu ảnh hưởng của lãi suất lên hoạt động của ngân hàng. Họ cho rằng ban lãnh đạo SVB không tiết lộ rằng lãi suất tăng sẽ khiến ngân hàng “đặc biệt dễ bị khách rút tiền hàng loạt”.
Đơn kiện SVB Financial Group, Giám đốc điều hành (CEO) Greg Becker và Giám đốc tài chính (CFO) Daniel Beck của ngân hàng SVB được gửi lên tòa án liên bang ở thành phố San Jose, tiểu bang California.
Tờ Reuters nhận định đây có thể là trường hợp đầu tiên trong số rất nhiều vụ kiện xoay quanh sự sụp đổ của SVB. Ngân hàng này đã bị các cơ quan quản lý tiếp quản vào ngày 10/3 sau hiện tượng đột biến rút tiền gửi của khách hàng.
Hai ngày trước đó, SVB khiến thị trường không khỏi bất ngờ khi tiết lộ khoản lỗ sau thuế 1,8 tỷ USD từ việc bán danh mục trái phiếu và SVB đã lên kế hoạch bán thêm cổ phiếu để huy động vốn khi phải chật vật đáp ứng các yêu cầu rút tiền. Điều này cho thấy SVB gặp các vấn đề về thanh khoản.
Trong phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu của SVB Financial Group – công ty mẹ của Silicon Valley Bank (SVB) – đã bốc hơi 60%.
Trước khi phá sản, ước tính SVB có 209 tỷ USD tài sản và 175,4 tỷ USD các khoản tiền gửi. Ngân hàng được coi là xương sống của Thung lũng Silicon đã sụp đổ một cách chóng vánh. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo tờ Reuters.
SBV là một trong những tổ chức chính, nơi các các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ ký gửi các khoản đầu tư được hỗ trợ bởi liên doanh. Sự sụp đổ của SBV diễn ra sau sự thất bại của thị trường tiền ảo, vốn thu hút rất nhiều doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp.
Sự sụp đổ của SVB đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lan rộng giữa các ngân hàng khác cũng phục vụ những khách hàng giàu có, bao gồm các startup công nghệ và công ty nhận được vốn đầu tư mạo hiểm. Các ngân hàng khu vực lớn cũng có khả năng chịu chung số phận.
Trong đơn kiện hôm 13/3, ông Chandra Vanipenta đại diện các cổ đông cáo buộc rằng SVB đã không tiết lộ mức tăng của lãi suất sẽ làm suy yếu mô hình kinh doanh đến đâu, và khiến cho SVB chịu ảnh hưởng nặng nề hơn những ngân hàng phục vụ những nhóm khách hàng khác.
Đơn kiện đòi một khoản bồi thường chưa xác định cho các cổ đông mua cổ phiếu SVB từ ngày 16/6/2021 đến 10/3/2023.
Theo tờ Forbes, các nguyên đơn lập luận rằng công ty mẹ của SVB đã liên tục đưa ra các báo cáo, nhấn mạnh rằng chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không phải điều đáng ngại với ngân hàng. Qua đó, các giám đốc và SVB đã thổi phồng giá cổ phiếu “một cách giả tạo”.
Đơn kiện viết: “Nếu các nguyên đơn và các thành viên khác của vụ kiện tập thể này biết được rằng giá thị trường của cổ phiếu SVB đã bị thổi phồng một cách giả tạo và sai sự thật bởi chính công ty này và các nhà lãnh đạo… thì chúng tôi đã không mua cổ phiếu của SVB ở mức giá giả tạo đó, hoặc hoàn toàn không mua số cổ phiếu này”.
Cũng trong hôm 13/3, SVB cho biết họ sẽ tìm ra các giải pháp thay thế chiến lược cho những tài sản còn sót lại của công ty.
Lam Giang tổng hợp