Anh Tuấn
Việc Mỹ từ chối chuyển giao F-16 không đơn thuần là để tránh leo thang xung đột. Lực lượng Không quân Ukraine phải mất hàng tháng để huấn luyện một phi công sử dụng thành thục và hiệu quả F-16. Chưa kể Ukraine đang thiếu hụt phi công, bài phân tích của Bianca Nobilo, CNN
Trong một trong những bước leo thang hỗ trợ quân sự quan trọng nhất cho Ukraine từ một thành viên NATO kể từ sau cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm thứ Năm đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của liên minh an ninh này cam kết cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev.
Duda thông báo rằng 4 máy bay chiến đấu MiG-29 sẽ được bàn giao cho Ukraine trong những ngày tới – ông cho biết số còn lại đang được bảo dưỡng và có khả năng sẽ được bàn giao tuần tự. Bốn là một con số khiêm tốn, nhưng nó là một bước tiến lớn so với một năm trước, khi việc một thành viên NATO gửi viện trợ vũ khí sát thương tinh vi như vậy cho Ukraine là điều không thể tưởng tượng về mặt chính trị.
Không có gì ngạc nhiên khi bước đi này được thực hiện bởi Ba Lan – một quốc gia có mối lo ngại rõ rệt về chủ nghĩa bành trướng của Nga bởi lịch sử đau thương dưới ách xâm lược của Nga.
Liệu sự viện trợ này có tạo ra sự khác biệt? Ở cấp độ chính trị, chắc chắn là có. Bằng cách tạo ra một tiền lệ, nó có thể khởi đầu một hiệu ứng domino, theo đó nhiều nước châu Âu sẽ nối gót Ba Lan cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Chưa đầy một ngày sau cam kết của Ba Lan, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger tuyên bố chính phủ của ông sẽ gửi một phi đội gồm 13 máy bay chiến đấu MiG đến hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine. Nhiều khả năng là nhiều quốc gia châu Âu sẽ có hành động tương tự khi họ thay thế những chiếc MiG do Liên Xô thiết kế để hiện đại hóa lực lượng không quân của mình.
Đây chính xác là những gì Ba Lan đang làm. Năm ngoái, nước này đã ký một thỏa thuận quốc phòng trị giá 14,5 tỷ USD với Hàn Quốc, bao gồm việc mua 48 máy bay hạng nhẹ FA-50, đồng thời bổ sung các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lighting II của Mỹ vào phi đội của mình. Một lợi thế khác là do nhiều quốc gia châu Âu sở hữu MIG-29 nên các bộ phận của chúng có thể được dùng để sửa chữa và bảo dưỡng máy bay Ukraine.
Trả lời cho câu hỏi liệu đây có là một lợi thế quân sự của Ukraine, Điện Kremlin đã bác bỏ luận điểm này và tuyên bố rằng việc tặng thêm những chiếc MiG thời Liên Xô cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột. Đó có thể là lý do tại sao thực tế F-16 – chứ không phải MiG – nằm ở đầu danh sách khí tài mong muốn của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Vì những lý do rõ ràng, quy mô chính xác của lực lượng không quân Ukraine, vốn được cho là chỉ bằng khoảng 1/10 quy mô của Nga, vẫn được giữ bí mật. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ukraine được thừa hưởng hàng chục máy bay MiG-29 do Liên Xô sản xuất, khoảng 5 năm sau khi chúng được đưa vào sử dụng. Nhưng phi đội này của Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Nga sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp.
MiG-29 là loại máy bay sử dụng kỹ thuật điện tử tương tự, sử dụng công nghệ bay cũ hơn. Những chiếc F-16 mà Zelensky theo đuổi được chế tạo bằng công nghệ kỹ thuật số. MiG có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ chiến đấu ngắn, chúng có thể khai triển vũ khí và bắn hạ máy bay Nga với khả năng cơ động tốt ở cự ly ngắn. Nhưng F-16 có thể bay lâu hơn, linh hoạt hơn, sở hữu các hệ thống vũ khí tích hợp và có khả năng radar và tầm xa tốt hơn đáng kể, do đó cung cấp khả năng cảnh báo sớm hiệu quả hơn.
Nhà phân tích quốc phòng Alex Walmsley, cộng tác viên của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) ở London, sử dụng phép so sánh “máy tính xách tay của những năm 1990 với chiếc MacBook mới nhất. Hoặc một chiếc Ford Escort với một chiếc Porsche. Về cơ bản, chúng làm những việc giống nhau – đó là bay và phóng tên lửa – nhưng MIG không đáp ứng nhanh và mạnh mẽ bằng F-16.”
Cho đến nay Mỹ vẫn từ chối lời kêu gọi cung cấp F-16 cho Ukraine với lý do tránh leo thang với Nga. Tuần này sau khi máy bay phản lực Nga bắn rơi máy bay không người lái Reaper trị giá 32 triệu USD của Mỹ trên Biển Đen đánh dấu lần đầu tiên máy bay Nga và Mỹ tiếp xúc trực tiếp kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, điều được quan tâm hiện nay là làm sao tránh làm cuộc xung đột leo thang thành thảm họa. Vụ va chạm đã bị Nga coi là bằng chứng về sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột.
Tuy nhiên, sự thay đổi từ từ chối sang chấp thuận đã từng xảy ra; Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine xe tăng M1 Abrams sau khi Đức đảo ngược chính sách của họ đối với việc chuyển giao xe tăng Leopard II.
Nhưng việc Mỹ từ chối chuyển giao F-16 không đơn thuần là để tránh leo thang xung đột. Lực lượng Không quân Ukraine đã quen với việc vận hành các máy bay phản lực MiG nên họ có thể sử dụng chúng ngay sau khi tiếp nhận, trong khi phải mất hàng tháng để huấn luyện một phi công MiG-29 sử dụng thành thục và hiệu quả F-16. Chưa kể Ukraine đang thiếu hụt phi công.
Trung tướng Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Hertling lưu ý rằng mặc dù người Ukraine có thể nhanh chóng thích nghi với các khí tài mới dễ sử dụng như Himars và Javelin, nhưng F-16 là một “trò chơi hoàn toàn khác”. Chúng có các bộ phận động cơ, thiết kế và hệ thống điều khiển hỏa lực khác nhau để bắn và thả bom. Hertling nói: “Rất nhiều người muốn mọi thứ được tiến hành nhanh chóng ở Ukraine, nhưng nếu không có nhiều năm đào tạo trong thời bình cũng như thiết lập năng lực bảo trì và sửa chữa, bạn sẽ không đạt được kết quả như mong đợi. ”
Những cam kết đầu tiên về việc chuyển giao máy bay chiến đấu sẽ giúp nâng cao khả năng phòng không của Ukraine, nhưng không thể tạo ra thay đổi chiến lược hoặc mang lại lợi thế cho Ukraine trong cuộc xung đột. Cựu phi công chiến đấu F-16 của RAF William Gilpin nói với CNN: “Có một câu nói – nếu bạn đi sau một thế hệ, thì sẽ không thể có sự đột phá. Hiện tại Không quân Ukraine đang đi sau người Nga một thế hệ. Nhưng những chiếc F-16 có thể đưa họ đi trước một thế hệ.”
Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rõ ràng là việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 là một cách làm thiếu thực tế khi nó đòi hỏi một khối lượng huấn luyện khổng lồ giữa lúc cuộc xung đột đang diễn ra. Nhưng nếu không có chúng, việc giành được ưu thế trên không là điều xa vời hơn.