Huy Đức
16-3-2023
Chiều qua, khi nghe tin, luật sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần, tự nhiên tôi nhớ tới cuộc nói chuyện với ông gần 20 năm trước, rồi, tìm mở kinh thánh, tìm lại bài giảng về Tám Mối Phúc Thật:
“Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa… Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”
Như rất nhiều trí thức miền Nam khác, ba ngày trước tổng tuyển cử, 26-4-1976, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bị bắt. Ông Bích từng làm cho cơ quan trợ giúp Mỹ USAID trong chương trình “cấp căn cước cho người từ mười sáu tuổi trở lên” và, năm 1972, sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông nhận được học bổng đi học thêm một năm tại Đại học Harvard, Mỹ. Tháng 4-1975, ông là “chuyên viên đặc nhiệm” cho Tổng cục Dầu hỏa và Khoáng sản.
Trước đó, 2-1976, ông Nguyễn Ngọc Bích được mời lên cơ quan công an. Cán bộ hỏi cung đặt vấn đề: “Tại sao 15-4 mới được nhận vào mà Tổng cục đã cho làm chuyên viên đặc nhiệm ngay?”. Làm sao mà ông trả lời được câu hỏi đó.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bị giam trong xà lim loại dành cho tử tù suốt một năm và khi bị hỏi cung: “Anh biết gì về kế hoạch hậu chiến; trong đó, anh được giao nhiệm vụ gì?”, ông đoán ra, “Cách mạng nghĩ ông là người do Mỹ cài lại”. Hai năm sau, khi đã được đưa ra phòng giam chung, khi “được” thẩm vấn, luật sư Nguyễn Ngọc Bích nói: “Lưng tôi bị gù thế này làm sao được tuyển làm tình báo!” Khi ấy, những người hỏi cung dường như vô tình nói ra lý do khiến ông bị bắt: “Anh là người do Mỹ đào tạo, anh sẽ chống chúng tôi đến cùng”.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích bị giam cầm suốt 13 năm, từ 1976 cho đến năm 1988.
Khi được hỏi làm sao mà ông có thể đi qua được những tháng năm oan khuất, luật sư Nguyễn Ngọc Bích nói với tôi, “Kinh thánh. Hằng ngày, tôi đọc đi đọc lại Tám Mối Phúc Thật.”
“Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa…”
Trong hơn 30 năm biết ông, tôi chưa bao giờ thấy ông than phiền, oán trách. Sau khi ra tù, ông chọn ở lại Việt Nam. Và, khi đất nước đổi mới, bằng trí tuệ và kiến thức học được từ các “thế lực thù địch”, ông đã giúp những nhà lãnh đạo ở trong cái thể chế đã bắt bỏ tù mình, giúp các thế hệ luật sư hiểu như thế nào là pháp quyền, như thế nào là kinh tế thị trường, bằng cách nào để dẫn dắt một công ty đúng cách.
Từ hôm qua, rất nhiều luật sư có tiếng từ Bắc chí Nam cùng viết trên Face gọi ông là “THẦY”, dù nhiều người trong số họ chỉ học ông qua những cuốn sách của ông và qua những bài ông viết trên báo chí, chủ yếu trên Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, từ thập niên 1990s.
Khi cầm bút, dù là những vấn đề mới mẻ, phức tạp ông đều trình bày giản dị và mạch lạc. Khi ngồi với những học trò trẻ tuổi, cho dù vẫn là con người uyên bác ấy, ông trở nên rất ân cần, gần gũi. Chính ông tự phá bỏ khoảng cách trí tuệ và hàng rào thế hệ để những người trẻ tuổi vẫn có thể dễ dàng tiếp cận và học được từ ông.
Cho dù, đóng góp rất nhiều để xây dựng nền tảng pháp luật, luật sư Nguyễn Ngọc Bích luôn tin rằng:
“Nền kinh tế thị trường kiểu gì thì cũng chỉ hoạt động được trên nền tảng đạo đức cá nhân. Mỗi người tự mình phải biết kiềm chế mình. Nền kinh tế của ta đang phát triển nhưng vấn đề đạo đức cá nhân chưa được coi trọng. Muốn có đạo đức thì phải bắt đầu từ giáo dục…”
“Ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật… Ai hiền lành, ấy là phúc thật… Ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật… Ai thương xót người, ấy là phúc thật… Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật… Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật… Ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật…”
Tôi đọc thêm một lần “Tin Mừng” để cố gắng hiểu ông. Giờ đây thì ông đã coi “Nước của Đức Chúa Trời là của mình” rồi.