Kế hoạch Cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ có thể gây lạm phát lớn

Daniel Lacalle

TT Joe Biden phát biểu về kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình ở Pittsburgh, Pensylvania, hôm 31/03/2021. (Ảnh: AFP qua TCA) Bình luận

Điều tồi tệ nhất mà một chính phủ có thể làm khi lạm phát cao và thiếu hụt nguồn cung là gì? Tăng chi tiêu cho các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng và nguyên liệu. Đây chính xác là những gì kế hoạch cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ đang thực hiện và— thậm chí còn tệ hơn—cũng là những gì mà các quốc gia phát triển khác đã quyết định làm theo.

Nếu quý vị nghĩ rằng có những vấn đề về nguồn cung và các khó khăn trong việc tiếp cận hàng hóa và dịch vụ ngay giữa giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng trung ương và chính phủ tăng cường in tiền đến mức tối đa để chi cho những đại dự án ít hữu dụng.

Không có cái gọi là “lạm phát đa nguyên nhân”. Cái mà Tổng thống (TT) Joe Biden gọi là “đầu cơ” chỉ đơn giản là việc có nhiều tiền hơn để mua cùng một số lượng hàng hóa. Cái gọi là “sự gián đoạn chuỗi cung ứng” là nhiều tiền hơn được dành cho cùng các dịch vụ và “lạm phát do chi phí đẩy” không gì khác hơn là việc tạo ra nhiều tiền hơn để tăng chi tiêu của chính phủ và các kế hoạch [chi tiêu về] “cơ sở hạ tầng” cho cùng một số lượng hàng hóa. Như một trong những người theo dõi chương trình của tôi giải thích, “Nhiều tín dụng hơn được cấp cho các mục đích liên quan đến GDP để rượt theo cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ.”

Nhiều tiền hơn được in ra để tăng chi tiêu của chính phủ để rượt đuổi theo cùng một loại hàng hóa và dịch vụ: [đó chính là] Lạm phát tiền tệ.

Ai được lợi từ kế hoạch chi tiêu khổng lồ này? Theo Bloomberg Economics, những nơi hưởng lợi lớn nhất là các nền kinh tế Á Châu. Việt Nam, Indonesia, và Hàn Quốc sẽ nhận được mức tăng lên đến 1% GDP, với Ấn Độ, Nhật Bản, và Trung Quốc tăng từ 0.4% đến 0.8% GDP.

Tuy nhiên, việc tăng thêm chi tiêu—và (được thực hiện) rất nhanh—1 ngàn tỷ USD vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng và tiêu thụ nguyên liệu cũng có khả năng tạo ra những thách thức quan trọng về lạm phát và thiếu hụt nguồn cung.

Các nhà sản xuất linh kiện chủ chốt trên thế giới có khả năng nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn nhưng giá năng lượng và chi phí vận chuyển cao hơn nhiều.

Người đọc có thể sẽ lập luận rằng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề của các chính sách trọng cầu là chúng tạo ra một điểm nghẽn và áp lực lạm phát trong [chính] thời điểm tồi tệ nhất có thể.

Ngay cả khi kế hoạch được thực hiện trong 8 năm, nó có khả năng gây thêm áp lực lên giá các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu thay vì đặt nhiều nỗ lực hơn vào gánh nặng về cải tiến công nghệ và chuỗi cung ứng thông qua cạnh tranh và đầu tư.

Vấn đề của các chính sách trọng cầu là chúng tạo ra hiệu ứng cầu ảo tăng quá mức trong chuỗi cung ứng (bullwhip effect— hiệu ứng mà ở đó những biến động nhỏ của nhu cầu ở cấp độ bán lẻ có thể gây ra những biến động lớn dần về nhu cầu ở cấp độ bán buôn, nhà phân phối, nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên liệu) có thể làm giảm tiềm năng về việc làm. Tại sao? Bởi vì các công ty vốn đang phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng tăng cao khó có thể thuê nhân sự như khi họ có thể làm trong quá trình phục hồi bình thường.

Tác động đầu tiên của một kế hoạch sử dụng nhiều năng lượng như vậy là gây thiệt hại đến chi phí của ngành dịch vụ và chi tiêu của người dân. Thúc đẩy một dự luật chi tiêu khổng lồ được tài trợ bằng việc in tiền ngay khi Chỉ số Giá Lương thực của Liên hợp quốc đạt mức cao kỷ lục mọi thời đại trong khi dầu, khí đốt, đồng và nhôm ở mức cao nhất trong 5 năm là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các gia đình. Quý vị có thể có việc làm, nhưng chi phí sẽ rất cao.

Toàn bộ kế hoạch này cho thấy “nhu cầu nhiều hơn về dầu, khí đốt, đồng và nhôm”: 110 tỷ USD chi tiêu mới cho cầu đường, 73 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng điện, 66 tỷ USD cho đường sắt, 65 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng băng thông rộng và 39 tỷ USD cho vận chuyển.

Cơ sở hạ tầng này có cần thiết không? Có lẽ. Nhưng sẽ là một ý tưởng tốt hơn nếu trình bày kế hoạch này với sự nhấn mạnh hơn vào việc cho phép khu vực tư nhân điều chỉnh nó theo thực tế của cung cầu, chứ không phải như một cách chi tiêu-chỉ-để-tiêu-tiền nhằm tăng GDP danh nghĩa mà không hiểu rủi ro đối với lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực chiếm tới 67% nền kinh tế Hoa Kỳ.

Ngành dịch vụ sẽ bị tổn hại nặng nề do lạm phát gia tăng cũng như tình trạng thiếu hụt. Người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể chứng kiến việc làm được tạo ra ít hơn nhiều so với dự kiến ​​của chính phủ, bởi vì đó là điều luôn luôn xảy ra với các kế hoạch kiểu này và thuế lạm phát sẽ cao hơn nhiều đối với tất cả mọi người.

Công dân Hoa Kỳ có thể nghĩ rằng chính phủ đang trả tiền cho kế hoạch này, nhưng họ đã nhầm. Người tiêu dùng và người đóng thuế sẽ phải chịu sự gia tăng của chi phí sinh hoạt cộng với các khoản thuế cao hơn.

Ông Daniel Lacalle, Tiến sĩ, là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.

Chánh Tín biên dịch

Related posts