Joseph Lord
Việc Trung Quốc thống trị ngành vận tải biển, trong khi Mỹ lại đang thiếu quan tâm đến việc kiểm soát lĩnh vực này, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nếu Trung Quốc vũ khí hóa quyền kiểm soát của mình, Mỹ có thể bị tổn hại cả về thương mại và an ninh quốc gia.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Vận tải Hạ viện Peter DeFazio đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành vận tải biển, cảnh báo rằng siêu cường châu Á có thể “vũ khí hóa” sự thống trị của mình chống lại Mỹ.
Hiện tại, Trung Quốc kiểm soát một tỷ lệ lớn các tàu và thiết bị vận chuyển, trong khi Mỹ đã tụt lại phía sau.
Phát biểu tại một sự kiện do Viện Hudson tổ chức ở Washington, D.C., ông DeFazio chỉ trích quyết định trao quyền thương mại đầy đủ cho Trung Quốc vào cuối thế kỷ 20, cho rằng đó là một “sai lầm”.
Trong thời kỳ đó, Mỹ đã cam kết thực hiện một loạt hiệp định thương mại tự do, bao gồm hiệp định Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thứ hạn chế đáng kể thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa được sản xuất tại Canada và Mexico.
Ông DeFazio nói rằng NAFTA và hầu hết các hiệp định như vậy mang lại lợi ích cho các quốc gia khác nhiều hơn là mang lại lợi ích cho Mỹ. Ông DeFazio lưu ý rằng khi NAFTA được ký kết, nền kinh tế của Mexico nhỏ hơn nền kinh tế của tiểu bang New Jersey.
Ông DeFazio nói, “Ai thực sự được hưởng lợi ở đây?”
Nhưng mối lo ngại lớn hơn NAFTA, ông DeFazio nói, là quyết định của Mỹ nhằm trao cho Trung Quốc quyền thương mại đầy đủ.
Năm 1979, Mỹ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thương mại, thứ vốn bị đóng băng kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp quản Trung Quốc vào năm 1949. Điều này mau chóng dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng về thương mại giữa hai quốc gia và cuối cùng đã giúp Trung Quốc phát triển trở thành một siêu cường quốc toàn cầu như ngày nay.
Ông DeFazio nói, những người ủng hộ trao quyền thương mại cho Trung Quốc “nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dân chủ hóa, nhưng nó đã không như vậy”.
Mặc dù Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng Trung Quốc đang đuổi sát Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế Mỹ. Khi nền kinh tế bùng nổ, việc kiểm soát hoạt động vận tải biển của Trung quốc cũng vậy; trong khi đó, ông DeFazio cho biết, Mỹ đã bỏ bê sự kiểm soát của chính mình đối với hoạt động vận tải biển. Cựu Chủ tịch Ủy ban Vận tải Hạ viện Peter DeFazio (trái) phát biểu về sự thống trị của Trung Quốc đối với hoạt động vận tải biển tại Viện Hudson ở Washington, Mỹ, hôm 14/03/2023. (Ảnh: Joseph Lord/The Epoch Times)
Ông nhấn mạnh thực tế là ba tập đoàn vận chuyển lớn kiểm soát 95% hoạt động vận chuyển giữa Mỹ và châu Á. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, kiểm soát và sở hữu 85 trong số khoảng 50.000 tàu vận chuyển toàn cầu.
Sự thiếu kiểm soát này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ông DeFazio chỉ ra một ví dụ về những hậu quả khi Mỹ phải mượn tàu nước ngoài cho Chiến tranh vùng Vịnh.
Ông DeFazio nói: “Có hai mối lo ngại ở đây: Mỹ không kiểm soát hoạt động vận tải biển và Trung Quốc thì kiểm soát điều đó”.
Theo dõi hàng hóa
Ông DeFazio cho biết, sự thống trị của Trung Quốc đối với vận tải biển có nghĩa là họ có thể theo dõi hầu hết hàng hóa của Mỹ, bao gồm cả hàng hóa quân sự.
Thông qua phần mềm được cài đặt trên cần cẩu, thứ mà Trung Quốc là nhà sản xuất chính, ông DeFazio cảnh báo rằng ĐCSTQ có thể theo dõi hàng hóa của Mỹ.
Ông DeFazio cảnh báo rằng nếu Mỹ không tăng cường kiểm soát vận tải biển, Trung Quốc có thể “vũ khí hóa” sự thống trị của mình chống lại Mỹ.
Ông nói: “Chúng ta cần kiểm soát vận tải biển một cách nghiêm túc hơn”.
Ông DeFazio cũng lưu ý rằng mức thuế trung bình của Mỹ là “thấp nhất trên thế giới” ở mức trung bình 3,4% và kêu gọi Quốc hội Mỹ xem xét lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Quốc hội Mỹ có thể đã chuẩn bị để làm điều đó, với một dự luật lưỡng đảng đang chờ xử lý tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, thứ sẽ xem xét lại quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
An ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu
Những người chỉ trích việc đóng băng thương mại với Trung Quốc đã lập luận rằng tác động của việc hạn chế thương mại giữa các quốc gia, vốn đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, có thể gây ra thảm họa kinh tế đối với người tiêu dùng.
Do luật lao động lỏng lẻo và các điều kiện lao động bóc lột khắc nghiệt được pháp luật cho phép, Trung Quốc cung cấp nguồn lao động rẻ nhất trên trái đất. Lao động rẻ hơn có nghĩa là giá thành thấp hơn cho người tiêu dùng.
Một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung chắc chắn sẽ có nghĩa là giá cao hơn cho người người tiêu dùng.
Khi được hỏi làm thế nào để cân bằng những lo ngại về an ninh quốc gia rõ ràng với nhu cầu của người tiêu dùng, ông DeFazio gợi ý rằng lý tưởng nhất là Mỹ có thể xây dựng chính sách để giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông nói, khi an ninh quốc gia và giá tiêu dùng mâu thuẫn, “tôi nghĩ an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu”.
Cảnh báo của ông DeFazio được đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao, và sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành vận tải biển có thể sẽ trở thành một vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Nếu Trung Quốc vũ khí hóa quyền kiểm soát của mình đối với ngành vận tải biển, điều đó có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với cả thương mại và an ninh quốc gia của Mỹ.
Do đó, ông DeFazio cho biết Mỹ cần phải hành động để tăng cường kiểm soát đối với ngành vận tải biển nhằm tránh một kịch bản như vậy.
Theo The Epoch Times
Cát Duyên biên dịch