Tác giả Tom Ozimek
Công ty mẹ của ngân hàng sụp đổ Silicon Valley Bank (SVB) đã nộp đơn yêu cầu phá sản.
Trong một thông cáo báo chí hôm thứ Sáu (17/03), SVB Financial Group, tổ chức không còn liên kết với SVB sau khi ngân hàng sụp đổ này được Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản, cho biết rằng họ đã đệ đơn yêu cầu tái cấu trúc dưới sự giám sát của tòa án theo Chương 11.
SVB Financial Group cho biết, mục đích của việc nộp đơn yêu cầu bảo hộ phá sản là để “bảo toàn giá trị” trong lúc họ tìm kiếm người mua tài sản của mình.
Ông William Kosturos, Giám đốc Tái cấu trúc của SVB Financial Group, cho biết trong một tuyên bố, “Quy trình của Chương 11 sẽ cho phép SVB Financial Group bảo toàn giá trị khi họ đánh giá các lựa chọn thay thế chiến lược cho các doanh nghiệp và tài sản đáng giá của mình, đặc biệt là SVB Capital và SVB Securities.”
SVB Financial Group cho biết họ có khoảng 2.2 tỷ USD thanh khoản và các tài sản khác mà họ đang “khám phá các lựa chọn thay thế chiến lược”, được hiểu là một số hình thức mua lại.
Khoản nợ được tài trợ cho SVB Financial Group là khoảng 3.3 tỷ USD tổng lượng mệnh giá của các trái phiếu không được bảo đảm. SVB Financial Group cũng có 3.7 tỷ USD vốn cổ phần ưu đãi đang lưu hành.
Không có trong hồ sơ phá sản là SVB Securities và các quỹ của SVB Capital và các tổ chức thành viên nói chung, vốn vẫn đang tiếp tục hoạt động bình thường.
Hành động này diễn ra vài ngày sau khi SVB Financial Group cho biết họ đang khám phá “các lựa chọn thay thế chiến lược” cho các hoạt động của mình khi Silicon Valley Bank trải qua một đợt giảm dần hoạt động có trật tự được gọi là “phát mại” theo thẩm quyền của FDIC và Cục Dự trữ Liên bang.
Một phần của quá trình phát mại này là việc đưa SVB vào dưới quyền điều hành của một ngân hàng cầu nối mới được thành lập mang tên Silicon Valley Bridge Bank. Silicon Valley Bridge Bank hiện đang mở cửa và “tiến hành kinh doanh như bình thường.”
Silicon Valley Bridge Bank cũng không nằm trong hồ sơ phá sản theo Chương 11.
Ông Tim Mayopoulos, người đã được bổ nhiệm làm CEO của Silicon Valley Bridge Bank, cho biết: “Điều đầu tiên quý vị có thể làm để hỗ trợ tương lai của tổ chức này là giúp chúng tôi xây dựng lại cơ sở tiền gửi của mình, cả bằng cách để các khoản tiền gửi vào Silicon Valley Bridge Bank và chuyển trả lại các khoản tiền gửi còn lại trong vài ngày qua.”
Trong nỗ lực khôi phục lòng tin của người gửi tiền và ngăn chặn tình trạng rút tiền gửi hàng loạt khỏi ngân hàng, FDIC đã mở rộng phạm vi bảo đảm tiền gửi cho SVB để bao gồm tất cả các khoản tiền gửi, không chỉ những khoản dưới mức giới hạn bảo hiểm 250,000 USD thông thường.
Ông Kosturos cho biết SVB Financial Group sẽ “hợp tác” với Silicon Valley Bridge Bank trong việc “tìm kiếm các giải pháp thiết thực để tối đa hóa giá trị có thể thu hồi cho các bên liên quan của cả hai tổ chức.”
Quá trình phát mại SVB và thành lập Silicon Valley Bridge Bank để thế chỗ cho ngân hàng này có nghĩa là những người gửi tiền SVB được bảo vệ hoàn toàn trong khi các cổ đông và trái chủ có thể bị thua lỗ. Tuy nhiên, trong quá trình phát mại SVB có thể có các khoản thu hồi nếu tìm được người mua tài sản của SVB.
Các cơ quan quản lý của California đã đóng cửa SVB hôm thứ Sáu tuần trước (10/03) và chỉ định FDIC làm bên tiếp nhận, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ khi Washington Mutual phá sản trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sự sụp đổ của SVB bị thúc đẩy bởi khoản lỗ 1.8 tỷ USD từ việc buộc phải bán trái phiếu trị giá 21 tỷ USD khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và dẫn đến việc rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.
