Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc cũng không tránh khỏi cuộc chỉnh đốn của Bắc Kinh. Mới đây, chính quyền này đã phạt Deloitte – một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới – 211,9 triệu nhân dân tệ (khoảng 30 triệu USD) và đình chỉ hoạt động của chi nhánh Deloitte tại Bắc Kinh trong 3 tháng.
Hôm thứ Sáu (ngày 17/3), Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố đã phát cảnh cáo tới trụ sở chính của Deloitte, chi nhánh tại Bắc Kinh của Deloitte sẽ bị đình chỉ hoạt động trong 3 tháng; tịch thu các khoản thu bất hợp pháp của chi nhánh này và phạt hơn 211,9 triệu nhân dân tệ, trụ sở chính của Deloitte sẽ phải chịu một số trách nhiệm liên đới.
Ngoài ra, 2 chuyên gia kế toán của Deloitte cũng bị thu hồi chứng chỉ CPA – một chứng chỉ đặc biệt dành riêng cho những người làm trong ngành kế toán kiểm toán do Bộ Tài chính cấp; 12 người khác bị xử phạt hành chính với các mức độ khác nhau như tạm đình chức hoặc nhận cảnh cáo.
Thông báo nêu rõ, đương sự có quyền yêu cầu xét lại quyết định xử phạt hoặc khởi kiện hành chính đối với cơ quan ra quyết định trên, nhưng trong thời gian xét lại hoặc khởi kiện hành chính, quyết định xử phạt sẽ không bị đình chỉ.
Chính quyền Trung Quốc cho biết, lý do trừng phạt Deloitte là vì công ty này đã có “những thiếu sót nghiêm trọng về kiểm toán” khi tiến hành kiểm toán Công ty TNHH Quản lý Tài sản Huarong Trung Quốc (China Huarong Asset Management Co., Ltd.) từ năm 2014 đến năm 2019.
Huarong là doanh nghiệp trung ương trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, hiện đã bị xếp vào danh sách công ty có rủi ro cao. Vào năm 2020, khoản lỗ ròng của các cổ đông Huarong lên tới 102,903 tỷ nhân dân tệ (hơn 14,94 tỷ USD). Ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu chủ tịch của Huarong, bị buộc tội tham ô hơn 1,788 tỷ nhân dân tệ (khoảng 260 triệu USD) và đã bị xử tử vào tháng 1/2021.
Thông báo nêu rõ, Bộ Tài chính Trung Quốc đã bắt đầu thanh tra hoạt động kiểm toán Huarong của Deloitte từ năm 2021, và đã tổ chức các phiên điều trần với Deloitte từ ngày 24/2 đến ngày 6/3/2023.
Điều đáng chú ý là vào ngày 22/2 năm nay, Bloomberg dẫn lời một số nguồn tin giấu tên cho biết Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn không chính thức đối với các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu họ cắt đứt với 4 cơ quan kiểm toán lớn của thế giới và không gia hạn khi hợp đồng hết hạn.
Các nguồn tin nói với Bloomberg rằng, chính quyền Trung Quốc đang tìm cách hạn chế ảnh hưởng của các cơ quan kiểm toán toàn cầu có liên kết với Hoa Kỳ, để đảm bảo cái gọi là “an ninh dữ liệu của Trung Quốc”, đồng thời thúc đẩy hoạt động kiểm toán của Trung Quốc phát triển.
Tờ Up Media của Đài Loan chỉ ra, có thể thấy rằng mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc trước đó đã đạt được thỏa thuận về việc kiểm toán các công ty niêm yết, song chính phủ Trung Quốc vẫn đang dẫn dắt các doanh nghiệp nhà nước tách rời kiểm toán của Châu Âu và Hoa Kỳ. Chính sách này của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dẫn đến một rủi ro khác, khi các công ty Trung Quốc chuyển sang sử dụng các công ty kế toán ít tên tuổi hơn, sẽ càng khó thu hút các nhà đầu tư quốc tế hơn.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã lấy cớ “an ninh quốc gia” để cấm các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tiếp nhận cuộc kiểm toán toàn diện của các cơ quan quản lý Hoa Kỳ. Điều này đã dẫn đến tình trạng gian lận tài chính tràn lan trên thị trường cổ phiếu khái niệm Trung Quốc ở Mỹ.
Cổ phiếu khái niệm Trung Quốc (China concepts stock) là các cổ phiếu được đăng ký và niêm yết ở nước ngoài, nhưng quyền kiểm soát lớn nhất lại thuộc về doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân ở Trung Quốc. Sau khi chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy niêm yết các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ.
Mặc dù gần đây Trung Quốc tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, cho phép Hoa Kỳ kiểm toán các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc, nhưng các cuộc đàm phán liên quan vẫn đang tiếp tục. Ngoại giới đang trông ngóng thỏa thuận này, tuy vậy tương lai của các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc vẫn là một ẩn số. Một số cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc đã “chủ động” hủy niêm yết tại Hoa Kỳ.
Theo NTD tiếng Trung
Minh Lý biên dịch