Đài Loan đề nghị Honduras ‘cân nhắc kỹ’ về quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc

Aldgra Fredly

Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (trái) xuất hiện tại căn cứ không quân Jose Enrique Soto Cano ở Comayagua, Honduras, trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Honduras Xiomara Castro, hôm 26/1/2022. (Ảnh: Orlando Sierra/AFP/Getty Images)

Hôm 15/3, Đài Loan đã đề nghị Honduras ‘cân nhắc kỹ’ về quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời kêu gọi nước đồng minh Trung Mỹ ‘không nên rơi vào cạm bẫy của Bắc Kinh’.

Tổng thống Honduras Xiomara Castro de Zelaya cho biết bà đã yêu cầu Ngoại trưởng Eduardo Reina “thu xếp việc mở quan hệ chính thức với Trung Quốc”, điều này sẽ dẫn đến việc Honduras cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về quyết định của Tổng thống Castro và cảnh báo rằng mục tiêu duy nhất đằng sau lợi ích của ĐCSTQ trong việc phát triển quan hệ với Honduras là ngăn chặn sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế.

“Trung Quốc không có ý định trong việc thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của người dân Honduras”, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố.

“Đài Loan đề nghị Honduras cân nhắc thật cẩn thận về quyết định [mở rộng quan hệ với Trung Quốc] để không rơi vào cạm bẫy của nước này. Đồng thời việc đưa ra một quyết định sai lầm sẽ làm suy yếu tình hữu nghị song phương nhiều năm với Đài Loan”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng gọi Honduras là một “đồng minh ngoại giao trọng yếu” của Đài Loan và tuyên bố rằng Đài Bắc sẽ tiếp tục tăng cường liên lạc với quốc gia Trung Mỹ cùng mọi thành phần xã hội ở Honduras.

Thông báo của Tổng thống Castro được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Honduras tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Bắc Kinh về việc xây dựng một đập thủy điện ở quốc đảo này. Phía Đài Loan đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại và cảnh báo Honduras về “những lời hứa hão huyền” của ĐCSTQ.

Honduras là một trong 14 quốc gia duy trì mối quan hệ chính thức với Đài Loan. Trung Quốc coi hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình và tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan bằng mọi giá. Các quốc gia Trung Mỹ khác như Belize và Haiti cũng công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Tính đến năm 2021, Honduras và Đài Loan đã duy trì mối quan hệ đồng minh ngoại giao trong 80 năm. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2021, bà Castro cho biết bà sẽ “ngay lập tức mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại” với ĐCSTQ sau khi đắc cử Tổng thống Honduras. Tuy nhiên, sau đó bà cam kết duy trì quan hệ với Đài Loan.

Số lượng các nước công nhận Đài Loan là một quốc gia đã giảm nhanh chóng trong những năm gần đây, khi mà Trung Quốc ngày càng tăng cường ảnh hưởng ngoại giao.

Ngoài ra, 8 đối tác ngoại giao mà Đài Loan đã đánh mất vào tay Bắc Kinh kể từ năm 2016 bao gồm: Nicaragua, Kiribati, Quần đảo Solomon, Sao Tome và Principe, Panama, Burkina Faso, Cộng hòa Dominica và El Salvador.

Như vậy, nếu Honduras quyết định thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thì sẽ chỉ còn 13 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hầu hết là các quốc đảo nhỏ bé ở vùng Trung và Nam Mỹ, bao gồm:

  • Vùng Mỹ Latin và Caribbe: Belize, Haiti, St Kitts & Nevis, St Vincent & the Grenadines, Guatemala, Paraguay và Saint Lucia
  • Châu Phi: Swaziland
  • Châu Âu: Tòa thánh Vatican
  • Vùng Thái Bình Dương: Nauru, Tuvalu, Quần đảo Marshall và Palau.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali ở Indonesia, hôm 14/11/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

‘Trung Quốc không ngừng bành trướng dưới thời ông Biden’

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Hagerty cho biết quyết định chuyển sự ủng hộ từ Đài Loan sang Bắc Kinh của Honduras thể hiện sự bành trướng không ngừng của ĐCSTQ dưới chính quyền ông Biden.

“Trung Quốc không ngừng bành trướng dưới thời ông Biden”, ông Hagerty viết trên Twitter, trích dẫn nhận xét của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 13/3 rằng thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Ả Rập Xê Út và Iran là “điều mà Hoa Kỳ cho là tích cực”.

“Giờ đây, Bắc Kinh đã [vươn vòi bạch tuộc] đến tận bán cầu của Washington với việc Honduras tiến tới cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan [và] công nhận Trung Quốc”.

“Liệu ông Jake Sullivan [và] chính quyền ông Biden có hoan nghênh bước tiến gây tổn hại này của Trung Quốc hay không?”

Honduras đã công bố quyết định trên của mình trước chuyến thăm của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tới Trung và Bắc Mỹ vào tháng tới. Theo đó, chuyến công du của nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ gồm các điểm dừng ở Los Angeles và New York. Đặc biệt, bà Thái Anh Văn dự kiến ​​sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy.

Khi hay tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố rằng họ “quan ngại sâu sắc” về kế hoạch của bà Thái Anh Văn và yêu cầu Hoa Kỳ phải làm rõ điều đó.

“Không một ai được phép đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố.

Đài Loan là nguồn cơn khiến Bắc Kinh và Washington thường xuyên rơi vào xích mích. Vào tháng 8/2022, ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo tự trị để đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng nước này có Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Đạo luật này tuy không phải là một hiệp ước an ninh chính thức, nhưng vẫn đủ cơ sở để Washington tiến hành can thiệp quân sự để hỗ trợ Đài Bắc trước các cuộc xung đột với Bắc Kinh.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Related posts