Lãnh đạo Micronesia đề nghị cắt đứt bang giao với Trung Quốc, viện lý do chiến tranh chính trị

Tác giả Aldgra Fredly

Lãnh đạo Micronesia đề nghị cắt đứt bang giao với Trung Quốc, viện lý do chiến tranh chính trị
Tổng thống David Panuelo của Liên bang Micronesia trình bày trong Diễn đàn các nhà lãnh đạo Chính trị và Nghị viện Thái Bình Dương tại Nghị viện ở Wellington, New Zealand, hôm 18/04/2013. (Ảnh: Hagen Hopkins/Getty Images)

Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Liên bang Micronesia (FSM) cáo buộc Bắc Kinh tiến hành “chiến tranh chính trị” và đưa ra “các mối đe dọa trực tiếp” đối với sự an toàn của ông, vì lẽ đó ông đã đề nghị rằng quốc gia của ông cần chuyển lòng trung thành ngoại giao từ Bắc Kinh sang Đài Loan.

Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ sau hai tháng nữa, đã phơi bày các mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra cho quốc gia của ông trong một bức thư rò rỉ dài 13 trang đề ngày 09/03 gửi tới Quốc hội Liên bang Micronesia.

“Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng việc thông báo cho quý vị hết thảy những điều này có thể gây rủi ro cho sự an toàn cá nhân của tôi; sự an toàn của gia đình tôi; và sự an toàn của những nhân viên mà tôi tin tưởng đã ủng hộ tôi trong hành động này,” ông viết trong bức thư của mình.

Ông Panuelo tuyên bố đã bị hai quan chức Trung Quốc theo dõi trong suốt chuyến thăm của ông tới Fiji hồi tháng 07/2022. Ông cho hay hai người này là nhân viên của Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Suva, Fiji. Một trong số họ là sĩ quan tình báo quân đội Trung Quốc.

“Thực tế mà nói: Tôi đã phải đối mặt với những mối đe dọa trực tiếp đối với an toàn cá nhân của tôi qua những hành động mà giới quan chức PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] thể hiện trên cương vị là công chức nhà nước,” ông viết.

Trong bức thư của mình, ông Panuelo cáo buộc rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm suy yếu chủ quyền của Liên bang Micronesia để bảo đảm rằng nước này sẽ đứng về phía ĐCSTQ hoặc ít nhất là giữ thái độ trung lập trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột đối với Đài Loan tự trị.

Nhà lãnh đạo Micronesia viết, “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng Liên bang Micronesia đóng một vai trò then chốt trong việc ngăn chặn một cuộc xung đột như vậy, cũng như can thiệp vào việc để cuộc xung đột đó xảy ra.”

“Chính trên cơ sở này mà hoạt động Chiến tranh Chính trị và Vùng Xám diễn ra trong biên giới của chúng ta; Trung Quốc đang tìm cách bảo đảm rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở Lục địa Thái Bình Dương Xanh giữa họ và Đài Loan, thì Liên bang Micronesia, tốt nhất là sẽ liên kết với CHND Trung Hoa thay vì Hoa Kỳ, không thì ít nhất FSM phải lựa chọn không đứng về bên nào.”

Tàu nghiên cứu Trung Quốc

Ông Panuelo đã dẫn chứng việc ĐCSTQ đưa “tàu nghiên cứu” của họ vào vùng đặc quyền kinh tế của Liên bang Micronesia với ý định “lập bản đồ lãnh thổ hàng hải của [Liên bang Micronesia] để tìm các nguồn tài nguyên tiềm năng” cũng như tìm “lộ trình di chuyển của tàu ngầm”.

“Chúng tôi biết về hoạt động của CHND Trung Hoa trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, trong đó mục đích của họ bao gồm việc trao đổi thông tin liên lạc với các khí tài khác của CHND Trung Hoa để giúp bảo đảm rằng, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng một hỏa tiễn — hoặc một nhóm hỏa tiễn — để tấn công lãnh thổ Guam của Hoa Kỳ thì họ sẽ thành công khi làm như vậy,” ông nói.