Điều này dẫn đến phản ứng khẩn cấp của các cơ quan tài chính Hoa Kỳ, bao gồm việc FDIC mở rộng giới hạn bảo hiểm cũng như việc Fed cung cấp một cơ sở cho vay đặc biệt để các ngân hàng tiếp cận được với nguồn vốn theo các điều khoản dễ dàng hơn bình thường.
Ngân hàng trung ương cho biết hôm thứ Năm (16/03) rằng, các ngân hàng thiếu tiền mặt đã vay khoảng 300 tỷ USD từ Fed trong tuần qua.
Gần một nửa số tiền này -143 tỷ USD – được chuyển đến Silicon Valley Bridge Bank và một ngân hàng bắc cầu riêng được thành lập thay cho Signature Bank không còn tồn tại.
Ý nghĩa của các vụ sụp đổ SVB, Signature Bank
Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB và Signature Bank đã đặt ra câu hỏi cho những người tiết kiệm bình dân và các nhà đầu tư nhỏ lẻ về những tác động có thể xảy đến đối với tiền của họ, ngay cả khi họ không có bất kỳ khoản tiền gửi nào tại ngân hàng đã sụp đổ này.
Sau vụ sụp đổ kép này, Cục Dự trữ Liên bang đã khai triển một chương trình tài trợ khẩn cấp cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính nhận tiền gửi khác, Bộ Ngân khố đã cung cấp 25 tỷ USD dự phòng cho chương trình này và FDIC đã mở rộng bảo lãnh của mình cho tất cả các khoản tiền gửi tại hai ngân hàng.
Tổng thống Joe Biden đã cho biết hôm thứ Hai (13/03) rằng các biện pháp khẩn cấp có nghĩa là hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ là “an toàn” và người Mỹ có thể “tin tưởng” rằng tiền gửi của họ được an toàn.
Trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng bị ảnh hưởng do vụ sụp đổ kép này, một số chuyên gia cho rằng tác động lan tỏa đối với các ngân hàng khác có thể được hạn chế.
Ông Jurrien Timmer, giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Fidelity, cho biết: “Đây là một trường hợp kinh điển về việc không có sự tương xứng giữa tài sản và nợ, do lãi suất cao hơn gây ra, và bị đòn bẩy nợ làm phức tạp thêm.”
Khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất để dập tắt lạm phát tăng vọt, giá trị trái phiếu đã giảm và các ngân hàng như SVB đã phải chịu lỗ từ các tài sản trái phiếu của họ.
Ông Timmer nói thêm, “Tin tốt là đây dường như là một sự cố đơn lẻ, hoặc chí ít là một vấn đề có thể chỉ giới hạn ở một số ngân hàng nhỏ hơn.”
Trong khi một số nhà kinh tế đã so sánh tình hình hiện tại với cuộc khủng hoảng tài chính toàn hệ thống diễn ra vào năm 2008, thì những người khác lại bác bỏ ý kiến này, lập luận rằng những gì đang xảy ra hiện nay có phạm vi hẹp hơn và không có khả năng leo thang thành sự sụp đổ mang tính hệ thống.
Ông Timmer nói, “Theo quan điểm của tôi, đây dường như không phải là một tình huống có thể trở thành vấn đề mang tính hệ thống, giống như vụ sụp đổ cho vay bảo đảm bằng thế chấp dưới chuẩn đã xảy ra vào năm 2007.”
Thất bại của SVB bùng phát khi ngân hàng này lỗ 1.8 tỷ USD sau khi bán phần lớn danh mục đầu tư công khố phiếu, vốn đã giảm giá trị do Fed tăng lãi suất.
Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg gần đây đã cảnh báo rằng các ngân hàng Mỹ đang chịu khoản lỗ chưa thực hiện đối với khoản nắm giữ trái phiếu trị giá khoảng 620 tỷ USD, nhưng nói thêm rằng các ngân hàng trong nước “nhìn chung đang ở trong tình trạng tài chính vững mạnh và không bị buộc phải bù lỗ bằng cách bán chứng khoán giảm giá.”
Một số ngân hàng khu vực đã chứng kiến cổ phiếu của họ giảm sau khi SVB và Signature Bank sụp đổ, đồng thời cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investor Service đã đưa sáu ngân hàng vào diện xem xét hạ bậc.
Ngoài ra, hôm thứ Hai (13/03), Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm đối với toàn bộ lĩnh vực ngân hàng Hoa Kỳ, từ mức ổn định xuống mức tiêu cực, với lý do “môi trường hoạt động xấu đi nhanh chóng.”
Nhật Thăng biên dịch