Liên Thành
Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ thăm Trung Quốc trong tháng này, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Đài Loan đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu tới Bắc Kinh.
Chuyến đi kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ ngày 27 tháng 3, sẽ làm nổi bật sự khác biệt rõ rệt giữa hai đảng chính trị chính của Đài Loan về mối quan hệ với Trung Quốc, ngay khi Đài Loan chuẩn bị vận động cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 1 tới.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Mã Anh Cửu sẽ diễn ra gần như cùng lúc với chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Đảng Tiến bộ Dân chủ của bà Thái Anh Văn coi Đài Loan là một quốc gia độc lập, trong khi Quốc dân đảng của ông Mã, được thành lập ở Trung Quốc, coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, mặc dù không phải là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trung Quốc, nước tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa tấn công nếu Đài Bắc từ chối phục tùng vô thời hạn quyền kiểm soát, đã răn đe Đài Loan bằng các cuộc tập trận không quân và hải quân trong vùng lân cận gần như hàng ngày, kể từ khi bà Thái Anh Văn tái đắc cử năm 2019. Trong khi đó, ĐCSTQ đang tìm cách đối thoại với Quốc dân đảng.
Triệu Xuân San, chuyên gia eo biển Đài Loan, cố vấn viên cho bốn tổng thống gần đây nhất của Đài Loan, cho biết Bắc Kinh đã được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán với Quốc dân đảng trong năm nay trước cuộc bầu cử Đài Loan vào tháng 1 tới, đồng thời bày tỏ thái độ lạnh nhạt với bà Thái Anh Văn.
Ông Triệu nói rằng, “Sẽ có một sự thúc đẩy đối thoại lớn trong năm nay, và một sự thay đổi lớn sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử.”
“Nếu Đảng Tiến bộ Dân chủ thắng, họ sẽ gây áp lực buộc Đài Loan tiến tới thống nhất bằng các mối đe dọa quân sự. Nếu Quốc Dân Đảng thắng, họ sẽ thúc đẩy Đài Loan tiến tới thống nhất thông qua đàm phán,” ông nói.
Cựu tổng thống Mã Anh Cửu đã giám sát việc xoa dịu Bắc Kinh trong hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp của ông từ 2008 đến 2016, chủ yếu là do ông đồng ý với công thức rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, mặc dù quan niệm của hai bên về Trung Quốc là khác nhau. Ông đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng và thực hiện một cách tiếp cận khiêm tốn đối với quan hệ đối ngoại và vấn đề chủ quyền.
Chính phủ của ông đã ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc và đàm phán một thỏa thuận thứ hai về thương mại dịch vụ. Nhưng nhiệm kỳ tổng thống của ông Mã đã làm Trung Quốc thất vọng, vì các thỏa thuận thương mại của ông đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ và phản đối rộng rãi việc can dự với Bắc Kinh. Ông đã gặp Tập Cận Bình tại Singapore vào tháng 11 năm 2015, đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Quốc dân Đảng và ĐCSTQ kể từ khi kết thúc nội chiến vào 1949.