Theo ông Panuelo, Liên bang Micronesia đã điều động một số tuần duyên hạm ra khơi để kiểm tra hoạt động của tàu nghiên cứu Trung Quốc trong lãnh thổ của quốc đảo Thái Bình Dương này, nhưng họ đã được cảnh báo là “không được đến gần”.

Hoa Kỳ ràng buộc với Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall, và Cộng hòa Palau thông qua Hiệp ước Liên kết Tự do; các quốc gia này còn được gọi là Các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS).

Thỏa thuận đó cho phép các quốc gia này tiếp cận các chương trình kinh tế nội địa của Hoa Kỳ, đồng thời cho phép Hoa Kỳ vận hành các căn cứ quốc phòng ở ba quốc gia này.

‘Bị mua chuộc để im lặng’

Ông Panuelo cho biết cuộc chiến chính trị của ĐCSTQ trong Liên bang Micronesia bao gồm hoạt động công khai — chẳng hạn như liên minh chính trị và các biện pháp kinh tế — và hoạt động bí mật, chẳng hạn như “hối lộ, chiến tranh tâm lý, và tống tiền”.

“Một trong những lý do khiến chiến tranh chính trị của Trung Quốc thành công trên nhiều lĩnh vực là chúng ta bị mua chuộc để đồng lõa, và bị mua chuộc để im lặng. Ngôn từ này có thể nặng nề, nhưng dù sao mô tả đó là chính xác,” ông nói.

“Tại thời điểm này tôi chỉ muốn truyền đạt lại rằng, chỉ đơn giản như truyền đi một đầu mối thông tin, rằng 39 trong số 50 thành viên quốc hội ở Quần đảo Solomon đã nhận được các khoản thanh toán từ Trung Quốc trước khi họ bỏ phiếu về việc hoãn các cuộc bầu cử đã được ấn định trong năm nay.”

Đề nghị của Đài Loan

Ông Panuelo cũng tiết lộ rằng ông đã gặp Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) hồi tháng trước (02/2023) để thảo luận về khả năng viện trợ của Đài Loan đối với Liên bang Micronesia nếu nước này chuyển công nhận ngoại giao sang Đài Loan.

“Tôi đã minh bạch với Ngoại trưởng Ngô. Chúng tôi ước liệu rằng chúng tôi cần một khoản tiền khoảng 50,000,000 USD để đáp ứng các nhu cầu trong tương lai của chúng tôi,” ông nói.

“Chúng tôi có thể và chúng tôi sẽ nhận được khoản tiền này, trong khoảng thời gian ba năm, khi và chỉ khi chúng tôi thiết lập bang giao với Đài Loan.”

Hiện vẫn chưa rõ cuộc hội đàm nói trên được tổ chức ở đâu. Ông Ngô xác nhận tại Quốc hội hôm 10/03 rằng ông đã trao đổi quan điểm với ông Panuelo về vấn đề này nhưng từ chối bình luận thêm, truyền thông Đài Loan đưa tin.

Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố, “Chính phủ Đài Loan tôn trọng và hoan nghênh Liên bang Micronesia mở rộng mối bang giao song phương với Đài Loan, nhưng sẽ không bình luận thêm chi tiết về việc thiết lập bang giao chính thức giữa hai nước mà Tổng thống Liên bang Micronesia đã đề cập.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ kiên quyết phản đối các quốc gia mà Bắc Kinh có liên hệ ngoại giao “tham gia vào bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào” với Đài Loan vì làm như vậy là vi phạm “nguyên tắc Một Trung Quốc”.

Đài Loan là một nền dân chủ tự trị kể từ khi cuộc nội chiến ở Trung Quốc kết thúc vào năm 1949. Tuy nhiên, ĐCSTQ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và phải được thống nhất với Trung Quốc đại lục bằng mọi giá.

Chỉ có bốn trong số các quốc đảo Thái Bình Dương — Palau, Quần đảo Marshall, Nauru, và Tuvalu — công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.

Năm ngoái, Bắc Kinh đã ký nhiều thỏa thuận với một số quốc đảo Thái Bình Dương, chẳng hạn như Samoa và Quần đảo Solomon, nhưng không thể đạt được một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng với toàn bộ các quốc gia trong khu vực này hồi tháng 05/2022 vì thiếu sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.

Hồng Ân biên dịch

Related posts